Eveline
8:29', 9/3/ 2008 (GMT+7)

* Truyện ngắn của James Joyce

Cô ngồi bên cửa sổ lặng lẽ dõi mắt nhìn bóng chiều xâm lấn đại lộ. Đầu tựa nghiêng nghiêng và thoảng nghe hơi bụi từ tấm rèm vải phảng phất hòa trong gió. Cô mệt nhoài.  

Dăm người lại qua. Gã đàn ông bên ngoài ngôi nhà xa cuối ấy cũng thả bộ vào nhà; cô nghe rõ tiếng bước chân của gã gõ lách cách đều đặn trên vỉa hè và sau dần vọng lại những thanh âm lạo xạo vô cùng khó chịu, cứ như ong chích vào tai, cái thứ tiếng lắc rắc kin kít được tạo ra bởi gót giày của gã đang cày từng bước trên lối mòn đầy tro than trước ngôi nhà màu đỏ mới. Khu ấy, một thời, từng dùng làm sân chơi của mọi người. Vào các buổi chiều, người lớn và trẻ con mặc sức vui đùa. Thế rồi một gã đến từ Belfast đã mua khoảnh đất và xây lên một khu nhà khang trang. Bọn trẻ con ở khu đại lộ thường chơi cùng nhau ở khoảnh đất ấy - anh em nhà Devines, nhà Waters, nhà Dunns, nhỏ Keogh chân thọt, cô và các anh chị em cô. Hẳn nhiên, Ernest không bao giờ chơi cùng bọn chúng, đơn giản vì anh ấy lớn rồi. Bố cô ngày ấy thường đuổi cả bọn chạy té khói bằng chiếc gậy được làm từ cây mận gai. Thường thì nhỏ Keogh không tham gia cuộc chơi, cậu ta giữ vai trò cảnh giới và hét toáng lên báo động mỗi khi thấy ông đến. Dù vậy, hồi đó bọn trẻ dường như khoái chí lắm. Chúng vừa thở hồng hộc vừa cười sặc sụa. Với lại, hồi đó bố cô chưa đến nỗi nào và mẹ cô vẫn còn sống. Khoảng thời gian tươi đẹp ấy vội qua đi. Tất cả đã là quá khứ, giờ cái còn lại chỉ là hoài niệm trong ký ức nhỏ bé của cô. Cô và các anh chị em của cô đều đã trưởng thành; mẹ cô qua đời. Tizzie Dunn cũng mất, và gia đình nhà Waters về lại nước Anh. Mọi thứ đổi thay. Như cuộc sống vốn dĩ vẫn vậy. Giờ cô sẽ ra đi như họ, sẽ rời xa gia đình.  

Gia đình! Cô đảo mắt nhìn quanh căn phòng, ôn lại tất cả những kỷ vật thân thương mà đã nhiều năm rồi không tuần nào cô không lau bụi một lần cho chúng, mà bâng khuâng thầm hỏi bụi đến từ đâu trên khắp thế gian này. Có lẽ sẽ không còn cơ hội nữa đâu để cô được chăm sóc chúng, cũng không còn nữa đâu những phút giây một mình thủ thỉ trao gởi vào chúng tâm sự đủ điều…

Cô đã thuận tình bỏ nhà ra đi. Điều đó có sáng suốt không? Vấn đề ấy cứ ám lấy cô, quẩn quanh không dứt. Cô đắn đo cân nhắc từng chút từng chút một. Ở nhà dù sao đi nữa cô cũng còn có nơi ăn chốn ởû; bên cạnh cô là những người thân thuộc hay ít ra cũng là những người cô đã biết rõ. Dĩ nhiên là cô phải làm lụng cật lực cả việc nhà lẫn việc bán buôn. Người ta sẽ nghĩ gì, sẽ nói gì về cô ở các cửa hàng khi họ biết rằng cô đã bỏ nhà theo trai? Nói rằng cô ngốc nghếch ư, có lẽ vậy; có lẽ họ sẽ bảo rằng hay ho gì cái xứ ấy, nó bỏ đây đi, để rồi xem, xứ ấy sẽ chỉ toàn là những phù hoa giả dối…

Trong gia đình mới của cô, ở một đất nước xa lạ, cuộc sống ắt sẽ không như vậy đâu. Rồi cô sẽ lập gia đình. Rồi người ta sẽ kính trọng cô. Cô sẽ không bị đối xử như mẹ của cô đã từng. Ở đây, dù chỉ mới hơn mười chín tuổi, nhưng lắm lúc cô đã có cảm giác tính mạng của mình như chỉ mành treo chuông, nơm nớp lo sợ một mối hiểm họa có thể giáng xuống đầu cô bất kỳ lúc nào. Đó là ông bố của cô, một ông bố quen sống bằng bạo lực. Cô biết phải như thế thôi, phải đi thôi. Lạ thay điều đó lại khiến trống ngực cô đập rộn lên. Từ nhỏ tới lớn, bố chưa bao giờ đánh cô, theo cái cách ông ấy dạy dỗ Harry và Ernest, bởi suy cho cùng cô là con gái; nhưng rồi ông đã hăm là sẽ nện cho cô một trận nên thân như với mẹ cô ngày ấy. Sự ra đi của mẹ đã để lại nỗi ám ảnh ghê gớm trong tâm trí cô. Và bây giờ không còn ai bảo vệ cô nữa. Ernest đã chết và Harry phụ việc bán buôn thu nhập cho nhà thờ giờ lưu lạc chốn nào không rõ. Thêm vào đó, cứ như là thông lệ đã thành, tối thứ bảy nào cô cũng bị tra tấn bởi những cuộc cãi vã không đâu vào đâu về chuyện tiền nong... Cô đã phải làm việc vất vả để đảm bảo cuộc sống cho gia đình và lo cho hai đứa nhỏ ăn học. Đó là một công việc đầy cam go - một cuộc sống quá ư cơ cực. Nhưng chẳng còn bao lâu nữa, cô sẽ ra đi, sẽ trút bỏ cái gánh nặng mà mẹ cô đã đặt lên đôi vai bé nhỏ của cô.

Cô sẽ tạo lập cho mình một cuộc sống mới với Frank. Frank là chàng trai biết quan tâm đến người khác, đầy nam tính và có một tấm lòng rộng mở. Cô sẽ trốn đi với anh trên một chuyến tàu đêm, sẽ làm vợ anh và hai người sẽ chung sống với nhau ở Buenos Ayres. Cô nhớ như in lần đầu tiên gặp anh; anh trọ tại một ngôi nhà nằm trên trục đường chính, hằng ngày cô thường qua lại. Dường như chỉ mới được vài tuần. Ngày ấy anh đứng ngay cổng ra vào, mũ lưỡi trai kéo chệch về sau và mái tóc lòa xòa phủ xuống khuôn mặt sạm màu nắng gió. Hai người đã đến với nhau. Anh thường gặp cô bên ngoài cửa hàng vào mỗi buổi chiều và đưa cô về nhà. Anh đưa cô đi xem The Bohemian Girl (*) và cô cảm thấy hứng khởi vô cùng khi được ngồi cùng anh trong một góc lều di động. Anh đam mê âm nhạc một cách cuồng nhiệt và ngân nga hát ít nhiều. Ai tinh ý thì đều biết rằng hai người đang thả bước vào yêu và khi anh hát về chuyện tình chàng thủy thủ, thì lòng cô dậy lên bao cảm giác xuyến xao. Anh thường gọi cô là cô bé hững hờ (2*). Ban đầu chỉ cảm thấy hay hay, cái cảm giác có người để ý mình, nhưng rồi dần dà cô bắt đầu có cảm tình với anh. Anh thường kể cô nghe về những miền đất xa xôi mà anh đã từng đặt chân đến. Anh kể cho cô tên những con tàu anh từng làm việc với những dịch vụ khác nhau. Dĩ nhiên, bố cô đã sớm phát hiện ra chuyện của hai người và cấm tiệt cô không được có bất cứ quan hệ nào với anh.

“Tao còn lạ gì mấy thằng thủy thủ ấy”, ông nói.

Vào một ngày, ông đã choảng nhau với Frank, và kể từ đó cô phải gặp người yêu một cách bí mật.

Bóng chiều lấn sâu lòng đại lộ. Màu trắng hai bức thư trên vạt áo cô cứ nhòe dần nhòe dần. Một cho Harry; một để lại cho bố. Cô rất yêu thương và ngưỡng mộ anh Ernest và cũng thương anh Harry. Bố cô đã già và rồi đây ông sẽ buồn, sẽ nhớ cô. Không phải lúc nào ông cũng tệ, nhiều khi ông rất tốt với mọi người.

Thời gian hối hả trôi qua thềm. Bên cửa sổ cô vẫn ngồi lặng yên, đầu nghiêng tựa vào bức rèm và thoảng nghe mùi bụi bay bay. Xa xa về phía đại lộ, cô nghe tiếng đàn organ đường phố ai chơi, cung đàn lạc biến giai âm gợi lại trong tâm trí cô lời hứa chưa tròn với mẹ khi nào. Cô đã hứa là sẽ thay mẹ chăm sóc cho gia đình một cách tốt nhất với khả năng của mình. Cô nhớ cái đêm mẹ cô vật vã trên giường bệnh; nép mình trong phòng, không gian ngập chìm trong bóng tối, vẳng nghe khúc nhạc Italia u sầu xa đưa vọng lại. Người nhạc công organ đường phố ấy nhận lấy 6 penny tiền boa và lặng lẽ rời đi. Cô mường tượng nhớ lại dáng hình khệnh khạng của bố cô lúc trở lại phòng bệnh với lời thóa mạ:

“Quỷ tha ma bắt mấy thằng Ý chết tiệt! Cứ vởn lởn như âm hồn bất tán!”

Khi cô trầm ngâm nghĩ ngợi về cuộc đời khổ đau của mẹ thì như thể có một ma lực ẩn ngầm đâu đó nhanh chóng ám lấy đời cô. Cô vắt nát tâm tư cố hiểu sự hi sinh của mẹ - sự hi sinh đến uổng phí cả một kiếp người để rồi khép lại đời mình trong sự xót thương của cô và sự rẻ khinh của mọi người. Cô run lên khi nghe lời nói thều thào của mẹ triền miên không dứt:

“Derevaun Seraun! Derevaun Seraun!” (3*)

Bất giác cô cảm thấy lạnh cả người. Phải thoát ra! Cô phải thoát khỏi vận số  khủng khiếp đang vận vào cô. Frank sẽ bảo vệ cô. Anh sẽ cho cô một cuộc sống, cũng có lẽ cả một tình yêu. Cô muốn được sống, khao khát được sống như một con người.

Cô đứng giữa dòng người xao động trong xa cảng tại North Wall. Anh cầm chặt tay cô và cô ý thức được rằng anh đang nói với cô, nói chuyện gì đó về chuyến đi. Cô không trả lời. Cô cảm thấy hai má tái đi, lạnh và lòng cô rất rối bời. Cô thầm cầu đức Chúa, xin người chỉ cho cô biết cô phải làm gì bây giờ. Nếu đi, ngày mai cô sẽ lênh đênh trên biển cùng với Frank, xuôi về Buenos Avres. Chuyến đi này đã được lên kế hoạch từ trước. Cô có thể nào quay lại sau tất cả những gì đã làm chăng? Cơn đau dậy lên một cảm giác buồn nôn trong cô và cô khẩn thiết nguyện cầu một cách lặng thầm. Điểm trở về còn lại duy nhất cho tâm hồn cô lúc này có lẽ cũng đang mơ hồ theo màn sương giăng kín. Đời cô...

Hồi chuông rúc lên nhói vào tim cô. Cô cảm giác Frank kéo mạnh tay cô:

“Đi!”

Biển cả trên thế gian này đã đổ nhào trong tim cô. Anh đang kéo cô về với biển. Anh sẽ dìm chết cô mất.

“Đi!”

“Không! Không! Không! Em không thể”. Hai tay cô bíu lấy thanh sắt một cách điên cuồng. Cô thét lớn, như muốn trút tất cả nỗi thống khổ vào lòng đại dương.

“Eveline! Evvy!”

Anh đẩy thanh parrier và kêu cô theo sau. Lính canh lớn tiếng cản anh, nhưng anh vẫn tiếp tục sấn tới. Vừa đi vừa gọi cô. Mặt cô tái nhợt hướng về anh, bất động, như thể không còn một chút sức lực nào. Mắt cô thất thần nhìn anh, không một dấu hiệu yêu thương, hay bất kỳ biểu hiện chia tay nào cả. Không gì hết trong ánh mắt ấy. Giữa biển sương mù.

(1914)

  • Hữu Tình (dịch)

(*) Ở phương Tây, nghệ sĩ hát rong (thường là nữ) với cỗ xe ngựa có mui lang bạt khắp nơi. Họ dựng lều và đàn hát bất kỳ nơi nào họ qua.

(2*) “Poppens out of fun”

(3*) “The end of pleasure is pain” (nguyên tác): Tàn cuộc vui nỗi đau đọng lại.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chống nguy cơ học sinh bỏ học  (09/03/2008)
Mỹ có thật sự mang lại ổn định cho Baghdad ?  (09/03/2008)
Phô diễn vẻ đẹp làng nghề truyền thống  (09/03/2008)
Makara trong điêu khắc Chămpa  (09/03/2008)
NSƯT Hoài Huệ và những ký ức về vai Quang Trung  (09/03/2008)
Bên gốc mai xuân, ngẫm về “Lão mai quyền”  (09/03/2008)
Khi cả gia đình cùng trăn trở với bóng đá  (09/03/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (09/03/2008)
Phấn đấu đưa nền KT-XH của tỉnh phát triển nhanh và bền vững  (31/01/2008)
Vững bước vào xuân mới  (30/01/2008)
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bước đầu đã tạo được niềm tin và phấn khởi trong toàn Đảng bộ  (30/01/2008)
7 ngày đêm chốt giữ đài phát thanh  (30/01/2008)
Khu kinh tế Nhơn Hội mùa xuân này  (30/01/2008)
Cánh cửa đầu tiên đã mở  (30/01/2008)
Một năm nhìn lại  (30/01/2008)