NHƠN AN:
Điểm sáng chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp
9:29', 9/3/ 2008 (GMT+7)

Nhơn An (An Nhơn) là xã thuần nông. Trong nhiều năm qua, địa phương này đã làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến nay, 100% diện tích đất sản xuất lúa của xã đã chuyển từ 3 vụ/năm sang 2 vụ/năm. Đồng thời, địa phương cũng đã đẩy mạnh việc xây dựng cánh đồng cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha từ nghề trồng hoa kiểng…

 

Nông dân xã Nhơn An (An Nhơn) tham quan mô hình chuyển đổi 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa ở địa phương.

 

* 100% diện tích lúa sản xuất 2 vụ/năm

Đã bao đời nay, người dân xã Nhơn An quen với việc sản xuất 3 vụ lúa/năm; tuy vất vả quanh năm nhưng cuộc sống vẫn khó khăn do năng suất lúa bấp bênh. Vậy mà như có phép lạ, chỉ sau một thời gian ngắn vận động nông dân chuyển đổi mùa vụ, và từ hiệu quả thực tế, toàn bộ 100% diện tích sản xuất lúa của xã đã được chuyển sang làm 2 vụ/năm. Nhờ vậy, công việc của nhà nông đỡ vất vả hơn, hiệu quả kinh tế lại cao hơn hẳn.

Năm 2006 là năm đầu tiên bà con nông dân Nhơn An sản xuất lúa 2 vụ/năm với cơ cấu giống lúa lai Nhị ưu 838, Xi 23, ĐB6, ĐV8, Q5, TBR1… áp dụng cho vụ Đông Xuân và vụ Thu với diện tích thực hiện 88 ha. Điểm đầu tiên thực hiện chuyển đổi là các thôn: Tân Dương, Thanh Liêm và Thuận Thái. Ngay từ đầu vụ, cán bộ khuyến nông xã đã tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho các hộ tham gia; trực tiếp theo dõi, hướng dẫn nông dân áp dụng đúng quy trình kỹ thuật...

Nhờ làm tốt các biện pháp chăm sóc lúa, bón phân, phun thuốc đúng lúc, đúng cách, cây lúa phát triển khá tốt, năng suất lúa đạt 75,5 tạ/ha/vụ, tính chung cả năm đạt 15 tấn/ha, so với sản xuất 3 vụ trên cùng chân đất và điều kiện thâm canh thì bằng nhau nhưng mức lãi ròng của sản xuất 2 vụ cao hơn 7,63 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Đôn Nghị, nông dân địa phương, so sánh: “So với sản xuất 3 vụ lúa, sản xuất 2 vụ chủ động được nguồn nước tưới, sử dụng các giống lúa dài ngày cho năng suất cao, né tránh được điều kiện bất lợi do thời tiết gây ra. Bên cạnh đó, nông dân còn được nhiều cái lợi: năng suất lúa tăng; chi phí đầu tư, công lao động giảm; nông dân có thời gian làm thêm nhiều nghề phụ; ruộng đất có thời gian nghỉ nên tăng độ phì nhiêu, tiêu diệt được mầm bệnh cho mùa vụ sản xuất sau”.

Ông Hồ Ngọc Châu, Chủ tịch UBND xã Nhơn An, cho biết: “Nhờ thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ trong năm 2006, sang vụ Đông Xuân 2007, toàn bộ 100% diện tích sản xuất lúa 3 vụ/năm đã được nông dân chuyển sang 2 vụ. Nông dân ở địa phương ngoài sản xuất lúa đã có thêm thời gian rảnh rỗi để phát triển trang trại, gia trại, kiếm thêm việc làm ở các khu công nghiệp… để tăng thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống”.

* Làng lúa, làng hoa

Nhiều năm qua, nghề trồng hoa và cây cảnh đã phát triển khá mạnh ở xã Nhơn An đem lại thu nhập khá cao cho người dân địa phương. Qua mỗi mùa Tết, người trồng hoa kiểng ở Nhơn An có thu nhập ước khoảng từ 5 - 6 tỉ đồng. Ông Hồ Ngọc Châu  cho biết thêm: “Trên địa bàn xã hiện có trên 1.000 hộ đầu tư trồng cây kiểng, nhất là trồng mai, bình quân mỗi hộ trồng từ 700 - 1.000 chậu. Hàng năm, cứ vào dịp giáp Tết, Nhơn An là nơi cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng chục ngàn chậu mai và cây kiểng các loại. Nghề trồng mai và hoa kiểng ở Nhơn An không những giải quyết việc làm lúc nông nhàn mà còn là một nghề làm giàu cho vùng quê này”.

Ông Nguyễn Văn Phú - một chủ vườn mai 3.000 chậu ở Nhơn An- cho biết: “Nhìn chung, việc trồng hoa mai và cây cảnh đã đem lại cho bà con nông dân một nguồn lợi kinh tế khá lớn. Cũng nhờ vào việc trồng hoa mà gia đình tôi có thu nhập khá cao, thoát được cảnh đói nghèo. Mỗi mùa Tết tôi bán mai và cây cảnh có thu nhập gần 100 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi hơn 60 triệu đồng”.

Ở Nhơn An số hộ trồng hoa mai và cây cảnh số lượng lớn ngày càng nhiều. Bác Đặng Xuân Ngữ - một nghệ nhân cây cảnh ở đây - cho biết: “Hiện tại tôi có hơn 3.000 chậu hoa mai và cây kiểng các loại. Tôi dám mạnh dạn đầu tư phát triển số lượng mai bởi đây là một loại cây trồng có giá trị kinh tế lớn; lại không phải lo về vấn đề tiêu thụ, nếu năm nào giá cả không ổn định thì mình để lại năm sau bán. Mà hoa mai càng lâu năm càng bán được nhiều tiền!”.

Đến làng hoa Háo Đức vào những ngày tháng Chạp, chúng tôi chứng kiến cảnh bà con nhộn nhịp tưới nước, bón phân, tỉa cành cho hoa và cây cảnh để chuẩn bị cho mùa Tết. Theo những người trồng hoa và cây cảnh ở đây cho biết, trồng mai và cây cảnh đã khó, trồng đúng thời điểm, hãm cho hoa nở đúng vào dịp Tết lại càng khó hơn. Các khâu như cắt, tỉa, ghép lại càng không dễ dàng tí nào, đòi hỏi người trồng phải tỉ mỉ, kỹ lưỡng, có kinh nghiệm và khiếu thẩm mỹ mới mang lại kết quả mỹ mãn; vừa là thú chơi nghệ thuật, vừa mang lại giá trị kinh tế lớn...

  • Nguyễn Hân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hương xuân ở những mái ấm mồ côi  (09/03/2008)
Làng “nối” hai tỉnh  (09/03/2008)
Chị và em và... người tình  (09/03/2008)
Mồng một tết cha…  (09/03/2008)
Thơ  (09/03/2008)
Eveline  (09/03/2008)
Chống nguy cơ học sinh bỏ học  (09/03/2008)
Một hành vi phải nghiêm trị  (09/03/2008)
Mỹ có thật sự mang lại ổn định cho Baghdad ?  (09/03/2008)
Phô diễn vẻ đẹp làng nghề truyền thống  (09/03/2008)
Makara trong điêu khắc Chămpa  (09/03/2008)
NSƯT Hoài Huệ và những ký ức về vai Quang Trung  (09/03/2008)
Bên gốc mai xuân, ngẫm về “Lão mai quyền”  (09/03/2008)
Khi cả gia đình cùng trăn trở với bóng đá  (09/03/2008)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (09/03/2008)