TƯỢNG DANH NHÂN TRONG TRƯỜNG HỌC:
Cần được quản lý chặt chẽ hơn
14:51', 6/12/ 2008 (GMT+7)

Thời gian gần đây, nhiều trường học trong tỉnh đã xây tượng danh nhân mà trường mình mang tên. Đây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa, nhưng cần được quản lý chặt chẽ hơn, nhằm đạt hiệu quả…

 

Tượng Hoàng đế Quang Trung ở Trường THCS Quang Trung - Quy Nhơn.

 

* Hình thức giáo dục hiệu quả

Với mục đích giáo dục ý thức giữ gìn truyền thống cho học sinh, thời gian qua, nhiều trường học trong tỉnh đã xây dựng tượng danh nhân, như: Trường THPT Nguyễn Thái Học, THCS Quang Trung, THCS Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn), THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hoài Ân)… Hầu hết các tượng danh nhân này đều được xây dựng từ nguồn kinh phí đóng góp của phụ huynh học sinh.

Tượng chân dung vua Quang Trung ở Trường THCS Quang Trung - Quy Nhơn được xây dựng rất công phu. Tượng làm bằng bê tông cốt thép nhũ đồng, do nhà điêu khắc Nguyễn Đình Việt vẽ mẫu và thực hiện. Bà Phạm Kim Dung, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trước khi dựng tượng, nhà trường đã hoàn thành các thủ tục theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Sau đó, lãnh đạo nhà trường cùng ông Việt lên Bảo tàng Quang Trung tham khảo các tranh ảnh, tư liệu lịch sử để lựa chọn hình ảnh chính xác nhất để làm tượng. Hằng năm, nhà trường đều mời ông Việt quét lại lớp ngoài để giữ tượng luôn mới. Tượng được đặt ở giữa sân trường, xung quanh là vườn hoa. Mỗi buổi chào cờ, học sinh tập trung trước tượng, các thầy, cô giáo đứng hai bên, bức tượng càng trở nên trang nghiêm, thiêng liêng”. Bà Dung cho biết thêm: “Lễ khai giảng năm nào chúng tôi cũng cho học sinh dâng hoa tưởng niệm, sau đó tham quan phòng truyền thống của trường để giúp các em nâng cao ý thức tôn kính nhân vật lịch sử”. Tượng Hoàng đế Quang Trung đã góp phần tạo cảnh quan, môi trường giáo dục cho trường.

 

Vườn tượng danh nhân ở Trường ĐH Quy Nhơn.

 

Tượng nhà yêu nước Nguyễn Thái Học trong trường THPT mang tên ông, được xây từ năm học 1999-2000. Đây là tượng bằng đá granite duy nhất ở Quy Nhơn, do nhà điêu khắc Nguyễn Mạnh Quân thực hiện. Ông Lê Đình Phùng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, nhà trường phải mất nửa năm xin phép, tìm người thực hiện rồi tiến hành, mới hoàn thành bức tượng độc đáo này. Tượng đặt giữa vườn hoa, phía sau có bảng tóm tắt tiểu sử của Nguyễn Thái Học. Ông Phùng nói: “Việc xây tượng danh nhân Nguyễn Thái Học đặt trong khuôn viên nhà trường không những góp phần tạo cảnh quan cho trường, mà còn tác động trực tiếp đến ý thức của học sinh, nhắc nhở các em luôn nhớ ơn người chí sĩ yêu nước. Đây là một hình thức giáo dục hiệu quả, trực quan và dễ đi vào lòng người”.

* Làm gì để tượng thêm ý nghĩa?

Năm 2007, Trường Đại học Quy Nhơn tiến hành xây dựng vườn tượng danh nhân. Đây là công trình thanh niên chào mừng 30 năm Ngày thành lập trường do Đoàn trường đứng ra thực hiện, kinh phí từ nguồn đóng góp của đoàn viên. Mỗi khoa chọn một danh nhân tiêu biểu trong ngành đào tạo của mình để dựng tượng như Đào Duy Anh (khoa Lịch sử), Chu Văn An (khoa Giáo dục Tiểu học), Isacc Newton (khoa Vật lý - Kỹ thuật Công nghiệp)… Đến thời điểm này, đã có 15 tượng hoàn thành trong công viên trước Trung tâm Thông tin Tư liệu của trường. Đây là một công trình mang nhiều ý nghĩa, nhưng khi thực hiện, đã bỏ qua khâu quan trọng là xin phép ngành chức năng, cụ thể là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Rõ ràng, nếu được cấp phép, công trình sẽ được các nhà chuyên môn giúp đỡ, góp ý thêm trong các khâu tiến hành. Khi đó, hiệu quả nghệ thuật của vườn tượng sẽ được nâng lên.

Không có sự đồng ý của cơ quan chức năng, nhiều trường học đã thực hiện những tượng danh nhân yếu về kỹ thuật lẫn mỹ thuật. Đó là trường hợp hai trường THPT Tăng Bạt Hổ và Phan Bội Châu (Hoài Nhơn). Chân dung bán thân nhà yêu nước Tăng Bạt Hổ mà ngôi trường mang tên ông thực hiện, với hình ảnh một người mặc áo dài truyền thống, nhưng đầu tóc lại… rẽ ngôi theo kiểu Tây. Tượng yếu kém về cả bố cục, hình khối. Trong khi đó, tượng chí sĩ Phan Bội Châu là tượng toàn thân, mặc áo dài, đội khăn đóng nhưng mang giày, vẻ mặt đầy lo âu, buồn phiền. Xét về phương diện giải phẫu học, thì đó là một khuôn mặt ông già đặt trên một cơ thể.. trẻ con. Hiện nay, hai bức tượng trên đã được dỡ bỏ.

 

Tượng nhà yêu nước Nguyễn Thái Học ở Trường THPT mang tên ông.

 

Sau khi “Quy chế của Bộ Văn hóa - Thông tin về việc Quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng” ra đời (5.2000), Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã có công văn gửi đến các trường học trong tỉnh, hướng dẫn cụ thể các bước thủ tục cần thiết để xây dựng tượng danh nhân trong trường học. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, như có trường mới thành lập, thay đổi cơ chế hoạt động, đội ngũ quản lý… nên không quan tâm đúng mức đến công văn này. Thời gian tới, nhiều trường học ở tỉnh ta cũng có dự định sẽ xây tượng danh nhân mà trường mang tên. Các trường này cần chủ động tìm hiểu chính sách, liên hệ với ngành chức năng để thực hiện đúng các thủ tục. Mới đây, Trường Đại học Quang Trung cũng đã liên hệ để được hướng dẫn xây tượng Hoàng đế Quang Trung trong khuôn viên trường theo đúng quy định.

Ông Nguyễn Chơn Hiền, chuyên viên Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các trường có nguyện vọng được xây tượng trong trường; đồng thời, sẽ cử người có chuyên môn tư vấn, giúp đỡ các trường trong quá trình dựng tượng”.

  • Nguyễn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gặp một thầy võ trẻ  (06/12/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (06/12/2008)
Đèn dầu phụng  (02/11/2008)
Những phụ nữ giỏi giang  (02/11/2008)
Thuận cả đôi bên  (02/11/2008)
Đề cao cảnh giác trước thiên tai, bão lụt  (02/11/2008)
Bảo tồn rùa biển ở Nhơn Hải  (02/11/2008)
Nỗi niềm ve chai  (02/11/2008)
Làng “mồ côi” dưới chân đèo Mằng Lăng  (02/11/2008)
Khổ vì… nấm móng  (02/11/2008)
Thơ  (02/11/2008)
Không chỉ là cây  (02/11/2008)
Ơi bằng lăng yêu mến  (02/11/2008)
Món ngon với… ong vò vẽ  (02/11/2008)
Kết thúc truy lùng hai đối tượng truy nã đặc biệt  (02/11/2008)