Bảo vệ trẻ em trước những hiểm họa từ internet
19:19', 4/10/ 2008 (GMT+7)

Ngày nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, giới trẻ được tiếp xúc nhiều và trở nên quen thuộc với máy vi tính, với internet. Tuy nhiên, internet cũng chứa đựng nhiều hiểm họa khiến nhiều phụ huynh phải đau đầu tìm cách đối phó để giữ cho con em mình thoát khỏi những “cám dỗ” bắt nguồn từ internet.

 

Nhiều bạn trẻ có thể ngồi hàng giờ để “luyện” games online.

 

Bên cạnh những tiện ích, internet cũng chứa đầy những “cám dỗ” mà không phải ai cũng đủ sức vượt qua, nhất là các em nhỏ đang ở độ tuổi đi học. Nào là những web chứa hình ảnh, nội dung khiêu dâm, kích dục…, mang tính chất và nội dung không lành mạnh. Bên cạnh đó, phải kể đến tai hại không nhỏ về các dịch vụ games online, chat… Internet đã “đánh cắp” một lượng thời gian không nhỏ của trẻ. Những gia đình khá giả có trang bị internet tại nhà thì ăn, chơi, học… trẻ đều có thể lên mạng bất cứ lúc nào. Nếu không có máy tính nối mạng ở nhà, trẻ em lại có một lựa chọn khác thú vị hơn là la cà ở những quán net, games online. Hàng loạt các tụ điểm games online, internet xuất hiện ngày càng nhiều với giá truy cập rất rẻ (khoảng 2.000 đồng/giờ) đã trở thành nơi giải trí lý tưởng cho các khách hàng nhỏ tuổi. Chỉ cần lướt qua các quán net, games online trên đường Trần Phú, Tăng Bạt Hổ, Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn)… có thể thấy phần đông khách hàng ở đây là các em nhỏ, độ tuổi trung bình từ 10-15 tuổi. Thỉnh thoảng còn có thể thấy một số khách hàng vẫn còn mặc nguyên đồng phục đi học đang miệt mài trong tiệm games. Có thể nói, số lượng những “con nghiện” internet, games online, chat ở độ tuổi này đang tăng lên nhanh chóng. Mặc dù nhu cầu giải trí hết sức quan trọng đối với trẻ em, tuy nhiên, cũng chính những phương tiện giải trí hấp dẫn mà internet là một ví dụ đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt, tâm tư tình cảm, đôi khi trở thành sự cám dỗ nguy hiểm với trẻ.

Điều này khiến nhiều phụ huynh phải đau đầu tìm cách đối phó: làm sao để internet không ảnh hưởng đến việc học tập, làm sao để kiểm soát và hạn chế tối đa thời gian sử dụng internet của con em mình… Với những học sinh cấp tiểu học, THCS thì kiến thức tin học chưa đủ để có thể khai thác những tiện ích từ chiếc máy tính như tìm kiếm thông tin, học tiếng Anh qua mạng… Tình trạng các em học sinh chìm đắm trong thế giới ảo, phát sinh những hậu quả đau lòng xảy ra ngày càng nhiều, đặc biệt là những ảnh hưởng tâm thần do nghiện chat, games online… Nhiều phụ huynh đang vất vả với cuộc sống hàng ngày thì nay càng lo lắng hơn khi những đứa con của mình suốt ngày “thường trú” ở quán games, quán net.

Phần lớn các em vào quán net chỉ để chat và chơi games trực tuyến: nữ thì chat, tìm bạn qua mạng, chơi games Audition (nhảy Audition); nam thì chơi games là phổ biến nhất. Các games như “Thiên long bát bộ”, “Võ lâm truyền kỳ”, “Con đường tơ lụa”, “Đột kích”… luôn được các em nhỏ say mê… Chơi games không phải là xấu, chơi games còn giúp cho các em thông minh hơn, nhanh nhạy hơn. Tuy nhiên, việc quá say mê games online lại gây một tác hại khôn lường cho trẻ em. Hầu hết các games online đều mang tính bạo lực: đấm đá, sát phạt, đánh giết lẫn nhau. Ngoài ra, nhiều trò chơi còn có cách ăn mặc kỳ quặc, hở hang và những hành động giới tính thái quá. Đa số các trò chơi đều có cách tính điểm bằng… máu và để thắng đối thủ, các em nhỏ phải tích cực chém, giết. Đó là những mầm mống của những tệ nạn, bạo lực học đường. Chứng nghiện games online hay việc ngồi quá lâu trước máy vi tính hằng ngày thường để lại những di chứng về thể xác. Việc dùng lâu bàn phím có thể dẫn tới những chấn thương các ngón tay không đáng có, các bệnh về cột sống, tình trạng khô mắt và các phản ứng cơ thể như mỏi mệt, căng thẳng, kém tập trung chú ý. Thậm chí có những triệu chứng của rối loạn giấc ngủ, các bệnh về thần kinh như suy nhược và cả động kinh. Nếu nghiện games, chat lâu ngày, các em sẽ ngày càng đắm chìm trong thế giới ảo, xa rời thực tế, ít liên quan đến cuộc sống thực của mình. Dần dần các mối quan hệ trong cuộc sống trở nên tẻ nhạt và khó khăn. Việc nghiện games online còn dẫn tới tình trạng bỏ bê việc học tập và các công việc hằng ngày.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sa đà của các em nhỏ vào những thú vui hấp dẫn này, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến việc nhiều em nghiện games online, chat vì không có sự quan tâm đúng mức từ gia đình. Anh Lê Thanh Huy - một phụ huynh cho biết: “Con tôi đang học lớp 7, nhân dịp cháu tốt nghiệp tiểu học, gia đình đã tặng cháu 1 dàn máy vi tính có nối mạng để làm phần thưởng để cháu sớm có cơ hội tiếp cận với máy tính, internet. Ban đầu thì không có gì, thấy cháu hứng thú với máy tính, tôi cũng mừng. Nhưng một thời gian sau, thấy con mình miệt mài bên máy tính quên cả học, tôi kiểm tra mới tá hỏa khi biết cháu thường xuyên chơi và nghiện games online. Theo kinh nghiệm của tôi, các bậc phụ huynh không nên lắp đặt máy vi tính ở phòng riêng mà nên đặt máy vi tính ở nơi dễ quan sát, tốt nhất là tại khu vực sinh hoạt chính của gia đình để dễ kiểm soát cũng như theo dõi. Quan trọng hơn là nên thường xuyên dành thời gian ở bên và quan sát xem con mình thường có những hoạt động gì trên mạng chứ không nên để chúng tự mày mò, khám phá”.

Chính vì vậy, các bậc cha mẹ hãy quan tâm và chia sẻ với các em nhiều hơn, có những định hướng tốt cho các em trong việc khai thác và sử dụng các tiện ích từ máy tính, internet để nó thật sự là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc học tập và giải trí.

  • Hiền Mai
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện buồn ở một làng quê  (04/10/2008)
Bình Định và sứ mệnh thủ phủ Liên Khu 5 kháng chiến  (04/10/2008)
Thơ  (04/10/2008)
Chuyện dạy và học ở Trường THPT Tăng Bạt Hổ  (03/10/2008)
Cần có giải pháp phòng ngừa tích cực  (03/10/2008)
Bình Định có ba bà  (03/10/2008)
Hỏi chuyện nhà thơ Thanh Thảo về thi phẩm “Đàn ghi-ta của Lorca”  (03/10/2008)
Dần đi vào chiều sâu  (03/10/2008)
Đôi điều ghi nhận  (03/10/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/10/2008)
Đại đoàn kết - bài học của Cách mạng Tháng Tám  (02/09/2008)
Chuyện về một hiện vật ở Bảo tàng Côn Đảo  (02/09/2008)
Đi học thời kháng chiến  (02/09/2008)
Để bảo tồn và phục dựng Tuồng truyền thống  (02/09/2008)
“Tuồng truyền thống phải sống được trong lòng dân”  (02/09/2008)