TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG SỐ 2 AN LÃO:
Gian nan chỗ ở học sinh
10:34', 19/1/ 2008 (GMT+7)

Trường THPT số 2 An Lão được thành lập theo Quyết định số 575/QĐ-UBND ngày 14.9.2007 của UBND tỉnh Bình Định, trên cơ sở tách cấp THPT từ Trường Phổ thông dân tộc nội trú An Lão. Năm học 2007-2008 Trường THPT số 2 An Lão đã chính thức khai giảng năm học mới với 11 lớp học, gồm 348 học sinh là người dân tộc thiểu số theo học… Cái khó hiện nay của trường là có hơn 50% số học sinh phải ăn nhờ, ở trọ nhà dân.

 

Một góc Trường THPT số 2 An Lão.

 

* Cất lều để học...

348 học sinh là người dân tộc Ba na, Hơ rê đang theo học tại Trường THPT số 2 An Lão quả là một con số đáng mừng. Lâu nay do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, con đường từ các bản làng đến trường trung học quá xa xôi cách trở nên hàng năm huyện vùng cao An Lão có rất ít học sinh là người dân tộc thiểu số học hết chương trình THPT ! Vậy mà giờ đây với sự nỗ lực của huyện, An Lão đã đầu tư gần 3 tỉ đồng xây dựng Trường THPT số 2 An Lão ngay tại thị trấn An Lão, gồm 16 phòng học 2 tầng, với tường rào, cổng ngõ khang trang đẹp mắt trên khuôn viên rộng 16.000m2 dành riêng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học bằng phương thức dân nuôi là chính. Ngoài việc được miễn các khoản đóng góp xây dựng trường, các em học sinh ở đây còn được mượn sách giáo khoa, sách tham khảo để học tập, hàng tháng còn được Nhà nước hỗ trợ cho mỗi em 100.000 đồng tiền chi phí sinh hoạt... Niềm vui đến cũng là lúc nỗi lo đi cùng, đó là việc gần 2 tháng nay hơn 50% số học sinh của trường phải ăn nhờ, ở trọ nhà dân để đi học. Hầu hết các em học sinh này đều có gia đình cha mẹ ở quá xa trường học, tập trung ở các xã An Toàn, An Nghĩa, An Quang, An Vinh, An Dũng và một số bản làng thuộc hai xã An Trung, An Hưng. Thậm chí tại các vườn điều quanh trường học đã mọc lên những túp lều được che chắn đơn sơ do chính tay các em học sinh Trường THPT số 2 An Lão tự dựng lên để có chỗ che nắng, che mưa hầu chăm chút cho sự học. Cách cổng trường học không xa, dưới tán cây điều đã nhiều năm tuổi là “lều trọ” của các em học sinh Đinh Văn L., Đinh Văn Đ. (lớp 11A2) và Đinh Văn Th. (lớp 12 A2) vừa dựng lên hơn một tháng nay. 3 em đều ở xã vùng cao An Quang, do không có nhà quen hay người bà con nào ở gần trường nên các em đành phải cất lều ở tạm để đi học. Các em bày tỏ: Ở đây khổ lắm ! Cái gì cũng phải tự túc, từ chỗ ngủ đến xoong nồi, chén bát... đều phải lấy từ gia đình mang xuống, có đêm không có đèn để học bài vì hết dầu thắp sáng. Mưa nắng bình thường thì còn tá túc được trong túp lều này, chứ vào mùa mưa bão thì lo lắm, suốt đêm không ngủ được…

Em Đinh Thị T. ở thôn 1 xã An Nghĩa và em Đinh Thị Ph. ở thôn 7 xã An Vinh đều là học sinh lớp 11A1 thì may mắn hơn vì đã được người quen ở làng Gò Mít (thị trấn An Lão) cho ở nhờ. Việc ở nhờ nhà người quen cũng lắm nhiêu khê. Nếu muốn học khuya một chút cũng ngại chủ nhà. Đôi lúc chủ nhà thu hoạch lúa hay làm rẫy… các em cũng “buộc” phải tham gia dù biết rằng thời gian đó là dành cho học tập, nhưng vì ở trong nhà người ta mà !... Qua tìm hiểu được biết: đời sống của người dân miền núi hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vậy mà hàng tháng gia đình các em Trường THPT số 2 An Lão cũng phải “thắt lưng, buộc bụng” gửi cho các em từ 10-15 kg gạo và vài trăm ngàn đồng. Tất cả chỉ vì gia đình nào cũng muốn con em mình có cái chữ, có cái nghề sau này về giúp bản làng sớm thoát khỏi cái đói, cái nghèo…

 

Học sinh Trường THPT số 2 An Lão cất lều trong vườn điều quanh trường để học.

 

* Giải pháp tình thế

Việc học sinh Trường THPT số 2 An Lão không có chỗ ở để đi học đang là nỗi lo bức xúc của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là thầy, cô giáo nhà trường và các bậc phụ huynh. Ông Nguyễn Văn Hà, Hiệu trưởng Trường THPT số 2 An Lão bức xúc nói: “Mặc dù nhà trường đã thường xuyên nhắc nhở các em trong việc tìm chỗ ăn, ở để yên tâm học tập, tuy nhiên khó lòng mà quản lý được các em một khi các em chưa có chỗ ở ổn định, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy và học tập của trường…”. Thực tế đã có những trường hợp học sinh sau giờ học ra khỏi trường đã uống rượu, gây gổ, đi xe máy, bỏ giờ học… và có thể xảy ra những hậu quả chưa lường trước được. Mới đây, Ban giám hiệu Trường THPT số 2 An Lão đã có Công văn số: 03/CV-THPT2 gửi Huyện ủy và UBND huyện An Lão bày tỏ nỗi bức xúc của nhà trường về việc học sinh không có chỗ ở để học như hiện nay, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Trong Công văn, Ban giám hiệu cũng đã kiến nghị với Huyện ủy và UBND huyện xem xét để có biện pháp khắc phục tình trạng trên… Ngày 5.11.2007 UBND huyện An Lão đã có Công văn số 695/UBND gửi UBND các xã, thị trấn, Ban giám hiệu Trường THPT số 2 An Lão. Công văn có đoạn nêu rõ: “…Khu nhà ở cho học sinh chưa có trong kế hoạch xây dựng, nên việc ăn ở, học tập của các em học sinh Trường THPT số 2 An Lão đang gặp rất nhiều khó khăn. Để giúp các em học sinh có chỗ ăn ở, học tập, UBND các xã, thị trấn và các hội đoàn thể ở địa phương phối hợp với nhà trường và phụ huynh học sinh sớm nắm bắt điều kiện của từng em học sinh để có biện pháp vận động, tổ chức cho các em ăn ở, học tập đạt số lượng và chất lượng. Các xã An Trung, An Hưng và thị trấn An Lão vận động các hộ dân có điều kiện thì cho các em học sinh ăn, ở nhờ tại nhà mình để các em yên tâm học tập…”.

Bài học nhãn tiền còn đó, năm học 2006-2007 huyện An Lão không có một học sinh người dân tộc thiểu số nào thi đỗ tốt nghiệp THPT, liệu trong năm học 2007-2008 này 42 học sinh lớp 12 của Trường THPT số 2 An Lão có dẫm lên vết trượt cũ ?...

Việc làm trên đây cũng mới chỉ là giải pháp tình thế, mọi người đang khao khát mong đợi có một khu ký túc xá dành cho học sinh ngay trong khuôn viên Trường THPT số 2 An Lão đang quản lý. Thiết nghĩ, đây cũng là việc nên cần làm ngay, phù hợp với chính sách ưu ái của Đảng và Nhà nước ta đang dành cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.

  • Hoàng Nam Quốc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bệnh của thời @!  (19/01/2008)
Thơ  (19/01/2008)
Tráo ông Địa  (19/01/2008)
Về quê Vua lửa Tây Nguyên  (19/01/2008)
Hương vị đồng quê giữa phố  (19/01/2008)
Vô cớ vẫn đánh chết người  (19/01/2008)
Một cuộc giao lưu mới lạ  (19/01/2008)
“Anh hùng Võ Duy Dương là một người con Bình Định”  (19/01/2008)
Cần sự chủ động và tích cực hơn từ ngành giáo dục  (19/01/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (19/01/2008)
Những người thầy không thể nào quên  (06/12/2007)
Cô giáo Võ Thị Thanh Điệp: Tôi chỉ là một “huấn luyện viên”…  (06/12/2007)
30 năm xây dựng và trưởng thành  (06/12/2007)
Bài tình ca mùa Đông  (06/12/2007)
Xế ôm lúc 0 giờ !  (06/12/2007)