Bình Định có ba bà
21:1', 3/10/ 2008 (GMT+7)

Vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định đã có Tờ trình lên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc đăng ký danh mục tượng đài danh nhân cấp Quốc gia xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo đó, cùng với hai danh nhân văn hóa: Hồ Chí Minh và Đào Tấn, có ba danh nhân lịch sử được đề nghị dựng tượng đài là: đô đốc Bùi Thị Xuân, công chúa Ngọc Hân và công chúa Huyền Trân. Còn chờ sự phê duyệt và các quy trình cần thiết để ý tưởng ấy thành hiện thực, nhưng điều này cho thấy: từ lâu, các công chúa và nữ tướng trên đã là niềm kính ngưỡng của người dân Bình Định.

 

Đền thờ Bùi Thị Xuân. Ảnh: Văn Lưu

 

* “Nước non ngàn dặm ra đi...”

Có lẽ cuộc “ra đi” ngàn dặm của công chúa Huyền Trân để lại nhiều mối cảm hoài cho các thế hệ nghệ sĩ. Không có miêu tả cụ thể, nhưng các ví von, so sánh trong ca dao, câu hát, thi phú… hẳn công chúa là người nhan sắc. Trong một chuyến vân du qua nước Chiêm Thành, vua Trần hứa gả công chúa cho vua Chế.

Cuộc “ngàn dặm ra đi” ấy có điểm dừng là Đồ Bàn (thuộc Bình Định bây giờ). Nàng làm vợ vua Chế Mân, làm người phụ nữ số một của vương quốc đền tháp và trầm hương, voi trắng… một vương quốc cổ, nghệ sĩ và ưa chiến trận. Tôi không tin nàng không hạnh phúc với cung vàng điện ngọc và sự yêu chiều của một quốc vương. Tôi thấy nàng, xiêm y lóng lánh châu ngọc cùng vua những khi lên các đền tháp hành lễ, chung quanh là đám rước của các thần dân, những nhạc công mê cuồng trên tiếng trống Ghi-năng, và vũ điệu Áp-sa-ra thần thánh…

Công chúa Huyền Trân - sứ giả của hòa bình và “mở cõi”, vẫn thấy bà thấp thoáng mỗi lần ghé thăm những ngôi cổ tháp, và đâu đó trên thuyền vua ngoạn cảnh hạ lưu sông Côn xuôi về cửa Thị Nại. Lịch sử các vương triều vô vàn công chúa, cả hoàng hậu nữa, nhưng phần đông lẩn khuất trong nhạt nhòa sử sách và bao biến thiên, dâu bể. Bà, trên chặng đường ngàn dặm xuôi nam định mệnh, đã là một phần của Bình Định một thời biên viễn, hiệp nghĩa, tài hoa.

* Nữ đô đốc và “ngũ phụng thư”

Nếu Huyền Trân công chúa trở thành người của Bình Định trong niềm yêu và kính ngưỡng, thì Bùi Thị Xuân là bậc nữ lưu anh kiệt rặt chất đất Võ. Tên tuổi người nữ đô đốc này lẫy lừng cùng sự nghiệp chói sáng và bi tráng nhất của lịch sử dân tọc: triều Tây Sơn. Ngay thời khởi nghiệp, cùng với “Thất hổ tướng”, “Lục kỳ sĩ” là “Ngũ phụng thư” làm nên “Tây Sơn thập bát cơ thạch” (mười tám tảng đá làm nền móng). Ngũ phụng gồm: Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn (cô ruột Bùi Thị Xuân), Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Dung, Huỳnh Thị Cúc. Sau này, Bùi nữ tướng sánh duyên với Trần Quang Diệu, bà Nhạn thành vợ vua Quang Trung, bà Lan kết duyên cùng Nguyễn Văn Tuyết, bà Dung là vợ Trương Đăng Đô, riêng bà Cúc không xuất giá, suốt đời phò tá Bùi Thị Xuân. Bốn người đàn ông của bốn bà là những nhân vật kiệt hiệt rạng danh lịch sử. Đô đốc Bùi cùng chị em Ngũ phụng đã tổ chức, huấn luyện, xây dựng đội tượng binh hơn trăm thớt voi và đoàn nữ binh hơn 2.000 người. Tượng binh Tây Sơn từng làm mưa làm gió những chiến trường quyết định, còn đội nữ binh sau này được giao nhiệm vụ bảo vệ hoàng cung các triều Quang Trung, Cảnh Thịnh. Dưới sự dẫn dắt của Bùi nữ tướng, họ đã có cuộc thư hùng đẫm máu với quân Nguyễn, trận quyết chiến vang dội ở lũy Đâu Mâu. Nhà Tây Sơn đổ nhưng uy danh đoàn nữ binh và nữ tướng khiến quan quân nhà Nguyễn kính nể, khiếp sợ…

Thời mới khởi nghiệp Tây Sơn, cùng với việc luyện voi, Bùi nữ tướng còn phụ trách hậu cần với cuộc cải tạo cả vùng đất khô cằn thành những vùng ruộng phì nhiêu bằng cách xây đập Kiền Kiền. Giờ, cánh đồng này vẫn còn tục danh Ruộng Trại. Gia phả Bùi từ đường còn ghi lại mẫu đối thoại giữa vua Gia Long và bà khi ra pháp trường. Gia Long hỏi: “Nhà ngươi có tài sao không giỏi giữ ngai vàng cho Cảnh Thịnh?”. Đáp: “Nếu có một nữ nhi như ta nữa thì cửa Nhật Lệ không để lạnh, nhà ngươi cũng khó mà đặt chân lên đất Bắc Hà…”.

Thôi không kể thêm về những thực- hư quanh cuộc đời người nữ tướng lẫy lừng. Xin khép lại bằng câu đối ở từ đường thờ bà: “Nguyệt chiếu thanh khê lưu cựu hóa/ Sương kinh cao ngạn khái tiên tình” (tức là: Trăng khuya soi rọi dòng suối trong, lưu giữ mảy may tông tích cũ/ Sương sớm hãi hùng bờ vực thẳm, chạnh lòng ray rứt nỗi niềm xưa - lời dịch của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn). Câu đối viếng khuyết danh. Cũng phải. Cuộc trả thù tàn khốc của triều Nguyễn suốt mấy chục năm dài làm sao kẻ sĩ trong thiên hạ dám đề rõ tên mình khi thể hiện niềm yêu kính? Có một điều lạ, hậu thế không dùng những câu đối ngợi khen công tích, mà lẳng lặng dành cho bà nỗi cảm khái chung đau đáu cho một sự nghiệp. Sự kín đáo này ngoài yếu tố chẳng cần ngợi ca võ trên miền đất Võ, còn chút ký gửi với hậu thế rằng, công tích và sự nghiệp của một người luôn gắn với nên-hư-thành-bại một triều đại!

 

Dáng tháp. Ảnh: Hoàng Tuấn

 

* Anh hùng với giai nhân

Có phần giống nhau từ hai cuộc “hôn nhân chính trị” giữa Huyền Trân công chúa - Chế Mân và Ngọc Hân công chúa - Quang Trung dù cách nhau gần năm thế kỷ. Song việc vua Quang Trung phong cho Ngọc Hân làm Bắc Cung hoàng hậu chắc chắn không hề là “thao tác” chính trị. Ông hài lòng và yêu thương. Chuyện sau khi thần tốc đánh tan 29 vạn quân Thanh rồi vào kinh thành Thăng Long chiều mồng 5 Tết, vua ra lệnh ngựa trạm mang cành đào về Thuận Hóa cho Ngọc Hân thực hư chưa rõ, nhưng nếu là “sáng tạo” thì hẳn người ta cũng dựa vào sự hài lòng, yêu chiều vua dành cho người vợ là công chúa xứ Bắc!

Và bằng chứng hiển nhiên là áng văn khóc chồng xúc động lòng người của Ngọc Hân “Ai tư vãn”. Cuộc “vâng mệnh phụ hoàng” ban đầu đã thực sự đẹp duyên “Trăm ngàn dặm quản chi non nước/ Chữ nghi gia mừng được phải duyên/ Sang yêu muôn đội ơn trên/ Rỡ ràng vẻ thúy, nối chen tiếng cầm…”. Lời ngợi ca, tiếc thương ấy là tình yêu lớn của trí tuệ và nhân tâm dành cho vua mà cũng là dành cho một vương triều mới thay thế triều Lê bạc nhược của nàng: Những biểu hiện tình yêu từ hai phía có thể khẳng định công chúa Ngọc Hân có tác động không nhỏ cho tinh thần và những quyết sách của vua trong bảy năm lương duyên kỳ lạ anh hùng với giai nhân.

Cách nhà ở cũ của gia đình Tây Sơn tam kiệt chừng 2km về phía nam, đã tồn tại một vùng cây cối sum suê, um tùm, linh thiêng quanh ngôi nhà thờ nhỏ tồn tại hơn 200 năm, gọi là chùa Bà Nghĩa hoặc chùa Đá Hoa. Thực ra, đây chỉ là nơi thờ tự và không bao giờ hết người hương khói. Trong ký ức truyền nối của người dân, năm đó có một người đàn bà đẹp lặng lẽ dắt hai con nhỏ, một trai một gái về đây ẩn cư. Người dân tin rằng người đàn bà này là Bắc Cung hoàng hậu và hai con là hoàng tử Quang Mỹ, công chúa Ngọc Bảo! Cuộc trả thù tàn khốc của triều Nguyễn đã khiến mộ công chúa Ngọc Hân “thất tán”. Huế hay Quảng Nam, hay đã được bí mật cải táng ra Bãi Cây Đại, làng Nành, Ninh Hiệp? Nhiều người Tây Sơn lại tin rằng bà Ngọc Hân đã lặng lẽ dắt con về quê chồng lánh nạn và vẫn còn đây câu chuyện, “Chùa Bà Nghĩa”. Chữ “nghĩa” ở đây không hẳn tình cờ. Trong thực tế, công chúa Ngọc Hân chỉ “trăm ngàn dặm” về tới Thuận Hóa nhưng thực hư Bà Nghĩa và hai con, đã sống động niềm kính ngưỡng dân Bình Định dành cho người hoàng hậu xứ Bắc tồn tại mấy trăm năm nay ở vùng đất phát tích này.

* Thay lời kết

Hiện nay còn hai con voi đá trước thành Đồ Bàn - Hoàng Đế thành, tác phẩm điêu khắc của Chăm pa, con voi nhỏ hơn được trang trí là hoàng hậu, dĩ nhiên con kia là vua. Nhiều ý kiến cho rằng đây là tặng phẩm vua Chế Mân dành cho Huyền Trân. Chưa có căn cứ cho kết luận này, nhưng voi “hậu”, Bà Nghĩa từ lâu đã là biểu hiện tâm thức yêu kính của dân gian Bình Định, vùng đất của những biến thiên dâu bể và chồng lấp đan xen ngàn năm những vỉa tầng lịch sử, văn hóa.

Cùng với nữ tướng Bùi Thị Xuân, hai “lá ngọc cành vàng” xứ Bắc nhiều thế kỷ qua đã luôn song hành với nối tiếp những trang sử, dã sử và huyền sử bi tráng, ngui ngút lãng mạn và dịu êm của nơi một thời là biên viễn, đất thượng võ của anh hùng mà cũng mơ màng, nhân nghĩa.

Ba bà, với Bình Định, không chỉ là lịch sử mà đã thành văn hóa.

  • Lê Hoài Lương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hỏi chuyện nhà thơ Thanh Thảo về thi phẩm “Đàn ghi-ta của Lorca”  (03/10/2008)
Dần đi vào chiều sâu  (03/10/2008)
Đôi điều ghi nhận  (03/10/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/10/2008)
Đại đoàn kết - bài học của Cách mạng Tháng Tám  (02/09/2008)
Chuyện về một hiện vật ở Bảo tàng Côn Đảo  (02/09/2008)
Đi học thời kháng chiến  (02/09/2008)
Để bảo tồn và phục dựng Tuồng truyền thống  (02/09/2008)
“Tuồng truyền thống phải sống được trong lòng dân”  (02/09/2008)
Nghệ sĩ trẻ tâm sự về nghề  (02/09/2008)
Người đưa rau mầm vào Co.op Mart Quy Nhơn  (02/09/2008)
Vườn trong nhà phố  (02/09/2008)
Những “vòng quay” vì môi trường  (01/09/2008)
Tăng cường năng lực ứng phó kịp thời  (02/09/2008)
An Vinh, đất khó đang chuyển mình  (01/09/2008)