Bệnh của thời @!
10:30', 19/1/ 2008 (GMT+7)

Làm việc theo cơ chế mới với tính chuyên nghiệp cao vô hình trung đã tạo điều kiện để “chứng bệnh văn phòng” ngày càng phát triển.

 

Tư vấn cho một bệnh nhân nữ về cách phòng - chống một số bệnh đối với nhân viên văn phòng.

 

* Càng tiện nghi... càng mệt

Một ngày làm việc của chị Võ Thị Thu Hạnh, 28 tuổi, nhân viên ngân hàng bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng và kết thúc vào lúc 17 giờ. Trừ hai giờ nghỉ trưa, một ngày làm việc của Hạnh đúng 8 tiếng đồng hồ. Công việc không vất vả, không phải chạy đi chạy lại như những ngành nghề khác nhưng Hạnh lại có nỗi khổ riêng. Do phải ngồi quá lâu trong phòng máy lạnh và tiếp xúc thường xuyên với máy tính nên chỉ một thời gian ngắn, Hạnh thấy mỏi lưng, mỏi các khớp tay, khô da.

Chị tâm sự: “Làm việc trong môi trường hiện đại, tiện nghi đầy đủ rất tuyệt vời. Thế nhưng, tôi lại thấy quá mệt mỏi và… sợ! Làm riết vài năm chắc tay chân không còn nhanh nhẹn nữa mà da dẻ cũng xấu như bà già”.

Chị Ngô Phương Thảo, 30 tuổi, nhân viên văn phòng một công ty liên doanh cũng gặp tình trạng tương tự. Công việc chủ yếu của chị khá nhẹ nhàng và đơn giản: soạn thảo văn bản, sắp xếp công văn, giấy tờ trình “sếp” ký, kiểm tra và trả lời thư điện tử cho phía đối tác. Tuy nhiên, do phải làm việc trong căn phòng kín, hiện đại với máy lạnh, máy vi tính, máy in, máy fax, máy photocopy, điện thoại réo liên tục… nên chị thường xuyên mệt mỏi và bị buồn ngủ.

* Càng chuyên nghiệp... càng bệnh

Anh Nguyễn Văn Sơn, 35 tuổi là kỹ sư xây dựng. Công việc, môi trường làm việc, thu nhập hàng tháng khá lý tưởng nhưng cách đây 2 năm anh phát hiện mình bị đau dạ dày.

Anh cho biết: “Do tính chất công việc lúc nào cũng phải hoàn thành trước thời hạn nên nhiều khi làm việc tôi quên mất giờ cơm trưa, cơm chiều. Ăn uống thất thường được một thời gian, tôi bị đau bụng. Tưởng chỉ bệnh nhẹ như chứng ăn không tiêu, nào ngờ đi khám bác sĩ bảo bệnh dạ dày”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Nuôi, Phó trưởng khoa Nội, BVĐK Quy Nhơn, cho biết: “Những người làm việc văn phòng thường ít vận động thân thể, cộng với chế độ ăn uống không hợp lý (nhiều chất béo, chất đạm, ít chất xơ), nên rất dễ mắc các bệnh tiểu đường, tim mạch, thừa cân… Đây là những bệnh rất dễ dẫn đến các biến chứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời”.

Một nghiên cứu gần đây của Bộ Y tế đã đưa ra con số giật mình: 27% trong tổng số 305 nhân viên bưu điện và nhân viên ngân hàng được Bộ khảo sát bị đau mỏi cánh tay, cổ tay và bàn tay; 30% bị khó thở, tức ngực; 74% thường xuyên đau và khô họng; 73% có cảm giác nhức đầu, chóng mặt. Riêng đối với chứng bệnh mỏi điều tiết do phải tiếp xúc nhiều với máy vi tính, nghiên cứu đã chỉ rõ có khoảng 75% nhân viên ngân hàng thường xuyên cảm thấy mỏi mắt và con số này đối với nhân viên trực tổng đài bưu điện là 85%.

Bác sĩ Trần Như Luận, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - GDSK tỉnh cho biết: “Khi xét đến các yếu tố ảnh hưởng lên tâm sinh lý của con người thì “làm việc văn phòng” có một đặc trưng rất cơ bản là không gian bị bó hẹp, lệ thuộc nhiều vào trang thiết bị, ít gần gũi thiên nhiên. Với đôi mắt, lúc nào nhân viên văn phòng cũng phải điều tiết liên tục làm cho mắt bị mỏi, gây ra một số tật khúc xạ, thậm chí về lâu về dài còn làm cho mắt nhanh chóng bị lão hóa. Cũng từ chỗ thường xuyên bị ràng buộc trong điều kiện nhiều máy móc, thiết bị, chật chội, thiếu độ thông thoáng cần thiết nên cơ thể sinh học gặp phải không ít khó khăn trong quá trình trao đổi khí với không khí bên ngoài nên nhiều người chỉ cần vài giờ làm việc đã bị nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, vã mồ hôi lòng bàn tay, bàn chân và mệt ngực, đôi khi ngáp vặt…”.

Nếu tình trạng này kéo dài thường xuyên sẽ dẫn đến suy nhược thần kinh, da xanh, mắt thâm, tính tình cáu gắt. Đặc biệt, nếu cộng thêm tính chất công việc căng thẳng sẽ rất dễ làm cho nhân viên văn phòng bị rối loạn thần kinh thực vật. Đồng thời, những người làm việc văn phòng thường ít vận động, dẫn đến nguy cơ béo phì, rối loạn Lipoprotein máu, tăng huyết áp.

* Phòng bệnh không khó

Nhiều công trình nghiên cứu kết luận rằng, trong rối loạn Lipoprotein máu, loại tăng LDL - Cholesterol đồng thời giảm HDL - Cholesterol có thể cải thiện được bằng cách hít thở không khí ngoài trời. Điều đó có nghĩa là việc tăng cường thể dục thể thao ngoài trời có tác dụng rất tốt, đặc biệt đối với những người làm việc văn phòng.

Các nhà chuyên môn cũng có lời khuyên một số “thủ thuật” khá đơn giản trong việc “giải tỏa bệnh tật” đối với nhân viên văn phòng:

- Nếu công việc buộc phải ngồi nhiều, nên tìm cách thay đổi tư thế thường xuyên, ngồi ghế xoay tốt hơn ngồi ghế cố định.

- Thỉnh thoảng nên tự điều chỉnh tư thế lại, ngồi cong lưng không tốt, ưỡn quá cũng không tốt, lưng nên giữ thẳng.

- Nên bước ra khỏi phòng vài lần trong một buổi, tìm hành lang hoặc một nơi thoáng khí để đứng, ngắm nhìn cảnh vật ở xa cho mắt được thư giãn, tâm hồn thoải mái.

- Ngoài giờ làm việc nên thể dục thể thao ngoài trời, đừng ngồi nhiều. Nên thường xuyên tự chăm sóc sức khỏe bằng cách đi khám định kỳ. Thầy thuốc sẽ giúp bạn về hướng điều trị khi phát hiện bệnh. Trong khâu khám định kỳ, điều quan trọng là nên làm các xét nghiệm (thử Lipid đồ, đường huyết, acid uric máu...); siêu âm, làm điện tim để sáng tỏ chẩn đoán. Đo huyết áp tuy là điều đơn giản nhưng nếu không quan tâm thì có thể bị tăng đột ngột.

  • Phương Vy
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ  (19/01/2008)
Tráo ông Địa  (19/01/2008)
Về quê Vua lửa Tây Nguyên  (19/01/2008)
Hương vị đồng quê giữa phố  (19/01/2008)
Vô cớ vẫn đánh chết người  (19/01/2008)
Một cuộc giao lưu mới lạ  (19/01/2008)
“Anh hùng Võ Duy Dương là một người con Bình Định”  (19/01/2008)
Cần sự chủ động và tích cực hơn từ ngành giáo dục  (19/01/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (19/01/2008)
Những người thầy không thể nào quên  (06/12/2007)
Cô giáo Võ Thị Thanh Điệp: Tôi chỉ là một “huấn luyện viên”…  (06/12/2007)
30 năm xây dựng và trưởng thành  (06/12/2007)
Bài tình ca mùa Đông  (06/12/2007)
Xế ôm lúc 0 giờ !  (06/12/2007)
Vững bước đi lên  (06/12/2007)