HIỆP HỘI NGHỀ ĐÚC BẰNG CHÂU - BÌNH ĐỊNH:
Góp phần khôi phục, phát triển bền vững làng nghề
15:58', 6/12/ 2008 (GMT+7)

Đúc là nghề truyền thống nổi tiếng của thôn Bằng Châu (thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn) xưa nay. Tuy nhiên, sau khi HTX đúc Bằng Châu giải thể, các hộ sản xuất trong làng nghề không có chỗ dựa, dần dần đi vào chỗ khó khăn. Để khôi phục và phát triển lại làng nghề, mới đây chính quyền địa phương và các nghệ nhân trong làng nghề đã vận động và thành lập Hiệp hội nghề đúc Bằng Châu - Bình Định, góp phần khôi phục và phát triển bền vững làng nghề truyền thống của địa phương.

 

Nghệ nhân làng đúc Bằng Châu hoàn thành sản phẩm. Ảnh: Anh Tuấn

 

* Thăng trầm làng nghề

Theo các cụ cao tuổi trong làng, nghề đúc Bằng Châu đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, với những bước thăng trầm. Trong đó, giai đoạn mà làng nghề gặp nhiều khó khăn nhất là vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, khi HTX đúc Bằng Châu giải thể. Từ đây, làng đúc Bằng Châu bắt đầu gặp khó khăn trong sản xuất. Thời kỳ này, những sản phẩm truyền thống, như đồ thờ tự, cồng chiêng… không còn được tiêu thụ mạnh. Trong khi đó, nhiều cơ sở đúc có quy mô lớn được hình thành, sản phẩm đúc làm ra có giá thành thấp hơn so với cách làm thủ công của những nghệ nhân trong làng nghề. Nhiều hộ gia đình không trụ nổi buộc phải bỏ nghề, lớp thợ trẻ thì không mặn mà với nghề truyền thống của cha ông. Cả làng Bằng Châu có gần 100 hộ có gốc nghề đúc, bây giờ còn chưa đến 10 hộ giữ nghề. 

Không thể để một làng nghề có thâm niên trên 200 năm đi vào quên lãng, một số nghệ nhân tâm huyết của làng đúc Bằng Châu một mặt cầm cự sản xuất, mặt khác tất tả đi các nơi tìm cách khôi phục lại làng nghề. Qua giao lưu học hỏi với các làng đúc khác, các nghệ nhân làng đúc Bằng Châu đã không ngừng cải tiến kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm và sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới, phù hợp với thị trường. Khoảng 10 năm trở lại đây, bên cạnh những sản phẩm truyền thống, làng đúc Bằng Châu còn sản xuất nhiều mặt hàng phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và thủy sản, như các chi tiết máy thủy lực, ống láp đồng, bạt đồng, chân vịt…, cung cấp cho khách hàng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các loại van, vòi tưới nước cung cấp cho bà con các tỉnh Tây Nguyên; khuôn ép ngói thủ công và nhiều mặt hàng mỹ nghệ. Từ đây, làng nghề dần dần phát triển trở lại. Hiện nay làng nghề có trên 40 cơ sở sản xuất, thu hút trên 300 lao động, với nhiều loại hình tổ chức kinh doanh: hộ gia đình, DNTN, Công ty TNHH, với quy mô sản xuất và công nghệ thiết bị khác nhau.

Tuy nhiên, sự phát triển này cũng chưa thật sự ổn định và bền vững, do không có tổ chức nào đứng ra hỗ trợ cho làng nghề các thông tin về các chế độ chính sách của Nhà nước, tư vấn kinh doanh, trao đổi kinh nghiệm sản xuất… Xuất phát từ nhu cầu ấy, đồng thời để khắc phục những khuyết điểm nhằm giúp cho làng nghề phát triển bền vững, những nghệ nhân tâm huyết của làng đúc Bằng Châu đã đứng ra vận động và thành lập Hiệp hội làng đúc Bằng Châu - Bình Định.

 

Các nghệ nhân làng đúc Bằng Châu trình diễn đúc cồng chiêng tại Festival Tây Sơn - Bình Định 2008. Ảnh: Hoàng Tuấn

 

* Chỗ dựa cho làng nghề

Theo nguyện vọng của các nghệ nhân trong làng nghề, ngày 1.5.2008, Sở Công Thương tỉnh đã ký quyết định cho thành lập Hiệp hội làng đúc Bằng Châu - Bình Định. Ngày 27.10 vừa qua, Hiệp hội đúc kim loại Bằng Châu - Bình Định đã chính thức tổ chức đại hội thành lập. Hiệp hội có 60 hội viên, gồm các nghệ nhân tâm huyết của làng đúc Bằng Châu và các làng nghề đúc khác trong tỉnh; các doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học… trong tỉnh. Hiệp hội là mái nhà chung cho những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm hạn chế, khắc phục những mặt trái của cơ chế thị trường như: việc cạnh tranh không lành mạnh, hạ thấp uy tín của nhau, gian dối trong tiêu thụ sản phẩm thủ công truyền thống.

Mục đích của Hiệp hội là tập hợp, đoàn kết các làng nghề, các tổ chức kinh tế, văn hóa, các nghệ nhân trong làng nghề, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà văn hóa, các cơ quan nghiên cứu, đào tạo... để cùng với cơ quan Nhà nước thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khôi phục và phát triển làng nghề. Trước mắt, Hiệp hội sẽ tổng hợp, thống kê chính xác về số lượng, tình hình làng nghề; trên cơ sở đó xây dựng các chương trình hoạt động cụ thể để khôi phục, phát triển làng nghề, đặc biệt là về vấn đề thị trường và công nghệ sản xuất. Ngoài ra, Hiệp hội còn giúp đỡ hội viên, làng nghề trong việc xây dựng thương hiệu, đăng ký và bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa, liên kết với các làng nghề khác trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Không những thế, thông qua Hiệp hội, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công tỉnh cũng đã có nhiều hình thức hỗ trợ cho Hiệp hội, như đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, đề xuất các kiến nghị về vay vốn, tạo mặt bằng sản xuất, tham vấn về mặt kỹ thuật, công nghệ để sản xuất mặt hàng truyền thống có chất lượng cao và sáng tạo mẫu mã mới; đồng thời thường xuyên thông tin, dự báo về thị trường giá cả, Luật Doanh nghiệp đến các hội viên, giúp làng nghề trong việc quảng bá sản phẩm...

Có thể nói, Hiệp hội làng đúc Bằng Châu - Bình Định ra đời trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng, là xu thế tất yếu, có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển của làng nghề. Từ đây, những nghệ nhân làng đúc Bằng Châu đã có tổ chức đại diện cho quyền lợi chính đáng của mình cũng như góp phần quảng bá hình ảnh làng nghề, đưa làng nghề phát triển đi lên.

  • Ngọc Thái
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều đổi mới tại Trung tâm giao dịch vàng ACB  (06/12/2008)
Giọt máu tình nguyện  (06/12/2008)
Xóm Cá giữa đồng lúa  (06/12/2008)
Thơ  (06/12/2008)
Đôi mắt còn vương theo  (06/12/2008)
Canh tập tàng  (06/12/2008)
Gương sáng già làng Hơ rê  (06/12/2008)
Cảnh báo về những vụ xâm hại tình dục người chưa thành niên  (06/12/2008)
Hát bằng chính xúc cảm của mình  (06/12/2008)
31 năm, thầm lặng bảo quản phục trang Tuồng  (06/12/2008)
Cần được quản lý chặt chẽ hơn  (06/12/2008)
Gặp một thầy võ trẻ  (06/12/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (06/12/2008)
Đèn dầu phụng  (02/11/2008)
Những phụ nữ giỏi giang  (02/11/2008)