Xóm Cá giữa đồng lúa
19:44', 6/12/ 2008 (GMT+7)

Ở thị trấn Bình Định (An Nhơn) có khu dân cư được mệnh danh là “Xóm Cá”, bởi hầu hết người dân ở đây dù được sinh ra giữa đồng ruộng nhưng cuộc sống của họ lại gắn liền với biển giả. Xóm Cá từng là vựa thu mua, cung cấp cá cho người tiêu dùng cả khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Và hàng thế kỷ nay, cha truyền con nối, cuộc sống của những người dân Xóm Cá vẫn cứ bồng bềnh theo biển.

 

Cá được đưa đến lò luộc.

 

* Làng nghề một thuở vàng son

Lão niên Hồ Văn Bá (85 tuổi) cho biết: “Nghề buôn bán cá có mặt ở đây từ trước thời thuộc Pháp. Theo cha ông tôi kể lại thì lúc ấy những người mua bán cá ở Xóm Cá chỉ mới thu mua cá những vùng biển gần như Quy Nhơn, Đề Gi (Phù Cát). Thuở ấy ở đây chưa hình thành điểm thu mua lớn. Hằng ngày vào lúc nửa đêm ông cha chúng tôi còn phải gánh rổ đi bộ xuống các vùng biển chờ sáng sớm ghe vào đón mua cá rồi hộc tốc gánh về sang lại cho những người bán lẻ “chạy” cho kịp buổi chợ. Đến năm tôi 20 tuổi (cách đây 65 năm), khi tôi bắt đầu nối nghiệp ông cha thì nghề buôn bán cá ở cái xóm nhỏ này đã được khuếch trương. Sau thời gian dài mua bán gây được uy tín với các nhà ghe, những người nối nghiệp “chủ nậu” của ông cha không còn phải gánh rổ xuống biển chờ cá như trước nữa mà cứ ngồi tại chỗ nhận cá khắp nơi chở về. Ngoài lượng cá đánh bắt được từ khắp các vùng biển trong tỉnh như: Nhơn Lý, Nhơn Hội (Quy Nhơn), Đề Gi (Phù Cát), Mỹ An, Mỹ Thành (Phù Mỹ)… Cá hấp từ Phan Rí (Bình Thuận) và cá tươi đánh bắt được từ những vùng biển thuộc các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi cũng đều được mang về đây bán. Đủ loại cá: cá ồ, cá nục, cá bạc má, cá ngân, cá sòng, cá ngừ. Từ những điểm thu mua nhỏ lẻ dần dần hình thành nên những vựa cá lớn mà người ta gọi là “lều””.

Ông Hồ Văn Bá nguyên là một chủ “lều” thời ấy nên còn nhớ rất rõ tên những “chủ lều” lớn lúc bấy giờ: lều ông Tùng, lều bà Bảy Cúc, lều bà Sâm, lều bà Lộc… Thuở ấy, lượng cá đổ về đây mỗi đêm có đến từ 10-15 tấn cá các loại. Hoạt động nơi những lều cá náo nức cả ngày lẫn đêm. Không chỉ chủ nậu (chủ lều) mà những người chuyên mua cá bán rong sau khi chạy chợ cũng túc trực tại lều 24/24 giờ. Những xe cá hấp từ Phan Rí thường ra vào lúc 7 giờ tối, còn cá tươi thì về liên tục trong ngày. Phương thức mua bán cũng rất “thoáng”, khi ấy cá không được bán theo kilôgam như bây giờ mà đơn vị bán được tính bằng rổ hoặc cão. Mỗi loại cá được xếp nhiều lớp vào từng rổ, cão riêng biệt. Các “chủ nậu” nhận của chủ xe bao nhiêu rổ, loại cá gì thì được nhà xe ghi vào sổ. Những người mua bán rong nhận lại cá từ các “lều” cũng được các “chủ nậu” ghi vào sổ riêng chứ không ai phải thanh toán tiền cho ai. Đến gần sáng, sau khi việc “sang cá” hoàn tất, các lái rong đã lên đường “chạy chợ”, lều trống, các chủ nậu tranh thủ ngã lưng xuống sạp “thiếp” đi một lúc trước khi xe cá khác về. Chủ xe cá cũng thong thả tìm chỗ nghỉ ngơi đợi hôm sau khi các “lái rong” đã trở về từ các chợ nhỏ trong vùng, những rổ cá trống rỗng được “nộp” lại cho “chủ nậu” kèm theo tiền. Khi đã gom đủ tiền cá và rổ, “chủ nậu” làm phiếu, giao rổ cho chủ xe và được chủ xe trích lại 3% trong tổng số tiền cá bán được; về sau, các “chủ nậu” được nhận đến 7%. Số tiền phần trăm này mỗi ngày cho các “chủ nậu” khoản thu nhập đến cả “cây vàng”. Ông Hồ Văn Bá cho biết thêm: “Hồi đó, mỗi ngày các người bán rong đem về nộp cho “lều” của tôi cũng được… vài thúng tiền! Khi làm ăn đã khấm khá, để thắt chặt mối quan hệ mua bán, trước những chuyến đi biển của những nhà ghe, nhất là với các ghe Đông Dương (ghe lớn, bây giờ gọi là tàu đánh bắt xa bờ), các chủ nậu ở đây sẵn sàng ứng tiền để các nhà ghe mua dầu, lương thực và trả công đi bạn”. Nhờ đó, mối gắn bó “bạn hàng” được giữ vững từ đời này sang đời khác.

 

Xếp cá vào quang gánh chuẩn bị chạy chợ.

 

* Gắn đời với cá

Cái xóm dân cư nhỏ nằm trong lòng thị trấn Bình Định có 65 nóc nhà thì hầu hết đều “gắn đời” với nghề mua bán cá. Ngoài những gia đình được thừa hưởng vai trò “chủ nậu” từ đời ông, đời cha, số còn lại gia đình nào cũng đều lấy nghề mua bán cá làm kế sinh nhai. Kẻ chạy chợ gần, người buôn cá lên tận các tỉnh Tây Nguyên. Có nhiều người từ các huyện lân cận như Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ… cũng tụ tập về đây tham gia vào nghề mua bán cá, dần dà dắt cả chồng con định cư lập nghiệp hẳn ở Xóm Cá.

Người trong vùng còn gọi Xóm Cá là “xóm vắng đàn bà”. Bởi lẽ trong thời gian nghề mua bán cá hưng thịnh, suốt ngày không ai thấy bóng dáng một phụ nữ nào xuất hiện ở khu dân cư này. Với đôi quang gánh, suốt đêm họ túc trực tại “lều” chờ cá, tờ mờ sáng là vội vội vàng vàng gánh cá chạy bon bon về các chợ quê vùng sâu, vùng xa bày bán. Buổi chợ nào bán đắt, được về sớm thì còn tranh thủ ghé nhà với chồng con một chút, buổi chợ ế phải bán đến chiều thì đành chạy thẳng đến “lều cá” thanh toán rồi chờ mua bận cá cho buổi chợ ngày hôm sau, việc chăm sóc con cái trông cậy cả vào ông chồng. Thậm chí cả những công việc cấy lúa, nhổ cỏ ruộng và gặt lúa ở đây cũng đều do những người đàn ông đảm nhiệm. Dù vậy nhưng những người đàn ông ở Xóm Cá không hề phàn nàn vì biết rằng những cái rổ cá của người vợ chính là cuộc sống của cả gia đình, tất cả những khoản ăn mặc, chuyện học hành của con cái, ơn nghĩa với chòm xóm láng giềng đều trông cậy vào đấy.

Cư dân ở Xóm Cá không chỉ có những người phụ nữ mới biết mua bán cá mà cả thanh niên cũng không ngại tham gia. Ông Tám Phụng kể lại: “Hồi đó làm gì có xe đạp mà chở, đàn ông chúng tôi cũng phải oằn lưng mà gánh chạy bon bon suốt đêm cho kịp buổi chợ sáng. Nếu ông nào thấy “dị” thì chịu mất khoản chi phí chở cá đến chợ bằng xe ngựa. Anh Sáu Toại (55 tuổi) kể thêm: “Có những năm mua bán cá rất “trúng mánh”, cá ồ mua chỉ có giá 200-300 đồng/con nhưng bán lẻ được đến 1.000đồng/con. Với một giỏ cá 500 con, sau một ngày rong ruổi bán lẻ tại các buôn làng Tây Nguyên, có thể lãi được cả chỉ vàng. Bán cá cũng phải “uyển chuyển” thì mới nhanh bán hết hàng và có được “bạn hàng” bền vững. Những con cá nằm trên mặt rổ không bị va chạm bầm dập có thể bán đắt một chút, cá lớp giữa phải bán giá nhẹ hơn và cá lớp dưới cùng thì nên bán “khuyến mãi” vì khi di chuyển chúng thường bị gãy sứt không còn nguyên vẹn. Có những mùa cá ồ (tháng 3, tháng 4 ÂL) dân Xóm Cá “trúng mánh” lớn, nhà nào cũng góp tiền thuê đoàn hát bội về dựng rạp hát mấy đêm liền để tạ ơn trên”.

Không chỉ vậy, nghề mua bán cá ở Xóm Cá còn giải quyết được công việc cho nhiều lao động địa phương từ những công việc: xẻ cá, chặt cá. Bởi loại cá ồ trước khi mang đến chợ bán phải được xẻ ra mỗi bên 3 đường để sau khi luộc, con cá “nở” ra trông “bắt mắt” hơn. Đây là công việc phù hợp với những người già và trẻ em trong làng. Chịu khó thức đêm chờ cá dưới “lều” về, xẻ cá rồi cho vào các chảo nước sôi để luộc. Khi các rổ cá đi chợ thì những người làm công việc này cũng nhận được số tiền ngang một ngày công nhổ cỏ ruộng. Những người trung niên thì nhận làm công việc dùng đục đập vào những cái dao lưỡi to để chặt thành từng khúc những con cá ngừ to, cân nặng đến hàng tạ.

Bây giờ, mặc dù Xóm Cá không còn là nơi thu mua và cung cấp cá độc quyền với những hoạt động sầm uất như ngày xưa nhưng nhiều hộ dân ở đây vẫn còn bám nghề. Con cháu của các “chủ lều”  ngày xưa hiện vẫn đang là chủ các đại lý cá tươi lớn đang hoạt động tại chợ Bình Định (An Nhơn) như bà Phương, bà Lộc, bà Dung… Những cái rổ cá vẫn tiếp tục theo chân những người phụ nữ ở Xóm Cá đi về các chợ quê. Mặc dù sinh giữa đồng ruộng nhưng cuộc sống của người dân ở đây vẫn bồng bềnh theo nhưng “được, mất” tùy theo sự đỏng đảnh của biển giả.

  • Vũ Đình Thung
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ  (06/12/2008)
Đôi mắt còn vương theo  (06/12/2008)
Canh tập tàng  (06/12/2008)
Gương sáng già làng Hơ rê  (06/12/2008)
Cảnh báo về những vụ xâm hại tình dục người chưa thành niên  (06/12/2008)
Hát bằng chính xúc cảm của mình  (06/12/2008)
31 năm, thầm lặng bảo quản phục trang Tuồng  (06/12/2008)
Cần được quản lý chặt chẽ hơn  (06/12/2008)
Gặp một thầy võ trẻ  (06/12/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (06/12/2008)
Đèn dầu phụng  (02/11/2008)
Những phụ nữ giỏi giang  (02/11/2008)
Thuận cả đôi bên  (02/11/2008)
Đề cao cảnh giác trước thiên tai, bão lụt  (02/11/2008)
Bảo tồn rùa biển ở Nhơn Hải  (02/11/2008)