Trong năm học vừa qua, trường THPT Tăng Bạt Hổ (Hoài Nhơn) đã nổi bật lên với thành tích xuất sắc của học sinh (HS) Huỳnh Anh Vũ- đoạt vòng nguyệt quế trong cuộc thi chung kết năm “Đường lên đỉnh Olympia năm 2008”. Bên cạnh đó, tỉ lệ HS lớp 12 đậu vào các trường đại học của trường cũng rất cao. Có những lớp như 12A1, 100% số HS đậu ĐH, CĐ, trong đó, có nhiều HS đậu với điểm thi rất cao.
|
Học sinh Trường THPT Tăng Bạt Hổ (Hoài Nhơn).
|
* Tạo lập môi trường học tập thuần nhất
Như nhiều trường khác, trường THPT Tăng Bạt Hổ là một trường công lập ở vùng nông thôn nên mục tiêu của trường đặt ra trong giáo dục (GD) HS là bảo đảm chất lượng đại trà và có chất lượng mũi nhọn. Ông Võ Quang Tân, Hiệu trưởng trường cho biết: “Tiên học lễ, hậu học văn. Nhà trường xác định công tác GD chính trị tư tưởng đạo đức cho HS là một trong những biện pháp chính. Bởi, tư tưởng, đạo đức HS thay đổi liên tục theo sự biến đổi ngoài xã hội, hoàn cảnh sống, môi trường và điều kiện sống của gia đình các em. Trong công tác này, tính đồng bộ ở cả ba môi trường GD, tính kiên trì, liên tục được đặt lên hàng đầu. Vì, một hành vi tốt xuất hiện chưa có nghĩa là một tính cách được định hình. Để làm tốt việc này, trường đã tuyên truyền, vận động để các lực lượng trong và ngoài nhà trường có ý thức chủ động và tích cực tham gia hoạt động GD đạo đức cho HS, trong đó, đặc biệt quan tâm GD gia đình.
Hoàn thiện đội ngũ giáo viên (GV) cũng là một hướng đi trọng tâm của trường. Trường đã xây dựng đội ngũ GV chủ nhiệm có trách nhiệm cao đối với hoạt động GD đạo đức và là người tư vấn cho HS. Xây dựng đội ngũ GV bộ môn nhạy bén với việc khai thác nội dung GD đạo đức trong bài giảng, đồng thời gương mẫu trong đời sống hàng ngày để HS noi theo.
GD đạo đức trong nhà trường cần tạo sự hứng thú học tập, nguyện vọng học tập và những năng lực cần thiết cho HS. Các phong trào thi đua có tác động rất lớn để GD toàn diện cho HS. Tuy nhiên, để thi đua trở thành nhu cầu thực sự của mỗi tập thể lớp, mỗi HS là rất khó. Trong nhiều biện pháp, trường chú ý trong việc xây dựng tiêu chí thi đua, không áp đặt một bảng điểm thi đua cho HS mà để các em cùng hợp tác, trao đổi, xây dựng. Và chỉ khi HS là đồng tác giả thì chuyện thi đua mới chính là chuyện của các em và tạo được hứng thú, tự giác tham gia cho các em.
|
Lớp 12A1 (năm học 2007-2008) có 100% số học sinh đậu ĐH, CĐ.
|
* Đảm bảo “đại trà” và có “mũi nhọn”
Trong hoạt động dạy và học, trường THPT Tăng Bạt Hổ đã đặt ra mục tiêu là nâng cao tỉ lệ HS khá, giỏi. Tùy theo điều kiện thực tế, trường hình thành các “đối sách” khác nhau nhằm đạt mục tiêu vừa nêu. Trước hết là phải xây dựng cho được truyền thống của nhà trường, của mảnh đất mà HS đang sinh sống và học tập. Điều đó sẽ tạo nên sức mạnh tâm lý cho HS.
Nâng cao chất lượng học tập của HS phải đồng thời nâng cao chất lượng của người thầy. Hai lĩnh vực này tác động qua lại và quy định lẫn nhau. Thực tế cho thấy, khi có một GV dạy giỏi có nghĩa là đã, đang hay sẽ xuất hiện một số HS giỏi bộ môn và ngược lại. Trường đã xem việc tổ chức thi GV dạy giỏi, HS giỏi, viết sáng kiến kinh nghiệm, trao đổi phương pháp học tập, bồi dưỡng HS giỏi, hình thành câu lạc bộ bộ môn là việc làm thường xuyên của mình. Và thông qua các hoạt động đó, HS giỏi mới được phát hiện, bồi dưỡng.
Ông Tân cho biết thêm: “Trường đã rất quan tâm đến sự tự học của HS. Bởi lượng kiến thức mà các em học trong giờ chính khóa tuy đã được lựa chọn, xử lý tương đối kỹ cho phù hợp với thời gian nhưng vẫn còn quá tải. Do đó, người thầy nhất thiết phải coi trọng việc dạy về phương pháp cho HS. Có như thế, mới giải quyết được vấn đề thiếu thời gian để bổ sung kiến thức mới. Sức tự học hay năng lực tự học của HS dù trong giai đoạn phát triển vẫn là nội lực quyết định sự phát triển của bản thân HS. Chất lượng GD đạt trình độ cao nhất khi tác động dạy của người thầy cộng hưởng với năng lực tự học của HS. Nói cách khác, là sự kết hợp giữa quá trình dạy và quá trình tự học, sẽ tạo ra chất lượng và hiệu quả cao. Người thầy giáo giỏi là người thầy giáo biến được quá trình dạy học thành quá trình tự học của HS. Nhờ làm được khâu này, trường THPT Tăng Bạt Hổ đã có được nhiều HS khá, giỏi.
“Khai trí tiến đức” - sự tác động trở lại của học vấn, tri thức đối với đạo đức con người. HS khi có năng lực trí tuệ phát triển sẽ tiếp thu, lĩnh hội, thực hiện các yêu cầu chuẩn mực đạo đức, pháp luật… tốt hơn.
|