Gốm làng Vân Sơn
20:41', 29/1/ 2008 (GMT+7)

Nắng mùa đông hanh hao, xen lẫn chút gắt gỏng, hệt như cô gái đang cố gắng chanh chua một chút để làm thay đổi nét dịu dàng thùy mị ngày thường trong mắt của chàng trai. Giữa trưa ấy, tôi lạc vào một con đường trải đầy những ấm sắc thuốc, lò, ảng đựng nước còn nguyên màu vàng nhạt của đất sét…

 

Từng hàng ấm đất được hong nắng cho cứng. Ảnh: T.H

 

1. Được hong nắng đủ cứng để có thể gọt, chuốt cho phẳng trước khi đem nung. Nhà tôi ghé đầu tiên là nhà bà Ba Phú. Hỏi chuyện nghề, bà nhất định chối vì “nhà chẳng còn làm bao nhiêu. Vài ba tháng mới nổi lửa đốt lò một bận”. Vậy nhưng, khi tôi nói không hiểu nhào đất thế nào, cách đạp bàn xoay cũng như nặn gốm ra sao, bà nói rất tường tận. Anh Cang, con trai bà, đang lay hoay nặn đáy lò, xong cái nào đem ra phơi nắng cái đó. Đã 28 tuổi, anh chỉ cao ngang tầm trẻ học lớp 5- có lẽ chính vì thế mà anh “an phận” ở nhà làm gốm trong khi những chị em khác trong nhà đã “thoát ly” cả. “Tui chỉ biết làm lò kiểu Sài Gòn (đúc bằng khuôn) và nhào đất sét phụ cho má thôi. Chứ còn nặn lò, làm ấm tui không biết làm đâu. Mấy cái đó, má tui làm hết á! Đàn ông không khéo léo bằng.”- anh Cang nói.

2. Hỏi xóm ngoài của thôn Vân Sơn này còn mấy người biết nặn cốt ấm, lò than, trã, hai bà Võ Thị Hoa và Mạc Thị Nga đang làm công cho lò của ông Đào Thế Châu ngồi nhẩm: “Cũng chỉ còn lại năm, sáu phụ nữ như chúng tôi làm thôi, trẻ nhất cũng đã 41 tuổi rồi. Xóm ngoài này cũng chỉ còn lò của các ông Ngọ, Bốn, Năm Trí, Khải, Thiện là làm nhiều loại hàng truyền thống, chưa kể mấy lò chuyên làm lò Sài Gòn (dễ hơn vì đúc khuôn). Làng trong (Bắc Nhạn Tháp), lại càng ít hơn chỉ còn hai lò Nam Duy, Ba Thông nổi lửa, chưa kể một lò cắc cụp nửa năm mới nổi lửa (nung) một lần. Hai người già, một đứng- một ngồi, một nhào đất - một nặn trã tay vẫn đều đều làm việc, vẫn không nén được tiếng thở dài.

“Cô tính coi, ngày nay, bếp ga đã thay thế cho lò nấu than, nấu củi; ấm sắc thuốc điện đã thay cho bếp sắc thuốc truyền thống. Hàng làm ra hiện chủ yếu bán cho những người không quen với những món hàng thời công nghiệp hóa, chứ bọn trẻ ở thôn quê ngày nay cũng chỉ quen với bếp ga. Bởi vậy, hàng chủ yếu chạy ở các vùng Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão, Phù Mỹ…”.

3. Ông chủ lò Đào Thế Châu không giấu vẻ trầm ngâm khi nói về sự sa sút của làng nghề cổ của đất vua xưa. Ông Châu nối nghiệp gốm từ đời ông, đời cha. Thời làm ăn được nhất là trước và sau giải phóng. Khi ấy cả làng nhà nhà làm gốm, người người làm gốm, hàng làm ra không kịp, gốm làng Vân Sơn không chỉ đi trong tỉnh mà còn ngược lên Tây Nguyên, vào tận cả miền trong. Nhưng chục năm nay tình hình đã thay đổi, nền kinh tế thị trường quyết định quy luật cung - cầu. Thử tính xem, chậu hoa bằng men, sứ trông sang trọng, bắt mắt hơn chậu đất. Hoặc chậu xi măng, dẫu chỉ cao giá hơn chậu đất vài ngàn, nhưng về độ bền thì xi măng ăn đứt đất sét. Một chậu hoa lan làm ra bán cho đại lý đến nay vẫn chưa lên nổi đến 500 đồng/cái trong khi chưa kể đến hư hao, vật liệu chất đốt, nhân công ngày một tăng. Nguồn đất sét chính trong làng cũng không còn lại bao nhiêu, mỗi ngày một kiệt dần. Một cộ đất  mua cũng mất cả trăm ngàn. Đất nục (đất để pha với đất sét) từ Bình Nghi (Tây Sơn) chở xuống, bán với giá 300.000 đồng/xe tải Vinaxuki.

Hiện nay, nung một lò gốm, phải mất chừng 1,7 triệu đồng tiền củi, chưa kể khoản 300 ngàn đồng tiền bổi chành rành- thứ chất đốt không thể nào thiếu được để nung gốm Vân Sơn. Nhân công trả 1,2-1,5 triệu/người/tháng. Mọi chi phí hòm hèm chục triệu cho một lần chất lò. Hàng tháng, hai vợ chồng ông cũng chỉ kiếm được 1,5 triệu đồng/người. “Mình lấy công làm lời là chính và cũng là để giữ lấy nghề. Mấy nhà không có nhân công đành dẹp lò từ lâu”- ông Châu nói. Tháng này làm loại gì nhiều, bớt loại nào hoặc tháng sau ngược lại không do chủ lò quyết định mà phải hoàn toàn phụ thuộc vào “phán quyết” của đại lý tiêu thụ.

 

Anh Cang đang đúc đáy bếp lò. Ảnh: T.H

 

4. Lò nhà ông Châu chừng tháng rưỡi nổi lửa một bận, so ra vẫn “nhặt” hơn với những lò của nhà khác. Bà Hoa bảo, chẳng nói đâu xa như lò của con trai phần vì đau ốm, phần không đủ nhân công… cho nên nửa năm mới nổi lửa một bận. Nói đến đó, bà lại trầm ngâm, ba chị em gái tui cả đời đều gắn bó với cái nghề này, nay chỉ còn lại một mình. Không biết tui còn đủ sức trụ được bao lâu nữa? Đặt tay lên những ụ đất sét hoàng thổ trong nhà được ủ cẩn thận trong những tấm nylon, tôi có cảm giác đất vẫn chỉ là đất, nguyên sơ và vô tri vô giác. Vậy mà, khi chạm vào mỗi chậu hoa phong lan, trã đất hay chiếc lò than nướng bánh hàng ngày đang hong nắng ngoài sân, cảm giác rất rõ rằng đất đã “sống dậy” qua đôi bàn tay thô mộc của người thợ. Chợt nhớ đến chiếc bùng binh đựng tiền lẻ, bộ đồ hàng gồm bếp lò, khuôn đúc bánh căng, nồi nấu cơm, chảo nho nhỏ xinh xinh… mà bọn con gái tôi vẫn chơi thời bé. Những món ấy chẳng xuất xứ từ Vân Sơn sao?

Rời làng, tôi vẫn không khỏi đau đáu về những lời ông Châu: “Cách đây vài tháng có đoàn văn hóa trên tỉnh về đây thu thập thông tin về ngày giỗ tổ của nghề. Phú quý sinh lễ nghĩa, làng nghề không còn thịnh nên ngày giỗ tổ cũng chẳng còn đông vui như trước. Nhưng biết sao được, quy luật cung cầu khắc nghiệt của thị trường mà…”.

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bánh tráng Kim Tây  (29/01/2008)
Vực dậy bún Song Thằn  (29/01/2008)
Tết sớm ở Đồn Biên phòng 308  (29/01/2008)
Rực vàng vạn thọ nhà nội  (29/01/2008)
“Về Việt Nam giảng dạy là niềm vui lớn nhất của tôi”  (29/01/2008)
Cậu học trò trường huyện chạy “lên đỉnh Olympia”  (29/01/2008)
Về một người nghĩa tế của đất Bình Định  (29/01/2008)
Bệnh viện hạng nhất  (29/01/2008)
Một số hoạt động trong khuôn khổ Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (29/01/2008)
Nhìn từ 2 công trình khoa học  (29/01/2008)
Theo dấu Vườn cam Nguyễn Huệ  (29/01/2008)
Hắn và nàng và em bé bán vé số  (29/01/2008)
Đời thường - đời thơ Xuân Diệu  (29/01/2008)
Thơ  (29/01/2008)
Câu đối  (29/01/2008)