PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM:
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Thú y tỉnh
8:15', 5/10/ 2008 (GMT+7)

Tỉnh ta đang bước vào mùa mưa lũ. Đây là thời điểm thuận lợi để dịch bệnh ở đàn gia súc gia cầm (GSGC) bùng phát. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Quốc - Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh - về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn GSGC.

 

Cán bộ thú y tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia cầm. Ảnh: T.S

 

* Xin ông cho biết tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua?

- Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn GSGC vẫn còn diễn biến khá phức tạp. Nhiều tỉnh, thành đã xuất hiện dịch bệnh tai xanh trên đàn heo, dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc và dịch cúm gia cầm gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế của người chăn nuôi. Ở tỉnh ta, mặc dù các loại dịch bệnh nói trên được khống chế rất tốt, nhưng ngành Thú y tỉnh luôn chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần cảnh giác cao. Ngoài việc thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chăn nuôi GSGC ở các địa phương, ngành Thú y đã thường xuyên tiến hành tiêu độc sát trùng tại các ổ dịch cũ, các trang trại, gia trại chăn nuôi, nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã phối hợp với các hội - đoàn thể và chính quyền các địa phương tổ chức tập huấn, phát tờ rơi hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch đến từng người dân. Qua đó đã nâng cao một bước ý thức của người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh GSGC. Lực lượng thú y cũng đã triển khai khá tốt việc tiêm phòng đợt 1.2008 cho đàn GSGC và đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa dịch bệnh GSGC trong mùa mưa này …

* Tình trạng buôn bán giết mổ GSGC diễn ra phổ biến trong khu dân cư và tại các chợ, nhưng đến nay hoạt động nói trên vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Vì sao vậy thưa ông?

- Thời gian gần đây, nhu cầu tiêu dùng thịt và các sản phẩm động vật trên thị trường tăng cao là điều kiện tốt cho người chăn nuôi tăng nguồn thu nhập và tái đầu tư chăn nuôi. Song, thị trường tiêu thụ thoáng hơn thì càng khó kiểm tra giám sát hoạt động giết mổ, mua- bán thịt và các sản phẩm động vật. Điều đáng lo ngại là phần lớn các địa phương chưa xây dựng các điểm giết mổ động vật tập trung (GMĐVTT); vài địa phương đã xây dựng nhưng cũng không hoạt động được, nên việc kiểm tra giám sát hoạt động GMĐV trên địa bàn tỉnh là rất khó.

Khách quan nhìn nhận, việc đưa GSGC vào giết mổ tại các cơ sở GMĐVTT cũng có điều bất tiện và bất lợi đối với các hộ hành nghề GMĐV. Song đây là biện pháp tốt để bảo vệ môi trường, ngăn ngừa các loại dịch bệnh nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. Việc quản lý, giết mổ GSGC, vai trò của chính quyền cấp cơ sở là rất quan trọng, song trên thực tế không ít địa phương chỉ triển khai cho có, hoặc “giao khoán” cả cho ngành Thú y. Một số địa phương có thực hiện nhưng việc triển khai chưa đồng bộ và thiếu kiên quyết nên không xử lý được tình trạng GMĐV trái phép. Có thể nói, đây là điểm yếu trong công tác phòng chống dịch bệnh GSGC ở tỉnh ta.

* Ngành Thú y tỉnh đã có biện pháp gì để phòng chống dịch bệnh GSGC có hiệu quả, thưa ông?

- Để công tác phòng chống dịch bệnh GSGC đạt hiệu quả, Chi cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng, các hội đoàn thể tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC; tổ chức tập huấn hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học và vận động nông dân tham gia phòng chống dịch. Chi cục sẽ tiếp tục cấp sổ đăng ký nuôi vịt chạy đồng cho người chăn nuôi để tiện việc tiêm phòng và quản lý, giám sát tình hình dịch bệnh. Hiện nay, Chi cục đã chuẩn bị đầy đủ vacxin, hóa chất, vật tư phục vụ cho công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC trong mùa mưa lũ năm nay. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc thu mua, giết mổ, tiêu thụ GSGC; hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi gia cầm tự giết mổ, tiêu thụ gia cầm đã qua kiểm dịch thú y, đảm bảo an toàn dịch bệnh…

Bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng thú y tỉnh, đề nghị chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở, tích cực chỉ đạo phòng chống dịch, quản lý chặt chẽ, xử lý kiên quyết những vi phạm Pháp lệnh Thú y. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở GMĐVTT, nhằm đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh.

* Xin cảm ơn ông!

  • Phạm Tiến Sỹ (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đường qua mấy phố Quy Nhơn…  (04/10/2008)
Lạc cảnh Đại Nam Văn hiến: Niềm tự hào của người Bình Định  (04/10/2008)
Hội ngộ những tấm lòng nhân ái  (04/10/2008)
Bảo vệ trẻ em trước những hiểm họa từ internet  (04/10/2008)
Chuyện buồn ở một làng quê  (04/10/2008)
Bình Định và sứ mệnh thủ phủ Liên Khu 5 kháng chiến  (04/10/2008)
Thơ  (04/10/2008)
Chuyện dạy và học ở Trường THPT Tăng Bạt Hổ  (03/10/2008)
Cần có giải pháp phòng ngừa tích cực  (03/10/2008)
Bình Định có ba bà  (03/10/2008)
Hỏi chuyện nhà thơ Thanh Thảo về thi phẩm “Đàn ghi-ta của Lorca”  (03/10/2008)
Dần đi vào chiều sâu  (03/10/2008)
Đôi điều ghi nhận  (03/10/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/10/2008)
Đại đoàn kết - bài học của Cách mạng Tháng Tám  (02/09/2008)