Tráo ông Địa
11:31', 19/1/ 2008 (GMT+7)

* Truyện ngắn của Nguyễn Nguyên An

Tết năm ấy tôi đã mười hai tuổi, vẫn ốm nhách bởi suốt ngày lêu bêu trên lưng trâu ngoài cồn mả. Tuổi ấy, tôi còn tràn trề tưởng tượng, cho dù nhà tôi sinh sống bằng nghề nông, suốt đời cắm mặt cuốc xới sấp ngửa với mặt đất già nua và cõng mưa nắng dãi dầu trên lưng, nhưng tâm hồn tôi luôn ăm ắp mộng tưởng. Hình như sự mơ ước, tưởng tượng không phân biệt giàu nghèo mà chỉ thích đến với những tâm hồn trẻ nhỏ ngu ngơ?

 

Minh họa của Nguyễn Chơn Hiền

 

Ba tôi là con trai trưởng, phải phụng dưỡng bà cố trên chín mươi tuổi. Tuy có đồng tiền bát gạo của chú Thiện, nhưng gia đình tôi vẫn vất vả lắm mới kiếm đủ ăn và lo cho cố. Chú Thiện làm nghề tài xế, chạy xe đường dài, nhà chú khấm khá lên mãi. Tôi ưng ức: “Ông Trời không công bằng”. Bà cố tôi lụ khụ, người già thường khó tính, khi nào bà cũng ngồi ủ rũ một mình, mặt buồn hiu bận hồi tưởng chuyện gì xa xôi vời vợi. Mặt bà lại chằng chịt nếp nhăn, má hom hem, răng rụng hết, trơ lợi đỏ hỏn bã trầu. Tôi thương bà cố vì bà nội tôi không còn, và bởi đêm đêm, bà như chiếc radio vặn volume nhỏ của tôi, thủ thỉ thù thì kể chuyện đời xưa, ru tôi thiêm thiếp vào giấc mơ thần thoại. Quả thật, bà là kho tàng truyện cổ của tôi và đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Trong kho tàng ấy có đêm bà kể cho tôi nghe chuyện thờ ông Địa:

- Cháu à! Nhà ai thờ ông Địa, nhà đó chóng phát tài. Thờ ông Địa có tốn chi mấy mà được lộc. Ông Địa thích ăn đồ ngọt. Một tháng cúng mặn cho ông một ngày, đó là ngày 16 âm lịch. Có chi cúng nấy. Ví như mẹ cháu bán bún, cúng tô bún, bán cà phê thì mời ông một ly cà phê điểm tâm vậy thôi. Muốn cầu may thì cúng miếng thịt heo cũng đặng, cái bánh chưng nhân thịt cũng xong. Khi cúng, tục lệ xưa truyền là gia chủ nên ăn trước một miếng, kẻo ông Địa tính tham ăn, ăn nhiều lại đau bụng, chớ không phải ăn bớt trước khi cúng là hỗn với ông đâu. Nhìn mặt ông thấy vui, cái bụng tròn phình, cái mặt nung núc thịt và luôn cười xuề xòa hoài. Vào nhà ai đánh cắp được ông Địa của họ về thờ nhà ta giàu lên, nhà bị mất mạt dần…

Hôm sau tôi được nghỉ chăn trâu. Tôi rủ con Lé, cu Lát, con Hoa về vườn nhà chơi “trốn tìm”. Chúng tôi nô giỡn om sòm. Bà cố ngồi xem chúng tôi chạy nhảy mà tay chống cằm đỡ gối trông phát phiền. Cố mắng chúng tôi :

- Chạy rần rật, la ỏm tỏi không cho ai yên một chút!

Tôi và các bạn ham nô đùa phớt lờ luôn, cố lại mắng... Mẹ tôi bênh:

- Con nít chân đi chân chạy. Nội sợ ồn thì vô trong nhà nằm, ngồi đó làm chi cho đau con mắt!

Người già khó tính đã đành, lại chúa lẫy, chúa giận hờn. Thế là cố tôi giận thiệt. Bà lọ mọ chống gậy xuống nhà chú Thiện ở. Mấy đêm không có cố kể chuyện, ôm ấp, tôi trằn trọc mãi ngủ không được. Sáng hôm sau, hôm sau nữa, tôi xuống nhà chú Thiện xin lỗi cố và nài nỉ cố lên ngủ với tôi. Cố hẹn ba bữa nữa mới lên vì mới về lại chống gậy lên liền, sợ chú thím giận. Cố hứa sẽ tìm cách nói với vợ chồng chú Thiện để lên. Cố cũng nhớ tôi lắm! Tôi loanh quanh chơi trong sân nhà chú Thiện, chợt thấy ông Địa thờ xó bàn thờ. Trong đầu tôi dấy lên ý định xấu. Về nhà, tôi nói với mẹ:

- Cố nói mấy bữa nữa mới lên, con về đón cố. Mẹ mua cho con một ông Địa giống y ông Địa nhà chú Thiện nghe, để con thờ cho nhà ta phát tài.

Mẹ tôi có duy nhất tôi là gái nên rất cưng chiều. Ngay chiều đó, bà mua cho tôi một ông Địa giống hệt ông Địa chú Thiện. May cho tôi, vì ngoài chợ bán chỉ một cỡ ông Địa. Đến ngày đón cố lên, tôi thực hiện âm mưu của mình. Tôi lén vào bàn thờ của chú Thiện, đánh tráo ông Địa. Ông Địa tôi tráo rất giống, chỉ ai tinh mắt mới nhận ra hơi mới một tí. Tôi hí hửng cùng bà cố đi lên, với hy vọng nhà tôi sẽ giàu to, ba mẹ tôi đỡ cực!

Những ngày giáp Tết rầm rập tới, tôi rộn ràng trong lòng bao việc phụ mẹ làm mứt, bánh… nên quên bẵng chuyện tôi đã thờ ông Địa đánh tráo. Giêng hai lạnh sắt se thịt da, công việc đồng áng ngơi nghỉ, tôi ru rú trong nhà với cố. Năm ấy, mùa màng thất bát, nhà tôi càng thiếu trước hụt sau. Tôi sực nhớ ông Địa không chịu phù hộ cho gia đình mình, tôi buồn lắm!? Hay tôi đánh tráo nên ông Địa giận tôi không cho lộc? Trưa hôm đấy mẹ tôi đi chợ về báo tin:

- Nội ơi! Chú Thiện bị lật xe, thím chạy xuống bệnh viện rồi.

Tôi nghe mẹ nói, lòng bàng hoàng và hối hận vô cùng. Tôi nghĩ: “Hay là vì tôi đánh tráo ông Địa, nên chú Thiện mới bị tai nạn…“. Nhìn cố khóc hai vai dềnh lên theo từng nhịp nấc, lòng tôi quặn thắt. Tôi thắp hương van vái ông Địa của chú Thiện đang thờ ở nhà tôi, cho chú chóng khỏe và hứa sẽ thỉnh ông về thờ chỗ cũ.

Chú Thiện ra viện, lên thăm cố và gia đình tôi. Chú nói với cố: “May hành khách không ai bị việc gì. Xe người ta tông vào xe con, xe con bị hư chút đỉnh, họ đền cho con mấy chục triệu sửa xe đó, nội ạ!”. Nhìn chú đeo cái tay băng bột, tôi nghĩ đó là vì tôi đã gian dối, xấu xa, chú mới bị xui, gãy tay! Tôi chạy đến bên chú:

- Chú ơi, chú tha lỗi cho cháu nhé. Tại cháu tráo ông Địa nhà chú, chú mới bị tai nạn và hao tài hao của đó. Chú tha lỗi cho cháu nghe!

Thím Thiện ngồi ngoáy cau trầu trong cái xoay trầu bằng đồng giúp cố. Ngừng tay thím bảo:

- Thôi đừng dị đoan nữa, cô cháu nhỏ của tui. Bữa cháu tráo ông Địa thím vô tình lên nhà trên, thím thấy. Thím đi gặp mẹ cháu, thím kể chuyện cho vui, chớ thím cũng không có ý đổi lại. Nhưng mẹ cháu đã đem đổi lại cho thím ngay chiều tối hôm cố lên. Nhà thím vẫn thờ ông Địa cũ chứ có phải ông Địa mẹ cháu mới mua đâu mà cháu lo.

Tết năm nay, tôi là một phụ nữ đã có chồng con, gia đình đầm ấm. Sực nhớ chuyện cũ, tôi đi chợ Tết, sắm một ông Địa về thờ để cầu cho gia đình tôi mua may bán đắt hơn, gia đình hạnh phúc hơn nữa. Cầm ông Địa trên tay, tôi vô cùng nhớ bà cố của tôi. Bà cố kho tàng cổ tích của tôi nay còn đâu... 

  • N.N.A
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Về quê Vua lửa Tây Nguyên  (19/01/2008)
Hương vị đồng quê giữa phố  (19/01/2008)
Vô cớ vẫn đánh chết người  (19/01/2008)
Một cuộc giao lưu mới lạ  (19/01/2008)
“Anh hùng Võ Duy Dương là một người con Bình Định”  (19/01/2008)
Cần sự chủ động và tích cực hơn từ ngành giáo dục  (19/01/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (19/01/2008)
Những người thầy không thể nào quên  (06/12/2007)
Cô giáo Võ Thị Thanh Điệp: Tôi chỉ là một “huấn luyện viên”…  (06/12/2007)
30 năm xây dựng và trưởng thành  (06/12/2007)
Bài tình ca mùa Đông  (06/12/2007)
Xế ôm lúc 0 giờ !  (06/12/2007)
Vững bước đi lên  (06/12/2007)
Giữ hồn nghề dệt chiếu  (06/12/2007)
Phong trào xóa nhà ở đơn sơ cho người nghèo ở An Lão  (06/12/2007)