Làng “nối” hai tỉnh
9:14', 9/3/ 2008 (GMT+7)

* Ghi chép của Ngọc Tú

Từ rất lâu, người dân thôn Trường Xuân Đông (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) và người dân thôn Vĩnh Tuy (xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đã xem nhau như ruột thịt. Chuyện về hai thôn thuộc hai tỉnh, nhưng lại rất gần nhau, cả về tập quán, lẫn chuyện làm ăn…

 

Ngọn núi nằm giữa hai thôn khác tỉnh. Ảnh: N.T

 

* Thâm tình xa xưa

Hai thôn thuộc hai tỉnh nhưng chỉ cách một ngọn núi cao chừng 15 mét. Tình thâm của người dân hai thôn đã có từ rất lâu và càng trở nên bền chặt hơn trong thời kỳ kháng chiến. Ông Nguyễn Khuất Nguyên, Trưởng ban MTTQ Việt Nam thôn Trường Xuân Đông, nhớ lại: Ngày đó, từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, địch chia là một vùng chiến thuật, từ Bình Định vào Nha Trang là một vùng khác. Để tránh các đợt bố ráp, các chiến sĩ cách mạng Bình Định thường vượt núi sang Vĩnh Tuy lẩn trốn. Ngược lại, các chiến sĩ cách mạng Quảng Ngãi cũng nhiều lần trốn sang thôn Trường Xuân (khi đó chưa tách thôn Trường Xuân ra thành Trường Xuân Đông - Trường Xuân Tây). Ông Nguyên kể: “Hồi đó ở Vĩnh Tuy, dân cư, nhà cửa ít lắm, đâu đâu cũng chỉ toàn cát và dừa. Tụi tui lẩn trốn dưới những đám dừa và được người dân ở đó cưu mang. Họ tiếp tế lương thực, chăm sóc những người bị thương. Chờ khi tình hình bên này lắng xuống, tụi tui lại chạy sang để tiếp tục chiến đấu. Lần hồi địch cũng biết được điều này, nhưng vì khác vùng chiến lược, vượt quá thẩm quyền nên chúng không dám truy quét. Tình cảm giữa hai thôn do vậy ngày càng trở nên khắng khít”.

Thôn Trường Xuân Đông có 326 hộ (1.570 nhân khẩu), thôn Vĩnh Tuy đông hơn, có 420 hộ (trên 2.000 nhân khẩu). Hai thôn, tuy khác tỉnh, nhưng phong tục, tập quán rất giống nhau. Về giọng nói, người Vĩnh Tuy không nặng như người Quảng Ngãi, mà lại gần giống như người Trường Xuân Đông. Người dân sống trong hai thôn vẫn qua lại thăm nom nhau thường xuyên, đa số đều biết mặt nhau.

 

Đường băng núi bằng đất ở địa phận thôn Vĩnh Tuy. Ảnh: N.T

 

* Nồng ấm nghĩa tình

Ông Nguyễn Tấn Lực, Trưởng thôn Trường Xuân Đông, cho biết: phía ngoại của ông đều ở Vĩnh Tuy cả. Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng theo suy đoán của ông Lực, có trên 50% cặp vợ chồng đang sống ở Trường Xuân Đông là những người khác tỉnh. Bên này phía nội, bên kia phía ngoại và ngược lại. Dòng tộc được nối liền, tình cảm cứ thế ngày càng trở nên khắng khít. Với người dân đã thế, chính quyền hai thôn cũng vậy. Vào các dịp lễ, Tết, chính quyền, đoàn thể của hai xã, hai thôn vẫn thường qua lại giao lưu. Những lúc thôn này có biến cố gì lớn, bên kia lập tức vận động người dân cứu giúp, hay tổ chức quyên góp để ủng hộ; đồng thời, cử người sang thăm, chia sẻ rất ân cần.

Còn về chuyện làm ăn, do không có bến đậu, nên toàn bộ tàu thuyền ở Vĩnh Tuy phải neo nhờ ở Trường Xuân Đông. Chi phí bến bãi, người dân hai bên trả ngang bằng nhau. Hai thôn xây chung một lăng Ông, thành lập một Ban quản lý lăng (bên này ba người, bên kia ba người). Hằng năm, họ cùng tổ chức cúng lăng. Thi thoảng vào mùa cá, mực… hai thôn phối hợp trong đánh bắt. Vì thế, dân chài ở các nơi khác, mỗi khi nhắc đến tàu, thuyền của hai thôn này, thường gọi vui “tàu, thuyền Tam Quan - Quảng Ngãi” hay “Quảng Ngãi- Tam Quan”.

Chuyện trẻ em đi học ở trường… “liên tỉnh” cũng là chuyện thường ngày. Một số học sinh ở Vĩnh Tuy, lên cấp II hay III, vẫn xin chuyển vào học các trường ở Tam Quan Bắc vì gần nhà. Chỉ tay vào trường mẫu giáo bên cạnh, ông Lực nói: “Khoảng 40% trong số các em này là học sinh ngoại tỉnh đấy. Sáng sáng, cha mẹ đưa các em từ Vĩnh Tuy sang đây, rồi đi chợ hay đi công việc; đến trưa hay chiều, lại đến đón các em về Vĩnh Tuy. Một số em có người thân ở đây thì về nhà bà con tắm rửa, ăn uống, chờ cha mẹ đến”.

 

Và con đường đã được đổ bê tông ở thôn Trường Xuân Đông. Ảnh: N.T

 

* Hai thôn chung một con đường

Người Vĩnh Tuy muốn đến chợ Sa Huỳnh, phải đi gần 20km. Trong khi đó, nếu đến chợ Tam Quan Bắc, họ chỉ mất chưa đầy 20 phút. Vì thế, cách đây hai năm, khi một tổ chức nhân đạo của Úc đề nghị viện trợ xây đường cho Vĩnh Tuy, họ đã yêu cầu làm con đường băng núi đến Trường Xuân Đông, thay vì đến Sa Huỳnh.

UBND xã Tam Quan Bắc cũng chung tay giúp sức bằng cách xúc tiến việc giải phóng mặt bằng bên phần đất của mình. Nhờ vậy, đến nay, người dân hai thôn đã có thể qua lại dễ dàng nhờ một con đường rộng 5m, dài gần 900m; trong đó, khoảng 400m thuộc địa phận Vĩnh Tuy, 500m còn lại thuộc địa phận thôn Trường Xuân Đông. Tháng 12.2007, UBND xã Tam Quan Bắc đã cho đổ bê tông phần đường bên này. Nhờ vậy, ông Lực cho biết, tối nào, thanh niên Vĩnh Tuy cũng qua Trường Xuân Đông chơi, đến tận khuya mới về. Vào dịp lễ, Tết, thanh niên Trường Xuân Đông lại rủ nhau sang Vĩnh Tuy để du xuân.

  • N.T
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chị và em và... người tình  (09/03/2008)
Mồng một tết cha…  (09/03/2008)
Thơ  (09/03/2008)
Eveline  (09/03/2008)
Chống nguy cơ học sinh bỏ học  (09/03/2008)
Một hành vi phải nghiêm trị  (09/03/2008)
Mỹ có thật sự mang lại ổn định cho Baghdad ?  (09/03/2008)
Phô diễn vẻ đẹp làng nghề truyền thống  (09/03/2008)
Makara trong điêu khắc Chămpa  (09/03/2008)
NSƯT Hoài Huệ và những ký ức về vai Quang Trung  (09/03/2008)
Bên gốc mai xuân, ngẫm về “Lão mai quyền”  (09/03/2008)
Khi cả gia đình cùng trăn trở với bóng đá  (09/03/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (09/03/2008)
Phấn đấu đưa nền KT-XH của tỉnh phát triển nhanh và bền vững  (31/01/2008)
Vững bước vào xuân mới  (30/01/2008)