Những năm qua, Nhà hát tuồng Đào Tấn đã chủ động tìm tiết mục cụ thể, thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế, nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu thưởng thức của người dân.
|
Một vở diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn. Ảnh: Đăng Huy
|
Thị hiếu thưởng thức của khán giả tùy thuộc vào địa bàn sinh sống, làm ăn. Chẳng như, ở nông thôn, khán giả chuộng xem những vở tuồng tiểu thuyết với cốt truyện thiên về tình yêu éo le, trắc trở; làn điệu chủ đạo là Xuân nữ ngọt ngào, mướt mát. Khán giả thành thị lại thích những vở tuồng hài với nội dung đơn giản, đường nét biểu diễn nhẹ nhàng và tuồng tâm lý - xã hội với tính đa chiều của các mối quan hệ cá nhân - tập thể - gia đình - xã hội; lối diễn thiên về nội tâm, không nặng về hát múa, cảnh trí sân khấu đơn giản nhưng có tính ước lệ cao. Khán giả miền biển lại thích những vở diễn tiết tấu nhanh, hát múa nhiều, không khí sôi động với nhiều đào kép tham gia và các tình huống kịch đan xen không dừng. Ngược lại, khán giả miền núi lại thích những vở tuồng có không gian rừng núi, những nhân vật mang tính cách giản đơn, sống chân thật hào hiệp; nội dung vở diễn không phức tạp, không cầu kỳ về đường nét biểu diễn.
Từ thực tiễn trên, để tồn tại và phát triển, Nhà hát tuồng Đào Tấn phải thường xuyên tự đổi mới chính mình, nắm bắt và đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu thưởng thức nghệï thuật của nhân dân. Những năm gần đây, Nhà hát đã chủ động xây dựng, phục hồi nhiều vở tuồng đa dạng, phong phú về thể tài, hấp dẫn và lôi cuốn về hình thức, đi kèm với một loạt giải pháp được thực hiện đồng bộ như: chỉnh lý kịch bản, chuyển đổi ngôn từ Hán Việt sang thuần Việt để người xem dễ hiểu, dễ tiếp nhận. Tùy theo thể loại tuồng mà cách hát, cách diễn, cách bài trí sân khấu cho phù hợp. Chú trọng đầu tư, nâng cấp, trang bị dàn âm thanh, ánh sáng, phục trang, đạo cụ; trẻ hóa đội ngũ diễn viên, nhạc công,… nhằm làm tăng tính hấp dẫn cho vở diễn.
Tuy nhiên, Nhà hát cũng xác định: “Không vì chạy theo thị hiếu mà cải biên, lai căng, pha tạp với các loại hình nghệ thuật khác, phải giữ cho được bản sắc của tuồng Đào Tấn, tuồng Bình Định”.
Vào các dịp Lễ Thanh minh, Lễ hội Cầu ngư, Nhà hát thường hát các vở tuồng như “Cổ thành”, “Huê Dung lộ” với nội dung chủ yếu là đề cao các phẩm chất cao đẹp của Quan Công như: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín và tình cảm thủy chung son sắt, trước sau như một của ba anh em Lưu Bị - Quan Công - Trương Phi, thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của bà con. Bên cạnh đó, Nhà hát cũng có những vở tuồng tiểu thuyết hấp dẫn được số đông khán giả với làn điệu chủ đạo là Xuân nữ như: “Xử án Bàng Quý Phi”, “Giai nhân trong thời loạn”, “Tam hùng kiệt”, “Lưỡi kiếm Hoàng Thanh Phong”… Tuồng tâm lý xã hội có vở: “Nỗi oan tình”… Tuồng hài có các vở: “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”, “Thầy khóa làng tôi”… Với đề tài lịch sử: “Đi tìm chân chúa”, “Mặt trời đêm thế kỷ”, “Trần Bình Trọng”, “Nguyễn Hoàng”, “Bao Công xử án Quách Hòe”, “Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc”… Tuồng hiện đại có các vở: “Sáng mãi niềm tin”, “Cội nguồn”… Tuồng cổ có: “Sơn hậu”, “Diễn võ đình”, “Trảm Trịnh Ân”, “Hộ sanh đàn”, “Ngọn lửa Hồng Sơn”…
Với bề dày lịch sử xây dựng và phát triển của mình, Nhà hát đã và sẽ tiếp nối truyền thống, kiên định mục tiêu xây dựng một thương hiệu nghệ thuật mang tên Đào Tấn.
|