Hỏi chuyện nhà thơ Thanh Thảo về thi phẩm “Đàn ghi-ta của Lorca”
20:46', 3/10/ 2008 (GMT+7)

Nhà thơ Thanh Thảo.

Bài thơ “Đàn ghi-ta của Lorca” của nhà thơ Thanh Thảo lần đầu được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 12. Bài thơ hay và hiện đại, nhưng lại không dễ hiểu. Chúng tôi đã có cuộc gặp và trò chuyện với nhà thơ Thanh Thảo về bài thơ này.

* Thơ Thanh Thảo “dành mối quan tâm đặc biệt cho những con người sống có nghĩa khí, nhân cách ngời sáng dù số phận có thể ngang trái...” (sách Ngữ văn 12 nâng cao). Nhưng bên cạnh vấn đề chung ấy, điều gì đã thôi thúc, để ông viết nên bài thơ “Đàn ghi-ta của Lorca”?

- Thực ra, dù tôi có những mối quan tâm như sách giáo khoa nâng cao nói, thì khi viết một bài thơ cụ thể, như bài  “Đàn ghi-ta của Lorca”, mối quan tâm chính của tôi chỉ là một hình ảnh gợi mở, một âm hưởng hay một nhịp điệu mơ hồ nào từ đâu đó, chứ tuyệt nhiên không có một “vấn đề” nào cả! Anh hỏi tôi có gửi lời tri âm hay ký thác nào vào bài thơ ấy không, tôi xin trả lời rất thật là tôi không biết. Khi làm thơ thì chỉ từ ngữ gọi từ ngữ, nhịp điệu đẩy đưa nhịp điệu.

Dĩ nhiên, Lorca là một nhà thơ mà tôi hết sức ngưỡng mộ, cả về thi ca lẫn cuộc đời và cái chết của ông đều gây cho tôi nhiều xúc cảm và ấn tượng. Chính những hình ảnh và nhạc điệu trong nhiều bài thơ Lorca đã dẫn dắt tôi khi viết bài thơ “Đàn ghi-ta của Lorca” mà tôi coi như một khúc tưởng niệm ông.

* Nhà thơ Pháp Verlaine nói “Thơ trước hết là nhạc”. Đọc “Đàn ghi-ta của Lorca”, tôi có cảm giác như được nghe một bài hát ca ngợi cái chết bi tráng và sự bất tử của Lorca do một nghệ sĩ hát rong đang ôm đàn ghi-ta biểu diễn. Ông có thể nói rõ thêm về tính nhạc của thi phẩm này?

- Tôi rất sợ bài thơ của mình được liên tưởng với hình ảnh một ca sĩ (hay hát rong) ôm đàn ghi-ta hát vang lên trong nhà hát hay giữa phố đông người. Đúng như Verlaine nói, thơ trước hết là nhạc, nhưng đó là “nhạc của thơ” chứ không phải âm nhạc bảy nốt hay ngũ cung bát âm. Về nhạc tính trong bài thơ này thì như tôi đã nói, chính nhạc tính trong nhiều bài thơ Lorca đã dẫn dắt tôi khi viết bài thơ này. Và tôi muốn dùng lại một số hình ảnh (dĩ nhiên đã biến cải) cũng như mơ hồ một vài theme (đề tài) nhạc trong thơ Lorca khi viết bài này. Tôi nghĩ, ở mức độ nào đó, mình đã làm được điều mình muốn. Cũng như nhiều bài thơ ngắn khác của tôi, bài “Đàn ghi-ta của Lorca” được viết liền một mạch, trong một khoảng thời gian rất ngắn, sau khi ngồi chơi và đàm đạo về thơ Lorca với vài người bạn tâm đắc.

* “Những tiếng đàn bọt nước/ Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt/ li-la li-la li-la/ đi lang thang về miền đơn độc/ với vầng trăng chếnh choáng/ trên yên ngựa mỏi mòn”. Qua mấy dòng này, ông như đang “bắn những tia hồi quang” còn đọng lại trong ký ức về xứ sở Tây Ban Nha. Điều ấy có trùng hợp với ý nghĩ của ông không?

- Tôi chưa thật rõ lắm câu hỏi của anh. Có lẽ, theo tôi đoán, anh muốn biết tôi đã đưa một số hình ảnh được coi là “đặc trưng Tây Ban Nha” như “áo choàng đỏ gắt” hay “hát nghêu ngao”… vào thơ mình như thế nào? Thực ra, đúng như anh nói, đó là những hình ảnh về Tây Ban Nha đã lặn sâu vào tôi từ khi tôi đọc những tác phẩm của Hemingway - một nhà văn người Mỹ. Mãi cách đây mấy năm, tôi mới có dịp ghé qua Barcelona, trong khi bài thơ này đã viết cách đây ngót 30 năm, nên những hình ảnh Tây Ban Nha mà tôi có được đều qua sách vở. Cách biểu đạt này theo tôi cũng không mới mẻ gì, nhưng nó thích ứng trong bài thơ này, khi Lorca được coi là “con họa mi Tây Ban Nha”. Lorca có câu thơ tôi thuộc lòng từ 40 năm nay, qua bản dịch Hoàng Hưng: “Con ngựa đen/vầng trăng đỏ”, còn hoa lila (hoa lys, hoa huệ tây) thì không chỉ có ở Tây Ban Nha, nhưng dường như nó đã đi vào một tác phẩm nào đó viết về Tây Ban Nha mà tôi nhớ. Với lại, li-la còn gợi âm thanh như một cú “vê” ghi-ta, cây đàn mà người Việt mình hay gọi là “Tây Ban cầm”. Một không khí hơi mờ ảo, những hình ảnh lãng đãng… là những gì tôi có được về xứ sở Andalusia mà tôi cảm nhận qua thơ Lorca và tôi đã cố gắng đưa vào bài thơ mình. May mà nó lại… được.

* Trong bài có nhiều hình ảnh gợi cảm “tiếng đàn bọt nước”, “vầng trăng chếnh choáng”, “yên ngựa mỏi mòn”... Những hình dung từ này có vai trò gì trong thể hiện chủ đề của bài thơ, thưa ông?

- Thực ra, tôi dùng những “hình dung từ” ấy một cách tình cờ thôi, hoàn toàn không cố ý. Tôi vẫn làm thơ như vậy, không cố ý, không “mài giũa ngôn từ”. Những liên hệ (nếu có) giữa các tổ hợp từ ấy trong bài thơ đều gắn một cách vô thức với số phận Lorca. Những “chếnh choáng”, “mỏi mòn”, “bọt nước” dường như có gần xa ám ảnh cuộc đời Lorca, chúng ám cả vào thi ca của ông. Ai nghĩ, “bọt nước” sẽ biến mất không để lại dấu vết là nhầm. Bọt nước lúc hiện lúc tan, nhưng tan rồi lại hiện. Nó mỏng manh nhưng không thể bị tiêu diệt. Thơ cũng vậy. Thơ Lorca càng vậy.

* Xin cảm ơn nhà thơ.

  • Cát Văn (Thực hiện)

Đàn ghi-ta của Lorca

“Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”

F.G.Lorca

những tiếng đàn bọt nước

Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

li-la li-la li-la

đi lang thang về miền đơn độc

với vầng trăng chếnh choáng

trên yên ngựa mỏi mòn

 

Tây Ban Nha

hát nghêu ngao

bỗng kinh hoàng

áo choàng bê bết đỏ

Lorca bị điệu về bãi bắn

chàng đi như người mộng du

 

tiếng ghi-ta nâu

bầu trời cô gái ấy

tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy

tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan

tiếng ghi-ta ròng ròng

máu chảy

 

không ai chôn cất tiếng đàn

tiếng đàn như cỏ mọc hoang

giọt nước mắt vầng trăng

long lanh trong đáy giếng

 

đường chỉ tay đã đứt

dòng sông rộng vô cùng

Lorca bơi sang ngang

trên chiếc ghi-ta màu bạc

 

chàng ném lá bùa cô gái di-gan

vào xoáy nước

chàng ném trái tim mình

vào lặng yên bất chợt

li-la li-la li-la…

1979

. Thanh Thảo

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dần đi vào chiều sâu  (03/10/2008)
Đôi điều ghi nhận  (03/10/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/10/2008)
Đại đoàn kết - bài học của Cách mạng Tháng Tám  (02/09/2008)
Chuyện về một hiện vật ở Bảo tàng Côn Đảo  (02/09/2008)
Đi học thời kháng chiến  (02/09/2008)
Để bảo tồn và phục dựng Tuồng truyền thống  (02/09/2008)
“Tuồng truyền thống phải sống được trong lòng dân”  (02/09/2008)
Nghệ sĩ trẻ tâm sự về nghề  (02/09/2008)
Người đưa rau mầm vào Co.op Mart Quy Nhơn  (02/09/2008)
Vườn trong nhà phố  (02/09/2008)
Những “vòng quay” vì môi trường  (01/09/2008)
Tăng cường năng lực ứng phó kịp thời  (02/09/2008)
An Vinh, đất khó đang chuyển mình  (01/09/2008)
Chuyện về người “mang cả lòng đại dương về nhà”  (01/09/2008)