Về Háo Đức, trò chuyện bên những cội mai
18:7', 30/1/ 2008 (GMT+7)

* Ghi chép của Huỳnh Kim Bửu

Chuyện cây mai giữa tôi với các ông chủ vườn nổi tiếng ở làng mai Háo Đức “nổ ra” quanh bàn trà nơi nhà ông Đặng Văn Hoàng - một người chuyên trồng mai ở đây.

 

Chị Phàng Chiểu kiểm tra vườn mai hàng ngàn chậu để quyết định thời điểm lặt lá cho hoa nở kịp Tết. Ảnh: Hữu Chính

 

Uống xong chén trà, tôi cất tiếng hỏi: “Vừa mới về tới làng, tôi đã nghe chuyện, mới đầu tháng 12 dương lịch mà có mấy chủ vườn đã bán được một đợt mai, mỗi người thu vào 50 - 60 triệu đồng, cả làng Háo Đức thu 500 - 600 triệu tiền bán mai, tuy còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết. Chuyện thực hư thế nào?”. Chủ nhà cho biết: “Đó là chuyện ông Trường Hải bán 200 chậu mai với giá 70 triệu đồng cho một thương lái ở Cần Thơ, cô Phàng Chiểu bán 100 chậu với giá 50 triệu đồng cho một thương lái ở Tây Sơn. Mấy hộ khác như hộ Phan Chuông, Sáu Đường cũng có thu khá. Người mua mai lúc này là người có tay nghề, tính toán giỏi, mua mai về chăm chút vài tháng là đưa ra thị trường hoa Tết, kiếm lời khỏe”. Tôi nhẩm tính, mới đầu tháng 12 dương lịch mà đã bán mai được nhiều tiền như vậy, chắc đến Tết tiền bán mai của họ cũng phải lên đến vài trăm triệu đồng mỗi người.

Tôi chuyển sang chuyện khác, tìm hiểu về “ông tổ” của làng mai Háo Đức là ông Đặng Xuân Lan- chính là thân sinh của chủ nhà, anh Hoàng cho biết: “Công việc của ba tôi hồi ấy, cũng chỉ là việc tình cờ, ngẫu nhiên. Ba tôi đi tập kết về, có thói quen mỗi sáng uống trà đặc. Một buổi sáng tháng Chạp năm 1976, sắp đến ngày 23 đưa ông Táo về Trời, có tôi ngồi uống trà với ông, ông nói: “Trên đất nước mình, miền Bắc có hoa đào, miền Nam có hoa mai nở về mùa Xuân, đó là Xuân dân tộc. Trong sân nhà mình chưa có cây mai, để rồi cha con mình sẽ trồng một cây, cho Tết nó nở hoa”. Thế rồi, vào khoảng giữa năm 1977, ba tôi vào làng An Ngãi (xã Nhơn Hưng) thăm một người bà con và đã chở theo về một chậu mai, bảo là “Dượng Ba bay cho”. Cây mai gốc khá to, thân thẳng. Ba tôi công tác ở Quy Nhơn, mỗi tuần về một lần vào ngày Chủ nhật và ông thường dành ngày đó cho việc bón phân, tưới tắm, uốn thân, sửa cành cho cây mai. Khi còn vài tháng nữa tới Tết, ông chăm sóc kỹ hơn: thăm nụ, gặp thời tiết lạnh thì giữ độ ấm cho cây, canh lúc lặt lá cho mai nở đúng độ Tết. Tết năm ấy, gia đình tôi có một chậu mai tinh tươm, nở hoa đúng ngày mồng một Tết. Ba tôi bảo: “Hoa mai năm cánh nở đều như thế này chẳng khác gì Ngũ phúc lâm môn (5 điều phước vô cửa. Đó là: Phú (giàu), Quý (sang), Thọ (sống lâu), Khang (khỏe mạnh), Ninh (yên ổn)) nhà ta sáng ngày đầu năm mới”. Thế là má tôi vui trước rồi cả nhà cùng vui, lấy đó làm niềm hạnh phúc đầu năm.

Ăn Tết xong, ba tôi cắt trụi cành, thay đất cho chậu mai. Theo ngày tháng, cây mai phát triển nhanh, bộ rễ dần nhỏm cao, sum suê cành lá, dáng thế mềm mại uyển chuyển như mây bay gió thổi… Đến đầu tháng Chạp, cây mai sai nụ, hứa hẹn mùa hoa thứ hai. Ba tôi làm việc ở văn phòng một cơ quan trên tỉnh. Đến gần Tết, lãnh đạo văn phòng lên chơi nhà, thấy chậu mai ông ưng ý quá và đã “này” lại ba tôi, bảo là đem về trang trí cơ quan trong mấy ngày đón Tết. Tiền nhường lại chậu mai, má tôi liền cầm lên một hiệu kim hoàn trên Đập Đá, mua về 3 chỉ vàng. Đồng tiền đó đã kích thích “đầu óc kinh tế” của ba tôi, nảy sinh trong ông ý tưởng trồng mai Xuân như một giải pháp kinh tế gia đình.

Tôi hỏi: “Ông cụ bắt đầu thực hiện ý tưởng này từ lúc nào?”, anh Hoàng kể tiếp: “Ăn Tết năm 1979 xong, ông đi tìm hạt giống mai, cây mai bổi, rồi đem về gieo, trồng, vô chậu. Hễ có thời gian là ông cặm cụi với vườn mai. Năm nào cũng làm vậy, cho tới năm 1982, ba tôi có một vườn mai với gần ngàn chậu mai xanh tốt. Trước Tết năm 1983, vườn mai ba tôi tấp nập người đến mua những chậu mai Xuân dày đặc búp. Đây là một cảnh lạ ở làng Háo Đức, nhiều người bảo đây là một nét Xuân mới của làng quê này. Bán được hơn 300 chậu mai nở mùa hoa ban đầu, trừ các khoản chi phí mua cây mai bổi, mua chậu kiểng, phân bón, thuê nhân công trồng mai, chăm mai (đã quy ra tiền), tính ra ông có lãi. Công việc ấy, ông làm túc tắc nhiều năm. Ông thường nói: “Rồi mình phải đi tìm giống mai mới để đem về làm giàu chủng loại cho vườn mai của mình”. Giữa năm 1983, nhân một chuyến công tác ở một tỉnh trong Nam, ông kết hợp đi tìm giống mai mới và đã mang về giống cúc mai”.

Ông Phan Đờn - một người trồng mai, có mặt trong bàn trà - nói: “Mặc dù hoa mai 5 cánh có là hoa ngũ phúc, người chơi hoa vẫn ưa chuộng cúc mai hơn, vì nó nhiều cánh (từ 30 - 60 cánh), nhìn chậu hoa cúc mai thấy nó có sự thịnh tài rõ rệt”.

Ông Hoàng mời khách uống trà, rồi nói tiếp: “Từ ngày “vườn mới thêm hoa”, vườn mai ba tôi quanh năm nườm nượp khách tham quan và mua mai, kinh tế gia đình phất lên trông thấy, tôi và chú Sự xin nghỉ việc Nhà nước để về trồng mai với ba. Ba tôi thấy nhu cầu chơi mai Tết mỗi năm mỗi cao, nó phát triển thuận theo sự phát triển kinh tế và ông đã muốn nhân ra trong tộc họ, trong làng, cho có nhiều nhà trồng mai. Bởi thế, ba tôi luôn sẵn sàng giúp về cây giống, trao đổi kinh nghiệm, “chuyển giao công nghệ” cho những ai muốn trồng mai như ông. Năm 1987 ba tôi về hưu, làm ông lão trồng hoa với đầy đủ ý nghĩa của nó. Ông mất vào năm 1997. Làng Háo Đức bắt đầu có tiếng là “làng mai” cách nay cũng mươi lăm năm. 15 mùa mai có vui có buồn, chứ không phải chỉ có vui đâu. Tôi nhớ có năm, vì thời tiết không thuận, mai nở không đúng độ sang Xuân; hoặc có năm trời sương muối, mai “đứng” nụ, không chịu nở. Đó là lúc hàng trăm chủ vườn mai Háo Đức đồng thanh “kêu trời”. Tôi nói: “Bỏ đi đôi lần buồn, mình nói chuyện vui thôi, cái danh tiếng “Làng mai Háo Đức” là danh tiếng thực, có phải không”. Anh Tâm - cũng một người chuyên trồng mai, có mặt trong bàn trà - nhấp ngụm trà, sôi nổi đáp: “Háo Đức hiện nay có 80% số hộ trồng mai. Du khách vào làng Háo Đức có cái kinh ngạc được gặp không ít những vườn mai có tới hàng ngàn chậu và những chủ vườn là những người am hiểu về cây mai, từ cốt cách đến tinh thần của loại cây này. Thương lái mua mai sỉ Háo Đức có đủ các tỉnh, thành trong cả nước: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Đăk Lăk, Bình Thuận, Vũng Tàu… Tôi muốn mời anh về thăm lại Háo Đức trong khoảng thời gian từ mồng mười đến 25 tháng Chạp sắp tới để được “mục sở thị” từng đoàn xe tải vào làng rồi chở mai đi. Đối với người các địa phương, cây mai Háo Đức - Bình Định từ lâu đã có “thương hiệu” trong sự lựa chọn của họ”. Tôi hỏi: “Vậy thì cái hấp dẫn của mai Háo Đức - Bình Định là gì?”. Anh Hoàng trả lời: “Đó là cái dáng, cái thế của mỗi cây mai, cây mai khi đã được đặt vào chậu rồi thì nó đạt sự vững vàng, cân đối, nhìn từ góc độ nào cũng thấy nó đẹp. Làng Háo Đức xưa kia nổi tiếng với nghề cẩn, mà thợ cẩn thì biết khắc, khảm những hình tiều phu, ngư phủ, cây đa, cây tùng, cây mai… trên món đồ cẩn của mình. Cho nên, những nghệ nhân trồng mai Háo Đức bây giờ có bàn tay khéo léo vì đã kế thừa cái “gien” di truyền từ những cha chú thợ cẩn ngày xưa”.

Tôi nghĩ, mai Háo Đức sai bông, bền hoa là nhờ hấp thu từ cái màu mỡ của đất; có màu tươi, hương tinh khiết là nhờ hấp thụ từ cái thanh sạch của trời, nơi một làng quê bên bờ sông Côn, dưới chân thành Hoàng Đế. Ông Tâm còn cho biết thêm: “Những thương lái đi mua mai Tết đều thích đến Háo Đức là vì chỉ ở đây họ mới có thể vào một cửa mà khi ra thì xe họ chất đầy hàng. Họ cần mua mấy thiên mai, chủ vườn cũng có đủ để bán cho họ, họ không mất công đi thu gom cho đủ chuyến xe”.

*

* *

Hết ngồi quanh bàn trà, chúng tôi ra dạo vườn, dạo xóm. Vườn mai của ông Hoàng mênh mông bát ngát, chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện trong cái gây gây lạnh của tiết trời Đại tuyết chuyển sang Đông chí. Tôi hỏi, giá một chậu mai Tết thường là bao nhiêu?. Anh Tâm trả lời: “Loại mai 3 - 4 năm tuổi, giá bình quân từ 300.000 đến 400.000 đồng/chậu tại vườn, cá biệt có chậu lên đến triệu rưỡi, vài triệu”. Tôi nhẩm trong đầu, nếu Tết Mậu Tý sắp tới, ông Hoàng chỉ cần bán 1/3 số chậu mai trong vườn, thì ông cũng thu được một khoản tiền lớn nhường nào. Sang tham quan vườn mai ông Đờn, anh Tâm, chúng tôi đi giữa những hàng mai đầy nụ nấp dưới lá xanh. Tôi hỏi khẽ ông Đờn, dự kiến năm nay ông thu được bao nhiêu tiền mai Tết? Ông vui vẻ trả lời: “Tôi cao tuổi rồi, làm ít. Tết năm ngoái, tôi bán sỉ và lẻ được 200 triệu đồng, trừ 50 triệu tiền vốn, 50 triệu cho ăn tiêu cả nhà một năm, còn dư được 100 triệu. Cũng ngon đấy chứ - ông cười hề hề. Còn năm nay hả? Chắc cũng chừng ấy thôi”. Tôi lần khân tìm hiểu về tình hình thu nhập từ cây mai Tết của người làng Háo Đức, ông Hoàng có chiều nghĩ ngợi, rồi nói: “Hồi nãy, chú Tâm có nói trong làng Háo Đức có 80% số hộ trồng mai, đó là nói số hộ trồng mai có thu nhập. Có khoảng vài chục hộ thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên với những tên tuổi nổi bật như: Hoàng này (cười), Thành Long, Xuân Sự, Xuân Ngự, Phan Đờn, Văn Tâm, cô Phàng Chiểu…; hộ 50 triệu chiếm non một nửa, hộ vài chục triệu khá nhiều, hộ bét nhất 3 - 4 triệu”. Tôi lại hỏi về chuyện “đổi đời”, “giải pháp kinh tế” như ước nguyện, như điều mong mỏi của dân làng, của bác Lan, thân sinh anh Hoàng, ông Phan Đờn nói như một hồi tưởng: “Hồi chưa có cây mai, cả làng cùng nghèo, gia đình nào cũng cha mẹ già ở lại nhà, con cái đi làm mướn phương xa, trẻ con dành thời gian chăn trâu, chăn bò, bắt cua, hái rau má nhiều hơn đi học… Bây giờ, tiền mai mỗi năm, mỗi cái Tết vào các gia đình như anh thấy đó thì không “đổi đời” là gì? Cây mai từ Háo Đức đã lan ra đủ 6 thôn trong xã Nhơn An, rồi nhiều xã của huyện An Nhơn. Nhờ có sự lan tỏa ấy mà Háo Đức còn có một đội ngũ nghệ nhân đi làm thuê cho các chủ vườn ở khắp nơi. Công việc của họ là cắt cành, nâng rễ, uốn thân cho cây mai với tiền thuê 60.000đ/ngày có cơm ăn bữa trưa. Đó là công ăn việc làm của lũ trai trẻ làng Háo Đức, trong đó có các con tôi. Cứ tưởng tượng xem, nếu không vậy thì sẽ có nhiều đứa đi uống rượu và gây chuyện làm mất an ninh - trật tự xóm làng, như chuyện thường ngày ở nơi này, nơi nọ, anh vẫn biết đó”.

*

* *

Ngồi trên xe buýt về lại Quy Nhơn, vẫn còn văng vẳng bên tai tôi câu nói của ông Tâm: “Háo Đức mà không có cây mai, chắc chết từ lâu rồi”. Tôi cũng nghĩ  đến hoàn cảnh xưa - nay của các em (con dì ruột tôi) mà tôi vừa đến thăm. Chú Đương, cô Tám có một thời nghèo khổ, chuyện đủ ăn đủ mặc đối với các cô chú ấy cứ như một điều xa vời. Nhưng rồi sau đó nhờ có mảnh vườn đặt đầy chậu mai mà họ đã khá dần lên, cho tới nay ai cũng có nhà xây, xe máy đời mới và có tiền nuôi lũ con vào đại học…

Tháng 12.2007

  • H.K.B
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Niềm vui mùa vàng  (30/01/2008)
Tết ở làng tôm hùm  (29/01/2008)
Ngày Tết ăn... măng !  (29/01/2008)
Định Bình mùa xuân này…  (29/01/2008)
Gốm làng Vân Sơn  (29/01/2008)
Bánh tráng Kim Tây  (29/01/2008)
Vực dậy bún Song Thằn  (29/01/2008)
Tết sớm ở Đồn Biên phòng 308  (29/01/2008)
Rực vàng vạn thọ nhà nội  (29/01/2008)
“Về Việt Nam giảng dạy là niềm vui lớn nhất của tôi”  (29/01/2008)
Cậu học trò trường huyện chạy “lên đỉnh Olympia”  (29/01/2008)
Về một người nghĩa tế của đất Bình Định  (29/01/2008)
Bệnh viện hạng nhất  (29/01/2008)
Một số hoạt động trong khuôn khổ Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (29/01/2008)
Nhìn từ 2 công trình khoa học  (29/01/2008)