Gặp một thầy võ trẻ
14:42', 6/12/ 2008 (GMT+7)

Ngay cả khi Nguyễn Thanh Vũ đã ngồi trước mặt tôi, tôi vẫn chưa thể tin nổi chàng thanh niên năm nay mới 32 tuổi này là một võ sư, người đã dẫn dắt các VĐV thâu tóm gần hết số HCV tại các Giải Vô địch Võ cổ truyền tỉnh Bình Định. Càng ngạc nhiên hơn khi biết Vũ không những là võ sư võ cổ truyền, mà còn là HLV cấp quốc tế môn Judo...

 

VĐV Thanh Vũ (bìa trái) cùng võ sư Đinh Văn Tuấn (bìa phải) và các võ sinh tại Giải Võ cổ truyền Bình Định năm 2000. Ảnh: T.X

 

* Cơ duyên gặp được thầy giỏi

Năm 1989, Nguyễn Thanh Vũ theo học võ cổ truyền tại lớp phong trào, do võ sư Đinh Văn Tuấn giảng dạy. Tính cách hiền lành, cộng với khả năng tiếp thu giỏi, khiến Vũ được thầy Tuấn quý mến và dồn tâm huyết để truyền đạt những “tuyệt kỹ” của môn phái Hương Kiểm Mỹ cho. Trong đời VĐV của mình, Vũ chỉ chú tâm vào học, học không ngừng những điều thầy giảng, chứ ít khi bước lên sàn đấu để thi thố. Chẳng thế mà thành tích Vũ có được khi còn là VĐV chỉ là hai chiếc HCV sau hai lần tham gia thi đấu tại giải của tỉnh.

Mười năm sau, Vũ đã đạt chuẩn HLV sau một khóa thi gắt gao. Lúc bấy giờ, võ sư Đinh Văn Tuấn giao cho Vũ làm trợ lý cho ông, “coi ngó” các võ sinh theo học các lớp phong trào. Vũ nhớ lại: “Sư phụ tôi khi ấy thường bận công tác xa, nên hầu hết các lớp võ phong trào, thầy đều giao cho tôi quản lý, dạy dỗ. Năm 2002, thầy tôi vì buồn chuyện gia đình, nên giao hẳn các lớp võ để tôi huấn luyện và thầy chuyển về Vũng Tàu sinh sống. Tôi chính thức bước vào làm công tác huấn luyện từ đấy”.

Ngoài võ cổ truyền, Vũ còn học thêm Judo và hiện anh là một trong số ít võ sư của Bình Định có bằng huấn luyện môn võ này. Cơ duyên đưa anh đến với Judo cũng thật lạ. Chẳng là năm 1996, có một người Nhật Bản là Takasi Đaiđô, đến Quy Nhơn để... trồng rừng. Làm kinh tế, nhưng Takasi Đaiđô lại là VĐV cấp I của Nhật Bản về môn Judo. Biết Takasi Đaiđô muốn mở lớp Judo để quảng bá môn võ này tại Quy Nhơn, võ sư Tuấn khuyên Vũ nên đi học thêm cho biết. Khi ấy, Judo hãy còn khá xa lạ với người Quy Nhơn, nên lớp Judo do Takasi Đaiđô mở chỉ có khoảng 10 học viên theo học và số người quyết tâm gắn bó với môn võ này càng ít hơn. Cuối cùng, năm 2002, chỉ có Vũ và một người nữa cũng ở Quy Nhơn, vào TP. Hồ Chí Minh để thi lấy bằng HLV Judo quốc tế.

 

Võ sư Thanh Vũ (bên phải) hướng dẫn một đòn đánh cho võ sinh. Ảnh: T.X

 

* Muốn thành công phải cầu tiến

Còn khá trẻ, nhưng tên tuổi của Vũ hiện đã khá nổi trong giới võ cổ truyền tại Bình Định bởi những thành công mà các VĐV xuất thân từ CLB do Vũ giảng dạy tại các giải vô địch của tỉnh. Năm 2006, các VĐV đến từ CLB Nguyễn Thanh Vũ đã đoạt 4 HCV, 3 HCB ở nội dung hội thi và đối luyện. Thành tích này đã mang về cho CLB Nguyễn Thanh Vũ danh hiệu “CLB xuất sắc nhất”. Năm 2007, danh hiệu này thuộc về CLB Trần Quý Ba (Hoài Ân). Mới đây, tại Giải Vô địch Võ Cổ truyền các CLB tỉnh Bình Định năm 2008, CLB Nguyễn Thanh Vũ đã đoạt lại ngôi vị này với 6 HCV, 3 HCB.

Nói về thất bại của CLB ở mùa giải năm 2007, Vũ kể: “Khi ấy, tôi sơ ý không xem kỹ những quy định của giải dành cho các lứa tuổi. Khi phát hiện ra thì ngày thi đấu đã liền kề, tôi không kịp điều chỉnh, nên chỉ có 5 VĐV tham gia. 5 VĐV này đã đoạt 2 HCV và 3 HCB, ít hơn số huy chương mà CLB Trần Quý Ba đoạt được, nên CLB chúng tôi không thể giữ ngôi vị số một của mình”.

Còn về thành tích mà CLB của mình đạt được tại giải năm nay, Vũ tâm sự: “Nói là hài lòng thì chưa, nhưng nói thật là tôi rất vui với thành tích mà các VĐV đạt được tại giải lần này. Năm nay thật sự là năm thành công, khi tôi đã thi đạt bằng Võ sư; đồng thời, các VĐV do tôi giảng dạy đạt được thành tích tốt tại giải cấp tỉnh”.

Hỏi Vũ về bí quyết để một võ sư trẻ như anh có thể đào tạo ra được những học trò đạt thành tích cao tại các giải của tỉnh, Vũ thẳng thắn: “Đã theo nghiệp võ mà sớm hài lòng với những gì mình đạt được thì chắc chắn không thể thành công mãi. Tôi có may mắn là được dạy võ tại Quy Nhơn, nên có điều kiện gần gũi với những người đang làm công tác huấn luyện cho Đội tuyển Võ cổ truyền của tỉnh. Tôi thường gặp gỡ, học hỏi HLV Trần Duy Linh để kịp thời nắm bắt những cái mới, những thay đổi trong quy chế thi đấu cũng như các bài quyền bắt buộc, để truyền đạt lại cho học trò của mình. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên liên lạc với sư phụ của mình là võ sư Đinh Văn Tuấn để học hỏi thêm. Thầy tôi bây giờ đã lớn tuổi, không thể trực tiếp giảng dạy được, nhưng với tôi thì thầy thực sự là một pho từ điển sống về võ cổ truyền mà tôi học hoài vẫn chưa thể hết. Ngoài ra, khi giảng dạy cho các em võ sinh, tôi đặc biệt chú trọng đến sự cơ bản trong võ học, đồng thời giáo dục một phong cách thi đấu tự tin. Sự tự tin khi thi đấu sẽ giúp các VĐV đạt thành tích tốt”.

Hiện tại, công việc chính của Nguyễn Thanh Vũ là trong ngành xây dựng. Tuy nhiên, anh vẫn luôn xem võ là yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống của anh. Vị võ sư trẻ tuổi này hiện đang giảng dạy cho hơn 100 võ sinh, độ tuổi từ 8 đến 18, tại các lớp ban đêm ở Sở Văn hóa - Thể dục và Du lịch, Nhà Văn hóa Lao động... Bên cạnh đó, anh còn chuyên tâm vào huấn luyện gần 20 VĐV được tuyển chọn từ các lớp, để có thể tham gia thi đấu các giải của tỉnh.

  • Công Tâm
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (06/12/2008)
Đèn dầu phụng  (02/11/2008)
Những phụ nữ giỏi giang  (02/11/2008)
Thuận cả đôi bên  (02/11/2008)
Đề cao cảnh giác trước thiên tai, bão lụt  (02/11/2008)
Bảo tồn rùa biển ở Nhơn Hải  (02/11/2008)
Nỗi niềm ve chai  (02/11/2008)
Làng “mồ côi” dưới chân đèo Mằng Lăng  (02/11/2008)
Khổ vì… nấm móng  (02/11/2008)
Thơ  (02/11/2008)
Không chỉ là cây  (02/11/2008)
Ơi bằng lăng yêu mến  (02/11/2008)
Món ngon với… ong vò vẽ  (02/11/2008)
Kết thúc truy lùng hai đối tượng truy nã đặc biệt  (02/11/2008)
Nhà hát tuồng Đào Tấn với thị hiếu người xem hôm nay  (02/11/2008)