Một cuộc giao lưu mới lạ
11:17', 19/1/ 2008 (GMT+7)

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (người đứng) giao lưu với các hội viên CLB văn học Xuân Diệu. Ảnh: H.T

Đó là cuộc giao lưu của Câu lạc bộ (CLB) văn học Xuân Diệu (TT VHTT tỉnh Bình Định) với các nhà văn nổi tiếng về dự Hội thảo Thơ Xuân Diệu nhân 90 năm sinh của ông.

Hơn 17 năm qua, cứ đều đặn mỗi tháng một kỳ, những thành viên CLB, những người yêu thích văn chương lại ngồi cùng nhau với bài thơ, trang văn, lời hát… CLB thường xuyên đón tiếp các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học về giao lưu. Một Hoàng Cầm tâm sự chung quanh bài thơ hay nhiều giai thoại “Lá diêu bông” của ông; một Hồ Thế Hà trao đổi về văn học Việt Nam hiện đại, về thơ trẻ hôm nay; một Inrasara với vấn đề khá hóc: lý thuyết và thực tế văn học hậu hiện đại - tân hình thức; những nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh, Đỗ Tiến Thụy với mảng văn học người lính và chiến tranh cách mạng; rồi Thanh Thảo chia sẻ về thơ và người thơ Xuân Diệu, rồi Nguyễn Quang Hà, Hoàng Vũ Thuật, các nhà thơ nữ Ý Nhi, Thu Nguyệt… Bao giờ cũng vậy, khách mời và cử tọa luôn có những trao đổi, hỏi - đáp sôi nổi, nghiêm túc, hóm hỉnh, vui vẻ, một cuộc tương thông bổ ích.

Cuộc giao lưu lần này với 6 tên tuổi nổi tiếng của văn học Việt Nam: Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Phạm Đình Ân, Lê Thành Nghị, Thanh Thảo ở phòng họp Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh lại hoàn toàn khác. Điều kiện phòng ốc khiến CLB chỉ có thể mời hơn 30 thành viên văn nghệ tiêu biểu, một số thầy cô giáo và học sinh trường chuyên Lê Quý Đôn, trường Trung học phổ thông ở Quy Nhơn. Nghĩa là cũng đủ cho một cuộc giao lưu khí vị, cũng đủ kích thích chủ, khách. Thêm hoành tráng khi có báo đài Trung ương, địa phương. Tóm lại, một cuộc chuẩn bị chu đáo.

Mở màn bằng mấy giọng ngâm thơ Xuân Diệu, những bài thơ hay của ông: Tương tư chiều, Cha đàng ngoài mẹ ở đàng trong, Lời kỹ nữ… Rồi đại diện Ban Chủ nhiệm CLB Văn học Xuân Diệu giới thiệu đôi nét về CLB, Chi hội Văn học (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh) giới thiệu những nét cơ bản của văn học Bình Định xưa và nay. Và, giao lưu.

Vị khách được giới thiệu đầu tiên dĩ nhiên là nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, tác giả “Mặt đường khát vọng”. Ông bắt đầu bằng những kỷ niệm về Xuân Diệu, chuyện điếu thuốc, ly cà phê… bất ngờ ông nghẹn lời rồi rơi nước mắt. Tất cả cùng lặng đi khi hiểu rằng những giọt nước mắt kia quá chân thành, những giọt nước mắt kính yêu một nhà thơ lớn lại quan tâm đến những vấn đề đơn giản như miếng ăn, thức uống, một niềm thương cụ thể đối với con người. Rồi tác giả “Áo trận” Nguyễn Đức Mậu kể về một kỷ niệm khác khi ông lần đầu gặp Xuân Diệu với một xúc động khác. Câu chuyện của ông được kết bằng việc ông cho rằng tối nay mình lựa chọn cuộc giao lưu ở Bình Định với CLB mang tên Xuân Diệu là đúng (đồng thời có cuộc giao lưu ở Đại học Quy Nhơn). Rồi tác giả “Hoa mắc cỡ” Anh Ngọc. Rồi nhà thơ, nhà lý luận phê bình Phạm Đình Ân, Lê Thành Nghị.

Mỗi người một cách, họ nói lên những khám phá, những kỷ niệm riêng hết sức lý thú, cảm động của họ về nhà thơ Xuân Diệu. Vị khách cuối cùng nhưng không hề là khách, nhà thơ Thanh Thảo, lại khẳng định những câu thơ hay rất đời sống, giản dị chưa hề được các nhà phê bình ngợi ca trước đó. Lại nói thêm rất ấn tượng về con người khát sống, thèm sống (chứ không phải yêu) Xuân Diệu, ông bất ngờ bảo “chỉ hôm nay, trong không gian này, các anh mới nói được những điều rất hay về Xuân Diệu, tôi tin rằng có ông đâu đó bên cạnh chúng ta!”. Lại một khoảng lặng xúc động. Và mọi người đều nhận ra, cuộc giao lưu hoàn toàn chuyển hướng, sẽ không thể có những hỏi đáp thông thường, vì tất cả mọi người, chủ và khách đang giao lưu với anh linh nhà thơ Xuân Diệu! Ông cũng nói rằng chưa hề có cuộc giao lưu nào làm ông xúc động như đêm nay.

Tôi tham dự nhiều lần những cuộc giao lưu của CLB, cũng thấy lạ. Từ nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, các cây bút như Nguyễn Văn Chương, Xuân Mai, Mai Thìn, Hạt Cát, Đào Duy Anh… các cô giáo, các em học sinh, các nghệ sĩ ngâm thơ… đều lặng người xúc động theo suốt những tâm sự, chia sẻ nỗi yêu kính, nể phục với người không có mặt. Đúng, ông đi xa đã 22 năm nhưng lại trở về trong chúng tôi, dù tuổi tác nào, “nhà” nào!

Cuộc giao lưu kết thúc bằng bài thơ của một hậu bối Tuy Phước: nhà thơ Lệ Thu và lời đáp từ của “chủ nhà”: nhà thơ Văn Trọng Hùng. Cuộc giao lưu không đúng nghĩa với từ này, một cuộc chệch hướng thú vị và hy hữu.

  • Lê Hoài Lương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Anh hùng Võ Duy Dương là một người con Bình Định”  (19/01/2008)
Cần sự chủ động và tích cực hơn từ ngành giáo dục  (19/01/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (19/01/2008)
Những người thầy không thể nào quên  (06/12/2007)
Cô giáo Võ Thị Thanh Điệp: Tôi chỉ là một “huấn luyện viên”…  (06/12/2007)
30 năm xây dựng và trưởng thành  (06/12/2007)
Bài tình ca mùa Đông  (06/12/2007)
Xế ôm lúc 0 giờ !  (06/12/2007)
Vững bước đi lên  (06/12/2007)
Giữ hồn nghề dệt chiếu  (06/12/2007)
Phong trào xóa nhà ở đơn sơ cho người nghèo ở An Lão  (06/12/2007)
15 đến 50 triệu đồng cho ngôi nhà chống bão  (06/12/2007)
Thèm thuốc lá - Lợi bất cập hại !  (06/12/2007)
Thơ  (06/12/2007)
Khi mùa lũ đi qua  (05/12/2007)