|
Binh sĩ Iraq đứng gác tại một trạm kiểm soát ở Baghdad. |
Xét theo tuyên bố của chính quyền Washington, kế hoạch tăng cường thêm 30.000 binh lính Mỹ ở chiến trường Iraq đã thành công, đem lại sự bình ổn cho quốc gia vốn bị xé nát do xung đột bè phái, sắc tộc. Họ khoác lác rằng, đời sống người dân Iraq đang trở lại bình thường. Thế nhưng, sự thật lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Ở Mỹ và châu Âu, cách để họ đánh giá về sự thành công hay thất bại của cuộc chiến Iraq tùy thuộc nhiều vào con số thương vong. Quả đúng là số lượng binh lính Mỹ và thường dân Iraq thiệt mạng trong tháng 1.2008 đã giảm. Nhà Trắng rêu rao rằng Mỹ cuối cùng cũng đang bước đến ngưỡng cửa thành công, nếu không nói là thắng lợi ở Iraq. Thế nhưng, đánh giá xác thực nhất không chỉ nằm ở con số người thương vong, mà quan trọng hơn là nó mang lại cho người dân đất nước này những gì, niềm hạnh phúc hay nỗi thống khổ còn kéo dài chưa kết thúc?
* Mất nhà cửa
Bassim - một tín đồ Sunni đang sống cùng vợ và hai con trong một ngôi nhà riêng ở Jihad, tây nam Baghdad, nơi có đông người Sunni và Shitte cùng sinh sống. Thế nhưng từ khi lực lượng nổi dậy Sunni phá sập ngôi đền linh thiêng dòng Shitte ở Samarra, cuộc chiến xung đột giữa các tín đồ Sunni và Shitte diễn ra ác liệt, ngôi nhà của Bassim đã bị các tay súng Shiite của phong trào Jihad chiếm giữ. Bassim cùng gia đình chạy trốn sang Syria. 3 tháng sau khi anh trở về, anh đau lòng khi nhìn thấy một bức tranh của giáo sĩ dòng Shitte Muqtada al-Sadr treo trước cổng nhà. Anh vội vã bỏ đi trước khi các thành viên Mehdi Army quay trở về. Họ sẽ giết chết anh nếu bắt gặp.
Bassim cùng gia đình chuyển đến nhà phía vợ ở quận al-Khadra có đông người Sunni sinh sống. Anh không dám quay về nhà vì những người bạn Shiite của anh cho biết, các tay súng Mehdi Army đã chiếm nhà anh và họ vu cho anh là một nhân viên cấp cao trong cơ quan tình báo cũ. Họ có giấy phép từ văn phòng của giáo sĩ al-Sadr để tịch thu nhà anh. Hai gia đình người Shitte sau đó chuyển đến nhà anh sinh sống chừng hai tháng. Khi ra đi, họ đã cuỗm theo tất cả mọi đồ đạc trong nhà vốn dĩ là tài sản trước đây của Bassim. Ngôi nhà giờ cửa mở trống hoác nhưng anh chẳng thể vào. Anh đã vĩnh viễn mất đi ngôi nhà yêu dấu của mình. Tài sản đáng giá duy nhất của anh bây giờ chỉ còn là chiếc xe hơi, nó cũng là công cụ làm ăn của anh. Nhưng tài sản quý giá nhất cũng sẽ không giúp anh kiếm tiền trong bao lâu nữa vì tình hình nguy hiểm ngoài đường phố. Cuối cùng anh quyết định bán chiếc xe và số vàng có được để cùng gia đình tìm cách trốn sang Thuỵ Điển, cho dù anh biết đó là con đường bất hợp pháp.
Thế nhưng, số phận đen đủi vẫn cứ mãi đeo bám anh khi chuyến đi Thuỵ Điển bị thất bại, lòng vòng nhiều nước cuối cùng anh cũng phải quay trở lại Baghdad.
Những gì xảy ra với Bassim cũng là hoàn cảnh tương tự đối với hàng triệu người Iraq.
* Nơi nguy hiểm
Cuộc sống ở Iraq khi Bassim quay trở về theo như đánh giá của những người nước ngoài và một số người dân Iraq là đã tốt hơn. Trẻ em Sunni đã có thể tự do chơi bóng ở công viên al-Zahra gần Vùng Xanh, nơi trước đây chúng có thể bị giết nếu đến gần. Tình hình chính trị Iraq gần đây cũng có nhiều thay đổi, dẫn đến số lượng binh sĩ Mỹ và Iraq tử vong giảm nhiều. Nhưng khác với vẻ bên ngoài mà Mỹ và chính phủ Iraq đang cố che đậy, cuộc chiến chống al-Qaeda và Mỹ không lớn mạnh như cuộc chiến tranh giành quyền lực quyết liệt giữa các tín đồ Sunni và Shiite ở Iraq.
Kể từ khi chế độ Saddam Hussein bị sụp đổ năm 2003, cộng đồng người Sunni khoảng 5 triệu người cũng bắt đầu cuộc chiến chống Mỹ và liên minh chính phủ người Shitte-Kurd của Iraq. Nhưng bất ngờ xảy ra vào năm ngoái, khi các nhóm nổi dậy Sunni quay sang bắt tay và trở thành đồng minh với người Mỹ, thành lập ra các phong trào như “al-Sahwa” hoặc “Awakening” (Thức tỉnh), tuyên chiến với al-Qaeda.
Trong khi Tư lệnh Mỹ tại Iraq David Petraeus và Đại sứ Mỹ Ryan Crocker tự hào gọi đây là chiến thắng của họ, Nhà Trắng và các nghị sĩ đảng Cộng Hòa nghi ngờ chẳng qua đây chỉ là một bước ngoặt của cuộc chiến. Có rất nhiều lý do khiến những tổ chức du kích Sunni, chẳng hạn như “Lữ đoàn kháng chiến 1920” và “Quân đội Hồi giáo”, xích lại gần Mỹ. Ở tỉnh Anbar, phía tây Baghdad, các bộ tộc người Sunni kịch liệt phản đối những nỗ lực của al-Qaeda nhằm thành lập một nhà nước theo kiểu Taliban ở đây. Họ cũng nhận thấy rằng, mặc dù cuộc chiến tranh du kích chống Mỹ của họ có hiệu quả, song họ có thể bị đánh bại bởi chính phủ Iraq do liên minh người Shitte-Kurd cầm quyền. Nguồn thu nhập duy nhất là dầu mỏ và tiền trợ cấp nhờ làm việc trong chính phủ giờ đều do liên minh người Shitte-Kurd kiểm soát. Vì thế, cách duy nhất để bảo vệ họ thoát khỏi sự khống chế của người Shiite là liên minh với Mỹ, nếu không họ có thể đối mặt với nguy cơ thất bại.
Chiến dịch tăng cường 30.000 quân của Mỹ nhằm thực hiện kế hoạch an ninh mới ở Baghdad, giúp thủ đô này an toàn hơn. Thực tế, họ đang đóng băng vùng đất người Shiite giành quyền kiểm soát từ năm 2006. Thành phố bị chia cắt thành nhiều vùng đất cô lập, ngăn cách với bên ngoài bằng những bức tường và chỉ có một lối ra vào duy nhất. Các khu vực trước đây là nơi ở chung của những tín đồ Sunni, Shiite giờ vẫn không được trao trả lại cho “chủ nhân cũ”.
Zanab Jafar, một công dân sống ở phía tây Baghdad cho biết, mọi người cho rằng mọi thứ giờ đã tốt hơn trước đây, nhưng những gì họ đang có được lúc này chỉ là tốt hơn so với cuộc chiến đẫm máu năm 2006, tình hình vẫn rất tồi tệ. Baghdad vẫn còn hiện diện là một thành phố chiến tranh. Các điểm kiểm soát mọc lên ở khắp nơi. Bạn rất khó gặp các trẻ em nữ đi trên đường phố hay vào các nhà hàng vì lo sợ bị bắt cóc. Các cửa hàng mới mọc ra nhưng cũng chỉ để phục vụ cho những khu dân cư lân cận vì những người ở xa rất ngại ra khỏi nhà để đi mua sắm.
Nói Baghdad an toàn hơn nhưng thật sự nó là nơi nguy hiểm nhất. Cứ sáng nào cảnh sát cũng tuyên bố phát hiện các thi thể người chết bị giết trong đêm tại khu vực thủ đô. Có lúc 3-4 người, nhưng có lúc lên đến 50-60 người, đó là chưa kể số lượng người chết thật sự luôn cao gấp hai lần con số chính phủ thừa nhận.
* Nguy cơ tiềm ẩn
Đó chính là sự xuất hiện một thành phần mới, khoảng 80.000 thanh niên tín đồ Sunni có vũ trang đang lớn mạnh dần nhờ các phong trào Awakening hay al-Sahwa ở Iraq, được Mỹ chu cấp. Dù chưa có đủ khả năng để gây dựng lại quyền lực như trước đây, nhưng họ có thể khiến tình hình Iraq phân hóa sâu sắc. Các nhà lãnh đạo Awakening “nhờ có chỗ dựa” mà công khai bày tỏ sự tức giận và coi thường của họ đối với chính phủ Iraq.
Trong một phát biểu gần đây, Tổng thống Bush tuyên bố, 80.000 thành viên của phong trào Awakening, còn được gọi là “các công dân địa phương được quan tâm”, cứ như họ là lực lượng chính cầm súng chống “khủng bố”. Thế nhưng, các thành viên Awakening của ngày hôm nay chính là những “tay khủng bố” của ngày hôm qua.
Thậm chí cảnh sát trưởng thành phố Fallujah, đại tá Feisal, anh trai của Abu Marouf - một thủ lĩnh của phong trào Awakening - tiết lộ rằng, cho đến khi ông được bổ nhiệm vào vị trí hiện nay (từ tháng 12.2006), ông vẫn đang “đấu tranh chống lại người Mỹ”. Còn Abu Marouf đe dọa sẽ quay lại chiến đấu hoặc để cho al-Qaeda quay trở lại nếu 13.000 binh sĩ của phong trào Awakening không nhận được các công việc lâu dài trong lực lượng an ninh Iraq. Thế nhưng, chính phủ Iraq lại không muốn điều này xảy ra vì như vậy sẽ cho phép các tín đồ Sunni và những người ủng hộ chế độ Saddam Hussein có cơ hội quay lại nắm giữ quyền lực trong chính phủ.
Một điều nghịch lý là trong khi Mỹ bắt giữ hàng trăm nghi phạm bị tình nghi có quan hệ với al-Qaeda ở Afghanistan và một số nơi khác, thì ở Iraq, nhiều thành viên của phong trào Awakening trước kia (cũng có một số hiện vẫn còn là thành viên của al-Qaeda) lại được quân đội Mỹ hỗ trợ.
Trong vài tuần tới, chúng ta sẽ được chứng kiến các ngày lễ kỷ niệm 5 năm ngày quân đội Mỹ và Anh xâm chiếm Iraq (19.3.2003) và ngày chế độ Saddam Hussein bị lật đổ (9.4.2003). Sẽ có nhiều bài bình luận của báo chí phương Tây về sự thành công hay thất bại của chiến dịch tăng quân và cuộc chiến của Mỹ ở đây. Thế nhưng, với hàng triệu người Iraq như Bassim, chiến tranh đã cướp mất đi của họ những thứ vốn quý nhất như nhà cửa, việc làm và đôi khi cả mạng sống của họ. Nó không mang lại cho họ thứ gì ngoài sự nghèo khổ và hủy hoại những hy vọng hạnh phúc của họ. Nói cách khác, chiến tranh đã phá hủy Iraq.
(Theo The Independent) |