Lần nào về Bến Tre, chúng tôi cũng được bạn bè đưa tới thăm Nhà thờ và mộ thầy Nguyễn Đình Chiểu. Năm 2008 này, về Ba Tri, đến thăm thầy Nguyễn Đình Chiểu, một cảnh mới mẻ hiện ra trước mắt chúng tôi.
|
Đền thờ Nguyễn Đình Chiểu.
|
Nói đến Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta không thể quên tinh thần hiếu học của ông. Ngoài 20 tuổi, đang ở Huế học để chuẩn bị cho kỳ thi Hội thì được tin mẹ mất, ông đành bỏ học để về lo tang mẹ. Quá thương mẹ, tự trách mình chưa giúp được gì cho mẹ, trên đường trở về quê, ông đau buồn, sinh bệnh và bị mù. Tạm trú trong một gia đình ở Quảng Nam, Nguyễn Đình Chiểu học được nghề làm thuốc. Khi về đến quê nhà, thêm một đau buồn lại ập đến với ông. Do chưa “công thành, danh toại”, ông bị một gia đình nọ khước từ chuyện gả con gái cho. Dầu vậy, Nguyễn Đình Chiểu đã chấp nhận, vượt lên số phận, lao vào công việc dạy học và làm văn…
Cảm kích tấm lòng và đạo đức của thầy, một học trò của ông tên là Lê Thanh Quýnh (người Cần Giuộc) đã xin với gia đình gả em gái là Lê Thị Điền cho ông. Yên bề gia thất, nhưng đất nước loạn lạc; nhà Nguyễn nhu nhược nhượng lục tỉnh cho Pháp, nhân dân vùng lên chống lại quân xâm lược. Thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu vừa dạy học, vừa sáng tác thơ văn. Những tác phẩm lớn của ông có thể kể: “Truyện Lục Vân Tiên”, “Ngư tiều y thuật vấn đáp”, “Dương Từ Hà Mậu”, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, “Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong”… Nhà thơ Xuân Diệu từng ca ngợi Nguyễn Đình Chiểu là người “có cái trí để hiểu biết, có cái tâm để yêu thương và có cái tài để thực hiện”.
Thật vậy, đọc Nguyễn Đình Chiểu, không thể quên những câu thơ ông viết về đạo lý Việt Nam: “Vắng người có bóng trăng thanh/ Trăm năm xin giữ chút tình lại đây/ Vân Tiên anh hỡi có hay/ Thiếp nguyện một tấm lòng ngay với chàng” (Lục Vân Tiên). Và những câu thơ quật cường trước kẻ thù: “Bữa thấy bòng bong tre trắng lốp, muốn tới ăn gan/ Ngày xem ống khói chạy đen xì, muốn ra cắn cổ”… “Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia/ Gươm đao dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ/ Chi nhọc quan quản gióng trống kỳ trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không/ Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có”… Vì vậy, ngày Nguyễn Đình Chiểu mất, dân Ba Tri đưa tiễn ông, áo tang trắng cả cánh đồng. Học trò đã góp tiền xây đền thờ ngay bên mộ ông để thường xuyên đến thắp hương tưởng nhớ thầy.
Một người thầy có trí, có tâm, có tài như Nguyễn Đình Chiểu luôn sống mãi trong ký ức của người dân. Năm 2008 này, về Ba Tri, trước mắt chúng tôi là một cảnh tượng mới. Mộ Nhà thơ - thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu vẫn còn đó, ngôi nhà thờ học trò xây để thờ thầy vẫn nghi ngút khói hương… Nhưng điều đặc biệt là Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu đã được quy hoạch lại rộng rãi, có cổng vào. Trên ngôi mộ cỏ vẫn xanh mướt, chứng tỏ có bàn tay chăm sóc. Qua cổng, trước cái sân rộng rãi, khang trang, kề ngay bên nhà thờ cũ, xuất hiện một ngôi nhà thờ mới, khá lớn. Trong ngôi nhà thờ mới có bức tượng bán thân Nguyễn Đình Chiểu khá lớn, làm bằng chất liệu đồng. Hai bên bàn thờ là “tuyên ngôn” của ông thay cho đôi câu đối thờ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Câu thơ viết bằng chữ Quốc ngữ, được dát vàng. Trong Khu tưởng niệm, còn có một tấm bia khá lớn, ghi tạc công trạng của nhà thơ đối với đất nước, nhân dân.
Thắp nén hương lên bàn thờ nhà thơ, chúng tôi hỏi về việc làm nhà thờ và xây dựng khu tưởng niệm mới thì được người quản lý Khu tưởng niệm cho biết: Tỉnh Bến Tre và huyện Ba Tri đã chi khoảng 6 tỉ đồng cho công trình. Như vậy, sau Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu là một trong hai người thầy được xây dựng đền thờ tôn vinh. Chỉ có điều khác, đền thờ Chu Văn An là dự án của Nhà nước, còn đền thờ Nguyễn Đình Chiểu do tỉnh Bến Tre và huyện Ba Tri thực hiện.
Biết tôn vinh người thầy là một việc làm có ý nghĩa lớn lao. Với tầm nhìn như vậy của tỉnh Bến Tre và huyện Ba Tri, chắc chắn mảnh đất này sẽ còn sản sinh ra những thế hệ học sinh hiền tài, xứng đáng với thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu…
|