Bình Định có bờ biển dài khoảng 134 km, hầu hết vùng biển của các địa phương ven biển đều có sự xuất hiện của rùa biển. Tuy nhiên vùng có rùa lên bãi cát đẻ trứng nhiều nhất là các xã đảo và bán đảo thuộc TP Quy Nhơn (các xã Nhơn Hải, Nhơn Lý và Nhơn Châu). Trong đó, xã Nhơn Hải được chọn làm nơi thực hiện đề án bảo tồn rùa biển.
|
Hải Giang là bờ biển rùa chọn làm nơi đẻ trứng. Ảnh: Khắc Huấn
|
* Bãi đẻ của rùa biển
Rùa biển ở đây là loài rùa xanh, còn gọi là vích, ngư dân địa phương gọi là “đú”. Anh Nguyễn Văn Phục, một người dân ở Nhơn Hải, cho biết: “Chúng tôi sống ở đây từ nhỏ, thỉnh thoảng vẫn gặp rùa lên bờ đẻ trứng. Muốn xem rùa đẻ phải ở lại đêm, chờ đợi lâu và cả gặp may thì mới thấy”. Trước đây rùa thường lên đẻ trứng ở tất cả các bãi biển của xã Nhơn Hải, nhưng về sau do sinh hoạt của cư dân ngày một nhiều nên rùa ít khi đẻ tại các bãi gần khu dân cư. Theo người dân địa phương, hiện nay ở Nhơn Hải có 3 bãi biển rùa thường đến đẻ trứng gồm 2 bãi ở Hòn Khô và 1 bãi ở Hải Giang. Khoảng từ đầu tháng 6 bắt đầu mùa mưa giông đến cuối tháng 10 là thời gian rùa thường lên bờ đẻ trứng.
Bà Nguyễn Hải Bình, cán bộ phụ trách mảng bảo tồn rùa biển của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (BVNLTS) tỉnh, cho biết: Rùa mẹ lên bãi đẻ về đêm bởi chúng rất nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn. Đầu tiên, rùa mẹ dùng cặp chân sau vừa gạt ngang, vừa xoắn xuống cát để đào ổ. Mỗi hố sâu chừng 80 cm. Một con rùa mẹ trước khi đẻ thường đào 4 đến 5 ổ. Có khi trong đêm đào không xong, đêm sau phải lên bãi tìm chỗ đào ổ khác. Dù vất vả như vậy, nhưng rùa mẹ chỉ đẻ trong một ổ, các ổ còn lại dùng để... ngụy trang.
Thời gian rùa đẻ trứng kéo dài chừng 30 phút thì ổ đầy ắp trứng. Khi mới rời cơ thể mẹ, trứng có vỏ mềm, sau 10-15 phút trở nên cứng. Rùa mẹ mỗi lần đẻ từ 70-120 trứng, trông giống như những trái bóng bàn màu trắng. Sau khi đẻ xong, rùa hất cát lấp ổ giấu trứng nhằm tránh các “địch hại” như chim, rắn…
Sau thời gian từ 50-65 ngày được ấp ủ trong lòng đất, rùa con sau khi nở, tự chui ra khỏi ổ và hướng đầu bò về phía biển nhờ khả năng định hướng ánh sáng nhạt của đường chân trời, để kiếm ăn và tìm nơi cư trú. Tỷ lệ tử vong ở rùa rất lớn vì các loại “địch hại”, cứ 1.000 trứng thì chỉ còn lại 1-2 con sống đến tuổi trưởng thành.
Khoảng 35 năm sinh tồn giữa đại dương, rùa dù có di cư rộng và phân tán xa nơi chúng sinh ra đến chục ngàn cây số, nhưng đến mùa sinh sản chúng vẫn “quy cố hương”, tìm đúng đến chỗ cũ nơi mình chào đời để thực hiện thiên chức làm mẹ. Chính sự trưởng thành chậm của rùa biển mà nguy cơ tuyệt chủng của chúng rất cao.
Đồng thời, cho dù rùa biển không phải là đối tượng khai thác có chủ ý của ngư dân (theo tập quán ngư dân không ăn thịt rùa bởi sợ xui), song rùa biển thường bị mắc vào lưỡi câu nổi và lưới rê ở ngoài khơi, hay bị mắc vào lưới vây, lưới rê và lưới kéo tôm ở ven bờ. Việc mắc phải những ngư cụ này có thể khiến rùa biển bị chết, thường là chết ngạt khi rùa không thể trồi lên mặt nước để thở.
|
Cán bộ thủy sản, chính quyền địa phương cùng ngư dân thả rùa biển bị bắt trở về với biển. Ảnh: Gail (VSA Bình Định)
|
* Bảo tồn rùa biển
Từ năm 2007, Chi cục BVNLTS Bình Định cùng với sự tư vấn của một tình nguyện viên New Zealand (thuộc tổ chức VSA) đã thực hiện khảo sát về bãi đẻ của rùa biển ở Nhơn Hải. Theo bà Nguyễn Hải Bình: “Chúng tôi tiến hành thương thuyết với người dân địa phương là những người chuyên đi thu lượm trứng rùa, và mua lại các ổ trứng mới đẻ để bảo vệ cho đến ngày trứng nở; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề về bảo vệ rạn san hô và bảo tồn rùa biển cho trên 100 cán bộ và ngư dân tại 2 xã Nhơn Lý và Nhơn Hải - nơi có nhiều bãi đẻ của rùa biển”.
Vùng biển xã Nhơn Hải vốn có nhiều rạn san hô và gành đá, các loại sinh vật biển như các loại cá rạn, san hô, rong biển, tôm hùm, nhím biển, sao biển… hết sức phong phú. Nhằm bảo vệ san hô và bãi đẻ của rùa, UBND xã Nhơn Hải cũng đã ra văn bản nghiêm cấm khai thác titan, cấm xả rác thải ra biển làm biến dạng sinh cảnh, ảnh hưởng đến việc đẻ trứng và bảo đảm an toàn của các ổ trứng rùa.
Bảo vệ rùa biển là bảo vệ đa dạng sinh học và tăng cường nguồn lợi nhiều loài thủy sinh khác. Rùa biển là loài nằm trong Sách Đỏ và được pháp luật bảo vệ. Việt Nam cũng đã ký tham gia nhiều biên bản ghi nhớ và Công ước quốc tế về bảo tồn các loài rùa. |
Tuy nhiên, đời sống ngư dân ở xã biển này còn nghèo nên việc cấm khai thác titan rất khó thực hiện. Tình hình ô nhiễm môi trường biển do rác thải sinh hoạt và nuôi lồng bè ngày càng trầm trọng. Thậm chí, vì hám lợi trước mắt mà một số người dân ở Nhơn Hải vẫn bắt rùa biển và thu lượm trứng khi rùa lên bãi đẻ.
Chi cục BVNLTS Bình Định cũng đang xây dựng mô hình đồng quản lý và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản tại xã Nhơn Hải, trong đó loài rùa biển - sinh vật biểu hiện “sức khỏe” của hệ sinh thái biển, tức là dựa vào sự xuất hiện của rùa biển người ta đánh giá chất lượng môi trường xung quanh - được đưa vào diện bảo vệ.
Bảo tồn rùa biển cũng là bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học cho cuộc sống của cả cộng đồng. Trong tương lai khi Khu Kinh tế Nhơn Hội hình thành thì nơi đây cũng có thể phát triển một số loại hình du lịch sinh thái thú vị mang tính giáo dục liên quan đến rùa. Do vậy, để đảm bảo tính bền vững cho việc bảo tồn, phát triển và duy trì nòi giống của loài rùa biển, cần có sự phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương... nhằm giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của rùa biển cũng như ý thức bảo vệ chúng.
|