|
Đồng chí Phạm Văn Thanh |
LTS: Năm 2007, toàn Đảng bộ đã đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương Đảng và các chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh và Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhân dịp Xuân Mậu Tý - 2008, đồng chí Phạm Văn Thanh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Bình Định về những hoạt động này.
* Trong năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh đã sôi nổi hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xin đồng chí cho biết những tác động tích cực của cuộc vận động này trong đời sống xã hội của nhân dân trong tỉnh?
- Đồng chí PHẠM VĂN THANH: Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ. Mục tiêu lớn mà cuộc vận động hướng tới là: Làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cuộc vận động này gắn với cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Sự tu dưỡng, rèn luyện, học tập, nâng cao đạo đức của mỗi cá nhân và toàn xã hội dựa trên nền tảng là sự tự giác, phấn đấu của mỗi người, sự giúp đỡ, kiểm tra của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và sự giám sát của quần chúng nhân dân. Qua gần một năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, hàng vạn cán bộ, đảng viên, công nhân viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, thanh niên trong tỉnh đã tham gia nghiên cứu, học tập các chuyên đề và đề ra phương hướng tự phấn đấu, học tập, rèn luyện đạo đức, lối sống theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đại bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức đã có chuyển biến tốt về nhận thức và hành động trong việc giữ gìn, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng; trong quan hệ với nhân dân, với tập thể và cộng đồng; góp phần ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế và ngăn ngừa các tệ nạn xã hội.
Có thể nói, đây là cuộc vận động có ý nghĩa to lớn, thiết thực; đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo sức mạnh tinh thần, niềm tin và sự phấn khởi trong Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Đối với Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai thực hiện cuộc vận động này gắn với công tác xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2007 và triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 (khóa X).
* Thưa đồng chí, một trong 4 chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) là “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”. Xin đồng chí cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị của tỉnh và để làm được việc này, trong năm 2008 và những năm đến, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào?
- Là một Đảng cầm quyền, sự lãnh đạo của Đảng tác động trực tiếp đến hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Phương thức lãnh đạo tốt sẽ làm cho các tổ chức trong hệ thống chính trị phát huy vai trò, vị trí của mình, thúc đẩy cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Ngược lại, nếu phương thức lãnh đạo của Đảng không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát huy năng lực của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Những năm qua, nhất là từ khi Đảng ta đề ra và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, các cấp ủy đã nhận thức ngày càng rõ hơn về phương thức lãnh đạo của Đảng và ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Đối với tỉnh ta, ngay từ năm 2001, Tỉnh ủy đã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình hành động về “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sửa đổi lề lối làm việc và quan hệ với dân của hệ thống chính trị”. Trong những năm qua, sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị trong tỉnh đã có nhiều đổi mới và đạt được những kết quả quan trọng…
Tuy nhiên, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, trọng tâm là đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể trên một số lĩnh vực chưa chặt chẽ, bất cập, có mặt còn bị động. Một số cấp ủy Đảng chưa thực hiện đúng quy chế làm việc, còn can thiệp sâu hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo đối với hoạt động của chính quyền. Một số cấp ủy Đảng trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hoạt động còn lúng túng, khó khăn, chưa phát huy được vai trò lãnh đạo…
Về những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã nêu trong Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, ở đây tôi không nhắc lại, chỉ nhấn mạnh một số vấn đề sau: Mục đích, yêu cầu của việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là khắc phục cả hai khuynh hướng bao biện làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Để làm được điều đó, các cấp ủy phải có những quy định cụ thể đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Đổi mới phương thức lãnh đạo phải đi đôi với đổi mới phong cách, lề lối lãnh đạo; khắc phục tình trạng họp hành nhiều, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít; né tránh, đùn đẩy, quan liêu, xa rời thực tiễn.
Trong năm 2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo các cấp ủy triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của UBND các cấp, nhất là chính quyền xã, phường, thị trấn trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ và giải quyết công việc của dân; tăng cường chỉ đạo giải quyết kịp thời, có hiệu quả đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Đối với các hoạt động của các cơ quan tư pháp, sự lãnh đạo của các cấp ủy phải bảo đảm tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện theo đúng các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; thường xuyên kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng và đảng viên trong các cơ quan tư pháp, trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đảm bảo đúng với đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Các cấp ủy cần phát huy tính năng động, sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng của Mặt trận và đoàn thể; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, đổi mới phương thức hoạt động theo hướng sát cơ sở, sát dân, khắc phục tình trạng quan liêu, hành chính hóa trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
* Xin cám ơn đồng chí!
|