Hát bằng chính xúc cảm của mình
15:1', 6/12/ 2008 (GMT+7)

Gần 30 tuổi mới học hát dân ca, lại chủ yếu bằng con đường tự học, vậy mà anh Nguyễn Phú (thôn Phú Mỹ 1, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) lại ẵm ngay giải Nam diễn viên Hát ru và Hát dân ca hay nhất tại Liên hoan Hát ru và Hát dân ca toàn tỉnh lần thứ II. Hỏi vì sao anh hát dân ca ngọt vậy, anh Phú cười: Có lẽ là nhờ tôi đã hát bằng chính xúc cảm của mình…

 

Anh Phú cùng bạn diễn trình bày làn điệu “Hò tát nước”. Ảnh: T.X

 

* Đam mê trong những làn điệu

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, nhưng anh Phú (37 tuổi, hiện công tác tại UBND xã Phước Lộc) lại mê ca hát và thường xuyên tham gia các phong trào văn nghệ quần chúng trong thôn, xã. Năng khiếu hát dân ca của anh được phát hiện một cách tình cờ. Chẳng là cách đây ba năm, trong một lần gặp anh Nguyễn Dự, cũng là một cây hát dân ca, hiện công tác tại Tỉnh Đội Bình Định, sau khi nghe anh Phú hát một vài làn điệu dân ca Bình Định, anh Dự đến gần vỗ vai anh và nói: Giọng anh rất hợp với dân ca. Sau đó, anh Phú được mời tham gia trong vài đợt sinh hoạt văn nghệ của Tỉnh Đội và được chỉ bảo thêm về cách hát dân ca. “Sau những lần như vậy, tôi đâm ra mê mẩn những làn điệu dân ca”- anh Phú nói.

Để hiểu rõ hơn về dân ca, anh Phú tìm sách đọc và mua băng, đĩa về nghe thêm. Lúc rảnh, anh tìm gặp các nghệ nhân, nghệ sĩ hát dân ca trong huyện, trong tỉnh để hỏi thêm về cách nhấn nhá, luyến láy câu chữ sao cho lời ca thật mượt mà, truyền cảm. Đến nay, anh Phú đã nắm được khoảng 40 làn điệu dân ca khác nhau. “Tôi nghĩ, người hát dân ca hay phải có giọng tốt, biết giữ nhịp và thể hiện được “mùi” trong từng câu hát. Điều quan trọng khác là phải tạo nét riêng cho mình. Chính vì vậy, khi hát, tôi cố gắng thể hiện thật rõ từ, rõ nhịp, hát bằng chính xúc cảm trong lòng mình, để lời ca thêm chân thành, sâu lắng. Tôi rất thích giọng hát và phong cách biểu diễn của nghệ sĩ Minh Hoàng (Đoàn Ca Kịch Bài chòi Bình Định). Tôi học cách Minh Hoàng hát, nhưng khi biểu diễn, tôi cố gắng để không rập khuôn” - anh Phú cho biết.

Ngoài việc hát dân ca, anh Phú còn sáng tác một số bài hát theo thể loại này. Trong đó, bài “Tuy Phước miền đất ân tình” với nội dung ca ngợi đất và người Tuy Phước, được nhiều người dân trong vùng yêu thích và vẫn thường được phát trên sóng Đài Truyền thanh Tuy Phước.

* Để khúc hát thêm mượt mà

Dù được trao giải Nam diễn viên Hát ru và Hát dân ca hay nhất tại Liên hoan, nhưng so với dân ca, phần hát ru anh Phú lại thể hiện chưa thật sự nổi trội so với các diễn viên khác. Ông Nguyễn An Pha, Trưởng Ban Giám khảo Liên hoan, nhận xét: “Giọng Nguyễn Phú tốt, hát dân ca rất hay. Riêng với những làn điệu hát ru, Phú cần tập thêm để lời ru mềm mại, mượt mà hơn”.

Chính anh Phú cũng thừa nhận, do chưa có điều kiện tìm hiểu kỹ và là lần đầu biểu diễn, nên anh còn khá bỡ ngỡ trong các tiết mục hát ru. Ngay cả với mảng “ruột” là dân ca cũng vậy. Tuy đã biết nhiều, hát nhiều và đạt được kha khá giải thưởng cao tại các kỳ liên hoan, hội diễn trong và ngoài tỉnh, nhưng anh Phú vẫn chưa thật hài lòng với chính mình. “Tôi luôn mong được tạo điều kiện tham gia các lớp học hát ru và hát dân ca để nâng cao trình độ. Những gì tôi thể hiện từ trước đến nay hầu như đều từ sự mày mò, học lỏm và phụ thuộc nhiều vào những sáng tạo dựa trên cảm quan, cảm tính của tôi. Chính vì vậy, tôi khao khát được học thêm, để có thể điều chỉnh làn hơi, giọng hát, áp dụng các lối diễn phù hợp. Bên cạnh đó, khi đã nắm vững các nốt, nhịp phách, tôi sẽ tự tin hơn khi sáng tác, mà không phải quá e dè, thận trọng như hiện nay. Cũng vì thiếu kiến thức chuyên môn nên tôi thường lúng túng khi hướng dẫn các diễn viên trẻ. Hầu như khi hát mẫu, tôi chỉ biết trút vào bài mọi cảm xúc của mình. Vì vậy, không phải ai cũng có thể cảm nhận và làm theo được”- anh Phú tâm sự vậy.

  • Kim Khánh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
31 năm, thầm lặng bảo quản phục trang Tuồng  (06/12/2008)
Cần được quản lý chặt chẽ hơn  (06/12/2008)
Gặp một thầy võ trẻ  (06/12/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (06/12/2008)
Đèn dầu phụng  (02/11/2008)
Những phụ nữ giỏi giang  (02/11/2008)
Thuận cả đôi bên  (02/11/2008)
Đề cao cảnh giác trước thiên tai, bão lụt  (02/11/2008)
Bảo tồn rùa biển ở Nhơn Hải  (02/11/2008)
Nỗi niềm ve chai  (02/11/2008)
Làng “mồ côi” dưới chân đèo Mằng Lăng  (02/11/2008)
Khổ vì… nấm móng  (02/11/2008)
Thơ  (02/11/2008)
Không chỉ là cây  (02/11/2008)
Ơi bằng lăng yêu mến  (02/11/2008)