XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA:
Nỗ lực tới đích
16:10', 6/12/ 2008 (GMT+7)

Năm học này, Bình Định đã có thêm 21 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia (CQG), nâng tổng số trường học đạt CQG trong toàn tỉnh lên 143 trường (toàn tỉnh chỉ có duy nhất Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt đạt CQG giai đoạn 2, còn lại 142 trường đạt chuẩn giai đoạn 1). Trong đó, có 5/181 trường mầm non; 92/242 trường tiểu học; 44/133 trường THCS và 2/49 trường THPT đạt CQG.

 

Trường Mầm non Quy Nhơn trong lễ đón nhận danh hiệu Trường mầm non đạt CQG.

 

Những tiêu chí về trường CQG cho từng bậc học đã được Bộ GD-ĐT quy định. Thật ra, nó không phải là những gì quá xa vời mà mới chỉ là những yêu cầu tối thiểu để có một trường học “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”. Thế nhưng, để đạt được yêu cầu tối thiểu đó, ngành GD-ĐT đã phải nỗ lực phấn đấu trong nhiều năm qua, đặc biệt là từ khi phong trào xây dựng trường đạt CQG (1999- 2008) được phát động. 5/181 trường mầm non, tỉ lệ mới là 2,7%; 92/242 trường tiểu học, tỉ lệ 38%; 44/133 trường THCS, tỉ lệ 33% và 2/49 trường THPT, tỉ lệ mới có 4%. Để đạt được mục tiêu đến năm 2010 toàn tỉnh có 30% số trường mầm non; 50% số trường tiểu học; 40% số trường THCS trở lên và mỗi huyện, thành phố có ít nhất 2 trường THPT đạt CQG theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, ngành GD-ĐT sẽ còn nỗ lực phấn đấu rất nhiều, nhất là đối với bậc học mầm non và THPT.

Một trường học đạt CQG cần phải hội đủ các yêu cầu thuộc 5 tiêu chuẩn. Đó là tiêu chuẩn về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục và xã hội hóa giáo dục. Theo ông Cao Văn Bình, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, thuận lợi của phong trào xây dựng trường học đạt CQG của tỉnh là được các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đồng lòng, tích cực trong chỉ đạo và hỗ trợ nhà trường xây dựng trường học đạt chuẩn; các phòng GD-ĐT đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất và có kế hoạch cụ thể chỉ đạo các trường xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí của trường chuẩn; các trường học, trong đó có ban giám hiệu, giáo viên, học sinh (HS) và cả phụ huynh HS cũng đã xem việc xây dựng và phấn đấu đạt danh hiệu trường CQG cũng chính là xây dựng “thương hiệu” và chất lượng giáo dục của mình. Thế nhưng, để xây dựng trường học đạt CQG, khó khăn nhất vẫn là đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất (phải có đầy đủ các phòng chức năng, phòng bộ môn) và chất lượng chuyên môn (đảm bảo tỉ lệ HS khá, giỏi; duy trì được sĩ số HS; tỉ lệ HS bỏ học thấp…).

 

Trường THCS Lê Hồng Phong (Quy Nhơn) là 1 trong 5 trường THCS đầu tiên trong tỉnh đạt CQG.

 

Nhìn lại thực trạng cơ sở vật chất của ngành GD-ĐT, số lượng trường học có đầy đủ các phòng bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành… vẫn còn quá ít ỏi. Ngay cả yêu cầu có phòng riêng để chứa thiết bị dạy học đối với nhiều trường đã khó lắm thay. Chỉ tính riêng năm học vừa qua, toàn tỉnh đã xây dựng thêm 207 phòng học và cải tạo, sửa chữa 96 phòng học khác với tổng kinh phí gần 37,4 tỉ đồng nhưng so với yêu cầu của 676 trường học trong toàn tỉnh vẫn còn thiếu thốn nhiều lắm. Bởi vậy, nhìn chung, cơ sở vật chất của ngành GD-ĐT vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng xuống cấp và lạc hậu. Nhiều trường còn thiếu cả nhà hiệu bộ, thư viện, sân chơi, bãi tập, nhà vệ sinh… Vậy nên, để đạt chuẩn về cơ sở vật chất xây dựng trường CQG đối với nhiều địa phương, nhiều trường vẫn còn là chuyện khó. Vùng nội thành, thành thị thì thiếu diện tích đất trên số “đầu” HS; vùng nông thôn thì chưa có kinh phí để đầu tư xây dựng phòng bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành. Nhiều trường học vẫn còn thiếu phòng học, không đảm bảo dạy 2 ca/ngày nên lớp học phải vượt chuẩn về HS (bậc THPT yêu cầu 45 HS/lớp nhưng thực tế có những lớp phải dạy 55- 60 HS/lớp); các trường PTTH có HS cấp 2, HS hệ B thì không đạt yêu cầu của trường chuẩn trong khi trường bán công riêng biệt thì không được phép xây dựng; còn trường tư thục thì chưa ai muốn đầu tư. Bởi vậy, các trường THPT muốn trở thành trường chuẩn cũng không hề đơn giản…

Về chất lượng chuyên môn, tỉ lệ HS giỏi, HS khá vẫn đang là thách thức đối với các trường, nhất là các trường THPT. HS bỏ học ở bậc THCS và THPT cũng còn rất cao, trong khi nỗ lực vận động HS trở lại trường lớp vẫn đang là bài toán khó…

Vẫn chưa thể khẳng định, tất cả các trường học đạt CQG đều là những trường chuẩn mực thật sự vì trên thực tế cũng đã xuất hiện những trường đạt chuẩn nhưng lại không “hút” được HS, không được sự đánh giá cao trong phụ huynh HS và xã hội; đạt chuẩn nhờ chạy theo phong trào, dung túng cho căn “bệnh thành tích”… Nhưng, gạt ra một bên chuyện tiêu cực, phong trào xây dựng trường đạt CQG đã và đang là mục tiêu phấn đấu vì một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

  • Thu Minh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phải quản lý tốt học sinh ở cả 3 môi trường “gia đình- xã hội- nhà trường”  (06/12/2008)
Tre  (06/12/2008)
Góp phần khôi phục, phát triển bền vững làng nghề  (06/12/2008)
Nhiều đổi mới tại Trung tâm giao dịch vàng ACB  (06/12/2008)
Giọt máu tình nguyện  (06/12/2008)
Xóm Cá giữa đồng lúa  (06/12/2008)
Thơ  (06/12/2008)
Đôi mắt còn vương theo  (06/12/2008)
Canh tập tàng  (06/12/2008)
Gương sáng già làng Hơ rê  (06/12/2008)
Cảnh báo về những vụ xâm hại tình dục người chưa thành niên  (06/12/2008)
Hát bằng chính xúc cảm của mình  (06/12/2008)
31 năm, thầm lặng bảo quản phục trang Tuồng  (06/12/2008)
Cần được quản lý chặt chẽ hơn  (06/12/2008)
Gặp một thầy võ trẻ  (06/12/2008)