Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 là cơ hội lớn để giới thiệu, quảng bá về Bình Định. Chính vì vậy, trong thời gian diễn ra Festival, tại quảng trường nằm trên đường Nguyễn Tất Thành - TP. Quy Nhơn, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu, thưởng thức vẻ đẹp văn hóa truyền thống Bình Định qua Hội Làng nghề và Ẩm thực, Liên hoan Sinh vật cảnh…
|
Dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số Bình Định sẽ được trình diễn trong Hội Làng nghề.
|
* Đặc sắc Hội Làng nghề và Ẩm thực
Hội Làng nghề Truyền thống (từ 29.7 đến 3.8) do Sở Công nghiệp và Liên minh các Hợp tác xã Bình Định phối hợp tổ chức, với nhiều hoạt động phong phú và đặc sắc, hứa hẹn sẽ tạo được “sức hút” trong Festival Tây Sơn - Bình Định 2008. Hội Làng nghề sẽ trưng bày giới thiệu và bán hàng lưu niệm sản phẩm của các làng nghề truyền thống nổi tiếng trong tỉnh gồm: hàng lương thực thực phẩm với các đặc sản như rượu Bàu Đá, bún Song thằn, nem chả Chợ Huyện, bánh tráng nước dừa…; hàng gia dụng với các sản phẩm rèn, đúc đồng, sản phẩm từ cói và xơ dừa, gạch ngói…; hàng thủ công mỹ nghệ với các sản phẩm nón, tượng đá, thổ cẩm, gỗ mỹ nghệ, sản phẩm từ mây, tre, lá… Đặc biệt, “điểm nhấn” của Hội Làng nghề sẽ là việc trình diễn sản xuất của một số làng nghề thủ công truyền thống và khách tham quan có thể tham gia vào quá trình này như nấu rượu Bầu Đá, chằm nón, dệt vải thổ cẩm, khảm xà cừ, tiện gỗ mỹ nghệ, chế tác đá mỹ nghệ, sản xuất các loại bánh truyền thống, dệt lưới trủ… Bên cạnh đó, trong ngày hội, sẽ còn trình diễn một số hoạt động văn hóa làng nghề như sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Bana (diễn tấu cồng chiêng, uống rượu cần…); trình diễn lễ cúng tổ nghề rèn; lễ cầu ngư; giao lưu văn hóa văn nghệ…
Ngoài ra, trong Hội Làng nghề, còn tổ chức một khu xúc tiến thương mại, với khoảng 200 gian hàng tiêu chuẩn của các doanh nghiệp, các hiệp hội làng nghề trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công nghiệp Bình Định, cho biết: “Để tăng tính sinh động và hiệu quả trong việc quảng bá các làng nghề truyền thống trong những ngày hội, chúng tôi sẽ giới thiệu về các làng nghề bằng hình ảnh động kèm lời bình qua đĩa VCD, giới thiệu bằng hình ảnh chụp và lời chú thích. Đồng thời, trong dịp Festival, chúng tôi sẽ phát hành một đặc san song ngữ Việt - Anh về các làng nghề truyền thống Bình Định”.
Hội làng nghề còn đậm đà hương vị với chương trình “Ẩm thực Bình Định” do Sở Thương mại Bình Định tổ chức. Du khách sẽ được thưởng thức các món ăn đặc sản truyền thống của Bình Định được chế biến tại chỗ như: chình mun Châu Trúc (Phù Mỹ); chim mía, dé (Tây Sơn); bún cá, bánh hỏi lòng heo (Quy Nhơn); các món thịt gà, bồ câu (An Nhơn); bún tôm Bình Dương (Phù Mỹ); bánh tai vạc, bánh đúc, bánh ít lá gai (Hoài Nhơn)... Ngoài ra, đặc sản của một số tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng sẽ được các tỉnh này đem đến giới thiệu trong chương trình như cơm hến, cơm niêu, bún bò (Thừa Thiên Huế); mì Quảng, cao lầu, cơm gà, bê thui (Quảng Nam); gỏi lá (Kon Tum), don (Quảng Ngãi), sò huyết Ô Loan, ghẹ đầm Cù Mông, cá ngừ đại dương (Phú Yên)… Chương trình ẩm thực còn thêm phần hấp dẫn với “Hội bia Quy Nhơn”, do Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Quy Nhơn tổ chức.
* Hoành tráng Liên hoan Sinh vật cảnh
Ông Nguyễn Duy Quý, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Bình Định, cho biết: “Liên hoan Sinh vật cảnh lần thứ 5 (diễn ra từ 27.7 đến 3.8) là hoạt động trong khuôn khổ Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, nên sẽ được Hội Sinh vật cảnh Bình Định tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Tham gia Liên hoan, dự kiến sẽ có 45 đơn vị; trong đó có 25 đơn vị trong tỉnh và 20 đơn vị ngoài tỉnh là Hội Sinh vật cảnh của các tỉnh, thành đến từ nhiều vùng, miền trong cả nước”.
Liên hoan sẽ có nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn như triển lãm, trưng bày, hội thi các sản phẩm sinh vật cảnh tiêu biểu, độc đáo, quý hiếm và có chất lượng cao: cây cảnh nghệ thuật Bonsai (đại, trung và tiểu); cây kiểng cổ; các loại mai trắng, mai vàng, hoa ôn đới, hoa nhiệt đới, phong lan, xương rồng; non bộ, đá mỹ nghệ, đá cảnh nghệ thuật; gỗ lũa, cổ vật, gốm sứ, chậu kiểng các loại; chim - cá cảnh, chọi gà nòi… Ngoài ra, Liên hoan còn tổ chức một hội thảo xung quanh các vấn đề về thị trường tiêu thụ sinh vật cảnh, tạo nguồn nhân lực cho sinh vật cảnh và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất sinh vật cảnh. Hình thức chấm thi trong Liên hoan sẽ là chấm thi chung cho từng gian hàng, chứ không chấm riêng cho các tác phẩm. Gian hàng đoạt giải sẽ là gian hàng đạt tiêu chuẩn cả về hình thức lẫn nội dung, có tác phẩm đa dạng và có chất lượng cao, huy động được sức mạnh tổng hợp, tham gia nhiệt tình và đóng góp tích cực vào thành công chung của Liên hoan.
Ông Nguyễn Duy Quý cho biết thêm: “Qua kinh nghiệm học được sau những lần tham gia Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội Sinh vật cảnh TP. Hồ Chí Minh có tầm cỡ quốc gia và quốc tế, Hội Sinh vật cảnh Bình Định sẽ chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho Liên hoan. Hiện tại, Ban tổ chức đã bắt đầu gởi giấy mời tham dự đến các đơn vị để họ chuẩn bị, cũng như làm việc với đơn vị thi công về thiết kế mặt bằng cổng, rào, dựng gian hàng, điện nước… phục vụ Liên hoan. Đến đầu tháng 7 tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ một phần kinh phí và dành vị trí đẹp nhất trong mặt bằng tổ chức Liên hoan để Doanh nghiệp Thủy Tài (Phù Cát) dựng một ngôi nhà lá mái đúng kiểu Bình Định, nhằm giới thiệu và quảng bá một loại hình kiến trúc truyền thống rất độc đáo của quê hương Bình Định”.
|