Đôi mắt còn vương theo
15:29', 6/12/ 2008 (GMT+7)

* Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ

Cô là người thành phố, ra dạy học ở vùng quê của tôi. Niên khóa 1975-1976, cô dạy lớp tôi và kể từ đấy, từ cái dấu mốc thời gian ấy, tôi có cô trong đời.

Quê tôi cằn khô và xơ xác, bởi tất cả những gì là tươi tắn, xanh non, đẹp đẽ đã bị chiến tranh tàn phá và hủy diệt. Ký ức tôi còn in đậm những lần chạy giặc, chống càn, những cái chết tức tưởi, oan nghiệt vì đạn bom. Lũ chúng tôi đã mười bốn, mười lăm tuổi mà trầy trật miết vẫn chưa rồi cấp một. Hòa bình, khi đã có thể bình yên trở lại trường, thì không ít bạn tôi đành nghỉ học vì… mắc cỡ. Chấp nhận ở nhà quần quật với chuyện đồng áng, vườn tược rồi có vợ, lấy chồng. Hành trang bước vào cuộc sống lứa đôi nào có gì ngoài những hiểu biết, kiến thức ít ỏi có được từ những buổi học dưới giao thông hào trong suốt những năm chiến tranh. Tôi cũng rất dễ bỏ cuộc nếu như gặp một thầy, cô khác. Một giáo viên không phải như cô.

Cô như nhỏ bé hơn khi đứng giữa đám học trò lớp năm… già tuổi của mình trong ngày khai giảng. Cô cười rất tươi khi có một bạn nào đó nói: “Cô giáo gì mà có chút xíu vậy, trời!”, và đáp lại rất vui: “Cô nhỏ người sẵn rồi mà. Các em biết không? Cô cao chưa được một mét năm và nặng đúng ba mươi tư ký rưỡi”. Cả lớp cười ồ lên, thoải mái. Tiết học đầu trôi qua như thế, mới nhẹ nhõm và dễ dàng làm sao! Trên đường về, con Tình, bạn thân nhất của tôi, nói: “Học cô này chắc tao theo luôn quá Yến”. Sở dĩ con Tình nói vậy vì hai đứa tôi đang ở thế… lưng chừng. Cũng muốn học mà cũng muốn không. Nửa muốn ở nhà và nửa muốn đến trường. Tôi nắm tay Tình siết chặt: “Dứt khoát là vậy! Nghen!”. Và như thế đó! Chúng tôi tới trường và lần hồi, bị cô thuyết phục thêm qua từng tiết học, những buổi lên lớp. Cái cách mà cô đã “phỉnh dụ” chúng tôi đi học đều đặn, mới đơn giản làm sao! Cứ như là cô nói thầm vô tai từng đứa một: “Cái trường này rất thương cô trò mình. Đừng có bỏ. Đừng có bỏ mà!”.

Mà cái trường của cô trò tôi mới thiệt tội chứ! Lụp xụp, tuềnh toàng làm sao! Những gian lớp tạm bợ được cất vội sau chiến tranh nên ngó vá chắp lắm kìa! Đắp đổi từ một mái che cho đến bức tường trét đất. Từ nền cát cho đến những tấm ri kê lên làm bàn. Lớp học vậy sao có thể cuốn hút được ai, nếu như người đứng lớp không phải là cô. Cô cứ như thể là một chất keo kết dính chúng tôi lại với nhau để cùng quần tụ trong một mái trường. Một mái trường nằm giữa đồng không mông quạnh với nắng không che đủ, mưa không đậy hết. Và gió. Gió sao mà tấp tới tơi bời. Một mái trường sao mà tôi thương quá? Một mái trường có cô nên có rất nhiều điều hay ho, lý thú…

Cô ưa giảng lan man. Và giảng như vậy thì cô lại giảng rất hay, chứ còn lệ thuộc vào sách giáo khoa, giáo án thì cô giảng nghe ngán lắm! Giọng cô đang truyền cảm du dương, bỗng trở nên cứng đơ, khô khốc. Nét mặt, ánh mắt hình như không phải của cô mà là của một người nào đó bỏ lộn. Đã bỏ lộn rồi mà còn ráp không trùng khít, sít sao nên nó lệch lạc. Rất là tức cười! Bởi đó, hết cả lớp tôi đứa nào cũng sợ những tiết học mẫu, những lần cô bị dự giờ. Những khi đó, cô y hệt như là người giả. Cô coi bộ không thiệt một chút nào. Cô cứ như đóng kịch vậy đó. Rất kỳ! Chúng tôi chỉ ham thích những buổi học thuần nhất, chỉ có cô trò với nhau và gian lớp xấu xí của chúng tôi bỗng dưng đổi màu tươi sắc với những lời giảng đầy cuốn hút. Tôi nhớ hoài một câu cô hay nói trong những lần như vậy. Cô nói mà như tâm sự: “Các em thiệt thòi quá nhiều vì đã là thanh niên, thiếu nữ mà mới học lớp năm. Cô muốn các em được biết nhiều hơn, hiểu nhiều chuyện hơn”.

Cô khó - khổ nhiều, khi uốn nắn lại cho chúng tôi những gì là sơ đẳng nhất trong cách nói, lối viết. Cô nói chúng tôi viết chính tả sai quá chừng do bị lỗi rất nặng trong phát âm. Còn sử dụng từ ngữ thì… Cô cười rất tươi và nheo mắt trêu chọc: “Mệt quá cho mấy cô cậu. Đã tới tuổi ra dáng, làm duyên và để ý tới người khác phái rồi nên điệu lắm. Mà điệu thì cũng phải nói năng cho nó hoa lá rườm rà một chút chứ! Từ thì mỏng, thiếu. Câu thì cạn, ít. Dùng đơn giản còn chưa rồi, huống là dùng kiểu cách, phức tạp. Vậy là sai bét. Hỏng. Hỏng”. Cô nói cái đó là hết trật. Vì có tới cả nửa lớp tụi tôi có tình ý với nhau. Nói chi xa, thằng Tâm, trưởng lớp “cưa” con Tình nẹt rồi cũng đổ. Thư qua, thư lại suốt. Con Tình kể có lần thư của nó với thằng Tâm bị cô bắt được. Mà cô rất tế nhị nghe. Cô gặp riêng hai đứa nói chuyện lứa đôi, rồi sửa hộ mấy cái lỗi sai trong trang thư. Không mảy may la mắng, ngăn cấm, đe nẹt gì.

Đi kèm với những bài giảng về ngữ pháp, luyện câu, khai thác thể loại, cô đọc cho chúng tôi nghe những đoạn văn hay được rút ra từ đâu đó. Và miêu tả lại không gian, cảnh vật và cuộc sống ở nông thôn. Những thứ mà chúng tôi nghĩ thật chẳng có gì đáng nói, nhưng qua cô mới hay ho, đẹp đẽ làm sao! Chẳng hạn, sự tất bật và hối hả ở một lò đường; khung cảnh mùa gặt, sự êm đềm của buổi hoàng hôn, những nét đẹp của thiên nhiên trong mùa trăng… Hết thảy, đã giúp cho chúng tôi thêm yêu thương gắn bó với quê mình. Cả lớp mê tiết kể chuyện của cô vào cuối tuần. Bởi từ đấy, chúng tôi được làm quen với rất nhiều nhân vật trong sách. Được đồng cảm sâu sắc với những kẻ “Không gia đình”. Có thể cảm biết được sự lãng mạn và tính nhân ái từ những trang văn tuyệt vời Pauxtopski trong “Chiếc nhẫn bằng thép”… Rồi lòng dũng cảm, tính kiên trì… trong biết bao con người ở “Những tâm hồn cao thượng”… Cô có hay? Khởi đi từ những tiết kể chuyện không nằm trong sách giáo khoa ấy, mà biết bao chân trời mới lạ và những cảm xúc tốt đẹp đã được mở ra, khơi gợi trong mắt nhìn và tâm hồn của chúng tôi.

Cô Trang dạy lớp năm sát bên nói với thằng Minh (chẳng là cô Trang đang ở trọ nhà nó mà lại): “Cô Uyên của tụi bay bị kiểm điểm mấy lần vì cái kiểu dạy xa rời thực tế như vậy mà vẫn không hoảng. Cứ bốc sảng sảng rồi thế nào cũng lên Ban Giáo dục huyện và mất dạy như chơi”. Quả thật, điều cô Trang lo sợ đã trở thành sự thật. Đó là một ngày rất lạnh và thật ẩm. Lớp của chúng tôi nằm trơ trốc giữa đồng nên gió tốc về bốn phía lại thêm lạnh hơn. Đã vậy phòng ốc quá sơ sài và chúng tôi cũng không có đủ đồ để bận. Cô cứ xuýt xoa cho chúng tôi mãi và nói tất cả dồn hết lên mấy bàn trên cho ấm, khi tiết kể chuyện bắt đầu. Quá mê say, Ban Giám hiệu tới từ hồi nào, cô trò chúng tôi đâu có hay. Chỉ tới khi họ bước nhanh vô lớp ra dấu ngừng tiết dạy của cô, chúng tôi mới sững sờ. Thầy hiệu trưởng cho chúng tôi nghỉ học và đề nghị tất cả yên lặng ra về. Yên lặng thì có đó, một sự yên lặng đầy bức bối, khó chịu phủ trùm lên tất cả, nhưng ra về thì không. Chúng tôi cứ ngồi ỳ ra đấy cho mãi đến khi cô lên tiếng nhắc nhở, mới bảo nhau lục đục đứng dậy. Giọng nói của cô dịu êm, nhẹ nhàng nhưng sao nghẹn đặc? Còn đôi mắt cô ắp đầy sự buồn rầu và thảng thốt. Đôi mắt ấy đã theo tôi trong suốt cuộc đời mình. Như một nỗi ám ảnh…

Chúng tôi đâu ngờ đó là lần cuối còn được thấy cô, nghe cô giảng, cùng cô dõi theo một câu chuyện dở dang. Sẽ mãi là dở dang bởi tiết kể chuyện đâu đã hết. Và đôi mắt cô? Sao vương mãi nơi này: Một gian lớp xập xệ, vá chắp ngày mới hết chiến tranh. Đôi mắt cô đọng lại trên cái ngạch cửa, nơi tấm bảng đen được sơn bằng lọ nghẹ trộn với dây khoai lang giã nát, cái cửa sổ không cánh nhỏ xíu trông ra cánh đồng… Đôi mắt cô vương đọng lên tất cả và trên hết là ở lại mãi trong tâm trí của chúng tôi: một lũ học trò quê mùa lớn xác mà chân chất, ngây ngô.

Chúng tôi không được biết thêm một chút gì về cô, từ đó. Phải rồi, cô đã đi khỏi nơi này và phải rồi, ngay sáng hôm sau chúng tôi đã có thầy giáo mới. Và, những tiết học lại vẫn bắt đầu…

  • N.M.N
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Canh tập tàng  (06/12/2008)
Gương sáng già làng Hơ rê  (06/12/2008)
Cảnh báo về những vụ xâm hại tình dục người chưa thành niên  (06/12/2008)
Hát bằng chính xúc cảm của mình  (06/12/2008)
31 năm, thầm lặng bảo quản phục trang Tuồng  (06/12/2008)
Cần được quản lý chặt chẽ hơn  (06/12/2008)
Gặp một thầy võ trẻ  (06/12/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (06/12/2008)
Đèn dầu phụng  (02/11/2008)
Những phụ nữ giỏi giang  (02/11/2008)
Thuận cả đôi bên  (02/11/2008)
Đề cao cảnh giác trước thiên tai, bão lụt  (02/11/2008)
Bảo tồn rùa biển ở Nhơn Hải  (02/11/2008)
Nỗi niềm ve chai  (02/11/2008)
Làng “mồ côi” dưới chân đèo Mằng Lăng  (02/11/2008)