GIẢNG DẠY VĂN HỌC ĐỊA PHƯƠNG TẠI CÁC TRƯỜNG THCS:
Cần sự chủ động và tích cực hơn từ ngành giáo dục
9:58', 19/1/ 2008 (GMT+7)

Khi tiến hành thay đổi sách Ngữ văn THCS cách đây khoảng 6 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dành một số tiết học trong chương trình chính khóa để giảng dạy văn học địa phương. Tuy nhiên, cho đến nay, ở Bình Định, tiến hành giảng dạy văn học địa phương như thế nào, vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải…

 

Nhà thơ Đào Duy Anh tại buổi báo cáo ngoại khóa văn học địa phương do Trường THCS Quang Trung tổ chức. Ảnh: T.X

 

* Giáo viên: bị động

Phần văn học địa phương được gắn kết khá chặt chẽ với nội dung kiến thức trong chương trình chính khóa Ngữ văn THCS. Chẳng hạn, phần tiếng Việt là sửa lỗi chính tả mang tính địa phương (lớp 6,7), bước đầu so sánh các từ ngữ địa phương (phương ngữ) với các từ ngữ tương đương trong ngôn ngữ toàn dân (lớp 8,9). Đối với tập làm văn là kể lại một câu chuyện dân gian hay giới thiệu một trò chơi dân gian địa phương. Phần văn là tìm hiểu, thống kê, sưu tầm, nhận xét các tác giả, tác phẩm viết về địa phương...

Thế nhưng, việc giảng dạy văn học địa phương đã gặp nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là thiếu tư liệu hỗ trợ, bởi cho đến nay, vẫn chưa có một giáo trình chính thống và cụ thể nào cho việc giảng dạy nội dung này. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đưa ra quy định theo “hướng mở” cho các địa phương, bằng hướng dẫn: “Phần văn học địa phương, nếu chưa hoặc không có văn bản đáp ứng, có thể sử dụng cho hoạt động ngoại khóa, tham quan quê nhà văn hoặc gặp gỡ các văn nghệ sĩ ở địa phương, gặp gỡ Hội VHNT địa phương”. Bên cạnh đó, trong mỗi bài học, sách giáo khoa có phần hướng dẫn cho học sinh chuẩn bị ở nhà và hoạt động trên lớp; sách giáo viên có định hướng cho giáo viên các bước thực hiện. Chừng ấy xem ra chưa đủ để giáo viên đứng lớp có thể làm chủ kiến thức và giải quyết tốt các tình huống sư phạm, nếu trong tay không có được tài liệu, cung cấp cho họ một cách đầy đủ và có hệ thống về văn học địa phương.

Một số giáo viên là hội viên Hội VHNT Bình Định, sẽ có thuận lợi hơn trong tiếp cận tác giả, tác phẩm địa phương; qua đó, định hướng để xây dựng chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, con số này hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, theo phản ánh của nhiều giáo viên văn THCS trong tỉnh, họ hoàn toàn “bị động” trong các tiết văn học địa phương và phải giảng dạy theo kiểu “tự mày mò”. Thậm chí, có giáo viên đến tiết văn học địa phương lại khỏa lấp sự thiếu hụt kiến thức, tài liệu về văn học địa phương của mình bằng việc kể chuyện, hoặc cho học sinh hát.

Giáo viên còn khó khăn đến thế, nói gì đến các em học sinh trong việc tìm hiểu văn học địa phương, nhất là đối với các trường THCS tuyến huyện, xã vốn còn gặp nhiều khó khăn về tài liệu tham khảo.

* Và sự “chủ động” ở một trường học

Gặp nhiều khó khăn trong việc giảng dạy văn học địa phương nhưng hầu hết các trường THCS trên địa bàn tỉnh chưa có sự gắn kết với Hội VHNT địa phương; để từ đó, có điều kiện gặp gỡ, giao lưu với các nhà văn, nhà thơ, tìm hiểu các tác phẩm viết về địa phương. Chính vì vậy, việc Trường THCS Quang Trung, trường đầu tiên ở TP. Quy Nhơn chủ động đứng ra đề nghị Hội VHNT Bình Định phối hợp tổ chức báo cáo ngoại khóa văn học địa phương, là rất tích cực.

Buổi báo cáo ngoại khóa của trường đã thu hút một lượng đông đảo học sinh tham gia, cùng sự góp mặt của nhiều cây bút viết văn, làm thơ của Bình Định như Nguyễn Văn Chương, Đào Duy Anh, Lê Hoài Lương, Mai Thìn, Nguyễn Thanh Xuân...

Các em học sinh bị cuốn hút vào những chặng đường phát triển của văn học địa phương từ năm 1975 đến nay, qua lối nói chuyện gần gũi, hóm hỉnh của các nhà văn, nhà thơ. Nhiều câu hỏi về tác giả, tác phẩm văn học địa phương do các học sinh, giáo viên Trường THCS Quang Trung đưa ra đã được các nhà văn, nhà thơ trả lời. Tại buổi báo cáo ngoại khóa, Hội VHNT Bình Định và các nhà văn, nhà thơ cũng đã tặng cho Trường THCS Quang Trung nhiều tuyển tập tác phẩm, tập san, tạp chí về văn học địa phương để bổ sung vào thư viện của trường.

Thầy Giáp Hoàng Linh, Tổ trưởng tổ Xã hội, Trường THCS Quang Trung, cho biết: “Sau buổi báo cáo ngoại khóa, chúng tôi đã cho các em học sinh làm bài kiểm tra trong chương trình chính khóa để thể hiện cảm nhận của các em về buổi giao lưu. Chúng tôi cũng đã cho điểm cao bài kiểm tra này để kích thích các em tìm hiểu thêm về văn học địa phương trong thời gian tới”.

Còn nhà thơ Đào Duy Anh, Trưởng Ban Sáng tác Trẻ, Hội VHNT Bình Định, thì nhận xét: “Việc Trường THCS Quang Trung tổ chức được buổi báo cáo ngoại khóa là rất sức thiết thực. Nó giúp cho các em học sinh và các nhà văn, nhà thơ chúng tôi có được cơ hội gặp gỡ, giao lưu với nhau. Qua đó, góp phần khơi dậy niềm say mê văn học địa phương, đồng thời giáo dục lòng tự hào về quê hương mình”.

 

Đông đảo học sinh và các nhà thơ, nhà văn đã tham gia buổi báo cáo ngoại khóa văn học địa phương của Trường THCS Quang Trung. Ảnh: T.X

 

* Cần sự quan tâm “vĩ mô” hơn

Để có thể giảng dạy hiệu quả văn học địa phương, thời gian tới, cần tạo sự gắn kết trên diện rộng giữa các Trường THCS trên địa bàn tỉnh với Hội VHNT Bình Định. Thầy Giáp Hoàng Linh đề nghị: “Kinh phí các trường vốn eo hẹp, nên vẫn ưu tiên mua các loại sách báo tham khảo, chứ ít khi mua tác phẩm văn học địa phương. Còn giáo viên thì không phải ai cũng có điều kiện để tự mua. Chính vì vậy, nên có một chương trình hỗ trợ để mỗi khi có ấn phẩm nào về văn học địa phương mới xuất bản, thì thông qua Hội VHNT Bình Định, các ấn phẩm đó sẽ được chuyển về các tủ sách ở các trường”.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của người dạy, người học, cần xây dựng một giáo trình thống nhất về văn học địa phương để giảng dạy tại các trường THCS trên địa bàn tỉnh. Ở đó, sẽ giới thiệu một cách chọn lọc những nét đặc trưng nổi bật của văn học địa phương trên cơ sở bám sát vào những yêu cầu mà sách giáo khoa Ngữ văn THCS đưa ra. Đây cũng là kinh nghiệm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mới đây, tỉnh này đã tổ chức xét duyệt đề tài: “Xây dựng bộ tài liệu ngữ văn địa phương dùng trong các trường THCS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”. Đề tài này do Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu chủ trì, sưu tầm, tuyển chọn các tác phẩm văn học tiêu biểu của tỉnh; nghiên cứu và trình bày một cách có hệ thống các đặc điểm tiêu biểu của văn học, ngôn ngữ và văn hóa của tỉnh; khảo sát thực trạng dạy học môn Ngữ văn địa phương tại các trường THCS trong tỉnh.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (19/01/2008)
Những người thầy không thể nào quên  (06/12/2007)
Cô giáo Võ Thị Thanh Điệp: Tôi chỉ là một “huấn luyện viên”…  (06/12/2007)
30 năm xây dựng và trưởng thành  (06/12/2007)
Bài tình ca mùa Đông  (06/12/2007)
Xế ôm lúc 0 giờ !  (06/12/2007)
Vững bước đi lên  (06/12/2007)
Giữ hồn nghề dệt chiếu  (06/12/2007)
Phong trào xóa nhà ở đơn sơ cho người nghèo ở An Lão  (06/12/2007)
15 đến 50 triệu đồng cho ngôi nhà chống bão  (06/12/2007)
Thèm thuốc lá - Lợi bất cập hại !  (06/12/2007)
Thơ  (06/12/2007)
Khi mùa lũ đi qua  (05/12/2007)
Quản lý làng bằng cái hương ước  (05/12/2007)
Có một ngọn hải đăng ở Nhơn Châu  (05/12/2007)