Năm 2007, Ngô Thị Anh Thư tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Bình Định, chuyên ngành sư phạm kỹ thuật công nghệ. Ra trường, không như bao bạn trẻ khác nhanh chóng tìm kiếm một công việc ổn định hợp với chuyên môn đã học, Thư mày mò mở một câu lạc bộ (CLB) chuyên... luyện viết chữ đẹp.
|
Cô giáo trẻ Anh Thư và nét chữ của mình trên bảng, cũng là lời nhắn gởi đến mọi người.
|
* Từ ý tưởng về một câu lạc bộ luyện chữ
Những ngày đầu, ý định quá sức mới mẻ, lạ lẫm của Thư nhanh chóng vấp phải sự tò mò, thắc mắc, phản đối của gia đình, bạn bè. Song với Thư, đó là dự định ấp ủ suốt những năm tháng sinh viên. Xuất phát từ yêu cầu đối với sinh viên ngành sư phạm, phải có chữ viết đẹp để trình bày phần ghi bảng rõ ràng, khoa học. Nhưng thực tế trong những buổi tập giảng sư phạm của lớp, thầy - cô giáo thường than phiền “Sinh viên sư phạm mà viết chữ xấu quá!”. Trong khi đó, số tiết dạy về kỹ năng viết cho sinh viên sư phạm không nhiều. Nét chữ của Thư lúc bấy giờ được xem là niềm ao ước của cả lớp, nhưng khi các bạn hỏi làm thế nào để có chữ viết đẹp, rõ ràng, đủ nét mà tốc độ ghi vẫn nhanh như thế thì Thư lắc đầu chịu thua. Lại nữa, thời sinh viên, Thư nhiều lần làm gia sư cho học sinh tiểu học, Thư thấy buồn vì thời gian đầu, chữ viết của các bé cứ nghiêng ngã, lớn bé không đều nhau, trông như một vườn cây không được chăm bón cẩn thận, một bài tập đọc chỉ nửa trang vở mà có tới 20 lỗi chính tả. “Vậy thì bí quyết, phương pháp để có một chữ viết đẹp và nhanh nằm ở đâu?”, câu hỏi ấy cứ vang lên trong đầu cô gia sư.
Tranh thủ hai kỳ nghỉ hè, cô sinh viên người Quy Nhơn này lặn lội ra Hà Nội, Đà Nẵng, vào tận TP Hồ Chí Minh đến các trung tâm luyện chữ theo học cả mấy tháng trời, để “xem các trung tâm luyện chữ lớn họ làm như thế nào, mình học hỏi và về linh hoạt áp dụng”. Đầu năm ngoái, báo Công an nhân dân phát động và tài trợ cuộc thi “Chữ Việt đẹp” trên toàn quốc, cơ cấu giải thưởng rất lớn. Theo dõi cuộc thi qua mạng, Thư nhận thấy số học sinh Bình Định gởi bài dự thi rất ít. Tại sao việc luyện chữ và tham gia các cuộc thi chữ đẹp ở tỉnh ta lại không được chú trọng như các tỉnh bạn, phải chăng chưa có một nơi đảm trách việc rèn luyện một cách bài bản cho các em? Lại một thắc mắc nữa nảy sinh trong lòng cô giáo trẻ. Sau mấy tháng mê say mày mò học hỏi, cộng với kinh nghiệm những năm làm gia sư cầm tay luyện chữ cho các bé, tháng 9.2007, CLB luyện chữ đẹp Hồn Việt ra đời ở 60 Tây Sơn, TP. Quy Nhơn.
|
Anh Thư hướng dẫn học viên nhỏ tuổi luyện chữ.
|
* Rèn nét chữ, luyện nết người
Sau hơn một năm thành lập, đến nay CLB luyện chữ Hồn Việt của Anh Thư đã có 5 khóa học với gần 400 học viên đủ mọi lứa tuổi. Đa phần là các học sinh tiểu học và chuẩn bị bước vào lớp 1. Ngoài ra còn có nhân viên văn phòng các công ty, doanh nghiệp, một số giáo viên, kỹ sư xây dựng… Đặc biệt, các cụ lớn tuổi cũng theo học để về dạy lại cho cháu mình. Ấn tượng nhất với Thư là hai chị em ở thị trấn Ngô Mây (Phù Cát) được mẹ đích thân dẫn đến “nài nỉ” cô Thư nhận luyện chữ vào mùa hè vừa rồi. Ban đầu Thư không dám nhận vì hai cháu nhà ở xa mà lại quá bé (bé nhỏ lớp 2 và cô chị lớp 3), sau đó thấy mẹ cháu nhiệt tình và quyết tâm, nên Thư nhận lời. Mỗi buổi sáng, sau khi đưa hai bé lên xe buýt, người mẹ gọi điện báo cho cô giáo. Thư ra bến xe buýt, đón các cháu về luyện chữ trong buổi sáng, đến trưa ăn cơm, ngủ trưa cùng cô, chiều tiếp tục luyện chữ. Chiều tối, Thư lại làm việc mà mẹ các bé vẫn làm lúc sáng là đưa chúng ra xe buýt để về nhà. Khi người nhà bé gọi báo chúng đã về đến nhà an toàn thì cô giáo mới yên tâm thở phào nhẹ nhõm. “Việc đưa đón, luyện chữ cho hai bé trong thời gian đó quả thực vất vả. Tuy nhiên, nó đã chứng tỏ không ít phụ huynh thật sự quan tâm đến việc rèn nét chữ cho con. Điều này động viên mình rất nhiều trong công việc còn khá mới mẻ trong thành phố chúng ta” - Thư chân thành chia sẻ.
Nhiều phụ huynh đưa con đến luyện chữ, được chừng một tháng đã nôn nóng yêu cầu con phải viết chữ đẹp ngay, theo Thư đó là điều không thể đạt được. Mỗi khóa học ở đây khoảng 24 buổi, mỗi buổi 2 giờ, kéo dài trong 3 tháng. Đó là khoảng thời gian đủ để một người khắc phục được nét chữ viết quá xấu, giúp học viên biết thế nào là nét chữ đẹp, phần nào nâng cao ý thức trong việc chăm chút nét chữ và quan trọng nhất là biết cách để tự luyện chữ. Để sở hữu một chữ viết đẹp lại có tốc độ ghi nhanh không phải đòi hỏi sự tập trung cao độ mang tính một sớm một chiều, mà cần phải kiên trì rèn luyện ý chí chiến thắng tính chểnh mảng, cẩu thả ở mỗi người. Với một người có chữ viết dưới trung bình, sau 3 tháng rèn chữ miệt mài, chữ viết được cải thiện rõ rệt, đủ tiêu chuẩn kết thúc khóa học, nhưng sau đó vì bận rộn hay một lý do khác mà việc rèn chữ theo cách thức bài bản đã được dạy bị bỏ quên, thì chữ viết nhanh chóng trở về trạng thái cũ như một thói quen, quán tính.
Với học viên nhỏ tuổi, đa phần các em tự nguyện đến lớp, thích mình viết được chữ đẹp và thấy các bạn học trước viết được chữ đẹp thì háo hức, “đòi” ba mẹ cho đi học, một số khác do chữ viết quá xấu, bị ba mẹ “ép” đi học. Ở dạng “ép buộc”, cũng có trường hợp các cháu nản ngay từ đầu, thể hiện thái độ “bất hợp tác” với cô giáo. Sau một thời gian thấy không tiến bộ, cô giáo đành cho kết thúc khóa học sớm. Nhưng cũng không ít trường hợp, bản thân các em có chữ viết không đẹp, khi được dạy cách thức rèn chữ để viết chữ đẹp lại tỏ ra rất hào hứng, cần mẫn luyện tập. Các cô giáo cũng có lắm “chiêu” để khích lệ tinh thần học tập, tạo không khí thi đua, kiên trì rèn luyện trong các em, làm sao để các em nghĩ được rằng: “Chữ viết của mình xấu hơn các bạn, các bạn luyện viết được mà mình lại không, mình phải chăm chỉ, chịu khó hơn nữa”. Từ đó, thành quả là những nét chữ tròn trịa, thẳng tắp, những trang viết sạch đẹp hiện ra từ những bàn tay non tơ cặm cụi trên trang giấy trắng, như một lời tri ân đến cô giáo trẻ.
Theo Thư, nếu có ý thức luyện chữ ngay từ ban đầu để trẻ có nét chữ đẹp và ổn định, các bậc phụ huynh nên cho con em mình luyện sớm ngay từ những nét chữ đầu tiên. Do đó, đối tượng rèn chữ dễ nhất là các bé mới bước vào tiểu học. Tuy nhiên, ý thức về sở hữu một nét chữ đẹp là cần thiết chưa kịp hình thành trong các em nên thái độ kiên trì học tập cũng phần nào hạn chế. Với học viên là người lớn, thuận lợi thuộc về ý thức luyện chữ, nhưng lại vấp phải khó khăn trong kỹ năng chuyển chữ, bởi trong suốt thời gian dài, họ đã quen với nếp chữ vốn có của mình. Hơn nữa, người lớn thường viết tốc ký, giờ lại ngồi cặm cụi, nắn nót từng chữ, viết đủ nét, đặt đúng thanh đúng dấu... rất khó khăn, cứ như dòng nước đang tuôn chảy ào ạt bị chặn lại. Nhưng chính cái sự chặn lại ấy lại lọc ra được những dòng nước trong veo, sạch sẽ. Ai không kiên trì, quyết tâm thì việc rèn luyện không thành. Xem ra, cái sự luyện chữ cũng lắm nhiêu khê, hao hao như cái việc luyện nết người vậy!
|
Thế hệ mầm non miệt mài luyện chữ.
|
* Nỗi niềm cô giáo trẻ
Trong thâm tâm tôi, khi được giới thiệu đến gặp một cô giáo luyện viết chữ, tôi hình dung mình sẽ gặp một nhà giáo lớn tuổi, phúc hậu, đeo kiếng lão và mái tóc hoa râm búi cao sau gáy! Vậy mà, cô giáo Anh Thư luyện chữ đang trò chuyện cùng tôi lại rất trẻ, 22 tuổi, nước da trắng, dong dỏng cao, nụ cười tươi và lối nói chuyện hết sức duyên dáng, ý nhị. Sự bất ngờ này dường như làm cho cuộc trò chuyện thêm phần thân tình, thú vị. Thư quá trẻ so với tính chất công việc Thư đang làm, vậy nên cũng dễ hiểu cho những thắc mắc, nghi ngại ban đầu của một số phụ huynh đưa con đến học: “Trẻ thế này thì liệu có đủ kinh nghiệm, lòng kiên trì để luyện chữ”!- Thư cười tươi bảo.
Tiêu chuẩn của chữ viết đẹp mà Thư học được từ các trung tâm luyện chữ cũng như tham khảo, chắt lọc qua các giáo trình luyện chữ, bao gồm: chữ viết bảo đảm đúng kích thước, đủ nét, đặt dấu chữ, dấu thanh đúng vị trí, viết nối liên tục để giúp viết nhanh (viết nhanh và đẹp), cách trình bày và giữ vở sạch sẽ. Đó là những bước rèn luyện mà CLB áp dụng và bảo đảm trong suốt khóa học để nhằm đạt hiệu quả tốt nhất. Việc rèn chữ bắt buộc phải tuân theo hai tiêu chí quan trọng mà bất kỳ trung tâm luyện chữ nào cũng đảm bảo, thứ nhất là phải sát với mẫu chữ tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định ngày 14.6.2002. Thứ hai là nội dung dạy, các đoạn văn ứng dụng bám sát các bài chính tả, ngữ pháp trong sách giáo khoa tiểu học. Có một điều đặc biệt tại CLB mà cô giáo trẻ này đã sáng tạo đưa vào nội dung giảng dạy của mình khiến tôi rất cảm động, thầm nể phục cho sự sâu sắc sớm có ở một người trẻ. Đó là thông qua các bài tập luyện chữ, tùy theo độ tuổi, với mong muốn tăng thêm hứng thú cho học viên, đồng thời quảng bá, giới thiệu, nâng cao lòng mến yêu với tỉnh nhà, Thư đã chọn lọc và đưa vào bài dạy rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, câu thơ hay về Bình Định. Đây là một đoạn thơ trong tài liệu hướng dẫn luyện viết chữ đẹp do Thư trực tiếp chọn lọc và biên soạn: “Gió cầu Tấn trưa chiều thổi mát/ Bãi Quy Nhơn mịn cát dễ đi / Phương Mai, Ghềnh Ráng tương tư / Ngâm câu “thủy tú sơn kỳ...” thảnh thơi”.
|
Và người lớn cũng đi luyện chữ.
|
Hằng ngày Thư vẫn mày mò trên mạng, vào các trang web luyện chữ, tham gia các diễn đàn luyện chữ để trao đổi, học hỏi từ các giáo viên luyện chữ lâu năm để nâng cao tay nghề. Cũng từ đó, nhìn thấy phong trào luyện chữ đẹp nở rộ ở các thành phố trong cả nước, không ít giáo viên cũng khởi nghiệp từ những cơ sở dạy chữ nhỏ lẻ mà nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của xã hội, Thư không khỏi chạnh lòng và ao ước. Trong xã hội hiện đại, mọi người đua nhau đưa con đi luyện Anh văn, vi tính, học nhạc, vẽ, nghe có vẻ thiết thực và thời thượng hơn, mấy ai còn nặng lòng với việc luyện chữ. Không ít suy nghĩ cho rằng, sở hữu một chữ viết đẹp cũng đâu giúp các bé sau này kiếm được một công việc hái ra tiền hay mang lại một tương lai sáng sủa nào đó. Bên cạnh đó, nhiều người thấy được tính chất quan trọng của công việc khó khăn, ý nghĩa mà Anh Thư đang làm, họ đã bày tỏ sự cảm thông và khích lệ với cô. Cũng được gọi là cô giáo như ai, nhưng đến giờ này, CLB của Thư vẫn chưa nhận được bất cứ sự quan tâm nào từ phía ngành chức năng. Mong muốn của Thư, và cũng là của rất nhiều người còn quan tâm đến nét chữ - nết người, là mô hình CLB luyện chữ của Thư sẽ được nhân rộng trong xã hội, được công nhận là một lớp học trong hệ thống giáo dục.
|