Những khiếm khuyết về cơ thể có thể làm họ chùn bước và chậm bước hơn người khác trên đường đời, nhưng cũng từ đấy, họ có thêm nghị lực sống. Đó là những câu chuyện đáng nói, đáng viết về những người khuyết tật mà tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện.
|
Đào tạo nghề may cho người khuyết tật ở cơ sở dạy nghề Đồng Tâm.
|
* Câu chuyện một cuộc đời
“Khi tôi bắt đầu ý thức được cuộc đời thì tôi thấy mình đang ở trong cô nhi viện Từ Tâm (Quy Nhơn). Tôi tàn tật, mồ côi cha mẹ, vô gia cư, không biết quê quán mình ở đâu. Chiến tranh, ly tán, những thăng trầm của cuộc sống đã khiến cuộc đời tôi là một chuỗi những ngày rày đây mai đó, sống nhờ vào sự bảo bọc của mọi người. Từ cô nhi viện Từ Tâm, tôi chuyển sang ở Tịnh xá Ngọc Quang, qua Trung tâm bảo trợ xã hội An Nhơn, Trung tâm bảo trợ xã hội Nghĩa Hành (Quảng Ngãi… Tôi cũng không thể nhớ chính xác mỗi nơi mình đã ở trong khoảng thời gian nào, bao lâu, vì với một người không nhà cửa, không cha mẹ, sống dựa vào người khác như tôi, ý niệm về thời gian cũng chẳng để làm gì.
Rồi có một hôm, tôi bắt đầu ý thức rằng, mình không thể cứ sống như một cái xác không hồn mãi thế này được. Và tôi quyết định rời bỏ trung tâm bảo trợ xã hội để ra đi, dù không định hướng được là sẽ đi đâu, làm gì. Sau đó là quãng thời gian 10 năm tôi sống lang thang, ngày xin ăn, tối ngủ vỉa hè. Và một lần nữa, tôi sực tỉnh khi thấy 10 năm qua mình sống cũng chẳng khác gì hơn thời gian ở trung tâm bảo trợ trước đó. Đó là khoảng năm 1990.
Tôi xin đi làm, đủ nghề, từ phụ bán phụ tùng xe đạp đến phụ giặt ủi, làm bánh bao, sửa xe đạp, làm đồ chơi trẻ em. Cuối cùng tôi quyết định: mình phải học cho được một cái nghề. Dành dụm từ tiền ăn sáng mà bà chủ cho, tiền bạn bè cùng thời cô nhi viện nay tìm được gia đình cho, tôi để dành, cũng gần đủ để đi học nghề điện cơ. Sau 3 năm học nghề, tôi học khá nên được chủ tiệm giữ lại để vừa làm vừa hướng dẫn các học viên mới vào. Có thể những người biết chuyện sẽ không tin bởi làm sao mà một người có đến… 17 năm học lớp 1 (vì điều kiện sống, phải chuyển chỗ ở nhiều lần nên mới có chuyện như vậy) và cuối cùng đến lớp 2 là chấm dứt sự học như tôi lại có thể học được nghề điện - một nghề đòi hỏi tối thiểu phải học hết lớp 9 phổ thông? Tôi cũng không biết vì sao như vậy, nhưng quả thực là tôi tiếp thu khá tốt. Có lẽ vì tạo hóa đã công bằng, người lấy đi của ai đó cái này thì sẽ bù lại bằng cái khác chăng?
Mọi người hỏi tôi có mơ ước gì không. Sao lại không? Tôi xem chương trình “Ngôi nhà mơ ước” của HTV và ước mong mình là nhân vật chính trong chương trình ấy. Cũng chính vì chưa có nơi ở ổn định nên ước mơ về một mái ấm gia đình đúng nghĩa của tôi vẫn đành phải gác lại, dù công việc hiện tại của tôi cũng tạm ổn”.
|
Trẻ khuyết tật học văn hóa tại Trường dạy nghề tỉnh.
|
* Tôi biết mình là ai
Đó là câu chuyện đời của anh Huỳnh Trọng Quý, 44 tuổi, bị liệt 2 chân, hiện là chi hội phó chi hội khuyết tật Sức Sống (Quy Nhơn). Anh đang làm việc tại cơ sở chế tạo xe máy 3 bánh dành cho người khuyết tật của anh Võ Đình Minh với công việc chính là bảo trì và sửa chữa điện cơ. Từ một đứa trẻ mồ côi, vô gia cư, trải qua biết bao thăng trầm trong cuộc sống, anh Quý đã tự tìm được cho mình một hướng đi, để khẳng định rằng mình vẫn còn hữu ích cho đời, rằng tâm hồn mình không khuyết tật như thân thể. 6 năm gắn bó với chi hội Sức Sống, anh Quý đã được nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, cả về phương diện là tấm gương khuyết tật vượt khó vươn lên và cả là người bảo trợ tiêu biểu. Kể về những được mất của đời mình, anh Quý tâm sự: “So với những người khuyết tật khác, có những cái mình cũng không nên đòi hỏi nhiều hơn. Tất nhiên là mình không nên thỏa mãn, tự bằng lòng với bản thân, nhưng như vậy cũng là tốt rồi”, dù bây giờ anh vẫn đau đáu nỗi niềm về một mái nhà riêng, về những giấy tờ tùy thân tối thiểu như CMND, hộ khẩu mà một công dân cần có.
Khác với anh Quý, Đặng Thị Bích Hạnh, 28 tuổi, hiện sống tại cơ sở dạy nghề Đồng Tâm may mắn hơn khi có một gia đình với đầy đủ cha mẹ và anh chị em. Tuy nhiên, di chứng của một cơn sốt lúc 3 tuổi đã khiến cả 2 chân 2 tay của Hạnh bị bại liệt, yếu vận động. Hạnh gắn bó với cơ sở Đồng Tâm được 10 năm. Hiện cô đang làm nghề đan mây xuất khẩu với thu nhập khoảng 300 ngàn đồng/tháng. Ông Lê Bá Du - phụ trách cơ sở Đồng Tâm - cho biết: “Hạnh được tín nhiệm cử làm “thủ lĩnh” của các học viên ở Đồng Tâm từ khi mới thành lập cơ sở đến giờ. Đó là một người biết vươn lên trong cuộc sống, chăm chỉ, siêng năng và có nhiều cố gắng trong việc giúp chúng tôi điều hành, quản lý học viên”. Còn Hạnh thì không nói nhiều về mình, cô chỉ thổ lộ: “Tôi chấp nhận hoàn cảnh của mình và cũng không buồn nhiều về nó. Tôi mong mình có việc làm ổn định hơn, xã hội hiểu hơn về hoàn cảnh những người khuyết tật như mình”.
Trong khi đó, với người dân xã Canh Hiệp (Vân Canh) thì tiệm sửa xe đạp của anh Phạm Thanh Giảng là một nơi đáng tin cậy để sửa xe, dù chủ tiệm là một người bị bại liệt 2 chân. Dù được gia đình rất thương vì tật nguyền nhưng anh quyết đứng bằng chính đôi chân không còn nguyên vẹn của mình. Hành trình ấy bắt đầu từ những năm tháng Giảng phải tự đạp xe xuống tận xã Phước Thành (Tuy Phước) để học nghề. Rồi sau đó là quãng thời gian khi mới ra nghề, tiệm ế ẩm vì vốn ít, không được đầu tư nhiều, khách hàng lại không tin tưởng ở một ông chủ trẻ tự đi đứng còn khó, huống gì sửa xe cho người khác. Ấy vậy mà giờ đây tiệm sửa xe của anh Giảng đã trở thành điểm hẹn tin cậy của nhiều người, bởi sự nhiệt tình và trách nhiệm của người sửa. Anh Giảng đã có một gia đình hạnh phúc với cậu con trai 5 tuổi. Nói về những ngày đã qua, anh chỉ đơn giản: “Nhiều lúc tôi cũng bi quan, nhưng phải cố vì nếu không làm thì lấy gì ăn”.
Có một điều chung nhất ở những người khuyết tật mà tôi đã từng gặp: dù họ không may mắn trong cuộc sống nhưng ít nhiều họ đã thành công - ít ra là với chính bản thân họ - bởi một điều đơn giản: họ biết rõ mình là ai và đang đứng ở đâu trong cuộc đời này.
|