Gương sáng già làng Hơ rê
19:52', 6/12/ 2008 (GMT+7)

Tìm đến nhà già làng Đinh Văn Nháo, ở thôn 3, xã An Quang, huyện An Lão thì gia đình cho biết, ông đã xuống Nhà văn hóa thôn vận động bà con trong làng nuôi heo nhốt chuồng rồi; xuống thôn, người dân chỉ ông đã lên làng trên, khi đến làng trên thì ông đã ngược xuống làng dưới. Tại đây chúng tôi mới gặp được ông đang thuyết phục gia đình dân làng làm hố xí để giữ gìn vệ sinh môi trường…

 

Già làng Đinh Văn Nháo (dấu x) trong một buổi họp làng hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

 

Trước đây khi chưa được dân làng bầu làm già làng có uy tín, ông Nháo cũng đã là tấm gương sáng trong mọi hoạt động phong trào ở địa phương. Thôn 3, xã An Quang được công nhận là Thôn văn hóa, Khu dân cư tiên tiến, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua từng năm, nhiều hộ đã có “của ăn, của để”… Thành tích lớn của thôn, của xã An Quang đã gắn liền với hình ảnh: già làng Đinh Văn Nháo, ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” tay cầm đèn pin, tay cầm cuốn sổ cần mẫn trong màn đêm, đi hết nhà này đến nhà khác, vận động dân làng thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới, tạo dựng cuộc sống ấm no… Ông Nháo nói: “Mình là người Hơ rê, hơn ai hết mình phải thấu hiểu phong tục, tập quán của bà con dân tộc mình. Hơn nữa mình là đảng viên, mà đã là đảng viên thì phải đi trước để làng nước theo sau. Mình nhờ có Đảng, có Bác Hồ cho đi theo con đường cách mạng nên mới được mở rộng tầm nhìn, hiểu được cái đúng, cái sai, điều hay lẽ phải… Do đó mình phải có trách nhiệm tuyên truyền, vận động cho bà con Hơ rê của mình hiểu và cùng làm theo. Lần này nói bà con chưa hiểu thì tiếp tục đến nói lần sau…, nói khi nào bà con nghe ra thì thôi”.

Ông Đinh Văn Quí, Bí thư chi bộ Đảng thôn 3, xã An Quang, cho biết: Năm 1986, từ cương vị phó công an huyện An Lão, ông Đinh Văn Nháo nghỉ hưu, về xã lần lượt làm Bí thư chi bộ thôn, Trưởng thôn 3, Chủ tịch Hội Nông dân xã, Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã, Hội thẩm nhân dân huyện, Chủ tịch HĐND xã… và đã được bà con trong thôn bầu làm già làng uy tín với số phiếu bầu rất cao. Ông Đinh Văn Nháo đã luôn thể hiện sự gương mẫu trong cộng đồng dân cư. Sau chiến tranh, gia đình ông Nháo cũng giống như bao gia đình các bản làng vùng cao An Lão, cái nghèo, cái đói cứ tiếp tục đeo bám. Đồng lương sĩ quan của ông cũng không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Ông Nháo đã bàn với vợ, phát rẫy trồng thơm, chuối, trồng mì, nuôi heo… Bằng phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, gia đình ông Nháo cũng nuôi được bò đàn và mở rộng diện tích trồng rừng kinh tế. Giờ đây, tích góp từ việc bán bò, bán cây keo lai, sầu đông, điều…, mỗi năm gia đình ông Nháo cũng thu nhập gần 30 triệu đồng. Ông Nháo xác định, làm kinh tế không chỉ xóa đói giảm nghèo cho gia đình mình mà còn làm gương để hướng dẫn cho bà con dân làng làm theo để từng bước đẩy nhanh cái đói nghèo ra khỏi làng mình, địa phương mình. Ông Nháo đã cùng các hội đoàn thể và cán bộ khuyến nông vận động bà con gieo sạ lúa nước 2 vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kiên quyết xóa bỏ tình trạng làm ruộng không bón phân, không làm cỏ, không phun thuốc trừ sâu khiến năng suất cây trồng đạt rất thấp. Nhờ vậy hiện nay năng suất lúa bình quân đã đạt 42 tạ/ha, tăng gấp 2-3 lần so với trước. Những chân ruộng thiếu nước tưới, già làng vận động bà con trồng bắp, trồng đậu xanh, đậu phụng… để tăng thu nhập. Không dừng lại ở đó, già làng Đinh Văn Nháo còn vận động dân làng nuôi heo phải nhốt chuồng, nuôi bò phải chăn dắt, gia đình phải có hố xí, người làng phải thực hiện tốt quy ước của thôn, không được ỷ lại vào Nhà nước, phải biết tự nỗ lực vươn lên thì mới hết nghèo, hết khổ được… Với những thành quả đó, ông Nháo đã từng được huyện An Lão cử đi dự Hội nghị báo cáo điển hình nông dân sản xuất giỏi toàn quốc.

Trong nhiều năm qua, trên địa bàn huyện An Lão đã xảy ra tệ nạn nghi kỵ, cầm đồ thuốc độc trong cộng đồng người Hơ rê, già làng Đinh Văn Nháo là người có nhiều kinh nghiệm và có công lớn trong việc hòa giải, đấu tranh ngăn chặn tệ nạn này. Ông Nháo đã hòa giải thành công hàng chục vụ nghi kỵ, cầm đồ thuốc độc ở địa phương và hàng trăm vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giữ vững sự bình yên cho thôn làng. Mới đây, nghe tin bọn trẻ trong làng nhặt được một đầu đạn pháo trong chiến tranh còn sót lại khiêng đem bán lấy tiền mua kem ăn, ông Nháo sợ pháo nổ gây nguy hiểm cho bọn trẻ nên đã bỏ tiền túi ra 40.000 đồng mua lại quả pháo, sau đó gọi điện cho huyện đội xuống thu về để tiêu hủy. Ông Nháo nói: “Mấy chục ngàn so với người dân tộc mình thì cũng lớn thật, nhưng thấy việc mình làm là đúng nên cũng chẳng tiếc gì”…

Hiện nay ở mỗi bản làng vùng cao huyện An Lão đều có những già làng uy tín, là người giữ vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng người dân tộc thiểu số. Già làng luôn là người có công lớn trong mọi hoạt động phong trào cách mạng ở địa phương… Ông Đinh Văn Nháo ở thôn 3, xã An Quang là một tấm gương sáng về già làng như thế.

  • Hoàng Nam Quốc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cảnh báo về những vụ xâm hại tình dục người chưa thành niên  (06/12/2008)
Hát bằng chính xúc cảm của mình  (06/12/2008)
31 năm, thầm lặng bảo quản phục trang Tuồng  (06/12/2008)
Cần được quản lý chặt chẽ hơn  (06/12/2008)
Gặp một thầy võ trẻ  (06/12/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (06/12/2008)
Đèn dầu phụng  (02/11/2008)
Những phụ nữ giỏi giang  (02/11/2008)
Thuận cả đôi bên  (02/11/2008)
Đề cao cảnh giác trước thiên tai, bão lụt  (02/11/2008)
Bảo tồn rùa biển ở Nhơn Hải  (02/11/2008)
Nỗi niềm ve chai  (02/11/2008)
Làng “mồ côi” dưới chân đèo Mằng Lăng  (02/11/2008)
Khổ vì… nấm móng  (02/11/2008)
Thơ  (02/11/2008)