Niềm vui mùa vàng
17:54', 30/1/ 2008 (GMT+7)

Năm 2007, mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán, sâu bệnh, dịch bệnh, lũ lụt… hoành hành, nhưng sản xuất nông nghiệp (SXNN) Bình Định vẫn phát triển toàn diện và tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp  tăng 3,51% so với năm 2006.

 

Nông dân huyện Tuy Phước thu hoạch lúa. Ảnh: Tiến Sỹ

 

* Nỗ lực đáng ghi nhận

Năm qua SXNN tỉnh ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi hạn hán, sâu bệnh, lũ lụt. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chú trọng đến khâu giống, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Đây được xem là giải pháp tối ưu, vừa “né tránh” được các yếu tố bất lợi nói trên, vừa giảm chi phí đầu vào và tăng hiệu quả sản xuất.

Điều dễ nhận thấy nhất trong SXNN ở tỉnh ta trong thời gian qua là việc tăng cường đưa các loại giống mới vào sản xuất thay cho các giống cũ bị thoái hóa. Kết quả của việc đưa các giống lúa cấp 1, lúa lai vào gieo sạ đại trà đã nâng cao năng suất lúa đáng kể. Riêng trong năm 2007, ngành Nông nghiệp tỉnh đưa vào sản xuất nhiều loại giống lúa mới, như ĐB1, ĐB5, ĐB6, TBR1, Q5… và một số giống  lúa lai có năng suất cao, kháng bệnh tốt, như Nghi Hương 2308, Nhị ưu 69, BAC 807, B-TE1. Đến nay, tỉ lệ sử dụng giống cấp 1 trên đồng ruộng tỉnh ta chiếm trên 95% diện tích với mật độ gieo sạ chỉ từ 5-7kg/sào, giảm gần gấp đôi so với trước. Có được bộ giống phù hợp, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng mô hình điểm, tập huấn, hướng dẫn, để nông dân áp dụng vào sản xuất đại trà.

Trong năm 2007, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh đã đầu tư trên 1,2 tỉ đồng thực hiện 5 chương trình khuyến nông quan trọng với 357 điểm trình diễn các loại cây trồng vật nuôi, đồng thời tổ chức 747 lớp tập huấn hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho 185.000 nông dân trong tỉnh. Trong đó, đã xây dựng các mô hình luân canh, thâm canh cao như: Đông Xuân gieo sạ lúa, vụ Hè sản xuất đậu phụng và vụ Mùa gieo sạ lúa; hay mô hình sản xuất lúa kết hợp nuôi cá; trồng mía trong túi bầu, bắp lai, mì cao sản… đã được triển khai rộng khắp từ vùng đồng bằng, ven biển đến miền núi xa xôi. Điều đáng mừng là hầu hết các mô hình trình diễn đều mang lại hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nông dân tỉnh nhà; được nhân rộng trong sản xuất.

* Cho mùa vàng bội thu

Mục đích của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh cốt là để hạn chế rủi ro và tăng hiệu quả sản xuất, giúp nông dân có điều kiện cải thiện cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, thay đổi bộ mặt nông thôn. Và cũng dễ hiểu khi bà con nông dân hưởng ứng và triển khai mạnh mẽ chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi vì nó mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Ông Phan Đình Nam, một lão nông tri điền ở thôn Hòa Phong, xã Nhơn Mỹ (An Nhơn) đã thốt lên khi cầm trên tay những bông lúa nặng trĩu hạt. “Mấy chục năm gắn bó với ruộng đồng nhưng chưa bao giờ tôi phấn khởi như hôm nay. Cũng từ 8 sào nhưng khi tôi sử dụng giống mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thì năng suất lúa đạt 70tạ/ha, cao gấp 2 lần so với trước”.

Về chăn nuôi, một trong những điển hình là anh Lê Văn Dư, ở thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa (Tuy Phước). Chỉ từ 50 con gà ta ban đầu, đến nay anh đã trở thành “vua gà” của tỉnh với hàng ngàn con gà giống và hệ thống máy ấp trứng tự động để sản xuất, cung ứng gà giống cho thị trường. Đến nay, trang trại gà giống của anh cung cấp giống gà cho người chăn nuôi khắp 20 tỉnh, thành trong nước; mỗi năm doanh thu trên 2 tỉ đồng, trừ mọi chi phí còn lãi ròng 500 triệu đồng.

Không chỉ nông dân  ở các huyện đồng bằng, bà con dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn cũng đã thay đổi cách nghĩ cách làm, biết đưa giống cấp 1 vào sản xuất; biết khai thác đất vườn, đất đồi rừng, trồng các loại giống cây mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thật khó tả hết nỗi vui mừng của bà con nông dân khi công sức của mình bỏ ra được đền đáp xứng đáng. Ông Đinh Văn Rê ở thôn 4, xã An Trung - An Lão  nói với chúng tôi trong sự phấn khởi: “Nhờ đưa giống lúa mới vào sản xuất có hiệu quả nên mấy năm nay bà con trong thôn bản no cái bụng, có cái áo đẹp để mặc. Giờ ai cũng đã ưng cái bụng rồi nên đến mùa vụ rồi mà chưa mua được lúa giống cấp 1 dưới xuôi đưa lên là bà con đứng ngồi không yên”.

Hoặc như xã Cát Hải (Phù Cát), khó có thể tin mảnh đất “thừa gió cát, thiếu nước” này là địa phương điển hình trong việc xây dựng cánh đồng đạt 50 triệu đồng/ha. Trên cùng một đơn vị diện tích, nông dân Cát Hải đã sử dụng cây bắp lai, các loại đậu, hành... vào trồng xen canh và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất rất có hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, đời sống ngày càng được cải thiện... Thành công này là tổng hòa giữa sức người, giống cây trồng với các biện pháp kỹ thuật sản xuất mới.

Theo ôâng Võ Thành Tiên, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh: “Mặc dù gặp nhiều khó khăn do hạn hán, sâu bệnh và dịch bệnh hoành hành cây trồng, vật nuôi… nhưng sản xuất nông nghiệp tỉnh ta vẫn phát triển toàn diện và duy trì mức tăng trưởng khá. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 618.706 tấn, tăng 12,29% so với kế hoạch. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp trong năm 2007 đạt trên 2.846 tỉ đồng, tăng 3,41% so với năm 2006. Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần tỉ trọng sản xuất trồng trọt và tăng giá trị chăn nuôi, dịch vụ”.

Trong xu thế cạnh tranh và hội nhập, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành nhanh và vững chắc các vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh cây trồng, vật nuôi năng suất cao phục vụ công nghiệp chế biến. Mùa xuân đến, những hạt giống mới bắt đầu nảy mầm mang theo hy vọng niềm vui được mùa đến với bà con nông dân.

  • Phạm Tiến Sỹ

Sự nỗ lực của nhà khoa học, nhà nông cộng với sự hỗ trợ của Nhà nước đã làm nên những mùa vàng bội thu. Năm 2007 toàn tỉnh sản xuất 111.938 ha lúa, sản lượng đạt 579.881 tấn, tăng 22,1% so với kế hoạch. Ngoài ra nông dân trong tỉnh còn sản xuất 7.824 ha bắp lai, 8.128 ha đậu phụng, hơn 2.000 ha mè và trên 15.177 ha rau màu các loại. Nét nổi bật trong sản xuất lúa năm 2007 là tỉnh ta đã chuyển đổi thành công 15.000 ha sản xuất 3 vụ lúa bấp bênh/năm sang sản xuất 2 vụ ăn chắc/năm . Ngoài ra, thực hiện chương trình xây dựng các cánh đồng cho thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm đến nay tỉnh ta đã có 215 cánh đồng với diện tích gần 3.000 ha. Đồng thời còn có 280 cánh đồng gồm 3.770 ha cũng cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tết ở làng tôm hùm  (29/01/2008)
Ngày Tết ăn... măng !  (29/01/2008)
Định Bình mùa xuân này…  (29/01/2008)
Gốm làng Vân Sơn  (29/01/2008)
Bánh tráng Kim Tây  (29/01/2008)
Vực dậy bún Song Thằn  (29/01/2008)
Tết sớm ở Đồn Biên phòng 308  (29/01/2008)
Rực vàng vạn thọ nhà nội  (29/01/2008)
“Về Việt Nam giảng dạy là niềm vui lớn nhất của tôi”  (29/01/2008)
Cậu học trò trường huyện chạy “lên đỉnh Olympia”  (29/01/2008)
Về một người nghĩa tế của đất Bình Định  (29/01/2008)
Bệnh viện hạng nhất  (29/01/2008)
Một số hoạt động trong khuôn khổ Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (29/01/2008)
Nhìn từ 2 công trình khoa học  (29/01/2008)
Theo dấu Vườn cam Nguyễn Huệ  (29/01/2008)