Về vùng đất trung du Hoài Ân, chúng tôi được thưởng thức món ăn độc đáo: gỏi trộn măng và cháo ong vò vẽ. Để có những món ăn bổ dưỡng này, chuyện bắt ong và chế biến món không đơn giản chút nào.
|
Tổ ong vò vẽ được bắt về lấy nhộng, ong non.
|
* Bắt ong vò vẽ phải đúng cách
Ong vò vẽ còn có rất nhiều tên khác như ong đất, ong bắp cày, ong khổng lồ, là một loài côn trùng cánh màng, ăn thịt, rất dữ. Đầu ong màu vàng, ngực màu nâu nhạt, bụng màu đen, kích thước to hơn ong mật. Ong sống thành đàn hoặc đơn độc, không làm mật; làm tổ dưới đất hoặc trên lùm cây, mái nhà. Tuy vậy, nhộng của ong vò vẽ thì rất ngon và bổ dưỡng, có thể chế biến rất nhiều món ngon như nấu cháo, trộn gỏi, nướng…
Thông thường ong vò vẽ làm tổ những nơi vườn hoang rậm rạp, nhưng đôi khi cũng thấy tổ của chúng ở cột điện, mái đình, mái chùa… Tổ lớn hoặc nhỏ tùy thuộc vào thời gian làm tổ. Những tổ lớn có thể bằng cái thúng hoặc bằng cái nia. Đặc điểm của tổ ong vò vẽ là từ tàn ong đến ong chúa, ong đực, ong thợ, ong con… đều được bao che bởi lớp vỏ hình tròn, treo toòng teng trên cành cây và được cấu trúc bằng một loại nhựa vỏ cây đặc biệt không thấm nước. Bình thường chúng rất hiền lành, siêng năng làm việc, nhưng chúng sẽ trở nên hung dữ khi có ai đụng đến tổ của chúng. Chúng sẽ truy nã, tấn công “kẻ phá bĩnh” gắt gao đến “hơi thở cuối cùng”. Trong vòng bán kính và chiều cao không phận trên 10m chung quanh tổ, chúng không hề tha thứ khi nhận ra kẻ thù.
Muốn bắt ong vò vẽ không khó, bởi đường vào nơi ở của chúng thường là một lỗ tròn độc đạo. Do đó nếu khống chế được cửa ngõ này thì có thể bắt trọn đàn ong. Dùng rơm làm con cúi hoặc búi giẻ có tẩm dầu tra vào một cây dài. Đợi đêm đến, khi đàn ong vào hết trong tổ, người bắt ong mồi lửa rồi cầm cán cây đưa nhanh đầu lửa vào miệng tổ. Toàn bộ đàn ong bị kẹt bên trong, con nào bay ra sẽ bị lửa thiêu mà chết hoặc bị cháy rụi cánh rơi xuống đất. Anh Phạm Công Do ở thôn Hội Nhơn, xã Ân Hữu, Hoài Ân, người có nhiều kinh nghiệm trong việc bắt tổ ong vò vẽ cho biết: “Trước khi đốt nên quan sát kỹ chỗ miệng tổ để đưa cây gậy vào đúng vị trí mới tiêu diệt được ong bảo vệ tổ. Đốt đến khi nào không còn thấy ong lao ra nữa thì có thể lấy tổ ong xuống”. Ong vò vẽ nổi tiếng là nọc độc; khi châm người gây sốt, sưng đau đến 2-3 ngày, nếu bị đốt nhiều có thể tử vong. Theo kinh nghiệm của anh Do, trong quá trình bắt tổ ong vò vẽ, nếu bị ong chích vài đốt thì tìm ngay búp măng non, nhai thật kỹ, nếu có sẵn vôi ăn trầu thì quét thêm vào rồi đắp lên vết ong cắn sẽ đỡ đau và không bị các triệu chứng như sốt, đái ra máu…
|
Món gỏi măng ong vò vẽ được chế biến, ăn cùng bánh tráng, nước mắm dầm ớt hiểm thì ngon tuyệt.
|
* Các món ăn đặc sản với ong vò vẽ
Đem tổ ong bắt được ra, lấy từng con nhộng từ tàn ong, trụng vào nước sôi cho săn lại, rút bỏ chất bẩn màu đen trong ruột rồi thả vào nước muối pha loãng, rửa sạch, để ráo nước. Sau đó, bắc chảo dầu lên bếp, khử tỏi. Khi thấy tỏi vàng trút hết ong non và trứng vào đảo cho ong chín vàng. Đem chảo ong này trút vào nồi cháo đang sôi, khuấy đều, nêm thêm bột ngọt, nước mắm, tiêu và hành lá xắt nhỏ. Húp những chén cháo nóng hổi có nhộng ong bạn sẽ nghe được âm thanh lụp bụp, mùi vị beo béo thật sảng khoái. Bạn có thể chế biến món cháo ong vò vẽ như trên có thêm chút nước cốt dừa, rau cải, rau má và chan chút nước mắm dầm với ớt.
Song, đặc sản ở vùng trung du Hoài Ân chính là món trộn ong vò vẽ với măng non. Món trộn khá đơn giản vì gia vị, nguyên liệu có sẵn ở trong vườn nhà hoặc rất dễ tìm mua. Măng non được xắt nhỏ, luộc với chút muối rồi trộn gia vị mắm, muối. Nhộng, ong vò vẽ non sau khi đảo dầu cùng gia vị nước mắm, tiêu, tỏi đem trộn với măng luộc sẵn cùng ít khế, chuối chát, rau mùi, đậu phụng. Khi bạn dùng miếng bánh tráng mè nướng, xúc một muỗng từ tốn nhai, âm thanh trong miệng kêu “bụp”, đó là lúc nhộng ong vò vẽ bể ra, chất béo, ngọt, bùi hòa quyện cùng vị chát của chuối, chua của khế, thơm của rau mùi, ngọt, béo của đậu phụng khiến bạn nhớ mãi.
|