Bình Định và sứ mệnh thủ phủ Liên Khu 5 kháng chiến
18:59', 4/10/ 2008 (GMT+7)

Từ năm 1946 đến trước khi ký kết Hiệp định Giơnevơ tháng 5 năm 1954, vùng Khu 5 - từ Phú Yên ra Bình Định, Quảng Ngãi đến một nửa tỉnh Quảng Nam - là vùng tự do của ta. Vùng tự do này tồn tại trong suốt cuộc kháng chiến chín năm đã trở thành hậu phương vững chắc, một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc chiến đấu của quân và dân Nam Trung bộ nói riêng, của cuộc kháng chiến cả nước nói chung. Trong thời gian này, với những ưu thế về điều kiện địa lý, kinh tế, đất đai, dân tình…, Bình Định trở thành thủ phủ của Liên Khu 5 kháng chiến.

 

...Phong trào giáo dục, bình dân học vụ mở ra sôi nổi khắp nơi... Ảnh: TL

 

* Việt Bắc của miền Trung

Hồi đó, Liên Khu ủy Liên Khu 5, Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Trung bộ, cơ quan Thông tin tuyên truyền, Tòa án, Tư pháp, Mặt trận Liên Việt, Nhà xuất bản Sự Thật, Nhà in Sao Vàng, cơ quan in bạc Tín phiếu… đều đóng tại các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão thuộc tỉnh Bình Định. Đặc biệt Đài phát thanh “Tiếng nói Nam Bộ” cũng được đặt tại huyện An Lão, hàng ngày phát đi tin tức “kháng chiến trong Nam”, phản bác luận điệu xuyên tạc của địch bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp…

Để bảo đảm bí mật, đồng chí Nguyễn Duy Trinh (sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) khi ấy là Bí thư Khu ủy Khu 5 kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Trung bộ, đã chuyển cả vợ con từ Nghệ An vô sống tại thôn Du Tự, xã Ân Phong, huyện Hoài Ân. Trụ sở Ủy ban kháng chiến hành chánh miền Nam Trung bộ từ năm 1946 - 1949 đặt tại nhà ông Nguyễn Trọng Phủ ở xóm 3 thôn Thế Thạnh, xã Ân Thạnh. Nơi đây từng diễn ra các cuộc họp quan trọng và phát đi những chủ trương của Đảng và Chính phủ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt;  đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện Đảng, Chính phủ ở Liên Khu 5 cũng từng sống và làm việc ở đây. Đặc biệt, hồi đó các cơ quan Liên Khu 5 đã đón tiếp, chăm sóc cha mẹ vợ và nuôi dưỡng hai con của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, lãnh tụ Pha-thét Lào ở Năng An (Ân Tín - Hoài Ân) cho đến ngày tập kết.

Năm 1948, Hội Văn nghệ Liên Khu 5 được thành lập cũng đóng tại Bồng Sơn (Hoài Nhơn). Nhà thơ Tế Hanh từng tham gia ban lãnh đạo Liên đoàn Văn hóa kháng chiến Nam Trung bộ và lãnh đạo Hội Văn nghệ Liên Khu 5 đã có nhiều năm gắn bó với Bồng Sơn và đất Bình Định, và ông đã “mọc rễ xanh cây” trên mảnh đất này.

Thời ấy, các cơ quan, các cán bộ của Đảng và Ủy ban hành chính kháng chiến của Liên Khu 5 đều ở trong nhà dân. Mọi gia đình có khả năng đều nhường nhà trên, chỗ tốt nhất cho cán bộ cách mạng ở và làm việc, còn họ thường ở nhà dưới, hay nhà bếp. Đó là sự tự nguyện vui vẻ, là niềm hạnh phúc của người dân được đóng góp cho sự nghiệp cách mạng…

 

Đi dân công vận tải chiến trường được đánh giá là chiến công kỳ diệu, cống hiến rất to lớn của nhân dân vùng tự do. Ảnh: TL

 

* Bồng Sơn, đô thị kháng chiến sầm uất

Đồng thời với quân số của các cơ quan Đảng và chính quyền kháng chiến lúc bấy giờ, Bồng Sơn còn là nơi hội tụ dân cư từ Quảng Nam vào và từ Phú Yên, Khánh Hòa ra. Khi địch đánh chiếm Đà Nẵng và Bình Thuận, Ninh Thuận, Nha Trang, Tuy Hòa, nhiều người dân các vùng này đã tản cư về Bồng Sơn, làm ăn sinh sống, tạo cho vùng đất này mật độ dân số càng thêm đông đúc, hoạt động kinh tế, giao lưu buôn bán rất sôi động.

Thủ phủ của Nhà nước kháng chiến Nam Trung bộ - Bồng Sơn - đã trở thành một đô thị kháng chiến sầm uất. Đường giao thông bị phá hủy trong kế hoạch “Tiêu thổ kháng chiến” được khôi phục nhanh. Dù địch đã chiếm đến phân nửa Quảng Nam nhưng đường từ thị xã Tam Kỳ vào thị trấn Bồng Sơn vẫn đi lại tự do, thuận tiện. Cảng Kỳ Hà - Bến Vạn ở Tam Kỳ đương thời là tiểu cảng xuất nhập khẩu. Hàng tiêu dùng, vải vóc, thuốc chữa bệnh từ cảng Đà Nẵng vào, hàng hóa từ Bình Định ra cũng qua Bến Vạn cảng Kỳ Hà, tạo giao thương lưu thông rất nhộn nhịp. Cán bộ đi công tác, có thể đi bằng xe đạp, xe ô tô hoặc tàu hỏa đều thuận tiện. Xe ô tô chạy bằng than hầm, chạy thoải mái trên tuyến đường số Một từ Bồng Sơn đi Đập Đá (huyện An Nhơn). Hàng ngày còn có tuyến xe lửa chạy từ Bồng Sơn vào đến các huyện Phù Mỹ, Phù Cát. Khi không chạy, để tránh máy bay địch đánh phá, các đầu máy, toa xe lửa đều được cất giấu trong hầm đồi, núi. Ngoài ra, người dân còn có thể đi bằng ghe thuyền, xe đạp thồ; ở Bình Khê (Tây Sơn ngày nay), An Nhơn (Bình Định) hoặc nhiều nơi ở Phú Yên, xe ngựa cũng rất thông dụng…

Giao thông thuận tiện, việc sản xuất, buôn bán càng nhộn nhịp. Các địa phương Bình Định là nơi sản xuất các loại hàng tiêu dùng như vải vóc, giấy bút học sinh, còn có cả thuốc lá thơm, rượu rum, cà phê cung cấp cho cả vùng tự do miền Trung… Lúc này bà con ta sử dụng đồng tiền Tín phiếu Việt Nam để giao lưu hàng hóa.

Bồng Sơn lúc bấy giờ, dày đặc những phiên chợ đông đúc, những cửa hàng tạp hóa, quán ăn sáng khá hấp dẫn, có cả rượu rum, cà phê; thường xuyên có sữa nóng; có tô cháo lòng tim cật bốc hơi nghi ngút, mùi hành ngò thơm phức; lại có cả thuốc lá thơm Trường Xuân…

 

Chính quyền về tay nhân dân chưa đầy 1 tháng, ngày 23.9.1945, với sự giúp sức của bọn phản động trong quân đội đồng minh, bọn thực dân Pháp đã nổ súng xâm lược Nam bộ, hòng chiếm lại Việt Nam một lần nữa.

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Đảng, nhân dân cả nước ta, vừa chăm lo xây dựng kinh tế vừa xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

- Trong ảnh: Các lực lượng vũ trang cách mạng ra sức luyện tập.  Ảnh: Tư liệu

 

* Một nền kinh tế tự túc tự cấp đáng tự hào

Nói Bình Định là vùng tự do của Liên Khu 5, nghĩa là Bình Định tuy không bị địch chiếm đóng, nhưng cũng luôn luôn phải chịu những trận càn quét bắn phá của chúng. Người dân phần lớn là tự do đi lại, làm ăn, nhưng không thiếu những ngày gia đình phải bồng bế con cái chạy tản cư vào núi vì giặc càn quét. Rất nhiều những đợt máy bay địch quần đảo ném bom bắn phá, làng xóm, nhà cửa bị cháy năm lần bảy lượt… Tuy vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền kháng chiến, người dân Bình Định đã vượt lên mọi khó khăn để lao động sản xuất, tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương, xứng đáng là hậu phương vững chắc.

Những năm đó, nền kinh tế Bình Định rất phát triển, phát triển toàn diện, chủ yếu là kinh tế tự cấp tự túc. Cũng như toàn dân Liên Khu 5, người dân Bình Định thấm nhuần chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ “Toàn dân tham gia canh tác đề phòng nạn đói, mọi người nỗ lực sản xuất để tự cung tự cấp, chủ yếu trồng lúa và hoa màu phụ, phấn đấu đạt 300kg lương thực đầu người; ra sức trồng bông dệt vải, triệt để bao vây kinh tế địch…”. Nhân dân Bình Định đã ra sức sản xuất, phải tự lực phát triển kinh tế để cung cấp cho đời sống và phục vụ tốt cho kháng chiến. Những bài hát ca ngợi sản xuất tự túc của Văn Cận, Dương Minh Ninh đã vang lên khắp vùng tự do Bình Định thật hào sảng: Muốn đánh giặc thì phải tăng gia/ không tăng gia làm sao đánh giặc…; hoặc: Lúa khoai ta gắng trồng/ từ đồi nương cho đến bờ sông…

Vì vậy, sản xuất lương thực của ta ở vùng tự do đến năm 1949 đủ ăn, còn có dự trữ và tiếp tế cho chiến trường hàng ngàn tấn gạo.

Đối với ngư dân, việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, do tàu địch thường tuần tiễu, đánh phá. Dọc ven biển, nhân dân xây dựng các tuyến bố phòng dài, có sáng kiến dựng các trạm gác trên các mỏm núi cao, dùng trụ “bồ” treo báo hiệu. Khi phát hiện có máy bay địch từ xa thì kéo bồ lên, thuyền bè tìm chỗ núp; khi tàu địch đi thì hạ bồ xuống, đảm bảo cho nhân dân bám biển đánh bắt cá…

Trong thời kỳ này, sản xuất tiểu thủ công nghiệp được đặc biệt quan tâm, khuyến khích phát triển, trước hết là vải, giấy cho nhu cầu thiết yếu của nhân dân và hóa chất phục vụ sản xuất vũ khí.

Phong trào trồng bông, dệt vải phát triển mạnh song song với nghề trồng lúa. Vì  “Áo ta chưa ấm lòng, cấy lúa ta trồng bông”, nên hàng ngàn hecta bông vải được trồng ở nhiều huyện trong tỉnh, thúc đẩy nghề dệt vải. Người Bình Định hãnh diện với vải SITA một thời nổi tiếng, thiết thực phục vụ đời sống người dân. Cán bộ, nhân dân thường bận bà ba trắng vải SITA, sau đó, có sáng kiến lấy củ nâu, cây chàm nhuộm vải màu nâu, màu chàm, mặc tiện lợi. Về sau, từ những khung cửi gia đình, vải SITA được cải tiến đi vào nhiều xí nghiệp ở miền Trung, được sản xuất đẹp và bền hơn, ngày càng được bộ độâi và nhân dân ưa thích. Vải sản xuất cung cấp đủ cho nhân dân và bộ đội ở Nam Trung bộ, còn cung cấp cho Khu 4 và Nam bộ.

Nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa cũng được phát triển mạnh ở các huyện Tây Sơn, Hoài Nhơn, Hoài Ân. Lãnh Phương Danh - Đập Đá, lụa An Thường, lụa Bồng Sơn, lụa Đậu Tư - Nhơn Phúc… là những mặt hàng tơ lụa nổi tiếng.

Bình Định còn có những xưởng sản xuất bột giấy, làm giấy bổi; xưởng sản xuất xà phòng, dầu dừa; và có cả xưởng sản xuất vũ khí, lựu đạn phục vụ cho chiến trường. 

Hàng tiểu thủ công nghiệp Bình Định còn có các sản phẩm như bún Song Thằn ở An Thái (An Nhơn) làm từ đậu xanh; mì hạt Mioca làm từ tinh bột mì; sữa bò ở La Vuông (Hoài Nhơn) và sữa dê được chế biến thành bánh sữa thẻ; nhiều lò đường thủ công phát triển làm đường miếng, đường vàng từ cây mía; làm bánh tráng từ gạo, củ mì…

* Sôi động phong trào thi đua yêu nước

Bên cạnh kinh tế tự cấp tự túc phát triển, về mặt văn hóa xã hội cũng có những bước tiến bộ vượt bậc, nhân dân cùng nhau xây dựng một xã hội trật tự, an toàn, đoàn kết lao động, học tập tích cực và sôi động.

Phong trào giáo dục, bình dân học vụ mở ra sôi nổi ở khắp nơi. Có những trường phổ thông được tổ chức bài bản, thu nhận những lớp học sinh có chất lượng mà hầu hết trong số họ sau hòa bình được đưa ra miền Bắc tập kết, đào tạo cán bộ tương lai cho đất nước, cho quê hương.

Nhiều phong trào yêu nước như phong trào “Mẹ chiến sĩ” trong Hội Phụ nữ; phong trào “Tòng quân đánh giặc” trong thanh niên… Đặc biệt là phong trào đi dân công hỏa tuyến, đã được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng rầm rộ. Cũng như đồng bào các vùng tự do, người dân Bình Định đã vượt qua mọi gian khổ hy sinh, từ năm 1948, trung bình mỗi năm đã có hàng chục vạn lượt người, bằng mọi phương tiện ngựa, xe đạp, quang gánh… vận chuyển hàng ngàn tấn gạo, muối, vũ khí, nông cụ từ hậu phương đến các mặt trận ở Kon Tum, Gia Lai. Đi dân công vận tải chiến trường đã được đánh giá là chiến công kỳ diệu, cống hiến rất to lớn của nhân dân vùng tự do.

Trong thời gian này, phong trào văn nghệ cũng phát triển mạnh, đặc biệt phong trào hát tuồng, hô hát bài chòi được phổ biến rộng rãi. Đoàn Văn công bộ đội Liên Khu 5 là đơn vị văn công quân đội đầu tiên trong cả nước được thành lập tại xã Hoài Hảo (Hoài Nhơn). Tiếp theo đó là đoàn Văn công Liên Khu ủy, đoàn Tuồng kháng chiến Bình Định cũng được thành lập. Có nhiều vùng hình thành các rạp hát. Những đêm trăng sáng, những đoàn tuồng, đoàn hát bài chòi dựng sân khấu biểu diễn ngay trên cánh đồng sau vụ gặt, hát hết đêm này sang đêm khác, phục vụ không mệt mỏi cho người dân Bình Định khát khao nghệ thuật. Cả như huyện miền núi Vĩnh Thạnh cũng có gánh hát tuồng, biểu diễn lưu động phục vụ đông đảo nhân dân.

Bình Định ngày trước là một trong những địa phương có nhiều địa chủ nhất. Nhưng theo lời kêu gọi kháng chiến, hầu hết địa chủ đã giác ngộ dân tộc, sẵn sàng hiến không ruộng đất cho cách mạng. Bản thân và con em họ cũng sẵn sàng cùng nông dân, nhân dân lao động đi theo kháng chiến, làm cán bộ, đi dân công hỏa tuyến, tòng quân chiến đấu để bảo vệ đất nước. Và vì vậy, danh hiệu “Địa chủ kháng chiến” là một vinh danh đặc biệt cho tầng lớp này ở Bình Định thời ấy.

Với những nỗ lực mạnh mẽ, bằng sự phấn đấu cao cả của một vùng hậu phương vững chắc, Bình Định đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của một quê hương- thủ phủ của Liên Khu 5 anh hùng.

  • Xuân Mai
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ  (04/10/2008)
Chuyện dạy và học ở Trường THPT Tăng Bạt Hổ  (03/10/2008)
Cần có giải pháp phòng ngừa tích cực  (03/10/2008)
Bình Định có ba bà  (03/10/2008)
Hỏi chuyện nhà thơ Thanh Thảo về thi phẩm “Đàn ghi-ta của Lorca”  (03/10/2008)
Dần đi vào chiều sâu  (03/10/2008)
Đôi điều ghi nhận  (03/10/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/10/2008)
Đại đoàn kết - bài học của Cách mạng Tháng Tám  (02/09/2008)
Chuyện về một hiện vật ở Bảo tàng Côn Đảo  (02/09/2008)
Đi học thời kháng chiến  (02/09/2008)
Để bảo tồn và phục dựng Tuồng truyền thống  (02/09/2008)
“Tuồng truyền thống phải sống được trong lòng dân”  (02/09/2008)
Nghệ sĩ trẻ tâm sự về nghề  (02/09/2008)
Người đưa rau mầm vào Co.op Mart Quy Nhơn  (02/09/2008)