Công nghiệp Bình Định:
Bức tranh nhiều màu sáng
18:18', 30/1/ 2008 (GMT+7)

Trong nhiều năm qua, tỉnh ta đã dành một nguồn kinh phí lớn cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp (CN). Nhờ đó, từ một tỉnh thuần nông, hiện nay ngành CN đã vươn lên lãnh lấy trách nhiệm làm giàu cho quê hương Bình Định.

 

Chuyền may đồ sơ mi của Nhà máy may Phù Mỹ. Ảnh: N.T

 

1. Nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, năm 1998 tỉnh ta xúc tiến xây dựng khu công nghiệp (KCN) Phú Tài. Với những lợi thế riêng về địa lý, giao thông và những cơ chế ưu đãi thông thoáng, qua 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay KCN Phú Tài đã được lấp đầy, với 102 DN đăng ký đầu tư, trong đó có 81 DN đã đi vào sản xuất, số còn lại đang khẩn trương xây dựng nhà xưởng, lắp đặt thiết bị chuẩn bị đưa vào hoạt động. Từ sự thành công của KCN Phú Tài, năm 2002 KCN Long Mỹ tiếp tục được hình thành. Đến nay, KCN này đã có 18 DN đăng ký đầu tư, trong đó có 7 DN đã đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cũng đã dành một nguồn kinh phí lớn cho việc đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển CN. Huyện Phù Mỹ được đánh giá là địa phương có sự đầu tư lớn cho sản xuất công nghiệp (SXCN) trong thời gian gần đây. Nhờ biết tranh thủ tối đa các nguồn vốn, huy động thêm trong dân, trong 5 năm qua nguồn vốn mà Phù Mỹ dành đầu tư hạ tầng phát triển CN đạt trên 30 tỉ đồng/năm. Từ sự đầu tư này, huyện đã thu hút được nhiều dự án SXCN có quy mô lớn, góp phần giải quyết việc làm, tăng giá trị SXCN trên địa bàn huyện. Đến nay, cụm công nghiệp (CCN) Bình Dương đã có 11 DN đăng ký đầu tư, trong đó có 6 DN đi vào sản xuất ổn định. CCN Diêm Tiêu (thị trấn Phù Mỹ), đã có 2 DN đi vào hoạt động. CCN Đại Thạnh (xã Mỹ Hiệp) có 3 DN đi vào hoạt động…

2. Bên cạnh đầu tư hạ tầng, ngành CN tỉnh cũng đã có những định hướng phát triển “dài hơi”, trong đó tập trung hướng các DN đi vào sản xuất các sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao. Thời gian qua, nhiều DN SXCN trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm. Đơn cử như ngành CN chế biến lâm sản xuất khẩu, đã có gần 10 DN đầu tư máy móc, công nghệ, chuyển từ chế biến các mặt hàng ngoài trời sang chế biến các mặt hàng nội thất, bước đầu kim ngạch xuất khẩu (KNXK) đã đạt trên 12 triệu USD.

 

Phân xưởng xẻ đá granite của Công ty TNHH Hoàng Cầu (Nhơn Hòa - An Nhơn). Ảnh: N.T

 

Các DN chế biến đá granite xuất khẩu cũng đã đầu tư trang thiết bị mới nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, tận dụng nguyên liệu để chế biến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Nhờ sự năng động này mà các DN chế biến đá granite trên địa bàn tỉnh đã hoạt động ổn định hơn trước, đảm bảo thu nhập và việc làm cho công nhân. Không riêng gì 2 ngành CN đá và gỗ, hiện nay nhiều sản phẩm CN “made in Binh Dinh” đã có mặt ở mọi miền đất nước và vượt biên giới đến với hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, với giá trị sản xuất và KNXK ngày càng tăng cao. Năm 2007, giá trị SXCN toàn tỉnh đạt 4.826 tỉ đồng, tăng 30%; KNXK đạt 267 triệu USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2006.

3. CN phát triển, đã góp phần tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và tạo sự tăng tốc cho nền kinh tế của tỉnh nhà. Ở những địa phương hoạt động SXCN phát triển, vấn đề giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động đã được thực hiện khá hiệu quả. Xã Nhơn Hòa (An Nhơn) là một ví dụ. Từ khi 32 nhà máy, xí nghiệp lần lượt mọc lên ở đây, thu hút trên 2.000 lao động tại địa phương thì tình trạng nông dân ly hương kiếm việc làm đã giảm hẳn, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Ông Lê Kim Hùng - Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa - cho biết: “Trước năm 2000, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ lực của địa phương, với tỉ trọng chiếm trên 90%. Thế nhưng mọi chuyện thay đổi nhanh chóng, khi các nhà máy, xí nghiệp SXCN lần lượt mọc lên trên địa bàn xã đã khơi nguồn đưa kinh tế địa phương phát triển theo hướng tích cực. Hiện nay, tỉ trọng CN chiếm đến trên 40% GDP của xã, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo vươn lên khá giả”.

Không riêng gì Nhơn Hòa, ở nhiều vùng nông thôn khác trong tỉnh, khi CN phát triển cũng đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Chẳng hạn, từ năm 2006 đến nay, huyện Phù Mỹ đã có gần 2.000 nông dân “thoát xác” trở thành công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn huyện. Trong đó, chỉ riêng Nhà máy may Phù Mỹ đã giải quyết việc làm cho hơn 700 lao động, với thu nhập khoảng 1 triệu đồng/người/tháng…

 

Công nhân Công ty TNHH VASS - chuyên sản xuất các mặt hàng bàn, ghế bằng inox xuất khẩu tại CCN Nhơn Bình (Quy Nhơn) - vận hành máy khoan kim loại. Ảnh: N.T

 

4. Chưa dừng lại ở đó, hiện nay tỉnh ta đang tiếp tục “trải chiếu hoa” mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Bình Định. Thời gian gần đây, có nhiều nhà đầu tư đã coi Bình Định như bến đỗ cho sự nghiệp của mình. Ông Nguyễn Kim Phương - Giám đốc Sở CN tỉnh - cho biết: “Những gì mà tỉnh ta đã làm trong thời gian qua đã chứng minh một điều: Bình Định là “đất lành” để các nhà đầu tư đậu lại làm ăn. Bởi thế, hiện nay làn sóng đầu tư vào tỉnh ta diễn ra khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, cái khó hiện nay của tỉnh là mặt bằng không đáp ứng đủ. Để giải quyết vấn đề này, hiện tỉnh đang xúc tiến nhanh việc xây dựng thêm các KCN, CCN”.

Theo quy hoạch, đến năm 2010 tỉnh ta có 5 KCN với diện tích hơn 2.000 ha và 35 CCN được bố trí tại các huyện, thành phố với tổng diện tích khoảng 745 ha. Hiện nay, tỉnh đang đẩy nhanh việc xây dựng 2 KCN Nhơn Hòa và Hòa Hội. Các huyện, thành phố cũng đang xúc tiến xây dựng các CCN ở địa phương mình để thu hút đầu tư.

Phát huy thành quả đạt được, bước sang năm mới, các “guồng máy” CN trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng tốc, quyết tâm đạt kết quả cao hơn. Trong đó, mục tiêu mà tỉnh đặt ra trong năm 2008 này là: phấn đấu đưa giá trị SXCN toàn ngành đạt trên 6.000 tỉ đồng, tăng khoảng 30% so với năm 2007 và giữ vững tốc độ phát triển vào những năm tiếp theo.

  • Ngọc Thái
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Về Háo Đức, trò chuyện bên những cội mai  (30/01/2008)
Niềm vui mùa vàng  (30/01/2008)
Tết ở làng tôm hùm  (29/01/2008)
Ngày Tết ăn... măng !  (29/01/2008)
Định Bình mùa xuân này…  (29/01/2008)
Gốm làng Vân Sơn  (29/01/2008)
Bánh tráng Kim Tây  (29/01/2008)
Vực dậy bún Song Thằn  (29/01/2008)
Tết sớm ở Đồn Biên phòng 308  (29/01/2008)
Rực vàng vạn thọ nhà nội  (29/01/2008)
“Về Việt Nam giảng dạy là niềm vui lớn nhất của tôi”  (29/01/2008)
Cậu học trò trường huyện chạy “lên đỉnh Olympia”  (29/01/2008)
Về một người nghĩa tế của đất Bình Định  (29/01/2008)
Bệnh viện hạng nhất  (29/01/2008)
Một số hoạt động trong khuôn khổ Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (29/01/2008)