ÔNG NGUYỄN HẠNH, PHÓ TỔNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ XƯA & NAY:
“Anh hùng Võ Duy Dương là một người con Bình Định”
10:1', 19/1/ 2008 (GMT+7)

Nằm trong chương trình “Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân”, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (HKHLSVN)- Tạp chí Xưa & Nay, đã tặng tượng đồng Võ Duy Dương cho đền thờ ông ở xã Nhơn Tân (huyện An Nhơn). Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hạnh, Phó Tổng Biên tập tạp chí Xưa & Nay, về vấn đề này. 

 

Đền thờ Võ Duy Dương tại xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn. Ảnh: Nguyễn Thanh Quang

 

* Thưa ông, ông đánh giá thế nào về đặc điểm và ý nghĩa cuộc kháng chiến của Võ Duy Dương ở Đồng Tháp Mười?

- Cuộc kháng chiến của Võ Duy Dương ở Nam kỳ có thể chia ra làm hai giai đoạn: ở Ba Giồng (1859-1864) và ở Đồng Tháp Mười (1864-1866). So với một số lãnh tụ nghĩa quân khác lúc bấy giờ, Võ Duy Dương có quan hệ khá chặt chẽ với triều đình trong suốt quá trình kháng chiến. Chọn Đồng Tháp Mười làm nơi xây dựng căn cứ, thể hiện quyết tâm kháng chiến của Võ Duy Dương, vừa khắc phục được mặt hạn chế về địa hình ở căn cứ Tân Hòa của Trương Định, vừa thuận lợi trong việc phòng thủ và tấn công với địa hình sình lầy, đầy lau sậy, rừng rậm, muỗi, đỉa, rắn độc… Từ khi về thành lập căn cứ, Võ Duy Dương đã qui tụ hầu hết các thủ lĩnh nghĩa quân, thống nhất tổ chức kháng chiến, lấy Tháp Mười làm trung tâm. Ngoài việc Võ Duy Dương liên minh, liên kết với các lãnh tụ kháng chiến Khmer như Acha-xoa, Poucomb … để chống kẻ thù chung, trong tổ chức kháng chiến của ông có sự hiện diện của hàng binh (những lính Tagal đào ngũ) và những người này cũng tích cực tham gia chiến đấu.

Những đặc điểm trên đã cho thấy, Võ Duy Dương chẳng những là một thủ lĩnh nghĩa quân có quyết tâm chống giặc cao độ, mà còn là một lãnh tụ kháng chiến có năng khiếu về tổ chức và chính trị, có tầm nhìn chiến lược sâu rộng và đặc biệt là nhạy bén trước thay đổi của tình thế. Có thể khẳng định Võ Duy Dương là một nhà quân sự có tài, một trong những lãnh tụ nghĩa quân kháng Pháp đầu tiên ở Việt Nam.

* Gần đây, đã có một số ý kiến khác nhau về quê hương của Võ Duy Dương. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Chương trình “Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân” được khởi xướng từ năm 1997. Đây là ý tưởng của nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký HKHLSVN, và sau đó, trở thành chủ trương chung của HKHLSVN. Chương trình đã được xã hội đón nhận và hoan nghênh. Kinh phí của chương trình được các đơn vị, các nhà hảo tâm tài trợ. Đến nay, chương trình đã đúc hơn một trăm pho tượng, trao tặng cho các gia đình, dòng họ, cơ quan, bảo tàng, trường học.

- Quyển “Định Tường Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tiểu truyện” là tác phẩm chép tay bằng chữ Hán, không đề tên tác giả, do Trần Văn Thông chép lại năm 1942, công bố trên Văn hóa Nguyệt san Sài Gòn số 50-52, năm 1960, là nguồn tài liệu sớm nhất khẳng định quê hương của Võ Duy Dương là Bình Định. Trần Văn Thông là cháu ngoại của Thủ khoa Huân, gọi vợ thứ Võ Duy Dương bằng cô ruột. Là người trong gia đình, nên Trần Văn Thông biết rõ quê quán Võ Duy Dương. Do vậy, đây là tư liệu đáng tin cậy. Năm 1992, nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Tháp xuất bản công trình biên khảo “Võ Duy Dương với cuộc kháng chiến Đồng Tháp Mười”do Nguyễn Hữu Hiếu chủ biên. Sau hơn hai năm, tập thể tác giả đã bỏ nhiều công sức sưu tầm, nghiên cứu các tư liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Trung ương II, các thư viện, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định, kết hợp với nhiều cuộc khảo sát điền dã ở Bình Định và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tập thể tác giả này đã xác định: quê hương Võ Duy Dương là ở thôn Cù Lâm Nam, huyện Tuy Viễn, trấn Bình Định (nay thuộc xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn). Công trình này được Hội đồng Nghiệm thu đánh giá cao.

Gần đây, cũng có ý kiến cho rằng quê quán của Võ Duy Dương là ở Quảng Ngãi nhưng không có cơ sở khoa học, và đã bị các nhà nghiên cứu lịch sử bác bỏ. Do vậy, HKHLSVN - Tạp chí Xưa & Nay đã tặng tượng đồng thứ hai của Võ Duy Dương (tượng thứ nhất tặng cho đền thờ ông ở Đồng Tháp) cho đền thờ ông ở xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Lễ rước tượng được tổ chức vào ngày giỗ ông (16 tháng 11 âm lịch, tức ngày 25.12.2007).

* Xin cảm ơn ông.

  • Lê Vân (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cần sự chủ động và tích cực hơn từ ngành giáo dục  (19/01/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (19/01/2008)
Những người thầy không thể nào quên  (06/12/2007)
Cô giáo Võ Thị Thanh Điệp: Tôi chỉ là một “huấn luyện viên”…  (06/12/2007)
30 năm xây dựng và trưởng thành  (06/12/2007)
Bài tình ca mùa Đông  (06/12/2007)
Xế ôm lúc 0 giờ !  (06/12/2007)
Vững bước đi lên  (06/12/2007)
Giữ hồn nghề dệt chiếu  (06/12/2007)
Phong trào xóa nhà ở đơn sơ cho người nghèo ở An Lão  (06/12/2007)
15 đến 50 triệu đồng cho ngôi nhà chống bão  (06/12/2007)
Thèm thuốc lá - Lợi bất cập hại !  (06/12/2007)
Thơ  (06/12/2007)
Khi mùa lũ đi qua  (05/12/2007)
Quản lý làng bằng cái hương ước  (05/12/2007)