* Ghi chép của Lê Viết
Thọ
Quy Nhơn vào thu.
Cái nắng hạ nhẹ nhàng rút lại, chỉ còn chút nắng thủy tinh nhẹ nhàng, cho ấm áp
thêm những cung đường. Phố bỗng gợi cảm, chào mời đến lạ. Để rồi, cái ý muốn
buông tuồng của sự lãng du lại như níu chân ta ra với những cung đường và dừng
chân bên phố…
|
Một góc phố Quy Nhơn.
Ảnh: Văn Lưu
|
* Dấu ấn những cung đường...
Không phải là những
cung đường mới có sức thu hút tôi dường ấy. Dẫu trên mỗi bước chân đi, tôi không
khỏi thầm ngạc nhiên khi nhìn lại thành phố thân yêu này. Sức trẻ của nó, hiện
hình qua những con đường như nối dài thêm bước chân, với những khu phố mới dần
mọc lên. Những sự đổi thay tuy âm thầm nhưng bền bỉ ấy, đã và đang diễn ra, trên
mỗi phân vuông diện tích đất này. Sức cuốn hút còn ở cái không khí thu rất gợi
cảm trên những cung đường, trong ánh mắt nhẹ nhõm của người Quy Nhơn, trong sắc
màu nhạt nhòa của những cánh phượng cuối hạ còn rơi rớt lại, trong tiếng biển
chiều đọng trên sóng nước chơi vơi.
Quy Nhơn kể ra là một
thành phố ôm trọn đủ cả núi, đầm, sông, biển vào lòng mình. Phường Bùi Thị Xuân,
Trần Quang Diệu nằm trên thung lũng hẹp kẹp giữa núi Vũng Chua và Hòn Chà. Phía
Nam là tuyến đường Quy Nhơn - Sông
Cầu lượn quanh những dãy núi đang vươn mình về phía biển. Và cũng đã không ít
lần, tôi men theo những con đường, băng qua vùng cửa sông Hà Thanh, chớm mép
nước đầm Thị Nại, để tận hưởng cái gió quất lạnh từ phía đầm Thị Nại yên ả sóng
và thấm đượm cảm thức sông nước.
Hãy thử tưởng tượng,
một mai, khi đường Nguyễn Tất Thành thông tuyến, ta đi theo tuyến xuyên tâm của
thành phố, từ đầu Ghềnh Ráng, ngang qua những con phố đang trở mình ra biển,
ngang qua khu trung tâm thương mại, qua cầu Nhơn Hội hướng về khu kinh tế và đô
thị mới sẽ nên hình. Trên tuyến trục ấy, ta đã ngang qua ba tuyến rẽ quan trọng
là tuyến Tây Sơn, Nguyễn Thái Học và Trần Hưng Đạo, cùng những khu dân cư Sân
Bay, Bắc Hà Thanh… Đây là những ngả rẽ đầy gợi mở với những tuyến mới phát triển
theo sự mở rộng không gian thành phố, khu trung tâm cũ, cả những khu dân cư đã
được quy hoạch trong thời gian gần đây,
Vậy là, dấu ấn của một
Quy Nhơn với núi, biển, đầm, bàu và phố ôm trọn trên những bước chân đi. Cái nét
đặc biệt ấy trong cảnh quan, thử hỏi, có mấy thành phố có được như Quy
Nhơn.
* Phố xưa như chiều
nay
Quy Nhơn không hẳn là
một thành phố trẻ. Bạn có nghe âm âm từ trầm tích của mảnh đất này, sức sống của
thành phố có lịch sử hơn 400 tuổi. Hội tụ những con người, để rồi trên chốn
phiên trấn này, hình thành nên những làng mạc, xã thôn, để có phủ Hoài Nhơn thế
kỷ XV. Rồi từ một vùng cát ven biển, một thôn Vĩnh Khánh được tạo lập từ thế kỷ
XVIII về trước và nhanh chóng lan tỏa thành làng Chánh Thành và Cẩm Thượng từ
thế kỷ XIX về sau.
Nếu lấy dấu mốc từ
giữa thế kỷ XIX, khi quá trình tụ cư diễn ra mạnh mẽ ở Quy Nhơn thì đến nay, sau
hơn một trăm năm mươi năm lịch sử, Quy Nhơn vẫn lưu giữ trong hành trang của
mình những di sản kiến trúc gắn với những thời đoạn khác nhau của lịch sử. Trong
đó, thế kỷ XIX là giai đoạn Quy Nhơn có sự phát triển tương đối mạnh mẽ, đánh
dấu bước phát triển về chất trên con đường tạo lập đô thị Quy Nhơn.
Lấy hai đường Trần
Hưng Đạo và Bạch Đằng hôm nay như một ước lệ, cắt ngang thành các ô bàn cờ là
các đường Nguyễn Văn Bé, Ngô Thời Nhiệm, Đào Duy Từ, Phan Đình Phùng, Mai Xuân
Thưởng… ngày nay, đó chính là khu vực phố thị trung tâm của Quy Nhơn thời ấy.
Đáng chú ý trong di sản kiến trúc của Quy Nhơn thời kỳ này là nhà ở của người
Hoa và các hội quán, chùa của các bang hội Hoa kiều: miếu Ông Nhiêu, hội quán
Triều Châu, đình Cẩm Thượng... Không ít trong số này là những công trình kiến
trúc khá độc đáo và quan trọng hơn, nó gắn với một phần lịch sử của Quy Nhơn
thuở ban đầu.
Bên cạnh đó, một quỹ
công trình kiến trúc khác không những độc đáo mà còn rất đặc thù là khu nhà ở
của bệnh nhân phong tại khu điều trị cho bệnh nhân phong Quy Hòa. Khởi thủy, đây
chỉ là những ngôi nhà tranh vách đất, dùng làm nơi ở cho các soeur và bệnh nhân.
Năm 1932, sau khi toàn bộ nhà cửa của bệnh nhân bị cuốn phăng sau một trận bão,
soeur Ozithe đã bỏ công quy hoạch lại toàn bộ khu Quy Hòa và vẽ thiết kế nhiều
kiểu nhà ở cho các bệnh nhân. Mỗi căn nhà có một thiết kế độc đáo và hài hòa với
cảnh quan của Quy Hòa, rồi lại được chính chủ nhân của chúng chỉnh sửa, thay đổi
cho phù hợp với điều kiện sống của họ. Đây là một quỹ kiến trúc khá độc đáo của
Quy Nhơn thời kỳ đầu hiện còn và cần được bảo tồn bởi tính độc đáo và giá trị
nhân văn của nó.
Ngoài ra, trong di sản
kiến trúc Quy Nhơn còn có một số công trình thuộc giai đoạn sau năm 1960 như trụ
sở Ngân hàng Sài Gòn Thương tín trên đường Lê Thánh Tông, một công trình của KTS
Ngô Viết Thụ; Trường Công nhân Kỹ thuật Quy Nhơn… Mỗi công trình là một phần hồn
của Quy Nhơn. Do vậy, việc bảo tồn chúng cần được đặt ra, để bên cạnh một Quy
Nhơn đang dần trở thành thành phố biển hiện đại trong tương lai, còn có một Quy
Nhơn mang chiều sâu lịch sử.
|
Quy Nhơn về đêm. Ảnh:
Hoàng Tuấn
|
* Để phố mang hồn phố
Với hai sự hội tụ:
thiên nhiên và lịch sử vào trong phố, cùng với vóc dáng mới đã và đang triển
khai từ quy hoạch tổng thể đến năm 2020, Quy Nhơn sẽ là một thành phố đẹp, có
dấu ấn thương hiệu riêng, nếu biết trân trọng gìn giữ đi liền với công tác chỉnh
trang và nâng cấp nhằm tạo thêm hồn cho phố.
Quy hoạch các khu đô
thị, khu dân cư mới, nhất là với sự mở rộng không gian thành phố ra phía Bắc với
khu đô thị mới Nhơn Hội, cần đặt trong tổng thể nhịp nhàng trên cơ sở quy hoạch
chung, để từ đó, tạo cho thành phố không chỉ rộng về không gian, mà còn đẹp và
hài hòa. Việc bố trí các khu quy hoạch như thời gian qua là có phần chưa thật
hợp lý. Chẳng như, khu tái định cư nằm ngay đầu tuyến Quy Nhơn - Nhơn Hội tạo
cảm giác bề bộn, không ấn tượng. Trong khu quy hoạch, các con đường quá nhỏ,
chưa tương xứng với tầm vóc đô thị hiện đại.
Để
khắc phục tình trạng “loãng trong quá trình mở rộng” này, cần thiết phải hình
thành những góc chuyển hợp lý, nhẹ nhàng giữa các khu đô thị, tại các điểm kết
tụ giao thông. Bên cạnh đó, trong khu vực trung tâm thành phố hiện tại và tuyến
phố ven biển, cần có thêm những con phố đón khách ấm áp, cùng những góc kết nối
nhẹ nhàng, thân thiện, nhằm tạo thêm những điểm dừng chân cho du khách tìm tòi,
mua sắm và khám phá.
Cần đầu tư cho các di
tích văn hóa, kiến trúc hiện tồn trong không gian thành phố, để những di tích ấy
trở thành điểm nhấn thật sự, tạo chiều sâu lịch sử cho thành phố. Bên cạnh đó,
sự kết nối giữa các kiến trúc cũ và mới là cần thiết, nhằm tạo sự hài
hòa.
Công tác chỉnh trang,
do vậy, phải đặt trong một tổng thể chung hòa hợp, từ cái cột đèn, bảng chỉ
đường, đến cây xanh… Ở những công viên, những bãi cỏ rộng gần biển, có thể
nghiên cứu để bố trí thêm tượng ngoài trời… ngõ hầu có thêm điểm nhấn cho thị
giác.
|