Không chỉ là cây
20:16', 2/11/ 2008 (GMT+7)

* Truyện ngắn của Phạm Kim Sơn

Một lần, ngồi uống cà phê, tình cờ nghe đám “đầu nậu” buôn dã sanh kháo nhau chuyện một đại gia cần mua cây sanh cổ thụ từ trăm năm tuổi trở lên với cái giá hai trăm triệu, gã nghĩ ngay đến cây sanh đình làng Vạn.

 

Trời đất ! “Vụ” này mà thành, tự dưng gã có trong tay hơn trăm triệu. Một con số “nằm mơ” đối với đồng lương của một nhân viên mới ra trường, vừa có việc làm như gã.

Làng Vạn không phải là nơi gã chôn nhau, cắt rốn. Đó là quê của thằng Phi, bạn học cùng lớp với gã thời đại học. Hồi đó, gã theo Phi về quê chơi. Ấn tượng về làng quê nghèo “chó ăn đá, gà ăn muối” của bạn là cây dã sanh mấy trăm năm tuổi ở đình làng. Thân toàn những búi rễ cuộn vào nhau dễ đến ba, bốn người ôm. Cành cây tỏa đều ra bốn phía và kết tạo thành tẻ bánh với nhiều tầng, lớp. Gã choáng ngợp. Một tòa thiên cảnh đúng nghĩa ! Ngồi dưới tán cây mát rượi, gã hào hứng với bạn: “Nếu mang được cái cây này về thành phố, tao sẽ mở một quán cà phê. Có khối thằng tìm đến, bỏ tiền ra để được hưởng thụ cái cảm giác như tao và mày đang có”.

Đúng là cuộc đời. Cứ tưởng đâu câu nói đùa bâng quơ là cái ý tưởng điên rồ ngẫu hứng, giờ lại sắp trở thành hiện thực. Tiền. Tiền cả đấy. Gã gọi điện cho Phi. Công việc của hắn cũng đang làng nhàng. Tiền chắc hắn không chê. Kế hoạch của gã là thông qua Phi để gã tiếp cận cha của Phi, lão Thiền. Ở làng Vạn, lão Thiền có “thâm niên” hơn hai mươi năm giữ chức trưởng làng. Giờ đã thôi chức nhưng lão là bậc cao niên, một lời của lão như tiếng kẻng hiệu lệnh giữa làng, có ai mà không theo ?

Gã theo Phi về làng Vạn lần thứ hai. Lão Thiền đón tiếp bạn của con mình như một vị khách quý. Cơm nước xong xuôi, bên ấm trà, gã đặt thẳng vấn đề:

- Cháu nhờ bác nói giúp với dân làng cho cháu mua cây sanh trên đình.

Lão Thiền ngạc nhiên:

- Cậu nói đùa à ?

Gã hào hứng mà không thấy được sự đổi thay trong cái nhìn của lão Thiền:

- Dạ, không ạ. Trên thành phố, người ta chơi cây cổ thụ như một trào lưu. Càng cổ thụ càng có giá bác ạ. Cây sanh làng mình cũng nằm giá trên một trăm triệu.

- Cậu không hiểu được tình cảm của dân làng đối với cây sanh như thế nào đâu.

Nhì nhằng mãi không xong, gã tung “đòn” quyết định:

- Nếu bác thuyết phục được dân làng chịu bán cho cháu cây sanh, cháu sẽ xây cho làng ngôi đình trị giá năm chục triệu. Riêng phần của bác sẽ là một chiếc xe máy. Thằng Phi cũng sẽ có phần…

Soạt ! Lão Thiền rút chiếc rựa vẫn dắt trên vách dứ thẳng vào mặt gã. Mắt lão long lên sòng sọc.

- Cút ! Cậu cút khỏi nhà tôi ngay! Cút ngay ra khỏi cái làng này và đừng bao giờ nhắc đến chuyện mang cây sanh ra khỏi đình. Nếu không, cậu đừng có trách…

Cụt hứng. Xấu hổ. Sợ hãi. Gã dông thẳng!

Về thành phố, gã vẫn theo dõi thông tin từ đám đầu nậu. Nghe đâu đại gia nọ nóng lòng tăng giá mua cây cảnh “trong mơ” lên ba trăm triệu. Gã muốn quay trở lại làng Vạn. Nhưng gã sợ. Sợ lưỡi rựa bén ngọt. Sợ ánh mắt như có lửa của lão Thiền. Cứ vài bữa, gã lại gọi điện cho Phi. Chuyện phiếm. Tán gẫu. Nhưng cái chính là gã đang nghe ngóng tình hình để tìm cho mình một cơ hội mới…

Một tháng sau, kể từ ngày gã chạy như ma đuổi ra khỏi làng Vạn thì lão Thiền bảo thằng Phi lên đón gã về gấp. Gã cười thầm: chắc lão Thiền đổi ý. Là ai thì cũng thế thôi. Tiền ai mà chả cần. Tự thân đồng tiền có sức thuyết phục hơn cả vạn lời nói. Từ chối tiền có mà họa điên! Gã cố căn vặn nhưng Phi chỉ lắc đầu.

- Chịu. Ông già bảo chở mày về chơi gấp. Hình như là vụ cái cây.

Gã sướng rơn. Xe đi ngang qua phố huyện, gã bảo Phi dừng lại. Gã mua chai rượu và hộp bánh. Toàn thứ ngoại. Chút “cống phẩm ngoại giao” này tuy nhỏ nhưng có lúc cũng được việc ra phết.

Về đến quê, Phi chở gã chạy thẳng lên đình.

Từ xa, gã nghe tiếng trống, tiếng xèng la quyện vào từng chập. Rồi gã thấy cờ xí. Và người. Người đông như trẩy hội. Dân làng Vạn dồn hết ra đình, ngồi tập trung dưới bóng cây sanh. Gã thấy chột dạ.

- Sao đông người thế ?

Thằng bạn gã thì thầm:

- Dân làng đang cúng Thanh minh. Lệ làng ấy mà.

Lão Thiền đang lui cui “chỉ đạo” vòng ngoài, chợt thấy gã liền nắm tay kéo vào trong. Thầy tế đang quỳ bên hương án đặt sát gốc cây. Bài văn cúng dài lê thê nhưng lại có một sức cuốn hút kỳ lạ. Vốn có kiến thức xã hội, gã không lạ gì đình đám, hội làng, là sự bái vọng thần linh; là sự tạ ơn đối với các bậc tiền nhân; là bữa tiệc vui vẻ; thân tình; là sự gắn kết trong cộng đồng làng xóm. Vừa tâm linh, vừa đời thực…

Ngồi dưới bóng mát của cây sanh, lọt thỏm giữa những người xa lạ nhưng hồn nhiên, mến khách, gã thấy mình như hòa chung trong không phí vừa thâm nghiêm, trầm mặc, vừa ấm cúng, chan hòa với những người dân làng Vạn. Cảm giác ấy đến nhẹ nhàng như hơi thở. Như bản năng. Như từ lúc sinh ra và lớn lên, gã đã là con dân của làng Vạn. Tự dưng, gã thấy ý định mang cái cây về thành phố bán cho đại gia lắm tiền là một hành động ngu ngốc và báng bổ. Cây vốn sống tự do giữa thiên nhiên. Cây mọc từ đất. Vươn lên trời cao. Tỏa bóng. Chở che. Kết nối. Giữ giềng mối cho xóm làng, họ mạc. Cho những người của ngày hôm qua, hôm nay và cho những đời sau. Nó là thứ tài sản vô giá của người dân làng Vạn chứ đâu phải cho riêng gì gã, lão Thiền hay vị đại gia thừa tiền nào đó.

Chợt nhớ đến chai rượu và hộp bánh, gã lấy ra và trịnh trọng đặt lên hương án. Trong nghi ngút khói trầm, gã thành tâm khấn vái. Như một lời tạ lỗi. Và gã thấy lòng mình thanh thoát đến lạ.

Phía sau gã, lão Thiền nở một nụ cười mãn nguyện…

  • P.K.S
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ơi bằng lăng yêu mến  (02/11/2008)
Món ngon với… ong vò vẽ  (02/11/2008)
Kết thúc truy lùng hai đối tượng truy nã đặc biệt  (02/11/2008)
Nhà hát tuồng Đào Tấn với thị hiếu người xem hôm nay  (02/11/2008)
Những tượng đài cần có ở Bình Định  (02/11/2008)
Chuyện về hai bà mẹ của hai nhà thơ lớn Hàn Mặc Tử và Xuân Diệu  (02/11/2008)
Xã văn hóa Tam Quan Bắc  (02/11/2008)
Gặp lại “Hùm xám miền Trung”  (02/11/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (02/11/2008)
Bước ngoặt trong cuộc chiến đẩy lùi tai nạn giao thông  (05/10/2008)
Trật tự an toàn giao thông ở An Lão: Thực trạng và giải pháp  (04/10/2008)
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Thú y tỉnh  (05/10/2008)
Đường qua mấy phố Quy Nhơn…  (04/10/2008)
Lạc cảnh Đại Nam Văn hiến: Niềm tự hào của người Bình Định  (04/10/2008)
Hội ngộ những tấm lòng nhân ái  (04/10/2008)