Hàng triệu bệnh nhân được những giọt máu tình nguyện cứu sống chỉ trong tích tắc. Hàng ngàn tấm lòng nhân ái vẫn đang âm thầm chia sẻ giọt máu của mình cho sự sống…
|
Những người tình nguyện hiến máu nhân đạo được tôn vinh. Ảnh: T. Hiền
|
* Nhân lên những tấm lòng nhân ái
Đến nay, hẳn nhiều người vẫn không quên được nỗi ám ảnh về vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra vào đêm 3.8.2006. Chiếc xe khách biển số 93H-6155 chở 79 hành khách và một tấn hàng hóa chạy tuyến thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) đi Thừa Thiên - Huế, khi đến đèo An Khê đã lao xuống vực sâu làm chết tại chỗ 12 người, bị thương 67 người.
Tình huống ngặt nghèo ập đến khiến đội ngũ y bác sĩ cảm thấy lo lắng. Nhu cầu truyền máu cho nạn nhân quá lớn trong khi nguồn máu trong kho dự trữ của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh không còn. Vậy mà, chỉ sau tích tắc, hơn 100 đoàn viên, thanh niên đã kịp thời có mặt hiến hơn 80 đơn vị máu (tương đương 20 lít). Nhờ nguồn máu này mà không xảy ra tình trạng bệnh nhân tử vong do thiếu máu cấp cứu.
Vẫn còn rất nhiều bệnh nhân trong cơn “thập tử nhất sinh” đã được cứu sống bởi những giọt máu ấm tình người. Đó là một nạn nhân quê ở Gia Lai bị tai nạn giao thông nặng, bị dập phổi, đa chấn thương vùng bụng. Nạn nhân bị mất quá nhiều máu. Ngặt nỗi, BVĐK tỉnh không còn giọt nào của nhóm máu O để tiếp cho bệnh nhân. Hay tin, Tỉnh đoàn Bình Định cùng với Thành đoàn Quy Nhơn đã huy động hàng chục đoàn viên ở trên địa bàn và đang làm nhiệm vụ tại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh trực tiếp đến bệnh viện.
Anh Nguyễn Nam Phương, phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn - người 19 lần tình nguyện hiến máu, tâm sự: “Chúng tôi chỉ chia sẻ giọt máu của mình cho sự sống mà thôi!”.
* Cần hơn nữa nguồn máu “sạch”
Năm 2006, Hội Chữ thập đỏ, Tỉnh đoàn và BVĐK tỉnh tổ chức được 26 đợt hiến máu, trong đó người hiến máu tình nguyện chiếm khoảng 60%. Đến năm 2007, cũng với 26 đợt hiến máu nhưng đã thu được một lượng máu khá lớn, trong đó máu tình nguyện chiếm khoảng 68,3%. Và, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2008, nguồn máu tình nguyện đã lên đến 77%. Điều này chứng minh, tỉ lệ người tình nguyện hiến máu trong vài năm trở lại đây đã tăng lên đáng kể, cung cấp một lượng lớn “máu sạch” cho các bệnh viện nhằm đáp ứng nhu cầu truyền máu, cấp cứu kịp thời bệnh nhân.
Có thể nói, những năm trước đây, phong trào hiến máu nhân đạo chưa nhiều. Hàng năm, bệnh viện chỉ tổ chức 2,3 đợt hiến máu nhưng càng về sau phong trào càng phát triển sâu, rộng khắp. Có năm, cả tỉnh tổ chức 10 đợt, thậm chí lên đến 30 đợt. Điều này chứng tỏ, nhận thức của người dân ngày càng cao, phong trào hiến máu nhân đạo đang ngày càng phát triển.
Hiện nay Khoa Hồi sức cấp cứu Ngoại, Khoa Thận nhân tạo là những đơn vị cần lượng máu rất lớn, nhưng các bệnh viện đã phần nào cung ứng được nguồn “máu sạch” cho bệnh nhân.
Song, với lượng bệnh nhân nhập viện trong tình trạng phải phẫu thuật và cấp cứu ngày càng đông; hơn nữa, BVĐK tỉnh thường xuyên phải tiếp nhận nhiều ca cấp cứu được chuyển đến từ các tỉnh lân cận như Phú Yên, Gia Lai... nên nguồn máu dành cho bệnh nhân vẫn luôn bị thiếu hụt. Với mong muốn không để người bệnh chết vì thiếu máu, lãnh đạo bệnh viện đã quyết định thành lập “ngân hàng máu sống” ngay tại các khoa, phòng. Từ năm 1999 đến nay, hầu hết cán bộ, công nhân viên của bệnh viện đều tham gia hiến máu, chỉ trừ những người lớn tuổi, sức khỏe không đảm bảo hay phụ nữ mang thai.
Bác sĩ Nguyễn Văn Cót - Trưởng khoa Huyết học, BVĐK tỉnh - cho biết: “Bên cạnh những người tình nguyện cho máu, một số người nhận thức chưa cao cho rằng hiến máu sẽ có hại cho sức khỏe. Mặt khác, vào mùa học sinh sinh viên nghỉ hè, việc vận động hiến máu gặp nhiều khó khăn. Phong trào vận động hiến máu nhân đạo đã phát triển nhưng chưa mang tính đồng bộ, có nơi tổ chức chưa mạnh, chưa thật sự thu hút người dân tham gia…”.
Khi phong trào vận động hiến máu nhân đạo chưa tốt, chưa phát triển mạnh nguồn máu trong bệnh viện sẽ hạn chế ảnh hưởng đến công tác điều trị, nhất là trong thời điểm bệnh nhân ngày càng đông như hiện nay. Đây cũng là thách thức đặt ra cho Ban chỉ đạo vận động hiến máu nhân đạo cũng như ý thức tự giác của người dân đối với việc hiến máu cứu người.
|