“Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Đối với thời nay, câu nói ấy thật vừa cổ, vừa kim. Nó cổ, vì nó là câu tục ngữ đã xa xưa lắm; và nó kim vì nó đang cần cho xã hội ngày nay khi người ta đang cố tìm một phương thuốc chữa căn bệnh “bạc tình” trong các gia đình và ngoài xã hội.
|
Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền
|
“Tết” ở đây nên được hiểu là những công việc mà con cái và học trò dành cho cha mẹ và thầy đồ trong dịp đầu năm mới để tỏ lòng hiếu kính và biết ơn. Những công việc đó, thông thường gồm có: mừng tuổi, chúc Tết, tặng quà…
“Mừng tuổi” là chúc mừng sự tăng thêm tuổi thọ. Vì cha mẹ còn sống thì con cái còn được nhờ, trái lại là điều bất hạnh: “Mẹ già như chuối chín cây / Gió đưa mẹ rụng còn rày mồ côi”, “Còn cha gót đỏ như son / Một mai cha chết, gót con đen sì” (Ca dao)… Thầy học và lớp người tiền bối còn mạnh khỏe, thì đó là những cây đại thụ, những cây cao bóng cả che bóng mát cho đàn hậu thế quây quần.
Con cái luôn có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ già. Quà tặng cha mẹ nhân ngày Tết (kèm theo lời chúc tụng, ly rượu mừng Xuân) là phong bao lì xì cho các cụ mừng, vì tâm lý người già cũng hồn nhiên, như người ta vẫn nói: “Già trẻ bằng nhau”. Con cái phải biết rằng không có quà tặng nào làm cho các cụ mừng bằng sự đoàn viên, sum họp gia đình trong ba ngày Tết. Ba ngày Tết mà con cái ở một nơi, cha mẹ một nơi, chỉ làm cho các cụ buồn, thương tủi sự cô đơn của mình. Chỉ trừ thời chiến tranh, con ở chiến trường xa, mẹ ở quê nhà, mẹ lấy buồn làm vui mà chờ đợi ngày thắng trận con về. Hồi xưa, thầy đồ không ăn lương của quan trên cấp mà cũng không nhận học phí từ phụ huynh học sinh (PHHS). Quanh năm, áo vạt hò guốc mộc, cơm canh trà rượu của thầy đồ, một mình bà đồ “chân nam đá chân chiêu” lo lấy. Nay Tết đến, học trò góp phần lo cùng bà đồ. Học trò, ai có món gì mang đi biếu thầy đồ món đó, gọi là “đi Tết thầy”. Đi Tết thầy, thường thì cân nếp, gói trà, chai rượu… Lớp học của thầy đồ chừng dăm bảy đứa học trò mặt mày khôi ngô tuấn tú ở trong làng, cho nên lễ vật “đi Tết” cũng không lấy đâu cho nhiều. Tết của thầy đồ vẫn là Tết đạm bạc. Điều mà thầy đồ mừng nhất là được nhìn thấy học trò thêm khôn lớn, học với thầy mở mang trí tuệ, được nghe học trò thưa với thầy lời hứa “nấu sử sôi kinh” nhân đầu năm mới.
Trong ba ngày Tết, ngày mồng một dành cho cha, mồng hai dành cho mẹ, vì theo quan niệm xưa, cha sinh mẹ dưỡng, cả hai đều là “đức Cù lao”, mà cha là chủ gia đình, mẹ là người nội trợ, nội tướng. Mồng ba dành cho thầy, vì cha mẹ vẫn khuyên con: “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy / Gắng công học tập cho tày người ta / Học thời như gấm thêu hoa / Mai sau hiển đạt ấy là con ngoan” (Ca dao). Tổ tiên “lên lịch” dành 3 ngày trọng đại nhất trong năm cho cha mẹ và thầy là có ý răn dạy ta rằng đạo lớn nhất là đạo hiếu thảo, đừng có thói vô ơn, bạc nghĩa đối với các bậc sinh thành, dưỡng dục và đào tạo giáo dục ta; không có công ơn ấy không ai sinh ra ta, nuôi ta khôn lớn, dạy ta thành người tài ba, người hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Nay nhìn vào xung quanh ta, nhiều cụ ông, cụ bà sống sức tàn, hơi tận trong cảnh neo đơn, vì con cái đi làm ăn xa, lập gia đình riêng, bận việc kiếm sống hoặc bận việc làm giàu, không còn thời gian đâu nghĩ tưởng nhiều đến cha mẹ. Thậm chí có đứa không có lòng hiếu thảo! Ngày nay trong nhà trường, có ngày Nhà giáo Việt Nam, 20.11, để PHHS và học sinh đi chúc mừng thầy - cô giáo (nhiều PHHS chúc mừng rất kỹ và cũng tặng quà rất kỹ các thầy - cô). Nhưng đó vẫn là hình thức, chưa kể những trường hợp tiêu cực, nó không vui, không ấn tượng bằng hình thức “đi Tết thầy” của hồi xưa. Hồi xưa, cắp sách đến trường làng, rồi trường tổng, trường huyện, học sinh chúng tôi đối với thầy bao giờ cũng giữ thái độ “kính nhi viễn chi” (kính mà không dám gần), tìm thấy ở thầy bao điều mô phạm, “khuôn vàng thước ngọc” cho mình noi theo.
Ngày nay, tết cha, tết mẹ, tết thầy người ta quên, hỏi câu này nhiều người không biết hoặc chưa nghe nói bao giờ; nhưng tết quan trên, tết “sếp” thì cấp dưới nào, nhân viên nào cũng biết, cũng thực hành, người nọ cố làm tốt hơn người kia để tranh nhau lấy lòng cấp trên, lấy lòng “sếp”. Từ giữa tháng Chạp trở về gần Tết, ngoài đường phố, quà Tết cho quan chạy giáo lộn, người đi Tết quan đông như mắc cửi. Người ta đi tết quan trên bằng quà đậm (tỷ như chậu mai cao giá, hộp quà “vuông tròn” nho nhỏ xinh xinh, phong bao nặng…) chứ không phải giạ nếp hương, gói trà Tầu, con gà trống thiến… như hồi xưa đâu! Tình hình diễn ra đến nhức nhối, khiến Chính phủ phải ra lệnh cấm, nhưng chưa phải tệ nạn đã hết. Ôi cái tốt không còn nữa, cái không lành mạnh, tiêu cực thì trở thành một căn bệnh xã hội, lây nhanh. Giá mà từ Tết Mậu Tý này, người ta bỏ hẳn tết quan trên, rộ lên “mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” thì chắc là Tết sẽ vui lắm, vì nó thực hiện Tết tiết kiệm, lại đậm đà tình người (thuyên giảm căn bệnh bạc tình), làm sống lại một nét văn hóa truyền thống Việt Nam trong mấy ngày Tết cổ truyền.
|