Khổ vì… nấm móng
20:49', 2/11/ 2008 (GMT+7)

Móng tay, móng chân trở nên xù xì, ngả màu vàng hoặc nâu đen, quanh móng sưng tấy đỏ có mủ, rất đau khi cử động… Có không ít người đã khổ sở vì bệnh nấm móng tay, móng chân của mình vì ngoài cảm giác khó chịu, đau ngứa, nấm móng còn làm mất vẻ thẩm mỹ…

 

Sơn móng chân, móng tay có thể là nguyên nhân của bệnh nấm móng (ảnh chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: T. Hà

 

* Nội trợ, thợ uốn tóc...

Nấm móng là một bệnh khá phổ biến, chiếm khoảng 30% các trường hợp nấm. Tại Trung tâm Da liễu Bình Định, bình quân mỗi năm có khoảng 400-500 bệnh nhân đến điều trị bệnh nấm móng. Tất nhiên, đây chỉ là con số rất nhỏ so với số người bị nấm móng tự điều trị.

Nấm móng là một bệnh nhiễm trùng mãn tính do vi nấm ở vùng quanh móng và móng dẫn đến biến dạng móng. Nấm móng không phải là một bệnh nguy hiểm, nhưng lại gây khó chịu cho người bệnh vì đau ngứa quanh móng, gây mất vệ sinh và thẩm mỹ.

Bác sĩ Thân Văn Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Da liễu Bình Định, cho biết: “Nấm móng do các vi nấm gây nên có thể là nấm sợi hoặc nấm men. Những người thường xuyên để tay chân ẩm ướt như nội trợ, bán nước giải khát, thợ uốn tóc, rửa xe, chăn nuôi… rất dễ bị nấm móng”.

Hiện nay, phụ nữ thường dùng dịch vụ sơn trang trí, tô vẽ, gắn “phù điêu” để làm điệu cho móng tay, móng chân. Một số bạn gái còn dùng móng giả nhằm khỏa lấp khiếm khuyết của móng thật. Tuy nhiên, nhìn về khía cạnh sức khỏe, cách làm đẹp này không có lợi. Móng giả được gắn lên móng thật bằng keo hoặc “xi măng” đặc biệt, khi cần bóc ra phải dùng dung dịch trung hòa chất kết dính. Dùng chất tẩy rửa móng thường xuyên gây khô móng. Các loại hóa chất này kích ứng những phần da quanh móng gây viêm, ngứa, dị ứng và làm móng ngày càng vàng, mỏng dần, mất đi độ bong cũng như mất đi lớp bảo vệ móng và rối loạn dinh dưỡng. Đối với người có làn da nhạy cảm, việc dùng một số loại hóa chất để lót móng, sơn móng còn gây kích ứng da xung quanh. Khi sơn móng, đắp móng giả, cần phải để móng có thời gian nghỉ vì nếu làm liên tục lâu ngày sẽ gây thoái hóa móng. 

Nếp gấp trong của móng có một phần da nhỏ xíu bò lên trên đĩa móng gọi là lớp biểu bì (cuticle). Đây là phần rất quan trọng có nhiệm vụ ngăn chặn nước, hóa chất, hoặc vi trùng xâm nhập vào nếp gấp trong và mầm móng. Tiếc thay, những người làm nghề móng tay hoặc những người có thói quen cạo bỏ, dùng một số hóa chất để tẩy rửa phần da này và đã làm cho móng mất lớp biểu bì bảo vệ. Khi làm móng, việc ngâm tay trong nước lâu để làm mềm móng cũng dễ gây bệnh nấm móng hoặc bị lây lan bệnh do dụng cụ không sạch. 

Thường không phải cả 10 ngón tay, 10 ngón chân cùng bị một lúc, mà nấm móng thường bị từ một hoặc vài móng rồi lan ra móng bên cạnh.

* Dai dẳng nếu không biết cách kiêng nước và dùng thuốc

Dấu hiệu nhận biết bệnh nấm móng khá đơn giản. Bề mặt móng bị sần sùi, phủ một lớp vảy mịn như cám, có lằn sọc dọc hay ngang, chỗ bị tổn thương có màu hơi vàng, hay nâu đen, móng trở nên giòn và dễ vỡ. Nên chú ý, bên dưới móng cũng có thể bị tổn thương và móng bị tróc. Các móng có thể bốc mùi hôi khó chịu.

Theo bác sĩ Lê Đức Thọ, Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Hoàn Mỹ (TP. HCM): Khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh nấm móng, rối loạn dưỡng móng, viêm da dị ứng do tiếp xúc với hóa chất…, đa số bệnh nhân lại thường tự điều trị bằng cách bôi thuốc có chất corticoid, chà chanh, ngâm rửa móng lâu trong nước. Việc điều trị không đúng này sẽ làm móng bị viêm ngày càng nặng và lan sang các móng khác.

Bác sĩ Thân Văn Châu cho biết thêm: “Nấm móng có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên điều trị cần phải có sự kiên trì của cả thầy thuốc và bệnh nhân vì thời gian điều trị lâu và tốn kém, có thể kéo dài 2 - 6 tháng, hoặc có khi đến 12 tháng tùy theo mức độ bệnh và thuốc sử dụng. Có thể dùng thuốc tại chỗ dạng mỡ kem nhưng tốt nhất là dạng sơn móng tay. Tuy nhiên, thuốc uống phải có chỉ định của bác sĩ. Mặt khác, bệnh có thể tái phát nếu thời gian điều trị không đủ dài hoặc có thể tái nhiễm nếu yếu tố thuận lợi vẫn còn”.

Phòng bệnh nấm móng, các cán bộ y tế khuyến cáo: Trước hết phải vệ sinh cơ thể hàng ngày, luôn giữ tay, chân sạch sẽ, khô ráo; không sử dụng găng tay, tất và giày kín trong thời gian dài; nên sử dụng những đôi giày, dép thoáng khí. Găng tay, tất phải được làm từ sợi thiên nhiên, có khả năng thấm hút mồ hôi. Tuyệt đối không dùng chung đồ dùng như: quần áo, giày dép với những người mắc bệnh. Ngoài ra, nếu người bệnh ở chung với nhiều người phải lau sạch nền nhà ở, nhà tắm và dùng hóa chất diệt nấm như Cresol. Còn đối với cá nhân khi đã bị nấm da, cần chú ý cắt gọn móng tay và hết sức tránh gãi, để phòng nấm phát triển lan vào móng tay.

  • Phương Vy
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ  (02/11/2008)
Không chỉ là cây  (02/11/2008)
Ơi bằng lăng yêu mến  (02/11/2008)
Món ngon với… ong vò vẽ  (02/11/2008)
Kết thúc truy lùng hai đối tượng truy nã đặc biệt  (02/11/2008)
Nhà hát tuồng Đào Tấn với thị hiếu người xem hôm nay  (02/11/2008)
Những tượng đài cần có ở Bình Định  (02/11/2008)
Chuyện về hai bà mẹ của hai nhà thơ lớn Hàn Mặc Tử và Xuân Diệu  (02/11/2008)
Xã văn hóa Tam Quan Bắc  (02/11/2008)
Gặp lại “Hùm xám miền Trung”  (02/11/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (02/11/2008)
Bước ngoặt trong cuộc chiến đẩy lùi tai nạn giao thông  (05/10/2008)
Trật tự an toàn giao thông ở An Lão: Thực trạng và giải pháp  (04/10/2008)
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Thú y tỉnh  (05/10/2008)
Đường qua mấy phố Quy Nhơn…  (04/10/2008)