31 năm, thầm lặng bảo quản phục trang Tuồng
14:57', 6/12/ 2008 (GMT+7)

Có những công việc, mới nghe qua, tưởng thật đơn giản. Thế nhưng, đi sâu vào, mới thấy hết những vất vả, nhọc nhằn. Và 31 năm qua, cô Trần Thị Nhơn (cán bộ Nhà hát Tuồng Đào Tấn) vẫn thầm lặng với một công việc như thế: bảo quản phục trang Tuồng.

 

Cô Nhơn chuẩn bị phục trang cho một vở diễn.

 

1. Đến giờ, cô Nhơn vẫn nhớ như in cảm giác “ớn lạnh” của ngày đầu đi làm, khi nhìn cả nghìn bộ trang phục trong kho, với những cái tên lạ huơ lạ hoắc như áo mã tiên, đôi sa phu, siêm giang, siêm giáp… Công việc tưởng đơn giản, chỉ cần soạn và bảo quản đồ diễn. Vậy nhưng, để nhớ “mặt” và tên các loại phục trang, cô phải liệt kê ra một quyển sổ và… học thuộc lòng. Lần nào đi làm, cô cũng mang theo sổ, như một thứ “bửu bối”. Cẩn thận hơn, cô viết tên từng trang phục ra mẫu giấy, rồi gắn phía sau. Dần dần, cô còn tìm hiểu tính cách các nhân vật trong vở diễn, để chọn đồ thích hợp. “Dạo đó, mỗi lần có vở diễn, tôi soạn đồ mất mấy ngày. Đạo diễn khi báo vở, thường kèm theo yêu cầu phục trang. Có hôm, ở trong kho cả ngày, mệt quá, tối ngủ cũng mơ thấy mình đang soạn đồ. Đến giờ thì tôi nhớ được gần như tất cả vai diễn và trang phục, nên chỉ cần báo hôm nay diễn vở nào là tôi biết phải làm gì”- cô Nhơn nói.

Thông thường, một vở diễn cần từ 40 đến 50 bộ trang phục, với những vở lớn, kèm dàn múa và quân binh, tướng sĩ đông đảo, thì cần đến cả trăm bộ. Những lần Nhà hát lưu diễn vùng sâu, vùng xa, cô Nhơn lo nhất, vì phải soạn đồ thật đầy đủ, không được sót thứ gì. Cô ghi tất cả ra giấy, kiểm tới kiểm lui thật kỹ. Để đối phó với nỗi lo bị thất lạc hoặc hỏng, rách, sau khi các nghệ sĩ diễn xong cô đi gom lại ngay rồi tập trung về một chỗ để quản lý.

2. Cô Nhơn tâm sự: “Cái nghề này thì chẳng đòi hỏi gì ngoài sự cẩn thận và siêng năng. Đồ diễn xong ngày nào, phải phơi hoặc giặt ngay. Với những trang phục có nhiều kim tuyến hay thêu nhiều như mãng, giáp, chỉ có cách phơi nắng cho ráo mồ hôi, rồi để ở nơi thoáng mát, gặp khi trời mưa, phải lấy quạt hong cho khô. Như lần Nhà hát biểu diễn phục vụ Festival, trời mưa, trang phục ướt nhem. Những ngày sau, trời không có nắng, trong khi các nghệ sĩ lại cần có đồ ngay để tiếp tục diễn. Vậy là tôi phải bật quạt suốt ngày đêm để hong đồ. Những lần đi lưu diễn, điều tôi quan tâm đầu tiên là tìm chỗ… phơi đồ”.

31 năm trong nghề, khó khăn, vất vả cũng dần quen. Và cũng quen dần cái cảm giác tất bật với cả đống phục trang sau những đêm diễn. Sẽ không có hoa và huy chương hay ánh đèn sân khấu rạng rỡ cho cái nghề quá đỗi thầm lặng ấy. Nhưng với những người như cô Nhơn, khi làm trọn phần việc của mình, cũng là góp phần vào những thành công của đêm diễn.

  • Ngọc Tú
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cần được quản lý chặt chẽ hơn  (06/12/2008)
Gặp một thầy võ trẻ  (06/12/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (06/12/2008)
Đèn dầu phụng  (02/11/2008)
Những phụ nữ giỏi giang  (02/11/2008)
Thuận cả đôi bên  (02/11/2008)
Đề cao cảnh giác trước thiên tai, bão lụt  (02/11/2008)
Bảo tồn rùa biển ở Nhơn Hải  (02/11/2008)
Nỗi niềm ve chai  (02/11/2008)
Làng “mồ côi” dưới chân đèo Mằng Lăng  (02/11/2008)
Khổ vì… nấm móng  (02/11/2008)
Thơ  (02/11/2008)
Không chỉ là cây  (02/11/2008)
Ơi bằng lăng yêu mến  (02/11/2008)
Món ngon với… ong vò vẽ  (02/11/2008)