Về quê Vua lửa Tây Nguyên
10:20', 19/1/ 2008 (GMT+7)

Từ trung tâm thành phố Pleiku, đi xuôi về hướng đông nam, vượt qua đèo Chư Sê, ta sẽ đến một vùng đất cực đẹp, một đồng bằng giữa cao nguyên hùng vĩ. Sau khi công trình thủy lợi Ayun Hạ hoàn thành, nơi đây đã trở thành một đồng bằng thứ thiệt với 13.500 ha ruộng lúa nước. Lọt thỏm giữa mênh mông ruộng nước và lúa ấy là ngọn núi Chư Tao Yang, không cao lắm (209,5m) nhưng nó chứa trong lòng một huyền thoại, một sự kiện văn hóa tín ngưỡng: Cây gươm thần của Pơtao Puih (Vua lửa).

 

Vua lửa Siu Luynh. Ảnh: Trần Phong

 

Thanh gươm ấy được cất rất kỹ trong hang, mà có thể là... chưa ai được thấy, kể cả một số người có trách nhiệm của tỉnh Gia Lai và huyện Phú Thiện. Phải qua hai ngách hang thì mới đến nơi cất gươm. Cửa hang chỉ rộng chừng 70cm. Lách qua cửa hang này, sẽ gặp một nhánh hang nữa. Và đây chính là nơi mà chiếc gươm đang ẩn mình, mà người duy nhất có thể vào sau khi đã làm lễ cúng là Pơtao Puih Siu Luynh. Nhưng ông đã băng hà năm 1999. Bên cạnh núi Chư Tao Yang là Plei Ơi (làng Ơi), quê hương của các Pơtao Puih. Nó thuộc xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện (huyện này vừa tách ra từ huyện Ayun Pa, giờ là thị xã Ayun Pa), Gia Lai.

Chúng ta đều biết, thực ra xã hội Tây Nguyên chưa có nhà nước. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đến giữa thế kỷ XX thì Tây Nguyên vẫn còn đang ở giai đoạn mạt kỳ mẫu hệ. Cái gọi là chính quyền mới chỉ xuất hiện vai trò của già làng, một vài nơi có tù trưởng như ông Chut Cheo Reo, người lãnh đạo nhân dân Jơ Rai Ayun Pa chống Pháp... Cho nên từ “Pơtao” như lâu nay ta hay dịch là “vua” thực ra là không chính xác. Ở đây, Pơtao để chỉ mối liên hệ giữa người Jơ Rai với các sức mạnh vô hình với họ như thần linh hoặc vũ trụ. Các Pơtao cũng đồng thời giữ mối liên hệ giữa huyền thoại và lịch sử. Thế tức là Pơtao là những người không thực quyền, họ chỉ có vai trò là cầu nối giữa cộng đồng với các đấng siêu nhiên, cụ thể ở đây là với việc cầu mưa.

Trong hệ thống các vua mang yếu tố thần quyền ở Tây Nguyên gồm Vua lửa, Vua nước, Vua gió... thì Vua lửa là người có vai trò lớn trong đời sống tinh thần các tộc người Tây Nguyên, đặc biệt là người Jơ Rai. Ông vua này đã từng nhận sắc phong của triều Nguyễn trong những nỗ lực cố gắng của các vua Nguyễn muốn thâu tóm vùng đất cao nguyên rộng lớn này. Siu Luynh là đời Pơtao thứ 14 trong hệ thống các Pơtao đã tồn tại ở Tây Nguyên. Gọi là vua nhưng thực chất Siu Luynh không khác gì người bình thường, cũng đi làm rẫy kiếm ăn, lấy vợ sinh con, và ngài cũng biết... đòi tiền khi nhà báo đề nghị chụp ảnh. Ông chỉ thực sự có quyền khi mà hạn hán thì ông cúng cho... mưa; và mưa nhiều quá thì ông lại cúng cho... hết mưa để khỏi úng (!) Cái thanh gươm của vua nghe đồn là gươm thần được tôi bằng máu người mới nguội. Đây là một thanh gươm có thật nhưng chưa ai được thấy bao giờ. Tôi sống ở Gia Lai đã hai sáu, hai bảy năm, nhiều lần ngồi... uống rượu với “vua”, nhiều lần lờn vờn quanh cái hang ấy, nhưng chưa bao giờ dám hó hé chuyện gươm với vua. Theo suy đoán của người viết thì nó chỉ có ý nghĩa tượng trưng cho thần quyền, còn thì ít nhất nó cũng đã gỉ sét hết, và nó cũng tương tự như các thanh gươm hoặc các loại binh khí được tôn làm vật thiêng treo trên các nóc nhà rông (các vật thiêng trên nóc nhà rông ngoài binh khí, nhiều khi chỉ là hòn đá suối hoặc xương thú...).

 

Hang gươm thần. Ảnh: V.C.H

 

Nguồn gốc thanh gươm của Pơtao Puih theo truyền thuyết như sau: Nó do anh em T’dia và T’diêng rèn từ một hòn đá ở núi Hàm Rồng (là một miệng núi lửa khổng lồ cách trung tâm TP Pleiku về phía nam khoảng chục cây số), nhưng khi rèn xong, thanh gươm cứ đỏ rực, không chịu nguội, nhúng vào ghè thì ghè cạn, nhúng xuống suối thì suối khô, nhúng xuống sông thì sông hết nước... Cuối cùng người ta phải nhúng bằng máu các nô lệ (?). Và ai sở hữu thanh gươm này, người đó sẽ nói chuyện được với thần linh (?). Tôi đã khá nhiều lần được tiếp xúc với... vua và thấy đấy là một người đàn ông Jơ Rai hiền lành, có vợ con đàng hoàng, cũng lam lũ lắm, đến nhà ban ngày bao giờ cũng phải nhờ người lên rẫy, cách nhà hàng 5, 7 cây số tìm, vì ông suốt ngày làm việc trên ấy, duy chỉ một việc ranh mãnh là ông biết... làm kinh tế từ... danh hiệu vua, khi ai muốn chụp ảnh ông đều phải... cho tiền.

Như thế, Pơtao Puih là người luôn phải gắn chặt với gươm thần. Nếu không có gươm thì... không có vua. Nhưng điều lý thú rằng, người Jơ Rai, người Ba na, người Lào, người Mơ Nông... đều có chung truyền thuyết về thanh gươm này. Ấy là chi tiết khi thanh gươm cứ đỏ mãi không chịu nguội, sau khi đã ăn máu người (có truyền thuyết kể ăn máu nô lệ, có truyền thuyết cho rằng máu của chính một người giúp việc tên là Pang) nó vừa nguội thì anh em T’dia, T’ diêng vứt xuống sông. Hay tin, người Chàm, người Lào, người Khơ Me... đều lặn tìm thanh gươm. Một dân chài người Kinh lặn được thanh gươm. Từ dưới nước ông nhô người và giơ thanh gươm lên thì người Jơ Rai giật được lưỡi gươm, người Lào giật được chuôi gươm, còn người Kinh giữ vỏ gươm. Nhà văn Nguyên Ngọc đã khai thác truyền thuyết này thành chi tiết khá đắt nói về tình đoàn kết Kinh Thượng trong tiểu thuyết “Đất nước đứng lên”. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân đang công tác ở Sở Văn hóa Thông tin Gia Lai cho rằng: Yếu tố bản địa của “thanh gươm thần” được nhiều tộc người khác nhau công nhận. Bóc đi các yếu tố thần thoại, đối chiếu với các tài liệu và suy luận khoa học, có thể thấy khi việc trồng lúa trở thành phương thức canh tác chính nuôi sống con người trên cao nguyên, nó đòi hỏi kèm theo những yếu tố khí hậu thời tiết nhất định. Nhưng khí hậu Tây Nguyên bấy giờ với 6 tháng nắng liên tục rất khốc liệt và cũng đầy bất thường. Trong đó, nguy cơ thường trực nhất là hạn hán (Các truyện cổ, truyền thuyết, trường ca... của người Tây Nguyên đều nhắc đến hạn hán như một nguyên nhân gây ra bi kịch và là dịp để các dũng sĩ ra tay nghĩa hiệp cứu dân làng, cứu người yêu, mà truyền thuyết nàng Ly (Thác Ia Ly) là một ví dụ). Trong hoàn cảnh ấy, ước muốn lớn nhất của người Jơ Rai là có thể cầu xin, “hô phong hoán vũ”, bắt thiên nhiên phục vụ con người. Ngay ở làng của vua Lửa, làng Ơi, bây giờ là giữa cánh đồng Ayun hạ mênh mông nước, có một hòn đá sừng sững. Truyền thuyết kể rằng đấy chính là chàng trai người Jơ Rai đi tìm nước cứu dân làng. Khi chỉ còn cách nước mấy chục mét nữa thì chàng chết khát và đứng luôn ở đấy từ bấy đến giờ. Dưới góc độ lịch sử thì trong nửa đầu của thiên niên kỷ thứ II sau công nguyên, những tộc người ở Tây Nguyên là nạn nhân của những cuộc xung đột triền miên giữa Lâm Ấp và Phù Nam, tiếp theo là Chiêm Thành và Chân Lạp nên họ phải lùi sâu vào những vùng núi cao, hẻo lánh, cách biệt với thế giới bên ngoài. Và vì thế mà họ biết đến nghề rèn khá muộn màng. Và khi những công cụ rèn đầu tiên xuất hiện với tất cả những tính năng ưu việt của nó so với trình độ săn bắt hái lượm và phát đốt chọc trỉa lúc bấy giờ, nó được gán cho yếu tố thần linh (Người Tây Nguyên theo tín ngưỡng nguyên thủy “vạn vật hữu linh” nên việc này cũng là điều dễ hiểu). Và khi gươm đã được “phong thần” thì việc tìm một người để giữ gươm như giữ vật linh là đương nhiên. Pơtao Puih có thể đã xuất hiện trong hoàn cảnh như thế...

 

Trẻ em ở làng Vua lửa hôm nay. Ảnh: Văn Công Hùng

 

Theo chúng tôi, Vua lửa Pơtao Puih là một nhu cầu tâm linh thiết yếu của người Tây Nguyên nói riêng, loài người nói chung, bởi ai cũng biết lửa quan trọng đối với đời sống con người như thế nào? Prômêtê chẳng đã từng được ca ngợi là “kẻ đầu tiên tuẫn tiết trên tấm lịch triết học” đó sao? Và vai trò chính của Pơtao là cầu mưa, cũng là một thứ thiết yếu với loài người. Các đời Pơtao trước có thể vai trò và thế lực của các ông lớn hơn, còn đến Siu Luynh, thực chất ông chỉ còn cái tiếng, vì sống giữa rốn của công trình thủy lợi Ayun hạ mênh mông 13.500 ha ruộng nước, chả ai cần phải đợi mưa nữa cả, nước mênh mông như giữa đồng bằng lúa nước. Nhưng dẫu sao thì ông cũng đã là một nhân vật được chú ý. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai hồi đó đã tổ chức cho ông tham gia đoàn già làng trưởng bản ra thăm Hà Nội, viếng lăng Bác Hồ, khi về ông say sưa hào hứng kể chuyện cả tháng trời cho dân làng nghe mà vẫn “chưa hết cái Hà Nội”, chưa hết “con đường ra Hà Nội”. Làng Vua lửa ở là Plei Ơi (Plei = làng) đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ cách đây hơn mười năm (1993). Khi ông mất, cả Plei và các vùng phụ cận đều đi đưa. Nghi lễ đám ma của ông cũng khác người thường một chút: Không đặt thi hài trên sàn nhà mà đặt dưới đất theo hướng đông tây, xác được quàn trong một cây gỗ to khoét rỗng và 2 ngày mới đi chôn. Nhà mồ hiện đại lợp ngói và trang trí rất đẹp nhưng không có tượng mồ như phong tục của người Tây Nguyên, vì tuy ông chết nhưng hồn ông vẫn còn ở với dân làng giúp những người kế vị tốt hơn?

Theo quy định truyền mồm thì con của Siu Luynh không được “nối ngôi” vì người này sẽ mang họ mẹ. Vậy chỉ có em ruột hoặc một người nào đó mang họ Siu mới được quyền này (một thứ quyền chẳng có... quyền gì). Theo chỗ tôi được biết thì có một vị phó vương là em Siu Luynh, người thường xuyên phụ giúp Siu Luynh khi hành lễ cúng Yàng khả năng sẽ được dân làng suy tôn, tuy thế, đã mấy năm rồi, ngôi vị Pơtao Puih vẫn để trống. Và như thế, những vấn đề thực hư về Vua lửa, về thanh gươm thần vẫn còn rất mơ hồ, vẫn còn bí ẩn như sương như khói. Và chính điều này nó khiến cho vùng đất này trở nên hấp dẫn...

  • Văn Công Hùng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hương vị đồng quê giữa phố  (19/01/2008)
Vô cớ vẫn đánh chết người  (19/01/2008)
Một cuộc giao lưu mới lạ  (19/01/2008)
“Anh hùng Võ Duy Dương là một người con Bình Định”  (19/01/2008)
Cần sự chủ động và tích cực hơn từ ngành giáo dục  (19/01/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (19/01/2008)
Những người thầy không thể nào quên  (06/12/2007)
Cô giáo Võ Thị Thanh Điệp: Tôi chỉ là một “huấn luyện viên”…  (06/12/2007)
30 năm xây dựng và trưởng thành  (06/12/2007)
Bài tình ca mùa Đông  (06/12/2007)
Xế ôm lúc 0 giờ !  (06/12/2007)
Vững bước đi lên  (06/12/2007)
Giữ hồn nghề dệt chiếu  (06/12/2007)
Phong trào xóa nhà ở đơn sơ cho người nghèo ở An Lão  (06/12/2007)
15 đến 50 triệu đồng cho ngôi nhà chống bão  (06/12/2007)