Cách đây tròn 40 năm, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), quân và dân Bình Định đã góp phần cùng miền Nam lập nên những chiến công hiển hách. Một trong những chiến công đáng kể là mũi tiến công thọc sâu của các lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương tỉnh Bình Định đánh chiếm thị xã Quy Nhơn, làm chủ đài phát thanh của ngụy.
|
Đài phát thanh của quân ngụy bị ta đánh sập trong Tết Mậu Thân năm 1968. Ảnh: Thùy Trang (sưu tầm, chụp lại)
|
Tháng 1.1968, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III), hạ quyết tâm: chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định, phải tạo được một bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh, bằng phương pháp tổng công kích, tổng phản công. Ta chủ trương đánh vào 4 trong số 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn của miền Nam trong chiến dịch Xuân Mậu Thân.
Bình Định là một trong những trọng điểm nổi dậy của chiến trường Khu V. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Khu ủy, công tác chuẩn bị cho nổi dậy ở tỉnh Bình Định được tiến hành khẩn trương. Ban chỉ đạo mặt trận được thành lập để thống nhất các hoạt động trong toàn tỉnh, mở nhiều đợt chỉnh huấn về chủ trương tiến công nổi dậy nhằm làm chuyển biến về nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ, LLVT và quần chúng nhân dân. Trong đó, LLVT được bố trí theo các hướng có sự phối hợp giữa các địa bàn chủ yếu, lực lượng quần chúng được chuẩn bị sẵn sàng nổi dậy chi viện và xuống đường đấu tranh.
Trong chiến dịch lịch sử này, mục tiêu chính của các LLVT ta là dùng các mũi vũ trang gọn nhẹ, tiến công thẳng vào dinh tỉnh trưởng, ty cảnh sát, đài phát thanh của ngụy, sân bay Quy Nhơn… Nhiệm vụ tác chiến chủ yếu của các trận đánh này được giao cho Tiểu đoàn 50 bộ đội chủ lực tỉnh cùng với Tiểu đoàn Đặc công “Liên ấp 3” phối hợp với các đơn vị biệt động và tự vệ nội thị thực hiện.
Xét thấy tầm quan trọng của cơ quan đài phát thanh, vì nếu đánh chiếm được sớm ta có thể sử dụng phương tiện kỹ thuật của đài phục vụ cho công tác tuyên truyền, kêu gọi quần chúng nổi dậy giải phóng quê hương; cho nên theo kế hoạch, mục tiêu tiến công đầu tiên của ta là đánh chiếm đài phát thanh, sau đó nếu thuận lợi, quân ta sẽ tiến công các mục tiêu tiếp theo. Cuộc tấn công dự định sẽ phát hỏa đúng vào lúc Giao thừa Xuân Mậu Thân (tức 0 giờ ngày 29.1.1968).
Để thực hiện mục đích trên đây của Bộ Chỉ huy chiến dịch, trước đó, một đơn vị đặc nhiệm đã bí mật đột nhập vào nội thị để trinh sát, điều tra tình hình và chuẩn bị địa bàn. Đơn vị này do đồng chí Nguyễn Khuông (tức Biên Cương) - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Quy Nhơn - trực tiếp lãnh đạo. Trong khi công việc chuẩn bị gần như đã hoàn tất thì một tình huống bất ngờ xảy ra: đồng chí Biên Cương và một số cán bộ hoạt động bí mật của ta bị địch bắt. Lúc đó đã là ngày 28.1. Tuy nhiên, không thể trễ giờ nổ súng, Tỉnh ủy quyết định điều chỉnh kế hoạch tác chiến có thay đổi đôi chút so với ban đầu. Nghĩa là mũi tấn công đầu tiên không đột kích vào đài phát thanh như đã định mà sẽ đột kích vào khu Quân Trấn (cách đài phát thanh khoảng 400 mét về phía Tây - Nam) để giải thoát đồng chí Biên Cương và một số cán bộ của ta đang bị an ninh quân đội địch giam giữ, sau đó mới đánh chiếm đài phát thanh và các mục tiêu đã định.
Với kế hoạch được điều chỉnh chút ít này, tối 30 Tết (29.1.1968), Tiểu đoàn 50, Tiểu đoàn Đặc công Liên ấp 3 và các đơn vị biệt động, tự vệ mật từ vị trí giấu quân ở căn cứ Hưng Thạnh (ngoại thị xã Quy Nhơn) bắt đầu xuất kích. Do có sự chuẩn bị công phu, chu đáo và được sự giúp đỡ, bao bọc của cơ sở, toàn bộ lực lượng chiến đấu của ta đã đột nhập an toàn vào nội thị và áp sát các mục tiêu trước giờ Giao thừa mà địch không hề hay biết.
Sắp đến giờ Giao thừa! Bọn Mỹ - ngụy vẫn cảnh giác, tuần tra nghiêm ngặt. Trên đường phố Quy Nhơn, thi thoảng xuất hiện những chiếc xe Jeep mui trần, sắc lính rằn ri tay lăm lăm súng M-16. Đúng 0 giờ ngày 29.1.1968, khi thị xã vang lên tiếng pháo đón chào năm mới là lúc bộ đội ta nhận lệnh nổ súng tiến công địch. Những giây khắc đầu tiên, địch hoàn toàn bất ngờ! Trận tập kích vào khu Quân Trấn diễn ra hết sức mau lẹ, 22 cán bộ, chiến sĩ của ta, trong đó có Bí thư Thị ủy Quy Nhơn Biên Cương được giải cứu.
Trên đà thuận lợi, đúng như kế hoạch, 2 đại đội đặc công nhanh chóng đánh chiếm đài phát thanh, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch trấn giữ ở đây, trong đó có 2 tên Mỹ, làm chủ hoàn toàn khu vực này. Cùng lúc đó, các mũi tấn công khác đánh vào dinh tỉnh trưởng, đồn cảnh sát Bạch Đằng, kho quân sự Đèo Son, bến xe… Quân địch hoang mang cực độ, gần như hoàn toàn bị tê liệt, mất khả năng chi viện, ứng cứu cho nhau.
|
Ty chiêu hồi ngụy bị ta đánh sập trong Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: Thùy Trang (sưu tầm, chụp lại)
|
Sau khi hoàn hồn, sáng hôm sau (30.1) địch bắt đầu điều quân từ các nơi khác đến ứng cứu. Từ lúc này trở đi, diễn ra những trận chiến đấu vô cùng ác liệt, địch và ta giành giật nhau từng bức tường, góc phố. Trong các trận chiến đấu đầy cam go này thì trận chiến đấu chốt giữ đài phát thanh trong 7 ngày đêm là tiêu biểu nhất. Tại đây, với khẩu hiệu Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, các chiến sĩ đặc công đã kiên cường bám trụ, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch có xe tăng và xe bọc thép yểm trợ. Nhiều chiến sĩ ta đã anh dũng hy sinh, người trước ngã, người sau lên thay, đánh địch đến hơi thở cuối cùng. Tuy nhiên, do lực lượng quá chênh lệch, vũ khí, đạn dược bên ngoài chuyển vào không được, trong lúc đó người chỉ huy trận đánh là đồng chí Biên Cương đã hy sinh; cuộc chiến đấu không cân sức ngày một thu hẹp nhưng rất ác liệt. Khi quân địch lên đến tầng hai của đài phát thanh, ta chỉ còn lại 2 chiến sĩ đặc công súng đã hết đạn và trong tình trạng bị thương.
Chiến thắng của quân và dân tỉnh Bình Định đầu Xuân 1968, đặc biệt là thắng lợi trong Tết Mậu Thân, trong đó, trận tiến công vào thị xã Quy Nhơn kết thúc sau 7 ngày đêm quân ta làm chủ đài phát thanh, tiêu diệt hàng trăm tên địch, đã đưa cuộc chiến tranh cách mạng ở Bình Định lên một cục diện mới; thể hiện tinh thần anh dũng tiến công, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh, tạo ra thế trận mới - thế tiến công và nổi dậy liên tục và đồng loạt trên khắp các địa bàn.
Cùng với chiến thắng trên toàn chiến trường miền Nam Xuân Mậu Thân (1968), một lần nữa, quân và dân Bình Định đã góp phần làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, đẩy chiến lược “chiến tranh cục bộ” đi đến phá sản hoàn toàn.
|