Ngôi làng nhỏ nằm dưới chân đèo Mằng Lăng thuộc xã Ân Tường Đông (Hoài Ân) chẳng có bao nhiêu nóc nhà nhưng có rất nhiều đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Không còn nơi nương tựa, không một chút tài sản trong tay, những thân phận côi cút, nhỏ nhoi ấy phải tự “chèo chống” kiếm sống giữa một vùng quê miền núi nghèo khổ. Không chỉ vậy, chúng còn đang là “chỗ tựa” của những người bà đã như lá vàng lay lắt trên cây…
|
Cháu Kiên và bà nội.
|
* Tháng trước mất cha, tháng sau mất mẹ
Lúc chúng tôi đến nhà, cháu Nguyễn Hữu Kiên (20 tuổi) ở thôn Trí Tường vừa đi cắt bông trang dại ở cánh rừng sau nhà về, ghé ra vườn cắt thêm nải chuối xanh. Hôm nay ngày cuối tháng, theo thông lệ, Kiên thay chị chăm chút bàn thờ cha, mẹ.
Bà Huỳnh Thị Cờ-87 tuổi (bà nội Kiên) mặc dù bị căn bệnh tai biến giữ rịt bà xuống chiếc giường tre đã 5 năm nay nhưng thấy có khách lạ, bà gắng gượng ngồi dậy. Dù tuổi đã cao nhưng vẫn còn rất minh mẫn, bà Cờ móm mém kể: Tháng 5.2005, gia đình bà Cờ tín chấp sổ đỏ vay ngân hàng 25 triệu đồng để lo thủ tục cho đứa cháu lớn là Nguyễn Thị Nữ (23 tuổi) đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. Sang đó làm mới chỉ được 5 tháng, tháng 10.2005 mẹ Nữ (chị Phan Thị Kha) phát bệnh ung thư đại tràng. Hay tin mẹ bị bệnh trầm trọng, Nữ bỏ ngang việc ở Malaysia quay về quê chăm sóc mẹ. Chỉ 2 tháng sau (năm 2006), cả gia đình như “đổ sụm” khi bác sĩ phát hiện cha Nữ (anh Nguyễn Hữu Dân) đã bị ung thư gan giai đoạn cuối. Vừa phát hiện bệnh là cha Nữ không còn sức cầm cự, mất ngay khi anh chỉ mới 56 tuổi. Ngày làm tuần 14 ngày của anh Dân, chị Kha bỗng dưng bị ngất lịm rồi cũng đi theo chồng sau đó 2 ngày. Tai họa ập xuống cùng lúc làm cả gia đình bé bỏng tê liệt. Chỉ một thời gian ngắn mà phải bị mất cả cha lẫn mẹ, cậu em út của Nữ và Kiên là Nguyễn Hữu Lĩnh lúc ấy chỉ mới học lớp 10 đã bị thất thần một thời gian dài. Bà cụ Cờ thì nằm liệt giường.
Từ đó, mọi lo toan trong gia đình đều đổ dồn lên vai Nữ, cô gái mới chỉ hơn 20 tuổi. Kiên và em Lĩnh đành rời ghế nhà trường ở nhà giúp chị. Ngoài mấy sào ruộng cha mẹ để lại, trong làng ai thuê làm gì ba chị em cũng nhận làm để kiếm tiền chạy bữa. Tai họa vẫn chưa chịu dừng lại ở đó. Đang khỏe mạnh, bỗng dưng cách đây 5 năm cánh tay trái của Kiên bỗng teo dần không còn khả năng lao động. Từ ấy Kiên đành ở nhà lo cơm nước cho chị và em út đi làm về ăn. Không thể có cảnh nào hẩm hiu hơn cảnh trong căn nhà vừa ẩm thấp vừa cũ kỹ đầy những vết tường nứt, chật kín 3 bàn thờ của chồng bà Cờ, của anh Dân và chị Kha và 2 người bệnh tật một già một trẻ ngày ngày nương tựa lẫn nhau trong cảnh côi cút.
Dường như số phận vẫn chưa chịu buông tha gia đình bé bỏng này, do hồ Thạch Khê sửa chữa, toàn bộ diện tích canh tác lúa trong vùng phải đình trệ sản xuất. Không còn ai thuê công làm ruộng, nhà cũng không còn lúa ăn, hai chị em Nữ, Lĩnh lại phải rời quê xin vào làm ở Khu công nghiệp Phú Tài. Cả gia đình 4 người đành sống lay lắt với 2 khoản lương còm của 2 công nhân thử việc trong một công ty chế biến gỗ xuất khẩu.
Chị Trần Ngọc Yến-Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ân Tường Đông-cho biết: “Gia đình cụ Cờ đang rất khó khăn. Ngoài món nợ 25 triệu đồng vay ngân hàng cho Nữ đi lao động xuất khẩu, ba chị em Nữ đang còn phải gánh món nợ 5 triệu đồng mà khi còn sống chị Kha đã vay của Hội Phụ nữ để đầu tư sản xuất. Nhưng số tiền ấy đã tiêu tốn hết vào thuốc men khi chị lâm trọng bệnh. Không biết các cháu phải xoay xở ra sao khi đến thời hạn trả nợ cho ngân hàng”.
|
Bé Châu bên bàn thờ ba.
|
* Bị thiểu năng trí tuệ vẫn lao động nuôi bà ngoại
Theo chân chị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chúng tôi đi tìm những số phận mồ côi khác trong làng. Trong căn nhà hoang vắng như không có người ở, một bà cụ hơn 80 tuổi (bà Nguyễn Thị Hồng) đang ngồi thẫn thờ trong góc nhà tối om, trên chiếc chõng tre ọp ẹp với căn bệnh mụ mẫm của tuổi già. Chị Yến- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ân Tường Đông-kể: “Bà Hồng đang sống nhờ vào đứa cháu ngoại 16 tuổi. Cháu Trần Văn Phi tuy có sức khỏe nhưng bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ. Phi được mẹ (chị Lê Thị Tú) sinh ra trong hoàn cảnh… chỉ có chị mới biết cha đứa trẻ là ai. Đang làm ăn nuôi con, đến khi Phi mới lên 10 tuổi thì chị Tú lâm bệnh ung thư, 4 năm sau (năm 2004) thì mất. Từ đó, Phi phải đi làm thuê quanh làng để kiếm tiền về nuôi bà ngoại. Ai thuê gì cũng làm, nhưng cũng chỉ là làm những việc vặt như bửa củi, ôm lúa ngày kiếm 5-10 ngàn chứ ai dám thuê một đứa trẻ thiểu năng trí tuệ làm việc gì khác. Cái tên Phi của cháu cũng mới có cách đây chỉ một năm. Trước đó không ai biết tên cháu là gì, cứ gọi cháu là cu Đần vì chưa bao giờ cháu được làm giấy khai sinh. Khi lên nhà chị Đinh Thị Chung ở dưới chân đèo Mằng Lăng làm thuê, cám cảnh mồ côi của cháu, chị Chung dắt cháu xuống xã làm giấy khai sinh cho cháu. Cháu có tên Phi kể từ đó”.
Không gặp được cháu Phi, chúng tôi tiếp tục lên đường. Gửi xe ở đầu làng, đi qua con kênh bằng chiếc cầu gỗ bạch đàn, chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Lan (55 tuổi). Bà Lan là bà ngoại của 3 đứa trẻ mồ côi: Phạm Mỹ Duyên (11 tuổi), Phạm Mỹ Hồng (10 tuổi) và Phạm Mỹ Châu (5 tuổi). Năm 2003, lúc bé Châu còn nằm trong bụng mẹ, anh Phạm Văn Nhân (1972 - ba của các em) bị điện giật chết. Lúc bé Châu mới được 2 tuổi thì mẹ Châu (chị Trương Thị Thắng-1972) bỏ 3 đứa con cho bà ngoại nuôi đi biệt từ đó đến nay không về. Bà Lan rầu rầu kể: “Năm 2003, khi con rể tôi mất, căn nhà chưa kịp tô tường, đóng cửa nhưng từ đó đến nay cứ để mặc chứ bà cháu tôi lấy tiền đâu ra mà xây dựng thêm. Cuộc sống của 4 bà cháu chỉ trông nhờ vào 5 sào ruộng, suốt năm nay sửa hồ Thạch Khê, không làm ruộng được nên bao nhiêu lúa dành dụm trong bồ đã cạn. Bức xúc quá tôi phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi 3 đứa cháu nhỏ dại. Tôi chỉ sợ không có tiền lo chuyện học hành cho các cháu chứ chuyện ăn thì vén khéo cũng đủ. Cháu Duyên đang học lớp 5, Hồng lớp 4. Dù mồ côi nhưng các cháu học giỏi lắm, năm nào cũng được nhận giấy khen, phần thưởng. Thế nhưng trong tình cảnh này không biết tôi lo được cho các cháu đến khi nào thì cạn sức! Còn nhỏ quá mà mất học thì không biết các cháu sẽ thế nào, cuộc đời chúng rồi sẽ ra sao!?”.
Ông Trương Văn Khẩn - Chủ tịch UBND xã Ân Tường Đông (Hoài Ân) cho biết: “Chúng tôi biết rõ gia đình các cháu mồ côi ấy đang gặp rất nhiều khó khăn, dù có quan tâm hỗ trợ nhưng vì là xã nghèo nên chẳng giúp đỡ gì được nhiều. Mong sao bạn đọc gần xa giúp đỡ những số phận đáng thương ấy”.
|