Trong hai năm 2006 và 2007, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục để các hoạt động đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao hơn.
|
Lễ đón nhận danh hiệu Xã văn hóa của xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn). Ảnh: N.V.Ngọc
|
* Dần đi vào chiều sâu
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, thời gian qua, Ban chỉ đạo (BCĐ) phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của BCĐ Trung ương, UBND tỉnh và kịp thời phổ biến những thay đổi, bổ sung về tiêu chí bình xét, công nhận danh hiệu văn hóa. BCĐ tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan lồng ghép những nội dung hoạt động của họ vào phong trào TDĐKXDĐSVH như xây dựng đời sống văn hóa trong khối công nhân- viên chức, lực lượng vũ trang, trong trường học, trong khu dân cư… Một số BCĐ ở địa phương, đơn vị đã sâu sát, nhạy bén trong công tác chỉ đạo thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả phong trào, điển hình như BCĐ ngành y tế, BCĐ huyện Hoài Nhơn. Đặc biệt, năm 2007, Hội nghị Biểu dương các Gia đình Văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn tỉnh lần thứ I được tổ chức, đã đánh giá kết quả phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa trong những năm qua, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và tiến tới nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Với những nỗ lực trên, phong trào TDĐKXDĐSVH trong hai năm 2006 và 2007 đã đạt những kết quả khả quan. Đến nay, toàn tỉnh có 288.577/336.037 hộ đạt chuẩn Gia đình văn hóa; 382/1.102 khu dân cư được công nhận làng, khu phố văn hóa và 480 khu dân cư tiên tiến; 661/1.480 đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Nổi lên trong số các địa phương, đơn vị, gia đình đạt chuẩn văn hóa thời gian qua là 11 đơn vị văn hóa, 10 làng, khu phố văn hóa và 19 gia đình tiêu biểu với thành tích xuất sắc 5 năm liền trong phong trào TDĐKXDĐSVH (2003-2007). Đặc biệt, lần đầu tiên ở tỉnh ta đã có ba xã được công nhận danh hiệu Xã văn hóa là xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), xã Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ) và xã Nhơn Lộc (huyện An Nhơn).
Tuy nhiên, năm 2007 lại có những tỷ lệ đạt thấp hơn năm trước. Chẳng hạn, tỷ lệ hộ đạt chuẩn Gia đình văn hóa toàn tỉnh năm 2006 là 87,9%, trong khi năm 2007 là 85,9%. Tỷ lệ làng, khu phố đạt chuẩn văn hóa toàn tỉnh năm 2006 là 35,49%, còn năm 2007 là 34,6%. Những con số trên cho thấy, một mặt, có một số gia đình, đơn vị được công nhận năm trước, nhưng vì không duy trì thành tích nên không được công nhận lại. Mặt khác, công tác chấm điểm, bình xét các danh hiệu văn hóa đã sát sao hơn nhằm khắc phục bệnh thành tích.
Để phong trào đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, BCĐ tỉnh cần khắc phục một số hạn chế, như tình trạng thả nổi phong trào, buông lỏng mục tiêu phấn đấu ở một số địa phương do thiếu sự đồng bộ trong nhận thức của cán bộ, nhân dân và sự sáo mòn, thiếu sáng tạo của BCĐ các cấp. Đội ngũ cán bộ văn hóa cấp thôn, xã bị thiếu hụt gây khó khăn cho việc triển khai phong trào ở các địa bàn cơ sở. Các ban, ngành, cơ quan hữu quan chưa phối hợp chặt chẽ trong xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, gây trì trệ trong quá trình huy động khối đại đoàn kết toàn dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; công tác đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở chưa được quan tâm đúng mức…
* Hướng đến những mục tiêu mới
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2010, toàn tỉnh sẽ có trên 87% số gia đình đạt Gia đình văn hóa, 65% số khu dân cư đạt chuẩn Tiên tiến, trên 60% số làng, thôn, khu phố đạt chuẩn Văn hóa, trên 70% số cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang đạt chuẩn Văn hóa và trên 40% số xã, phường, thị trấn có thiết chế nhà văn hóa hoạt động hiệu quả.
Để phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu kể trên, BCĐ tỉnh cần đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp tục củng cố, kiện toàn BCĐ tỉnh và BCĐ các ngành, địa phương, cơ sở. Thường xuyên phát động, tổ chức đăng ký thi đua trên diện rộng. Đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng chuẩn mực gia đình Việt Nam theo định hướng Chiến lược Gia đình Việt Nam đến năm 2010. Nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, trung thực và công bằng trong việc chấm điểm, bình chọn, đề xuất, công nhận các danh hiệu nhằm khắc phục bệnh thành tích. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa về xây dựng đời sống văn hóa, trong đó ưu tiên đầu tư cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…
|