“Lão mai quyền” hay “Lão mai độc thọ” là một trong những bài quyền nổi tiếng của võ cổ truyền của Việt Nam. Tại Hội nghị chuyên môn Toàn quốc lần thứ II do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh năm 1994, bài quyền này được đưa vào hệ thống 10 bài quốc võ.
|
Hai võ sư Trần Xuân Mẫn và Phạm Đình Hùng đang phân thế “Lão mai quyền”. Ảnh: T.T.O
|
Đáng chú ý là người giới thiệu và thị phạm “Lão mai quyền” ghi băng hình năm 1994 tại TP. Hồ Chí Minh chính là võ sư Trần Xuân Mẫn, thuộc võ phái Kỳ Sơn. Bài “Lão mai quyền này” vốn được thầy Mười Bòi truyền dạy cho thầy Trương Chưởng vào khoảng năm 1919 tại Hội An (Quảng Nam). Năm 1973, thầy Trương Chưởng (1899 - 1988) sáng lập Võ đường Kỳ Sơn tại Hội An. Võ phái Kỳ Sơn khẳng định: bài “Lão mai quyền” là một bài bản võ thuật truyền thống của nhà Tây Sơn. Tại Bình Định, “Lão mai quyền” được làng võ An Vinh (xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn) xem là một trong những bài tiêu biểu của môn phái. Lão võ sư Phan Thọ (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) cũng là người rất tinh thông bài quyền này. Có tài liệu cho rằng, dựa vào bài quyền này, cùng với bài “Thần đồng” và “Ngọc trản”, Nguyễn Huệ sáng tạo nên bài “Yến phi” dành cho nghĩa binh rèn tập trong giai đoạn đầu, mang nhiều đặc tính độc đáo của võ cổ truyền Việt Nam.
Người viết bài này từng một lần được xem võ sư Văn Xuân Ngọc, người kế thừa trường võ của võ sư Xã Nho, thao diễn bài quyền này ngay trên đất An Vinh. Nét quyền biểu diễn cứng cáp, gân guốc. Những vòng luân chuyển như cơn lốc, sự thay đổi hướng phát đòn một cách đột ngột, tạo nên hình nét vòng tròn trong thân pháp và bộ pháp. Cách hoán vị chân, các lối tấn được sử dụng vừa nhẹ nhàng, vừa linh hoạt. Nhìn võ sư Văn Xuân Ngọc biểu diễn, tôi như hình dung được hình ảnh cội mai già trước cơn gió lốc, an nhiên với tư thế hiên ngang, vững chãi mà vẫn mềm mại nương mình theo gió.
Võ sư Nguyễn Văn Dũng từng phân tích: “Vòng tròn được khai thác triệt để từ đầu đến cuối bài, tượng trưng cho nét mềm mại, nhu nhuyển của bông hoa. Những đường nét biểu trưng diễn tả rất sát với từ ngữ như: độc thọ, nhất chi, liên ba, nguyệt quách, vân tôn, lôi diễn chấn... Nhờ vậy, người tập dễ nhớ tuần tự các động tác gần như lập đi lập lại, nhìn qua có vẻ như đơn điệu, trùng lắp”.
Không chỉ là một bài võ độc đáo, hình ảnh “lão mai” trong lời thiệu của “Lão mai quyền” còn hàm ẩn một triết lý sâu xa. Hình ảnh “cây mai già” có một cành tươi “nhất chi vinh” của câu mở đầu, rất gần với hình ảnh “nhất chi mai” trong câu kệ “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” trong “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác thiền sư. Võ sư Hồ Bửu phân tích: “Đã là người thì không ai thoát khỏi quy luật sinh tử. Nhưng phải sống thế nào để khi chết được lưu danh hậu thế, được tôn thờ. Phải sống thế nào để lưu danh hậu thế là mấu chốt của ba tiếng “hồ xà thành”. Người học tập võ nghệ, luyện võ đến “hồ xà thành”, nghĩa là đã đạt đến tối cao của võ thuật. Hồ xà một cương một nhu, một cứng một mềm, hòa hợp uyển chuyển trong khi chiến đấu, áp dụng trong đời sống, trong đạo trị quốc. Làm được vậy là đã đến bậc thượng thừa của võ học”.
Mùa xuân, bên gốc mai, ngẫm lại “Lão mai quyền”, thêm hiểu ẩn ý của tiền nhân gửi gắm trong mỗi lời thiệu võ.
Lời thiệu “Lão mai quyền”
Lão Mai độc thọ nhất chi vinh
Lưỡng túc khinh khinh tấn bộ hoành
Thoái nhất bộ đơn hầu lão khởi
Phi nhất túc hoành khí thanh đình
Tàn nha hổ giương oai xiết tỏa
Chuyển giốc long nỗ lực lôi canh
Lão Hầu thổi tọa liên ba biến
Hồ điệp song phi lão bản sanh
Nguyệt quách song câu lôi diễn chấn
Vân tôn tam tảo hổ xà thành
Lời thảo:
Mai già một cội một cành
Hai chân nhẹ lướt bộ hoành tiến lên
Lui về một bước tọa liền
Luân thân tung cước trụ hình nghiêng ngang
Giương oai sức hổ đánh sang
Chuyển mình hồi bộ rồng càng ra uy
Khỉ già núp lóng một khi
Vụt chồm như sóng tức thì đánh lên
Hai bướm bay trước bản tiền
Vầng trăng vằng vặc hai viền móc câu
Liên hồi sấm động sơn đầu Gom mây ba lượt quét mau hổ xà. | |