Những tượng đài cần có ở Bình Định
19:53', 2/11/ 2008 (GMT+7)

Bình Định có nhiều danh nhân văn hóa và lịch sử xứng đáng được dựng tượng, nhưng có ba nhân vật kiệt xuất cần được sớm dựng tượng, đó là vua Lê Thánh Tông, nhà cách mạng Tăng Bạt Hổ và nhà văn hóa Đào Tấn.

 

Tượng đài Hoàng đế Quang Trung tại TP Quy Nhơn. Ảnh: Văn Lưu

 

Mới đây, về Bình Định, thăm lại Bảo tàng Quang Trung, tôi đã rất ấn tượng khi ngắm tượng đài người anh hùng áo vải sừng sững, oai nghiêm giữa làng Kiên Mỹ; rồi cụm tượng các danh tướng Tây Sơn thờ trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt. Đây đều là những bức tượng có hồn, có uy lực. Những danh nhân ấy xứng đáng được dựng những bức tượng như vậy, để nhắc nhở chúng ta rằng: đất nước này từng có một triều đại Tây Sơn lẫy lừng, xuất phát từ một phong trào khởi nghĩa nông dân. Về TP. Quy Nhơn, tượng Hoàng đế Quang Trung được dựng mới, khuôn viên quanh tượng được tôn tạo, làm bức tượng vị anh hùng dân tộc như thêm lồng lộng giữa đất trời Quy Nhơn.

Bên cạnh những tượng đài đã có nói trên, Bình Định cần những tượng đài danh nhân khác, mà chi phí bỏ ra không lớn, nhưng giá trị truyền thống sẽ hết sức to lớn.

* Tượng vua Lê Thánh Tông

Bình Định với một nền tảng văn hóa tiếp nối từ văn hóa Champa đến Đại Việt, là một miền đất có truyền thống văn hóa thẳm sâu và đầy sinh lực. Năm 1470, do vua Chiêm là Trà Toàn gây hấn với Đại Việt, đánh Hóa Châu và cho người sang cầu viện nhà Minh để đánh Đại Việt, nên vua Lê Thánh Tông đã phải ngự giá thân chinh, kéo 20 vạn quân đánh Trà Toàn. Đây là một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, được công khai khi vua Lê Thánh Tông cho sứ sang nhà Minh làm công tác ngoại giao, kể tội Trà Toàn.

Có thể nói, vua Lê Thánh Tông là một vị vua anh minh, tài đức, văn võ song toàn, trị vì 38 năm và có nhiều công lao với đất nước. Với Bình Định, vua Lê Thánh Tông là vị vua có công khai phá. Như vậy một bức tượng cho vua Lê Thánh Tông là việc nên làm.

* Tượng Đào Tấn

“Vinh Thạnh tướng công” Đào Tấn thực chất là một danh nhân văn hóa chứ không phải là một tướng công, dù cuộc đời làm quan của ông trải từ đời vua Tự Đức đến Thành Thái. Đào Tấn từng làm Tổng đốc An Tịnh (Nghệ An - Hà Tĩnh), lên đến Thượng thư. Cuộc đời làm quan của Đào Tấn chỉ là “khả thứ”: nhân bản, thanh liêm, chánh trực; nhưng cuộc đời nghệ sĩ của ông mới là xuất chúng. Đó là một nhà thơ có tài, hoàn toàn có thể sánh với những nhà thơ danh tiếng của nước ta trước khi có chữ Quốc ngữ, kể cả trong thơ quốc âm lẫn thơ chữ Hán. Thi phẩm “Mộng Mai ngâm thảo” với hơn 200 bài của Đào Tấn đã chứng minh ông là một  thi sĩ tài năng thiên bẩm.

Nhưng trên hết, Đào Tấn là một nghệ sĩ đích thực. Làm quan trong thời đại nhiễu nhương, mấy lần ông xin trí sĩ để sống đời nghệ sĩ nhưng không được toại nguyện. Đó là điều đáng tiếc, bởi nếu ông về trí sĩ sớm, có lẽ cuộc đời nghệ sĩ của ông sẽ phong phú hơn nhiều, đóng góp nhiều hơn cho nền văn hóa dân tộc. Đào Tấn là người mê tuồng từ thời trai trẻ. 18 tuổi ông đã soạn tuồng “Tân dã”. Ông cũng là tác giả của nhiều vở tuồng trác tuyệt khác như “Cổ thành”, “Hộ sanh đàn”, “Trầm hương các”, “Tứ quốc lai vương”… Đặc biệt, vở “Vạn bửu trình tường”, một vở tuồng Đào Tấn vâng mệnh vua Tự Đức, cùng với Ngô Quý Đồng, Võ Đình Phương biên soạn, lạ lùng nhất tự cổ chí kim, khi các nhân vật là hàng trăm vị thuốc Bắc được nhân cách hóa! Vở tuồng này đã soạn hoàn chỉnh từ thời Tự Đức và được vị vua yêu văn chương này phê là “Thần hồ kỳ hỹ”. Rất tiếc, vở tuồng độc đáo này bị thất lạc cho đến nay. Bên cạnh đó, Đào Tấn cũng là nhà đạo diễn đại tài. 

Với những đóng góp đặc biệt của mình trên lĩnh vực văn hóa, Đào Tấn xứng đáng được dựng tượng. Tượng của ông nên đặt ở Đình làng Vinh Thạnh (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) hiện nay. Vị trí này rất gần với Học bộ đình mà Đào Tấn đã dựng nên để dạy và trình diễn tuồng trong thời gian ông nghỉ hưu. Cũng nên xây dựng lại Học bộ đình làm nơi trình diễn tuồng. Như vậy chúng ta sẽ có một cụm văn hóa tuồng độc đáo, và chỉ với cách đó, tuồng mới tồn tại trong thời đại văn hóa nghe nhìn phong phú như hiện nay. Song song đó, nên tổ chức tìm kiếm bản tuồng “Vạn bửu trình tường”, các tuồng dân gian hết sức lạ lùng còn lưu truyền, để trình diễn cho khách du lịch khám phá văn hóa.

* Tượng Tăng Bạt Hổ

Một nhân vật khác rất xứng đáng được dựng tượng là Tăng Doãn Vân, tức Tăng Bạt Hổ. Chỉ đọc cái tên nhân vật này thôi, chúng ta cũng thấy tinh thần, hành động của một người con Bình Định quyết liệt với giặc Pháp xâm lược. Lúc đầu, Tăng Bạt Hổ là một chiến binh thực thụ, sau đó trong quá trình cầm súng chiến đấu với quân thù, ông trở thành một nhà cách mạng, chí sĩ đầu tiên xuất dương tìm đường cứu nước.

Hưởng ứng phong trào Cần Vương, thất trận ở đồn Lại Giang, người chiến binh ấy thương tích đầy mình, phải một năm sau mới lành. Trong thời điểm kháng chiến hết sức khó khăn, Mai Xuân Thưởng bị vây trên Linh Đổng, thế giặc cực mạnh, ông tìm đường sang Thái Lan. Tại Thái Lan, Tăng Bạt Hổ đã xây dựng nên những hội đoàn người Việt đầu tiên ở hải ngoại, mà sau này nhiều nhà cách mạng của ta có cơ sở để hoạt động. Từ Thái Lan, Tăng Bạt Hổ qua Trung Quốc, đến Quảng Đông, Quảng Tây, đến Đài Loan rồi Nhật Bản.

Ở Nhật Bản, Tăng Bạt Hổ tìm mọi cách vào hải quân Nhật để học kỹ thuật vũ khí hiện đại của Nhật, chỉ với mục đích về nước đánh Pháp. Cuộc đời bôn ba hải ngoại của Tăng Bạt Hổ là cuộc đời của một nhà cách mạng vì dân vì nước, làm nên những huyền thoại có thực trong lòng dân tộc, làm cho giới chính khách Nhật Bản lúc bấy giờ kính phục. Chính Tăng Bạt Hổ là người dẫn đường đưa cụ Phan Bội Châu sang Nhật, tổ chức nên phong trào Đông Du, góp phần mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Trở về nước nhiều lần, đi khắp Bắc Trung Nam để vận động cách mạng với niềm tin và quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp. Rất tiếc, cuộc đời 30 năm hoạt động của nhà cách mạng Tăng Bạt Hổ phải dừng lại ở tuổi 50 vì bệnh kiết lỵ (1908), khi ông đến Huế vận động cách mạng.

Một bậc hào kiệt như Tăng Bạt Hổ, cái chết bệnh ấy bi kịch đến dường nào. Ông mất đi, nhiều nhà cách mạng, chí sĩ như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Thái Thân… đều thương khóc, đồng bào cả nước đều tiếc thương. Di sản của Tăng Bạt Hổ để lại giúp cho dân tộc ta thấy rằng chỉ có đứng dậy cầm súng mới giành được độc lập dân tộc. Ông xứng đáng là bậc tiền bối cách mạng, nhà chí sĩ góp phần dẫn đường mở lối cho dân tộc trên con đường giành độc lập dân tộc khi chưa có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. 

Một tượng đài cho Tăng Bạt Hổ ở quê ông (An Thường, Ân Thạnh, Hoài Ân) là rất xứng đáng.

Những tượng đài như vậy không mấy tốn kém. Những người con Bình Định xa quê hoàn toàn có thể đóng góp để xây dựng. Riêng cụm văn hóa tượng Đào Tấn - Học bộ đình, cần có quy hoạch hết sức cẩn trọng như một bảo tàng tuồng, một sân khấu cổ điển độc đáo của dân tộc, có tầm vóc quốc tế.

  • Lưu Nhi Dũ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện về hai bà mẹ của hai nhà thơ lớn Hàn Mặc Tử và Xuân Diệu  (02/11/2008)
Xã văn hóa Tam Quan Bắc  (02/11/2008)
Gặp lại “Hùm xám miền Trung”  (02/11/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (02/11/2008)
Bước ngoặt trong cuộc chiến đẩy lùi tai nạn giao thông  (05/10/2008)
Trật tự an toàn giao thông ở An Lão: Thực trạng và giải pháp  (04/10/2008)
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Thú y tỉnh  (05/10/2008)
Đường qua mấy phố Quy Nhơn…  (04/10/2008)
Lạc cảnh Đại Nam Văn hiến: Niềm tự hào của người Bình Định  (04/10/2008)
Hội ngộ những tấm lòng nhân ái  (04/10/2008)
Bảo vệ trẻ em trước những hiểm họa từ internet  (04/10/2008)
Chuyện buồn ở một làng quê  (04/10/2008)
Bình Định và sứ mệnh thủ phủ Liên Khu 5 kháng chiến  (04/10/2008)
Thơ  (04/10/2008)
Chuyện dạy và học ở Trường THPT Tăng Bạt Hổ  (03/10/2008)