Với đôi dép xẹp, đôi quang gánh, chiếc nón lá cũ, khẩu trang trùm kín mặt…, họ rong ruổi khắp các con phố từ sáng sớm, cất tiếng rao lảnh lót nghe chừng xót xa “Ai ve chai không!”. Thấy có cánh tay nào ngoắc lại hay tiếng gọi “ve chai, vào đây”, họ dừng ngay lại, khuôn mặt rạng rỡ hẳn.
|
Họ gánh trên vai ước mơ đổi đời cho con cái mình. Ảnh: S.L
|
* Những gương mặt lam lũ
Gặp một tốp ve chai khi các chị dừng nghỉ chân bên lề đường. Cái nón lá phe phẩy không đủ sức đuổi đi cái nắng hắt oi nồng. Mỗi người đều mang theo chai nước lọc to để chống nắng và cơn khát. Khuôn mặt sạm đen, nhễ nhại mồ hôi, một chị than thở: “Đã 3 giờ, sắp chiều rồi mà chẳng thu mua được bao nhiêu, ngày nay đi rã chân kiếm được có chục bạc, rầu quá!”. Một chị khác trấn an: “Rầu làm gì, cái nghề này mình có chủ động được đâu, có bữa này bữa khác chớ, chỉ ngại chủ vựa nghi mình bán tháo ra ngoài”. Họ cùng thở dài.
Mấy năm gần đây, đội quân ve chai ở thành phố Quy Nhơn đông lên hẳn, đứng ở bất cứ con phố nào, chừng 10 phút lại thấy vài người phụ nữ đội nón, quảy gánh đi ngang, trong giỏ lỉnh kỉnh nào sách báo cũ, chai lọ, dép nhựa, sắt vụn… Họ là những phụ nữ tuổi trạc 30-50, chủ yếu đến từ các vùng nông thôn lân cận như An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát. Cứ thu hoạch mùa màng, gieo sạ xong là họ chuẩn bị phụ tùng cho chuyến mưu sinh, hối hả đổ về thành phố. Họ sống thành nhóm vài chục người trong các khu nhà trọ rẻ tiền xa trung tâm hoặc ở nhờ nhà chủ vựa.
“Đi một ngày như vậy, các chị kiếm được bao nhiêu?” - tôi hỏi. “Cũng tuỳ, hôm nào trúng mánh thì được 40-50 ngàn đồng, trung bình thì 20 ngàn đồng, có hôm chỉ chừng chục ngàn. Nhưng sợ nhất là mùa mưa, thu mua khó lắm, nhà nào cũng cửa đóng then cài. Những hôm trời mưa đột ngột, không mang theo áo mưa, trú lâu trước hiên nhà người ta, “nẫu” cứ đi ra đi vô canh chừng, ái ngại và tủi thân, mà dầm mưa đi về sao được, mình ướt không nói làm gì, sách báo ướt về chủ vựa chê lắm”.
Chị Hồng ở Đập Đá cho biết, nay chị đã 43 tuổi, theo nghề này chừng 15 năm. Theo lời chị, mấy năm trước chị em trong nghề thường thuê nhà ngủ qua đêm, một đêm 2.000 đồng/người, sáng dậy đi sớm. Mấy năm gần đây giá thuê nhà đắt đỏù, lại ít nhà muốn cho thuê theo kiểu ngủ đêm nào lấy tiền đêm đó, các chủ vựa ve chai xây nhà cho họ ngủ nhờ, điện nước đầy đủ. Tuy đỡ tiền thuê nhà, nhưng đó cũng là cách chủ vựa thu mua lại hết những gì chị em ve chai rong rảo tìm mua hay nhặt nhạnh được trong ngày, có phần ép giá.
Các chị kể, ở chung một nhà đông nên vui, tuy không tránh khỏi những lúc lời ra tiếng vào. Nhưng hoàn cảnh ai cũng khổ nên thông cảm cho nhau hết. Tối đến “cả nhà” quây quần, người nấu cơm, người giặt giũ, quét dọn, ai cũng là người vợ, người mẹ đảm đang nên chỉ làm loáng tí là có ngay bữa cơm chiều đạm bạc. Đó là những giờ phút thư giãn, nghỉ ngơi hiếm hoi trong ngày. Khu nhà trọ ban ngày cửa đóng im ỉm tối đến lại rộn ràng tiếng cười nói, náo nhiệt đôi chút. Mấy chị em người này bóp chân, xoa dầu, đấm lưng cho người kia, động viên nhau mai có sức đi tiếp. Nhờ vậy nên cũng có không khí gia đình.
|
Tranh thủ lúc nông nhàn, nhiều phụ nữ nông thôn đã ra TP để mưu sinh với nghề ve chai. Ảnh: Hoàng Vân
|
* Xây ước mơ từ phế liệu!
“Gian nan cũng một cái nghề, chị em chúng tôi an ủi nhau vậy. Chứ ở nhà trông cậy hẳn vào mấy sào ruộng đất sao đủ, có biết bao cái phải chi tiêu. Thì mình cũng ráng hết sức cho con cái sau này thoát cái khổ, cái nghèo đã đeo bám mình cả đời. Chúng tôi đi làm vầy dù sao cũng gần nhà, đỡ cực, nhớ chồng con lúc nào chạy về thăm cũng gần. Chứ trong xóm cũng nhiều chị em đi hái cà phê, hái tiêu, cạo mủ cao su mướn ở mấy tỉnh xa, đi bán trái cây dạo tận TP Hồ Chí Minh, nhớ con chỉ biết khóc thầm chứ tiền đâu mà tàu xe về thường xuyên” - chị Liên quê Cát Tường, Phù Cát tâm sự.
Để kiếm được nhiều ve chai, các chị phải đi nhiều nơi, thời gian nghỉ ngơi rất ít, đôi chân như muốn rời ra từng khúc, cả người mỏi nhừ. Nhưng nghĩ đến tiền đóng học phí cho con, mua con tấm áo mới thì các “thân cò” phải lặn lội, ngày nắng không quản, ngày mưa không ngại, chỉ mong đôi chân đỡ nhức, đôi vai bớt mỏi để có sức mà đi. Những thứ bỏ đi ấy, tưởng không có giá trị, nhưng đối với các chị, nó là cả gia tài. Cứ không phải ve chai là người ta bán tống bán tháo cho xong, cũng cò kè bớt một thêm hai, cũng lẫn vào những bao sách vở cũ là đủ thứ rác mà ve chai không dùng được.
Giới ve chai chuyên nghiệp còn phân biệt ve chai ban đêm và ve chai ban ngày. Tôi thắc mắc thì một chị cười nói “ve chai ban ngày chủ yếu thu mua, ve chai ban đêm nhặt nhạnh là chính”. Theo các chị, ve chai ban đêm vất vả hơn, rong ruổi trên chiếc xe đạp tìm xem trong những túi rác có cái gì nhặt nhạnh được không. Dụng cụ là cái bao tải, đôi bao tay thật dày, cái khoèo móc. Ve chai ban ngày đối mặt với cái nắng, ve chai ban đêm phải chịu cái mùi của rác, cũng dễ bị trầy tay chảy máu hơn. Không nắng nhưng cũng phải có khẩu trang, trước tiên để tránh cái mùi rác nồng nặc và nhất là không muốn ai thấy họ đang đi bới rác. Nếu ai có sức thì vừa làm ve chai ban ngày vừa làm ve chai ban đêm, thu nhập khá hơn nhưng vất vả thì khỏi nói!
Ve chai- một nghề vất vả, bên cạnh hàng trăm nghề lao động chân tay của xã hội. Rời làng quê, họ vô thành phố vật lộn mưu sinh, không ít vất vả và những điều phức tạp. Bằng đặc trưng công việc của mình, họ góp phần thu dọn thành phố sạch đẹp trước khi đến bàn tay thu dọn sau cùng của những người lao công. Thật đáng quý khi bằng sức lao động, họ chắt chiu từng đồng để chăm lo cho gia đình. Đôi quang gánh trên vai bao thứ ve chai lỉnh kỉnh cũng đồng nghĩa họ gánh trên vai ước mơ đổi đời cho con cháu họ.
|