Makara trong điêu khắc Chămpa
8:7', 9/3/ 2008 (GMT+7)

Makara sinh ra thần linh (thế kỷ XI) phát hiện tại Chánh Lộ - Quảng Ngãi.

Hình tượng Makara được thể hiện rất phổ biến trên các tác phẩm điêu khắc. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn, vật linh này lại được thể hiện theo cách riêng.

Theo thần thoại Ấn Độ, Makara là loài thủy quái, vật cưỡi của thần Varuna (thần biển) và cũng là vật cưỡi của nữ thần Gangadevi (nữ thần sông Hằng). Truyền thuyết khác cho rằng, Makara là loài vua rắn nước, chuyên về cõi âm, loài mang nước đến cho mùa màng bội thu được con người thờ cúng. Cơ thể Makara là sự tổng hòa các đặc điểm của cá sấu, voi và rắn, biểu tượng cho nước và cầu vồng; trong đó, rắn là cầu vồng, voi là sương, mây và mưa, đem lại sự sống.

Trong điêu khắc Chămpa, Makara xuất hiện sớm, từ thế kỷ VII-VIII và chỉ được thể hiện phần đầu, với miệng đang nhả thú, thể hiện ước mơ phồn thực. Ở Bình Định, PGS-TS Ngô Văn Doanh cho rằng, Makara có niên đại sớm là một tác phẩm được tìm thấy tại phế tích tháp ở núi Cấm (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn), hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Bình Định. Hai chiếc đầu Makara quay ra ngoài, tạo thành kiểu trang trí có chức năng làm chân đế cho một vòm cuốn, phía trên là hình tượng nữ thần Uma hay Durga (vợ Siva) mười cánh tay đang trong tư thế múa. Hình tượng này gắn liền với truyền thuyết nữ thần Uma đang xông trận để tiêu diệt con quỷ đầu trâu Mahisha.

Tương tự vậy, ở tháp Thủ Thiện (xã Bình Nghi), cũng có hai tác phẩm điêu khắc thể hiện vũ nữ đang múa trên lưng Makara. Nếu lá nhĩ núi Cấm, trên lưng hai Makara chỉ có một người múa, thì ở hậu bàn thờ Thủ Thiện, trên lưng mỗi Makara có một vũ nữ múa. Các Makara này có nhiều nét giống với Makara ở Trà Kiệu: vòi cuốn về phía trước, mắt tròn dưới vòng lông mày nổi cong, tai dựng lên như ống loa. Những Makara này được đoán định có niên đại cuối thế kỷ X - đầu thế kỷ XI, thuộc giai đoạn chuyển tiếp từ phong cách Trà Kiệu sang phong cách Bình Định.

 

Makara (thế kỷ XII-XIII) khai quật ở tháp Dương Long - Tây Sơn năm 2007.

 

Đến phong cách Bình Định (thế kỷ XII - XIV), Makara đã trở nên phổ biến. Makara thường có hình khối lớn, chạm khắc trang trí dày đặc chi li, cầu kỳ. Các tác phẩm thể hiện rất chặt chẽ, từ bố cục đến các trang trí, hoa văn, trông dữ tợn hơn các Makara phong cách Trà Kiệu. Ví như cặp tượng tròn Makara phát hiện ở tháp Mắm năm 1934, hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Tượng thể hiện hai Makara nhe răng, hàm trên là chiếc vòi voi ngắn xoắn lại, miệng há rộng, từ trong miệng một đầu rắn đang được nhả ra, mắt lồi; trên đỉnh đầu có sừng cong, họa tiết trang trí hoa văn xoắn, vòng cổ đeo lục lạc…

Trong số những hiện vật tìm thấy tại các cuộc khai quật tháp Dương Long thời gian qua, Makara là chủ đề trang trí thường gặp. Trong đó, có hai tác phẩm kích thước lớn, thể hiện hai đầu Makara bán tròn, ngược chiều nhau. Trên đầu Maraka có mào, tạo nên bởi khối lá lửa trong khung uốn cong, phía sau có bờm, tai to vểnh hình lá nhĩ, mắt tròn to. Cung mắt Maraka cong nhọn, vầng trán nhô ra trước, hướng nhìn nghiêng, miệng mở rộng… Hai tác phẩm này đều có thân rắn uốn ngược lên cao, trên trang trí những chiếc lá nhĩ xiên xòe rộng. Ở Dương Long, còn phát hiện ra các hiện vật thể hiện hình ảnh Makara đang phun rắn Naga, Makara phun dây lá lửa có hình thân rắn uốn lượn bao lấy hình người - chim; cùng nhiều con vật đầu Makara mình người.

 

Makara sinh ra thần Asura (thế kỷ X) phát hiện ở Trà Kiệu (Quảng Nam).

 

Như vậy, đến phong cách Bình Định, hình tượng Makara được tạo tác với một bố cục chặt chẽ, các chi tiết chạm khắc tỉ mỉ. Sự nhấn mạnh của khối trang trí, thể hiện chi tiết, khiến cho các tác phẩm mang vẻ đẹp dữ tợn, họa tiết trang trí chi tiết rậm, nhiều họa tiết đan xen. Đây là hiện tượng giao lưu văn hóa đa tuyến của phong cách Bình Định, giữa văn hóa Chămpa với Khmer, Chămpa và Đại Việt.

Dù thể hiện dưới phong cách nghệ thuật nào, Makara vẫn là biểu tượng cho khát vọng về môi trường mưa thuận gió hòa, để con người được làm ăn sinh sống, các loài thú được sinh sôi nảy nở.

  • Hồ Thùy Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
NSƯT Hoài Huệ và những ký ức về vai Quang Trung  (09/03/2008)
Bên gốc mai xuân, ngẫm về “Lão mai quyền”  (09/03/2008)
Khi cả gia đình cùng trăn trở với bóng đá  (09/03/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (09/03/2008)
Phấn đấu đưa nền KT-XH của tỉnh phát triển nhanh và bền vững  (31/01/2008)
Vững bước vào xuân mới  (30/01/2008)
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bước đầu đã tạo được niềm tin và phấn khởi trong toàn Đảng bộ  (30/01/2008)
7 ngày đêm chốt giữ đài phát thanh  (30/01/2008)
Khu kinh tế Nhơn Hội mùa xuân này  (30/01/2008)
Cánh cửa đầu tiên đã mở  (30/01/2008)
Một năm nhìn lại  (30/01/2008)
Những tín hiệu vui  (30/01/2008)
Bức tranh nhiều màu sáng  (30/01/2008)
Về Háo Đức, trò chuyện bên những cội mai  (30/01/2008)
Niềm vui mùa vàng  (30/01/2008)